Sub Label Menu bars



Hoa học trò

Chuyện ngắn viết về tình yêu học trò 


 Hoa học trò

Đứa bé khoảng 6 tuổi lạc bố mẹ khóc sướt mướt, anh dừng lại vỗ về, cố hỏi xem ba má của em là ai. Đôi mắt to đen ngây thơ rất quen thuộc, cái trán cao bướng bỉnh gợi nhớ một cái gì đó mà anh không rõ. Bé gái sợ hãi khóc to hơn, anh bắt đầu lúng túng chưa biết phải làm sao. May thay người mẹ chạy tới, ôm chầm lấy con rồi quay sang cám ơn anh. Bốn mắt nhìn nhau kinh ngạc, anh buông rơi chiếc túi xách trên tay xuống đất, run rẩy nhìn cô. Phải rồi, chính cô đó, bằng xương bằng thịt dù có chút thay đổi. Cô cũng chưng hững nhìn anh, miệng mấp máy không nói nên lời.


Họ đang tham dự Đại hội Thánh Mẫu tại Missouri, tháng 8 năm nào cũng có năm, bảy chục ngàn người, có khi cả trăm ngàn người Việt Nam khắp nơi trên thế giới hội tụ về. Họ cắm trại hoặc ở các khách sạn chung quanh, cùng nhau hợp đàn học hỏi, cầu nguyện và biểu lộ niềm tin yêu nơi Chúa và Mẹ Maria. Nhiều thân nhân, bạn bè khắp nơi đã gặp gỡ nhau tại đây, nhưng chưa bao giờ anh tưởng tượng được có ngày anh sẽ gặp lại cô. Vẫn mái tóc mềm ngang vai, vẫn đôi mắt to đượm buồn, vẫn vóc dáng mong manh tội nghiệp.
Giây phút xúc động trôi qua, anh cố gắng bình tĩnh gợi chuyện:
- Bây giờ em ở đâu?
- Lều của gia đình em ở khu C gần đây
- Không, ý anh hỏi em định cư ở nước nào?
- Dạ... Đức, đây là lần đầu tiên tụi em tới đây, nhân dịp đi đám cưới người cháu. Anh bây giờ ra sao?
- Anh vẫn khỏe, có hai con trai, có thể làm sui với em.
Cô mỉm cười, nụ cười hiền nhưng không kém phần tinh anh, láu lỉnh. Ngày xưa .... ngày xưa chứ còn gì nữa, dòng thời gian rất dài nhưng tất cả vẫn chưa phai mờ trong tâm tưởng ....

Anh gặp cô lần đầu trong buổi học quân sự của trường Đại học Sư phạm. Sinh viên Xã hội Chủ nghĩa rất khổ sở gò bó, bước chân vào trường đầu tiên là học chính trị, quân sự. Những động tác cơ bản như đi diễn hành, tập bắn súng thôi nhưng cô rất lúng túng. Cô không có khiếu về thể dục, quân sự. Chân trái cô đi lộn qua chân phải, tay đánh lung tung khổ sở. Cô đi cùng hàng với anh, mắt cứ liếc qua bên anh để bắt chước từng chút một:
-Anh giữ đúng nhịp hay quá!
Ngày đầu tiên cô đã gọi anh bằng anh và xưng em ngọt ngào, dù cả hai học cùng lớp. Có lẽ vì anh nhìn già trước tuổi, mà thật sự anh lớn hơn cô. Anh thi rớt Đại học Kiến trúc hai năm, phải chuyển qua Sư phạm vì tiêu chuẩn dễ hơn. Cô lại thông minh học nhảy lớp, chọn Sư phạm vì thích làm cô giáo. Họ học cùng lớp, chỉ vài tháng là gần gũi và kết thành một nhóm bạn thân thiết. Tuổi hoa mộng mới lớn nhưng hoàn cảnh gia đình, đất nước sau 30 tháng 4 thật là đen tối, nghèo khổ mất tự do, nhưng nhờ thế họ dễ hiểu nhau hơn, thương nhau hơn. Cô là em út trong nhóm, bạn bè thầy cô ai cũng thương mến. Cô nhạy cảm nhưng thông minh lanh lẹ, luôn để ý chăm lo cho người khác hơn cho chính mình, có lòng yêu nước và vị tha đáng quý. Cô cũng có óc khôi hài, luôn có những ý tưởng ngộ nghĩnh, duyên dáng. Cô là trung tâm của đám đông, chỗ nào có cô thì nhộn nhịp vui vẻ hẳn lên. Khi cần phải tổ chức chuyện gì, cô đều xông xáo đứng ra giữ một phần trách nhiệm. Cô xinh xắn ngay lành, yêu thơ mến nhạc, đạo đức sốt sắng. Anh và cô hay đi lễ nhà thờ Đắc Lộ Saigon để nghe ca đoàn Trẻ hát.

