Sub Label Menu bars



Mây và Gió

 Mây và Gió


Nguyễn Ngọc Duy Hân


Tình yêu trong thơ Xuân Diệu đã được diễn tả như sau:

"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu"… trong đó mây và gió được nhắc tới, để thấy hai "nhân vật" này khá quan trọng. Quả vậy, hằng ngày nhìn lên cao chúng ta sẽ thấy mây, chung quanh ít nhiều cũng có những ngọn gió. Mây và gió góp phần mang lại không khí trong lành để thở, là đề tài cho văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ nhắc tới thường xuyên. Hồi xửa hồi xưa ông bà ta đã biết phe phẩy cái quạt mo để có gió mát. Chuyện trên giường thì ông bà ta gọi là chuyện mây mưa. Khi có người tới thăm, người ta hỏi văn hoa "không biết ngọn gió nào lại đưa anh tới đây?!" Tuy nhiên, với sự biến đổi khí hậu và các việc làm do con người gây ra, mây và gió đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể.  Mây thường mang đến mộng mơ, lãng mạn, trong khi gió thường biểu hiện sự mạnh mẽ và khó khăn phải đương đầu, cho biết cuộc sống không hề ổn định mà luôn có sóng gió. Mây và gió cũng cho chúng ta bài học về sự kết nối để hòa mình với thiên nhiên, trân trọng và bảo vệ nó. Hôm nay gió mát, mây cao mời bạn cùng tôi tìm hiểu đôi chút về hai chủ đề này nhé. 


Mây và gió là hai yếu tố thiên nhiên quan trọng và có liên quan đến nhau. Các nhà khoa học giải thích mây được tạo ra bởi sự thăng hoa và ngưng tụ của hơi nước trong không khí, được quy định bởi độ ẩm, nhiệt độ và áp suất khí quyển. Sức gió làm cho các hạt nước này phân tán và làm thành các đám mây khác nhau. Sức gió có thể thay đổi hình dạng và vị trí của các đám mây, làm ảnh hưởng đến khí hậu và thời tiết của một khu vực. Gió cũng là nguyên nhân gây ra các hiện tượng như bão, sóng biển, động đất, làm gãy cây, tàn phá hoa màu, hoặc thổi bay các động vật nhỏ khỏi môi trường sống. 

Mây có màu sắc khác nhau do tác động của ánh sáng mặt trời khi chiếu qua chúng. Mây thường có màu trắng hoặc xám, tuy nhiên, các yếu tố khác như các hạt bụi, các chất hóa học trong môi trường có thể làm mây có các màu xanh, nâu, vàng, cam, tím hoặc đỏ. 



Đó là cái nhìn của khoa học, còn trong văn thơ, mây và gió thường được sử dụng để miêu tả tình cảm và cảnh vật. Dưới đây là một số câu hò liên quan tới mây và gió:

"Gió đưa cành chuối la đà..."

" Gió mùa thu mẹ ru con ngủ..."

"Mây về đông, gió về xuân...".

Ông bà ta cũng hay ví von, đời lên hương như diều gặp gió.

Trong Truyện Kiều, mây và gió được sử dụng để miêu tả cảnh vật và tình cảm của nhân vật, mang đến cảm giác buồn sầu, bi thương. Cố thi hào Nguyễn Du đã có rất nhiều câu thơ miêu tả về mây và gió, ví dụ:

"Trời hôm mây kéo tối rầm"

"Mặc người mưa Sở, mây Tần"

"Nỗi sầu vời vợi như mây." 

"Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da".

"Tóc mây một món dao vàng chia đôi".

"Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu?"

"Gió hiu hiu thổi một vài bông lau".

"Gió chiều như gợi cơn sầu"

"Thấy hiu hiu gió thì hay chị về".

"Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh"... nhiều lắm, có thể cả trăm chữ mây và gió đã có mặt trong chuyện Kiều.


