Sub Label Menu bars



Gió mới

Chuyện ngắn viết về gia đình, suy tư trong cuộc sống

Tôi bực bội đi qua đi lại trong phòng, ruột nóng như lửa. Giờ này mà Thành còn chưa về coi mấy đứa nhỏ, thì làm sao tôi có thể ra ngoài lo công chuyện được? Gần đây việc buôn bán khó khăn, không lanh lẹ kịp thời cơ coi như mất mối, mất tiền. Con Thảo giành đồ chơi với em không được, khóc ré lên, chân đạp lên con búp bế mà nó thích nhất. Quần áo, mũ vớ vương vãi khắp nơi, trong bếp đống chén đĩa chưa rửa ngập lên cao nghệu, nồi cá kho chỉ còn chút xương cháy khét... Tôi không đủ giờ để dọn dẹp, nấu nướng, Thành về thế nào cũng nhăn nhó vì nhà cửa bê bối và không có cơm ăn. Tôi thở dài, biết làm sao bây giờ. Cuộc sống sau hôn nhân không đẹp như mình nghĩ, ai cũng cần tiền, cần nhà cần xe, cần lo cho tương lai con cái, phải bương chải kiếm ăn. Thành thay đổi cũng nhiều mà tôi thì còn tệ hơn. Mới đầu tôi cũng thấy buồn, tiếc và có ý muốn sửa đổi, nhưng ngày càng chán nản, bận bịu, tôi chẳng thấy thiết tha nữa, cứ để mặc dòng đời, công việc cuốn trôi. Hy vọng ngày mai sẽ tốt hơn coi như không còn nữa. Thành mở cửa vội vã bước vào, tóc tai rối bù, miệng nói ngay:

-Em đi ngay đi, hôm nay máy trong hãng bị trở ngại rồi lại bị kẹt xe!
Lúc nào anh cũng có đủ lý do để biện hộ, giải thích, còn tôi thì chẳng cần ca kệ, dài dòng, tới trễ thì người khác lấy hết hàng tốt, còn lại những hàng khó may ráng chịu. Tôi ráng dằn cơn bực bội dặn Thành:
-Hồi chiều bị nhiều cú phone quá, em chưa nấu cơm được, con Thảo thằng Tâm cũng chưa tắm, anh ráng lo dùm nghe.
Rồi tôi hối hả lái xe phóng như bay xuống phố. Gió chiều lộng mát nhưng tôi không cảm thấy thoải mái, hứng thú chút nào. Trong đầu những con số, những công việc phải làm liên tục nhảy múa. Tháng này điện lên giá, bill phải trả gần như gấp đôi. Ba tháng một lần phải trả tiền thuế nhà, chậm một chút là phải đóng tiền phạt, còn mấy chỗ đã lấy hàng nhưng chưa giao tiền cho người may, cũng như phải tranh thủ để giành được mớ hàng tốt hôm nay. Tôi vừa làm quen được với một ông chủ thầu người Tàu. Ông mập phệ, cười nói nham nhở nhưng cho giá khá cao, nếu tiếp tục làm việc với ông sẽ có được khá tiền. Một chút trên đường về còn phải mua thêm sữa và quần áo cho bé Thảo chuẩn bị rước lễ lần đầu. Nghĩ đến con lòng tôi thắt lại, tôi đã đi phố mấy lần nhưng chưa mua được áo đầm trắng cho nó. Cỡ nhỏ vừa với chiều dài thì quá chật bụng, mà mua cỡ lớn thì dài lê thê, có sửa lại cũng chẳng đẹp đẽ gì. Không biết hồi mang thai Thảo tôi đã tham ăn hay có