Những buổi trưa giảng đường oi nóng, anh ngồi sau lưng ngắm cô ghi chép, tóc cột sợi giây thun lộ cái cổ cao gầy guộc làm anh nghĩ đến bài hát Như Cánh Vạc Bay của Trịnh Công Sơn. Cô chăm học, giỏi đủ các môn. Anh lười biếng chỉ giỏi toán, bỏ bê các bộ môn chính trị, tâm lý giáo dục. Anh đâu có muốn làm thầy giáo. Anh chỉ đi học vì không còn chọn lựa nào tốt hơn, không muốn bị phường khóm khó dễ hoặc bắt đi Nghĩa vụ quân sự. Họ hay ở lại trường sau các giờ học để nói chuyện thơ văn, lén hát nhạc vàng. Anh có tài đàn hát, cô có tài làm thơ. Anh cũng từng vụng về phổ nhạc thơ của cô, tuy vậy bạn bè vẫn khen rối rít.

Đến năm thứ hai, anh và cô được đi tham quan tỉnh Đồng Tháp, thăm mộ Nguyễn đình Chiểu với cả trường. Ít khi nào bọn anh được đi chơi xa, lần này tất cả đều náo nức vui vẻ. Xe đò chở họ đến nơi, ở tập thể, ăn cơm tập thể. Tuổi trẻ được xa gia đình đi chơi với nhau thật là một kỷ niệm khó quên. Anh mượn được của người bác chiếc máy chụp hình, hăng hái chụp lung tung. Và may mắn hơn, anh vô tình chụp được tấm hình cô ngồi tư lự bên sườn đồi đầy hoa cúc trắng. Hoa này còn gọi là hoa học trò - bé nhỏ nhụy vàng cánh trắng nở dại khắp nơi rất thơ mộng. Tấm ảnh sau này được rọi lớn và chưng ở tiệm chụp hình của bác anh, cũng được nhiều bạn bè trầm trồ. Nó lột tả được sự cô đơn quạnh vắng, nỗi niềm thao thức của tuổi trẻ thời đại. Mắt cô u buồn nhìn xa xăm, chân bó gối, tay buông thõng cam chịu. Tấm ảnh không phai mờ trong ký ức anh. Những bông học trò luôn ngoan hiền cánh trắng chập chờn trong tiềm thức. Anh không dám nhận mình đã yêu cô. Trong nhóm có lẽ cũng chưa ai có can đảm nghĩ đến chuyện đó, họ chỉ thương nhau, chia sẻ chăm sóc nhau trong một tình bạn chân thật, khờ khạo, cho đến khi cô bắt đầu đi chơi riêng với thầy Phùng. Thầy Phùng là thầy hướng dẫn lớp bên cạnh, đã tinh mắt để ý cô và được cô để ý. Thầy còn trẻ, không phải từ miền Bắc vào, cao ráo đẹp trai hàm răng trắng bóng, đầy đủ tiêu chuẩn để tán cô. Khi biết chuyện tim anh bỗng nhói đau, nhưng không đủ can đảm để nói một lời. Anh vẫn âm thầm chăm sóc trò chuyện với cô, cố gắng xem cô như một người em nhỏ. Thằng Tài chắc cũng để ý đến cô, bực bội lên tiếng:
-Em khờ quá, tao coi tướng thấy thầy Phùng đểu giả không khá, em thông minh sáng láng như vậy mà không nhận ra được điều này, tiếc thật!
Anh không đồng ý với Tài, so với đám học trò nghèo khờ khạo lớp anh, thầy Phùng quả là xứng đáng.

