Sub Label Menu bars



Tâm tình Hội Ngộ Văn Bút Nam Hoa Kỳ cuối tháng 3, 2025

 Tâm tình Hội Ngộ Văn Bút Nam Hoa Kỳ cuối tháng 3, 2025

Chương trình hội ngộ của Văn Bút Nam Hoa Kỳ đã được chuẩn bị cả năm về trước, khi ông xã tôi còn sống. Anh đã hứa với ông chủ tịch Yên Sơn là sẽ đi Texas phó hội vào tháng 3. Tiếc là do bệnh phổi, ông xã đã qua đời, còn lại một mình, tôi ngần ngại chẳng muốn đi vì đi cũng chẳng vui.

Thế nhưng khi anh Phạm Khắc Trung chia sẻ anh rất muốn đi Texas gặp thân hữu, coi như ước mơ cuối đời mà thị lực kém quá, thì tôi lại nổi máu hành hiệp, hứa sẽ dắt anh đi. Vấn đề là một bà góa yếu đuối khờ khạo - sinh ra ở Tây Ninh gần Khờ-me nên nhiễm máu khờ - và một ông khiếm thị dắt díu nhau, chẳng biết có tới nơi được không, nên tôi năn nỉ một chị bạn cùng đi để ca bài "chúng mình 3 đứa".

May mắn thay, từ Toronto Canada chúng tôi đã đến Houston Hoa Kỳ bằng an vui vẻ.

Chương trình có 2 buổi gặp gỡ, buổi tiền hội ngộ vào thứ bảy 22 tháng 3, 2025 tại HV Dance Club và ngày gặp gỡ chính thức tại Chateau de L'amour - Kim Sơn vào Chúa nhật hôm sau. Cả hai buổi họp mặt đều có kết quả rất tốt, vừa đông vui vừa ý nghĩa.

Được biết Văn Bút Hải Ngoại là cơ quan pháp lý duy nhất của Việt Nam Cộng Hòa còn được chính thức đứng tên trên thế giới. Tuy có nhiều rắc rối nhưng ít nhất cũng chứng minh được rằng "Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây" và tinh thần "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" của cụ Nguyễn Đình Chiểu vẫn luôn được giữ vững.

texas (4).JPG

Đặc biệt trong ngày hội, Văn Bút Nam Hoa Kỳ đã phát hành Tạp Chí Tin Văn # 41, số đặc biệt mùa Xuân 2025. Kiên trì cho ra 41 cuốn sách của các hội viên trong thời gian dài không phải là chuyện dễ, xin chân thành cảm ơn Văn Bút Nam Hoa Kỳ.

Các tác phẩm của chị Linh Vang là Bến Bờ Hạnh Phúc và Sau Cơn Mưa; Lòng Biển của Ngô Sỹ Hân và tập thơ Lời Ru Tình Muộn của Như Phong cũng được giới thiệu, tặng cho Trung Tâm để gây quỹ.

Thức ăn và văn nghệ thì thật phong phú, các ca sĩ đã tránh ăn "cá kho" để khỏi bị "khó ca" nên hát thật hay. Dịp này cũng là cơ hội để mọi người gặp gỡ làm quen với nhau, thi thố tài năng. Gặp thì phải gỡ, gỡ rối tơ lòng ấy mà!

Nói tới thức ăn thì tham ăn như tôi rất hào hứng, số là trước 2 ngày hội ngộ chính thức, nhóm Toronto và các hội viên ở xa đã được gặp nhau tại nhà hàng buffet Kim Sơn và Phở Ngon ở Houston, cũng như một số nhà hàng khác. Từ lâu rồi tôi đã xem video về nhà hàng ăn "bao no" Kim Sơn. Tiệm Buffet Tàu, Ý, Ấn, Tây... thì khắp nơi, nhưng buffet toàn thức ăn Việt Nam thì chắc là chỉ có một cái Kim Sơn này. Tôi như lạc vào mê hồn trận, nào là bún, phở, cháo lòng dồi, nào là cơm, rau, thịt, cá, các món đặc sản và nhất là chè bánh đủ loại, có khi có nước mía nữa. Tôi vốn hảo ngọt, nên cứ chè bánh mà ăn. Riêng anh Phạm Khắc Trung thì bị "dũa" vì đi buffet mà chỉ ăn tượng trưng vài món cho có, thật là uổng tiền. Bao tử tôi vốn chẳng tốt lành gì, nhưng vì đam mê nên coi như cũng lấy lại được vốn! Được ăn, được nói (tiếc là không được gói mang về), xin cảm ơn quý văn hữu ở Houston đã cho những kỷ niệm đẹp, sẽ nhớ mãi. Cũng cần phải tính thêm lần được đi ăn đồ biển Texas chính hiệu, với những con crawfish thật to và món thịt xông khói đặc biệt của Texas.