Trong Kinh Thánh Công Giáo, cũng có nhiều câu liên hệ tới mây và gió để miêu tả sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, ví dụ:

"Người nói với gió và biển: Hãy im lặng! Và gió lớn biến mất, biển trở nên yên bình." (Mark 4:39)

"Có lúc nhiều gió đã phá tan đá núi ở trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng Đức Chúa Trời không có ở trong gió đó. Sau gió có một trận động đất, nhưng Đức Chúa Trời không có trong trận động đất đó." (1 Kings 19:11-12). 


Về nhạc thì có rất nhiều bài hát Việt Nam nhắc tới mây vào gió. Chẳng hạn ca khúc Hòa Bình của nhạc sĩ Phạm Đình Chương: "Mây trời xanh, đồi cát trắng, hòa bình đến muôn nhà".

"Gió Vẫn Hát" là một bản nhạc do Phạm Duy sáng tác, nhắc đến gió như một thanh niên tràn đầy năng lượng. Trong bài Cát bụi cuộc đời, tác giả Phạm Duy cũng có câu "Cát bụi cuộc đời, gió cuốn đi trôi, như ánh mây tạm, như giấc mơ hão huyền", thể hiện sự lưu luyến và buồn tủi của con người trước cuộc đời.  

Trịnh Công Sơn thì nói về đề tài này rất rõ rệt, chẳng hạn bài hát nổi tiếng với tựa đề "Để gió cuốn đi". Trong bài Phôi pha, ông đã ví von: "Đời người như gió qua .... Về lại nơi cuối trời... làm mây trôi"

Ông cũng tâm sự: "Tôi đã yêu em trong mùa gió" và "Trời ươm nắng cho mây hồng, mây qua mau em nghiêng sầu... Em đến thăm mây âm thầm mang gió lên"

Ông cũng ru "Ngủ đi em tóc gió thôi bay". Trong bài Hạ trắng, ông đã thấy "Lối em đi về, trời không có mây..." hoặc "Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời", hay "Cho mây hờn ngủ quên trên vai".


Bài nhạc ngoại quốc Mây lang thang, lời Việt do Nam Lộc soạn cũng rất được nhiều người yêu thích: "Mây, sao còn bay mãi không quay về đây, sao còn lờ lững che ngang rừng cây..." 











Sau nhạc thì phải nói tới thơ, các thi sĩ có không biết bao nhiêu là bài nói tới mây và gió. Tôi chỉ xin nhắc tới vài bài thơ cổ, chẳng hạn cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết đại ý: "Gió đưa muôn sự khó quên, Ngàn năm nỗi nhớ lưu dần trong đời".

Trong Thiên hạ đệ nhất thi, vua Lê Thánh Tông đã hạ bút: "Mây đen bức ngực chẳng lay, Gió dông bạt mái cũng bay áo dài".

Nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi đã có bài Hoa tiên sinh: "Giăng kín mắc mấy lối xanh, Cùng mây, gió, giấc liền tình xa nhau". 

Nhà thơ cổ Nguyễn Công Trứ thì viết trong bài thơ Chí làm trai: "Đường mây rộng thênh thênh cử bộ" .

Trong bài Hạnh phúc của thi sĩ Tản Đà, ông đã nhắc: "Mây trắng bay giữa trời xanh, gió về khuất bóng đáy nhan sơn ngân".

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Thôn quê đã viết: "Một ngày trời quang, mây vờn gió lay". Bà cũng viết: "Mùa hè hây hẩy gió nồm đông" hoặc "Mấy độ gió nồm, mấy độ mưa rào".