chuyện gì khác lạ, mà con Thảo mập triền miên từ lúc mới sanh đến bây giờ. Hồi còn bé nó chỉ tương đối mủm mỉm sổ sữa, nhưng càng lớn cái mập càng làm mất đi nét đẹp của nó. Mắt bắt đầu nhỏ lại, bụng to lên tay chân chậm chạp, lúc nào cũng thòm thèm muốn ăn, muốn uống thêm. Nó rất thông minh, nhạy cảm, mỗi lần có ai đề cập tới cái mập là nó buồn thiu cúi mặt nước mắt rưng rưng, nhưng chỉ chừng vài tiếng sau đã thấy nó than đói bụng đòi ăn tiếp. Mới đầu tôi còn ráng diet, cho con ăn kiêng, la rầy cấm đoán, nhưng đến lúc mệt mỏi, bận bịu, tôi lại bực mình để nó ăn cho tôi rảnh rang mà lo công chuyện. Thành cũng chẳng cương quyết gì hơn, thấy con nhỏ mè nheo, thèm thuồng thì mềm lòng chiều con. Thằng Tâm ngược lại ốm nhom ốm nhách, lúc nào cũng rộng lượng mời mọc chị Thảo ăn dùm mình. Mải mê suy nghĩ, tôi đi quá địa chỉ mình muốn, phải tìm đường quay lại. Tôi nóng nảy trở đầu xe ngay giữa đường, mặc xe cộ sau lưng bóp còi ầm ĩ, đã trễ còn lại trễ thêm. May thay, ông chủ người Tàu vẫn còn ngồi chờ và giao mớ hàng như tôi mong muốn. Ông nói tiếng Anh trọ trẹ, cười toe toét:
-Tôi chờ cô nãy giờ, để dành đặc biệt cho cô đây, người khác là không có chuyện này đâu đó nghe!
Tôi giả lả cám ơn, tặng ông nụ cười tươi nhất dù lòng héo úa, buồn tênh. Ít ra cũng xong được việc phải làm hôm nay, bây giờ phải giao cho người may để kịp xong trước cuối tuần. Tôi lại vội vã lái xe đi....
 
 Tôi về tới nhà trời đã sẫm tối, Thành nằm ngủ gục trên sofa, tay cầm chặt remote control, ngáy pho pho dù TV đang chiếu phim ầm ỹ. Tôi giật mình vì không thấy hai đứa nhỏ đâu, vội đánh thức anh dậy:
-Con đâu rồi?
Thành uể oải đáp:
-à, tụi nó sang chơi với con chị Lam bên cạnh rồi.
Tôi bực bội:
-Tối quá rồi sao anh không dắt con về, mai sao con Thảo thức dậy đi học nổi?
Tôi biết Thành mệt quá ngủ quên, nhưng vẫn phải hỏi, phải cằn nhằn cho bớt khó chịu. Gần đây Thành hay cho con sang chơi bên chị Lam hàng xóm mới dọn tới, rồi cả bố lẫn con lúc nào cũng một điều cô Lam, hai điều cô Lam, khen ngợi ca tụng làm tôi từ từ thấy khó chịu. Đến thằng Tâm mà cũng thủ thỉ hỏi mẹ có biết làm beef pie giống như cô Lam làm không. Tôi không ghen vì biết mình đẹp và thành công hơn Lam nhiều. Vả lại Lam có vẻ yêu chồng và hết sức mẫu mực, lo cho con cái, tôi không tin có chuyện tầm bậy xảy ra, nhưng vẫn cảm thấy quạu quọ, so sánh. Vợ chồng Lam sống hiền hòa trong căn nhà nhỏ cách nhà tôi mấy căn, có được người Việt ở gần tôi cũng thấy vui. Họ cũng có hai đứa con trạc tuổi Thảo Tâm, chúng chơi với nhau rất hợp.