texas (5).jpg

Ngoài ra hầu như mỗi ngày trong tuần lễ cuối tháng 3 đó, anh em đều tụ họp tại nhà anh Vĩnh Tuấn, là cựu chủ tịch của Văn Bút, cùng nhau nâng chén hát hò, tâm sự rồi mới chia tay. Vui ơi là vui.

Chúng tôi cũng được đưa đi thăm làng Adidà Nguyễn Tâm. Đây là một khu rừng xa thành phố Houston, với tượng Phật, tượng Đức Mẹ Maria, nghĩa trang, đền thờ các tướng tá Việt Nam Cộng Hòa, tượng đài thuyền nhân, nghĩa đài "Tổ Quốc Ghi Ơn”, 26 lá cờ của 26 đơn vị quân đội của Việt Nam Cộng Hòa và rất nhiều chi tiết tỉ mỉ, tinh tế. Nơi đây thường hay được tổ chức các khóa tĩnh tâm, tu học. Tôi xin nghiêng mình cảm phục công trình đặc biệt này.

texas (11).jpg

Chúng tôi cũng được đưa đi thăm hang động Natural Bridge Caverns ở San Antonio, là một hang động giống như động Phong Nha của Việt Nam nhưng nhỏ hơn, Sau đó là thăm viếng khu lịch sử The Alamo với nhiều kiến trúc, di tích lịch sử độc đáo, sông nước hữu tình. Chúng tôi chụp hình trước 2 bức tượng bằng sáp lớn của Tổng Thống Trump và Biden, 2 nhân vật đang tốn nhiều bàn luận trái chiều.

Anh Yên Sơn cũng đưa chúng tôi đi biển chơi, phải qua một chuyến phà và hôm ấy chúng tôi cũng bị một phen hú hồn. Khi đậu xe trên bãi biển để chụp hình, xe đã bị mắc cạn trên cát. Chúng tôi hì hục xuống xe đẩy. Thay vì Hò Dô Ta cho có khí thế, anh Trung lại bắt lên bài "Theo anh, xuống.... hố trưa nay, đang còn ngất ngất cơn say..." vì mỗi tối phe mấy ông cũng đã "tiêu khiển một vài chung lếu láo". Sau hơn nửa tiếng, xe mới lên bờ được nhờ một anh chàng Mỹ Cao bồi Texas kéo lên. Đúng là "Vũng lầy của chúng ta"!

Trên các đoạn đường xa lái xe, chúng tôi cũng ca hát, kể lại kỷ niệm xưa, chia sẻ tâm tình, trêu ghẹo nhau để hiểu nhau, gần gũi nhau hơn.

Cũng không quên cảm ơn Thu Hằng, một chị bạn quen trong các khóa học Ca Trưởng với nhạc sư Phạm Đức Huyến đã đưa đi chơi vườn hoa Nhật Bản với chuyến xe lửa thật lý thú.

texas (6).jpg

Như đã chia sẻ trong buổi tiệc hội ngộ 23 tháng 3, với tư cách là một hội viên viễn cư mới gia nhập Văn Bút Nam Hoa Kỳ, tôi rất cảm động và tri ân được học hỏi các bậc lão thành, các anh chị lớn trong giới cầm bút.