Cho tới một ngày cô chạy tới tìm anh, khóc như mưa như gió. Cô úp mặt vào vai anh, run run nói trong nước mắt:
-Thầy Phùng tệ lắm, thầy đã bỏ em đi với người khác. Chị này giàu lắm, đã bao cả nhà thầy đi vượt biên...
Cô xanh xao, mắt trũng sâu buồn phiền, giọng khan tiếng được tiếng mất. Có lẽ vì khóc nhiều, vì cảm bệnh nên cô quặn ruột ôm lấy bụng. Anh hoảng hốt:
-Thầy Phùng đã làm gì em? Em có bị ... trở ngại gì không?
Một tư tưởng chạy nhanh trong đầu óc anh, nếu cô lỡ mang thai với thầy Phùng, anh sẽ sẵn sàng đứng ra bảo bọc cô, anh thành thật đến vụng về:
-Nếu em có bầu, anh sẽ đứng ra lo cho em.
Nhưng cô tròn xoe mắt trả lời:
-Em làm sao dám để chuyện đó xảy ra? Không ai có thể đụng được tới em trừ khi người đó là chồng em.
Anh thở phào nhẹ nhõm. Anh đã trưởng thành, đã biết làm nhạc thất tình và nếm mùi thất tình. Anh không khờ khạo nữa, anh cần chăm sóc cô, an ủi cô và nói cho cô biết anh thương cô. Anh tin họ có thể làm lại từ đầu, anh tin trong nhóm bạn, anh là người cô yêu thương tin tưởng nhất. Tình yêu câm lặng là tình yêu dại dột, có những cơ hội mà khi vượt qua tầm tay, sẽ không bao giờ trở lại nữa. Điều này sẽ không xảy ra thêm, anh đã có quyết tâm.

Thế nhưng chỉ một tuần sau, không ai thấy cô xuất hiện trong trường. Sau này anh mới biết cả gia đình cô đã đi vượt biên, và không còn nghe tin tức gì nữa.

Hai năm sau, anh ra trường và cũng bỏ dạy học để trốn ra nước ngoài. Anh không thích nghề giáo từ đầu, hơn nữa dạy học ở trường Cộng Sản rất mệt, đủ thứ thi đua, học tập chính trị gò bó khó khăn.
Đến Mỹ hơn mười năm sau anh lập gia đình, vợ anh là người hiền lành bình dị. Chồng của cô cũng thế, hiền lành đơn sơ. Một trùng hợp buồn cười là anh và cô đám cưới cùng ngày cùng tháng dù không ai liên lạc với ai. Tim anh bỗng nhói đau, đám cưới cùng ngày nhưng sao lại khác đôi?



Mấy ngày ở Đại hội thật vui, hai bên gia đình thấy thật gần gũi thân mật, kể cả mấy đứa con. Tối hôm đó anh và cô lại tình cờ gặp nhau khi đi đổ rác tại khu vực trong trại, cô dịu dàng hỏi anh:
-Anh còn nhớ tấm hình anh chụp em trên đồi hoa học trò không?
Anh biết cô vẫn nhớ - Cô luôn để ý, nhậy cảm khôn khéo.
- Làm sao anh quên được, không bao giờ kỷ niệm cũ tàn phai…

- Em cũng nhớ trường, nhớ ngày xưa, nhưng hãy vui trong bổn phận, gia đình. Xã hội xoay vần, hoàn cảnh đưa đẩy, làm sao chống trả được định mệnh?
Anh cũng biết chứ, anh biết sợ Chúa, biết phải biết trái, biết yêu thương vợ con. Anh chỉ không quên được hình ảnh đẹp của cô trong tâm khảm. Anh và cô ngồi tâm sự, nhắc lại những kỷ niệm, thầy cô bạn bè cũ, dòng sông ký ức trôi bồng bềnh trong trí nhớ. Cô vẫn như xưa: dịu dàng đằm thắm, sâu sắc. Cô vẫn là người hoàn toàn dưới cái nhìn của anh, là bó hoa học trò đầy hương sắc mà anh yêu mến. Chồng cô thật là người có phước đã cưới được cô. Anh lúc nào cũng là người đi chậm một bước. Phải chi ngày ấy anh khôn ngoan hơn, biết tỏ lộ tình cảm mình. Phải chi cô đừng bỏ trường đi vượt biên bất ngờ, phải chi anh gặp cô sớm hơn tại hải ngoại này....

Anh bỗng giật mình, thấy mình có lỗi với vợ con, với Chúa. Trước bàn thờ ngày cưới, anh đã thề hứa yêu thương nâng đỡ vợ anh hết tình, vợ anh chính là người anh đã chọn lựa, không ai ép uổng và không có lỗi gì. Vợ anh vẫn hồn nhiên tin tưởng, luôn miệng khen cô và muốn giữ liên lạc với cô sau khi rời Đại hội.
Anh vội vã chia tay cô, quýnh quáng trở về lều của mình giúp vợ dọn dẹp. Anh chăm chỉ rửa chén như một hành động tạ lỗi với tâm hồn giao động. Anh chà xát kỹ lưỡng, bọt xà bông bay bay.
Ngẫu nhiên thay, mớ chén plastic vợ anh mua đem đi cắm trại lại có in hình những đóa hoa học trò trắng nổi trên nền tím. Trong bọt xà bông, những cánh hoa trắng lung linh chập chờn......

Nguyễn Ngọc Duy Hân

No comments:

Post a Comment