Thành lật đật thay áo đi đón con, tôi kiêu hãnh đứng soi gương, chải lại mớ tóc óng ả cắt chải trẻ trung. Hôm nay tôi mặc áo đầm hồng, màu phấn nhạt rất thanh nhã đi với cái cổ áo lấm tấm hoa đỏ. Tôi thoa son bóng cùng màu, mắt tô viền tím nhạt. Tôi luôn để ý cách ăn mặc, màu áo phải đi đôi với màu son, màu mắt, khăn quàng, giày dép ... nhìn rất hòa hợp. Tôi mỉm cười nghĩ đến hồi mới quen Thành, lúc ấy tôi chỉ cố ý phá xem Thành có chịu thua tán tôi không thì y như rằng anh chàng thua cuộc, dù khi đó Thành có vẻ thích một cô gái khác trong Ca đoàn. Có lẽ hôn nhân phải có duyên nợ mới thành tựu được. Tôi thời đó trẻ trung kiêu sa, con trai sắp hàng rất đông chờ để đưa đón, bỗng nhiên tôi mềm lòng lấy Thành dù chàng chậm chạp, thua sút những người khác. Một vài năm đầu chúng tôi rất hạnh phúc, nhưng khi có con, cuộc sống ngày một thay đổi, khó khăn, nhu cầu lên cao tôi bắt đầu thấy mệt mỏi, bực bội. Thành làm nhân viên kế toán trong văn phòng bảo hiểm, đồng lương trung bình cố định. Hồi trẻ tôi thấy anh hiền lành thật thà, bây giờ tôi có cảm giác anh thụ động, thiếu tham vọng, mất hết vẻ nghệ sĩ ngày xưa. Thuở đó tôi ham chơi, ham đi nhảy đầm học hành chẳng tới đâu, phải đi làm hãng xưởng khá cực. May nhờ lanh lẹ, chịu khó bon chen, tôi bắt đầu học buôn bán, chạy hàng và khá hơn trước. Gần đây tôi làm thêm nghề nhận quần áo về giao cho thợ may, ăn tiền hoa hồng. Tháng tháng vài lần tôi lại tới tận New York, Washington D.C để lấy hàng nail, đồng hồ, vòng vàng mã não về bán sỉ. Thời kỳ vui chơi, du lịch nhảy đầm của tôi coi như không còn nữa. Tôi đầu tắt mặt tối lo cho con, lo làm việc, nhiều khi đói cũng không có giờ ăn, lúc nào cũng nóng nảy bồn chồn, cố trói mình trong công việc, tính toán thật nhanh kẻo bị lỗ, bị lừa. Nhờ thế, tôi sắm được xe đẹp, nhà lớn, quần áo thời trang nhưng lúc nào cũng bận rộn, thiếu ngủ, thiếu thì giờ cho chính mình và con cái. Tôi càng phấn chấn, tranh đấu bao nhiêu thì Thành lại càng an phận, yên lặng bấy nhiêu. Chúng tôi nói chuyện với nhau ngày càng ít, nếu có là những dặn dò lo cho con cái, công việc. Khi có giờ rảnh, tôi tổ chức tiệc tùng, họp mặt trò chuyện, ca hát, mới đầu Thành cũng thích nhưng lúc sau này anh thấy tôi giao thiệp quá rộng, bạn bè mới rất nhiều nên có vẻ khó chịu. Mặc kệ anh, tôi đã vất vả cực khổ quá nhiều, thỉnh thoảng mới được tự do vui chơi với bạn bè, anh không thích thì tôi cũng không ép anh ngồi chơi tới khuya, anh có thể lấy lý do cho con đi ngủ rồi trốn luôn.
Tôi sanh ra trong gia đình nghèo, đông con, ít khi nào được cha mẹ để ý chăm sóc, luôn bị anh chị em tranh giành, tị nạnh. Sang được tới đây, tôi nhủ lòng phải chiến thắng hoàn cảnh, bằng mọi giá phải khá giả, nhà cao cửa rộng, con cái học hành thành tài mới thỏa dạ. Tôi rất sợ cái quá khứ nghèo khổ của mình, nghĩ tới hồi đó phải ăn độn củ mì, bo bo tôi phát rùng mình. Còn bao nhiêu người thân ở Việt Nam luôn đói nghèo cần giúp đỡ. kể cả gia đình của Thành, nhờ tôi mà họ được hưởng nhờ, có cơ hội làm ăn, xây nhà xây cửa, họ luôn viết thư cảm ơn ca tụng tôi hết lời. Tôi đang thành công trên con đường buôn bán, dù luôn phải tranh đấu, bôn ba mánh khóe nhưng tôi rất hài lòng về mình. Phải công nhận nhờ sắc diện sáng sủa và cách nói chuyện đẩy đưa, tôi đã thắng được rất nhiều mối làm ăn, bạn đồng nghiệp phải thán phục. Tôi định tháng tới có giờ sẽ đi xâm mắt xâm môi, chăm sóc sắc đẹp một chút. Chỉ cần để ý trang điểm, ăn mặc đẹp đẽ tôi tin mình vẫn dư khả năng thu hút dù đã hai con.