Về phim ảnh chắc hẳn bạn đã đọc hoặc xem phim "Cuốn theo chiều gió" (Gone with the Wind) của nữ văn sĩ người Mỹ Margaret Mitchell. Đây là câu chuyện mà qua đó người ta có thể nhìn thấy lịch sử nội chiến Mỹ. Chuyện xoay quanh tình yêu giữa nhân vật nữ Scarlett O'Hara và Rhett Butler. Tựa đề tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió" được lấy từ câu hát trong bài hát "My Love is Like a Red, Red Rose" của nhà thơ người Scotland - Robert Burns. Tôi đã từng đọc say mê nhiều lần bộ chuyện này, nhưng hiện trong trí nhớ nhỏ nhoi, thì chỉ còn nhớ lõm bỏm vài chi tiết là vòng eo của cô Scarlett nhỏ lắm, thắt lại bất thường như vòng eo của con kiến. Cô đã từ một tiểu thư khuê các vì hoàn cảnh khó khăn thời kỳ bên Mỹ còn chế độ nô lệ phải "cuốn theo chiều gió" để sinh tồn.


Trong các chuyện kiếm hiệp của Kim Dung, ông cũng thường đề cập đến mây và gió như "mây phủ kín trời", "gió lạnh lẽo", "gió mát thổi qua" để diễn tả cảnh tượng gây hấp dẫn cho độc giả trong các buổi thi thố tài năng của các nhân vật trong chốn giang hồ.

Một môn võ công quen thuộc là "Đằng Vân", tức là cỡi mây bay là là khi dùng khinh công. Sất Trá Phong Vân là 4 chữ ý nói hét lớn cho mây gió nổi lên, thể hiện uy lực của người võ công thượng thừa. Bộ chuyện Long Hổ Phong Vân, tức là rồng và cọp bay trên mây, được tác giả Cổ Long kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật chính Đoàn Thanh Liêm, là con trai của Đoàn Dự. Sau khi cha mất, Thanh Liêm bị kẻ thù truy đuổi và phải trốn khỏi quê hương, phải trải qua nhiều cuộc phiêu lưu và đấu võ để bảo vệ mạng sống và danh dự. Nhân vật nữ chính trong chuyện này là cô gái xinh đẹp Lưu Lệnh Hàn.


Nói tới gió thì cũng phải nhắc tới gió nhân tạo, tức là cái quạt máy. Một số hiệu quạt máy nổi tiếng như Dyson, Panasonic hay Mitsubishi Electric có giá rất cao. Với cái nóng của Việt Nam hay các nơi trên thế giới, máy lạnh để điều hòa không khí cũng rất cần.


Câu nói "Than mây khóc gió" được sử dụng để diễn tả sự buồn bã, cô đơn của con người, lấy hình ảnh của mây đang trên bầu trờ bị gió đẩy đi xa. Nhưng nhiều người tích cực hơn, không than thở mà diễn tả tâm tình khi mây và gió gắn liền với nhau, mang theo hy vọng và ước mơ viên mãn của tình yêu, của sự phát triển tốt đẹp trong cuộc sống. 

Qua thực tế, mây gió có thể gây ra nhiều tai nạn cho máy bay, đặc biệt là khi thời tiết xấu, gió mạnh và mây đặc. Người ta ghi nhận một số vụ tai nạn máy bay được cho là do mây gió gây ra, đầu tiên là vụ tai nạn trên chuyến bay Air France số 447 năm 2009, chiếc máy bay đã rơi xuống Đại Tây Dương khi đang bay từ Rio de Janeiro, Brazil đến Paris, Pháp. Phi hành đoàn đã bỏ qua lời cảnh báo về cơn bão, nên 228 người đã thiệt mạng.

Kế tới là chuyến bay Asiana Airlines # 214 năm 2013, đã rơi xuống sân bay San Francisco do gió lớn và mây đặc làm 3 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương.

Chuyến bay Malaysia Airlines MH370 năm 2014 đã mất tích khi đang bay từ Kuala Lumpur, Malaysia đến Beijing, Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng mây gió đặc đã góp phần khiến 239 người thiệt mạng.