Ngày nay người ta mở quán ăn, bar rượu, chỗ vui chơi nhưng hiếm có người dám mở tiệm sách. Các trang mạng xã hội đầy dẫy các chương trình ngắn, vui, ví như các món mì xào, cơm chiên, hamburger ăn liền tiện lợi nhưng kém giá trị dinh dưỡng.  Người ta cũng thường xuyên kêu gọi bảo vệ môi trường, dọn dẹp nhà cửa, nhưng việc bảo vệ giá trị tinh thần, giữ gìn cái đẹp của tiếng Việt trong sáng, dọn dẹp tâm hồn thì ít khi được quan tâm. Trí thông minh nhân tạo làm nhiều việc vừa nhanh vừa hiệu quả, nhưng có giúp sửa được tâm tính con người, giúp người ta sống thành thật yêu thương nhau hơn không? Chính trị và xã hội ngày nay đang đi về đâu. Một số người không soi gương xem lại chính mình, mà chuyên đi soi mói kẻ khác.

Vâng, vì vậy dù đi ngược dòng, xin hãy viết, hãy sống, hãy là nhân chứng để lại cho đời những bài thơ, câu chuyện làm đẹp cuộc đời. Tôi vẫn nhớ câu nói của một vị giám mục Công Giáo, đại khái hãy làm điều gì đó ích lợi để sau này con cháu có hỏi lúc cá chết do vấn nạn Formosa, khi thế giới nhiễu nhương đầy thử thách, ông bà đã làm gì, đã sống ra sao thì còn có thể trả lời.

Xin chân thành cảm ơn tất cả, đặc biệt ông bà chủ tịch Yên Sơn, chị Linh Vang & phu quân cùng tất cả các thân hữu xa gần.

Tôi đã học hỏi được rất nhiều, nhất là khi biết mặt các tác giả thì thấy thích đọc văn, thơ của họ hơn. Trên máy bay về lại Toronto, tôi đã đọc hết các bài trong cuốn Tin Văn số mùa Xuân 2025, nhưng lựa các tác giả mới biết mặt như Tương Như, Túy Hà, Như Ly, Ngô Sỹ Hân, Vĩnh Tuấn, Hoài Niệm, Ánh Nguyệt, Như Phong, Cung Văn... đọc trước. Các anh Yên Sơn, chị Linh Vang, Trường Sơn Lê Xuân Nhị, Phạm Khắc Trung, Phạm Trần Anh .... thì khá gần gũi rồi.

Tôi xin đặc biệt đồng cảm với chuyện ngắn của cô tổng thư ký Như Ly mang tựa đề "Huân của Như ơi!". Như Ly bên ngoài lanh lợi, phá phách nhưng viết văn làm thơ thì rất ướt át, tình cảm. Có lẽ ai cũng có một thời thơ ấu với bạn học, rất ngây thơ nhưng rất chân thành và vì vận mệnh đất nước, duyên nợ không thành nhưng luôn nhớ mãi nhau trong tim. Đọc chuyện Như Ly xong tim tôi cũng lạc đi một nhịp,  muốn cất tiếng gọi thảm sầu: "X của Hân ơi!!" Hình như càng già tôi càng "sến"!

Hồi còn trẻ tôi cũng rất mê Hồ Trường An, ấy chết xin viết lại, tôi rất mê chuyện Hồ Trường An, chẳng hạn khi đọc đoạn cuối cuốn Phấn Bướm tôi đã bật khóc nức nở. Tôi mê các món ăn đồng quê mà Hồ Trường An miêu tả, thích cái vòng màu phí thúy dù không hiểu phí thúy là màu gì. Người ta chơi chữ nói thích ăn trái cây là mê trai đẹp - mê trai sắc trái. Tôi mê sách, thích văn nghệ, thích đủ thứ, không dám chối cãi.

texas (22).png

Hồi mới sang Cali và sau đó là Canada, tôi đã tốn nhiều tiền để mua sách, trong có sách của Truờng Sơn Lê Xuân Nhị và rất ngưỡng mộ anh. Một nhân vật ác trong bộ truyện Xếp Alcapone của anh Nhị là chàng người Ý lầm lì (tên Will thì phải) đã sống trong gia đình nghèo, nấu được nồi spaghetti cho cả nhà ăn đỡ đói thì bị mấy con chuột bò vào nồi, Will thản nhiên vớt chuột ra rồi múc spaghetti ăn ngấu nghiến. Thú thật suốt dạo đó tôi bị ám ảnh, không dám ăn spaghetti! Thế mà bây giờ tôi cũng được làm hội viên trong Văn Bút giống như anh Nhị, thật là hãnh diện!!!