Sách vở cũng có ghi lại tên của một số phi công nổi tiếng trong lịch sử, chẳng hạn Amelia Earhart. Cô được biết đến như là nữ phi công đầu tiên bay một mình trên đại dương, cũng là người đầu tiên bay quanh thế giới trên một chiếc máy bay nhỏ vào năm 1937. 


Kế tới là Charles Lindbergh, phi công đầu tiên bay trực tiếp từ New York đến Paris vào năm 1927.

Chuck Yeager là phi công Mỹ đầu tiên vượt qua tốc độ âm thanh vào năm 1947.

Yuri Gagarin, người Nga đầu tiên đạt được chuyến bay vòng quanh vũ trụ năm 1961.

Neil Armstrong là phi công Mỹ đầu tiên đặt chân lên mặt Trăng vào năm 1969.

Ngoài ra còn rất nhiều phi công khác nổi tiếng trong lịch sử hàng không như Orville Wright, Wilbur Wright, Bessie Coleman, Antoine de Saint-Exupéry, Eddie Rickenbacker....

Mới đây chúng tôi có cơ hội gặp Linh Mục Hải Đăng, người sáng lập nhóm Linh Ca tức nhóm các linh mục hát thánh ca rất nổi tiếng, cha là Đại Úy trong không quân Hoa Kỳ, giỏi chưa. Ngành phi công thì cũng có khá nhiều người Việt nổi tiếng, khét tiếng thì có phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ.


Mây không phải ở thể rắn, cứng, nhưng trong văn hóa dân gian cũng đã có nhiều chuyện kể về việc cưỡi mây của các nhân vật thần thoại. Trong bộ sách Trung Hoa Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, có truyền thuyết về Công Tôn Sách được cho là có thể cưỡi mây lướt gió. 


Không hiểu sao người Việt mình lại dùng chữ "trúng gió" thay vì bị đột quỵ. Gió này chắc phải độc lắm! 

"Cạo gió" là một phương pháp trong y học cổ truyền của Trung Hoa mà người Việt chúng ta rất hay xài, đó là cách chà xát trên da để kích thích lưu thông máu huyết trong cơ thể. Phương pháp này cũng có những rủi ro nếu không thực hiện đúng cách.  Tôi có người chị từng một thời ghiền cạo gió, không cần cảm bệnh, chỉ thấy "buồn buồn" là nhờ người cạo hoặc tự cạo, giữa hai chân mày chị lúc nào cũng có lằn đỏ do "bắt gió", còn chung quanh cổ thì bầm đỏ.  Ở hải ngoại mà cổ cứ như thế này thì chắc sẽ bị cho là ông chồng đã bạo hành!


Trước giờ tôi cứ nghĩ mây nhẹ nhàng để bay lang thang nhưng mây có thể rất nặng, chẳng hạn Cumulonimbus có thể nặng đến hàng tấn và chứa lượng nước khổng lồ, gây ra hiện tượng mưa to và bão lớn. Còn các loại mây nhẹ như Cirrus hay Stratus, chỉ nặng vài gam đến vài chục kilogram.


Vấn đề đặt ra là nếu không có mây thì sao? Điều đầu tiên là chúng ta bị mất đi một nguồn cung cấp nước quan trọng. Khi mây không còn, khí hậu sẽ trở nên khô hạn hơn, đặc biệt là ở các vùng khô cằn và sa mạc.

Ngoài ra, mây giúp cản trở ánh sáng mặt trời, làm giảm sự tiếp xúc của bức xạ nhiệt đến bề mặt trái đất, giúp nhiệt độ trung bình trên toàn cầu có mức ổn định hơn. 


Đo mây nặng nhẹ xong thì xin bàn tới chuyện gió. Có nhiều phương pháp đo tốc độ gió, thông dụng thì có cánh quạt anemometer. Thiết bị này bao gồm một số cánh quạt hoặc lưỡi dao gắn trên trục quay, khi gió thổi qua, trục sẽ quay và đo được tốc độ gió theo số vòng quay trên đơn vị thời gian.

Người ta cũng sử dụng sóng âm siêu cao đo thời gian đi qua gió của sóng âm, từ đó tính ra tốc độ gió. Cảm biến áp suất hoặc cảm biến nhiệt cũng được dùng để đo tốc độ gió, dựa theo nguyên tác đo nhiệt độ của không khí và so sánh với nhiệt độ môi trường, từ đó tính ra tốc độ gió. Tức là người ta đo gió mạnh hay nhẹ, chứ không cân xem chúng nặng bao nhiêu.


Hồi còn bé chắc bạn đã đọc qua câu chuyện ngụ ngôn về thần gió và bác mặt trời, kể về cuộc thi đua giữa gió và mặt trời. Chuyện về một người đàn ông mặc áo khoác dày dù thấy nóng nhưng không muốn cởi áo ra. Thần gió bắt đầu trước bằng cách thổi mạnh vào người đàn ông, nhưng ông càng phải giữ chắt chiếc áo, không để gió thổi bay. Đến lượt bác mặt trời, bác chiếu thêm sức nóng âm ỉ làm cuối cùng ông ta phải cởi bỏ chiếc áo khoác ra cầm tay cho mát. Câu chuyện này cho chúng ta thấy sự kiên nhẫn, dịu dàng thường có kết quả tốt hơn sự áp đảo, đè nén. 


Trong thực tế, các cơn lốc lớn gây ra nhiều thiệt hại tổn thương cho con người, có khi bị thương tích hoặc mất mạng. Có lần tôi đang đi bộ mà gặp cơn gió lớn, có cảm giác mình sắp bị cuốn bay lên cao dù số ký cũng không phải là loại mình hạc xương mai, cảm giác lúc ấy thật là quá sợ, thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên quá sức. Những cơn lốc lớn thường gây ra động đất hoặc lở đất, làm hư hỏng, đổ sập các tòa nhà, gây ra ngập lụt hoặc đánh chìm các tàu thuyền, gây cúp điện, ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông. Lốc xoáy lại có thể phá hủy nông nghiệp, gây thiệt hại đến gia súc, làm thiệt hại đáng kể về kinh tế như làm gián đoạn sản xuất, giao thông và du lịch.


Thôi, tôi xin tạm dừng bài tản mạn ở đây, xuống câu vọng cổ để chào tạm biệt các bạn. Bây giờ tuổi đã có, hay suy nghĩ lung tung. Bạn tôi bảo tuổi 60 trở lên là tuổi thần tiên. Tuổi này không phải là tuổi thơ ấu như bài hát "Tuổi Thần Tiên" của  Phạm Duy chỉ biết mơ mộng, không lo âu, mà là tuổi gần đi gặp thần tiên trên trời rồi. Mỗi năm birthday sinh nhật là "bớt" day, bớt đi ngày sống và đang gần đến con đường gặp thần Chết, nên người ta khuyên mình nên suy nghĩ, thay đổi để chính mình và người chung quanh có cách sống tốt đẹp, dễ chịu hơn. Một trong những cách đó là ngẫm nghĩ về các kinh nghiệm đời sống, quy luật thiên nhiên. Thật vậy, "mother nature" luôn đem lại cho chúng ta những bài học quý giá về sự sống và cách tồn tại. Mây và gió là hai yếu tố trong thiên nhiên mà con người thường xuyên phải đối mặt và học cách sống cùng chúng. Chúng ta cần học cách chấp nhận sự thay đổi, thích ứng với những tình huống khó khăn và tìm cách để giải quyết chúng, thay vì "than mây khóc gió" thì cần thực tế, dùng đầu óc để đạt được mục tiêu. 

Mây và gió là món quà mà thiên nhiên ban tặng, khiến cho cuộc sống trở nên đa dạng và tuyệt vời, vậy xin hãy đón nhận và trân trọng chúng.


Nguyễn Ngọc Duy Hân




No comments:

Post a Comment