Yêu thơ mến nhạc là nỗi lòng của tôi và của rất nhiều người, xin ngâm nga câu "trời đất mang mang ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường" để kết thúc tâm tình quý mến và tri ân hôm nay. Xin cùng nhau uống cạn chén này!

Nguyễn Ngọc Duy Hân


Duy Hân nhận huy chương của vua Charles III

Duy Hân nhận huy chương của vua Charles III

King Charles III Coronation Medal 

 



Poster 30 Apr 2025, Toronto


 

Tiểu sử Duy

 



 

Sơ lược về sinh hoạt

của anh Nguyễn Ngọc Duy

Nguyễn Ngọc Duy (1959 - 2024)

 

Anh Nguyễn Ngọc Duy là một thành viên tích cực trong cộng đồng người Việt Quốc Gia.

Anh vượt biển trốn Cộng Sản tìm tự do, định cư tại Toronto, Canada từ năm 1980 và luôn hăng say hoạt động cho cộng đồng.

 

-  Hồi ở trại tị nạn Galang, Nam Dương, anh Duy là đoàn trưởng đoàn Thanh Niên Công giáo

-  Anh Duy từng giữ các chức vụ: Phó Ngoại Vụ  / rồi Chủ Tịch Hội Người Việt Toronto, Canada

-  Phó Chủ tịch Ngoại vụ Ủy Ban Yểm Trợ Phong Trào Dân chủ Quốc Nội Toronto

-  Cựu Hội trưởng Hội Thân Hữu Quảng Ngãi Ontario, Canada

- Nằm trong Ban Quản Trị Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân, góp phần xây dựng tượng đài     Thuyền Nhân tại Mississauga, Canada

- Trong Ban Điều Hành Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân gia đình Toronto

- Tham gia các ca đoàn nhà thờ Toronto, là ca trưởng của ca đoàn Thánh Giuse Scarborough

- Trưởng nhóm Thiện Chí Toronto, tổ chức gây quỹ giúp nạn nhân Sóng Thần Nhật Bản, thắp nến cho quê hương vì Thái Hà và vấn nạn Formosa, góp tay tổ chức rất nhiều buổi lễ Chào Cờ 30 tháng 4, biểu tình chống Cộng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

- Giúp thực hiện nhiều đặc san của Liên Hội Người Việt Canada, Kỷ yếu cho nhà thờ Toronto, nhà thờ Scarborough, Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân, làm poster, viết thư, bản tin, làm thông báo cho các hội đoàn, làm banner, sách về Cờ Vàng.

 

Anh rất quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng, mong con cháu sau này sẽ biết đến nguồn cội, hiểu tại sao mình có mặt ở hải ngoại này. Anh và vợ là chị Hân luôn sát cánh trong nhiều công tác ích lợi.

 

Anh ra đi vì bạo bệnh ở tuổi 65, lòng còn khắc khoải vì chưa làm được bao nhiêu cho cộng đồng, đất nước.

 


Bài Viết giỗ 100 ngày N. N. Duy - Giữa tường trắng lặng câm

 Giữa tường trắng lặng câm

 

Mới đó mà đã 100 ngày tính t 17 tháng 10, 2024 - ngày đi gia đình Duy Hân đã mt đi ngưi thân yêu là anh Giuse Nguyn Ngc Duy - bun và trng vng vô cùng.  Nhưng gia đình đã nhn đưc nhiu an i, h tr mi mt ca tt c nên vô cùng cm kích, tri ân.

 

Gia đình đã thâu thp li nhng li phân ưu, an i, giy xin L cu nguyn, hình nh cũng như tâm tình ca mi ngưi vào trong mt cun sách nh, mong lưu li mt chút gì đ nh, đ thương, đ làm k nim.