Tôi và Lam thật khác nhau, chị nhìn tầm thường, ăn mặc không chải chuốt, tóc xõa dài càng làm chị như gầy gò thêm. Được cái chị luôn tươi cười, chịu khó chơi với con nít, kể chuyện cổ tích, chăm sóc chúng nên đứa nào cũng mến, đeo theo chị mỗi khi có dịp. Lam thích nấu ăn, làm hết món này đến món khác, tôi thấy chị phí thì giờ vô ích, chỉ cần cầm phone lên order, thức ăn sẽ được đem tới tận nhà, cần gì lam lũ trong bếp như con mọi. Lam lại may mắn có chồng là anh Thắng biết lo liệu, không chậm chạp như Thành nhà tôi. Lam chỉ đi làm ngày 8 tiếng, về nhà lo cho chồng con, cuộc sống hết sức đơn giản bình thường, không bận bịu bù đầu bù cổ nên cũng đỡ. Nếu tôi có được cuộc sống êm đềm như chị, có lẽ tôi cũng không đến nỗi nóng nảy, tính toán, thay đổi như bây giờ. Con Thảo và thằng Tâm đã về tới, nhìn dáng đi nặng nề mệt mỏi của Thảo tôi bỗng nổi cáu:
-Hôm nay con đã ăn những gì, mẹ nói con đừng ăn nhiều, mà sao bụng bự dữ vậy?
Thảo nhìn tôi lấm lét:
-Con không có ăn nhiều đâu mẹ!
Thành đỡ lời con:
-Hồi chiều anh cho con ăn cơm với nước canh không thôi, sang bên chị Lam nó cũng không có ăn gì, chị Lam anh Thắng biết nó cần diet mà.
Tôi chán nản nói bâng quơ:
-Không ăn sao mập được, con gái gì mà xấu ăn, xấu tướng quá, không biết giống ai!
Thất vọng ở con, ở chồng, đôi khi tôi thấy mình thật bạc phước, bôn ba không qua số phận. Có những cặp cha mẹ không có gì xuất sắc, nhưng đàn con thật đẹp, thật xinh. Tôi và Thành thuộc loại cao ráo, sáng sủa, nhưng hai đứa con không có gì nổi bật. Có những người đàn bà chậm chạp khù khờ, nhan sắc tối om nhưng may mắn vẫn vượng phu ích tử, còn tôi thì luôn vất vả càng lúc càng không thuận với chồng, thật là đáng tiếc.
 
 Tuy vậy, cuộc sống gia đình tôi vẫn cứ bình thường trôi đi, cho tới một buổi chiều khi đi giao hàng về, tôi thấy xe ambulance hú còi trước cửa. Linh tính báo trước chuyện chẳng lành, tôi hối hả vào nhà thì thấy chị Lam đang cùng với nhân viên cứu thương khiêng Thảo ra xe. Nó xanh nhớt nằm thiêm thiếp trên băng ca, thỉnh thoảng run lên bần bật. Tôi hoảng hốt hỏi Thành đang đứng lóng ngóng:
-Con bị gì vậy?
-Anh cũng không rõ, hồi chiều nó cứ ngủ mê mệt, lại tiểu ra giường, anh gọi con dậy ăn cơm thì thấy nó lạnh toát, khó thở, nên gọi xe cứu thương và chị Lam, không biết nó bị chứng gì.
Lam trấn an tôi:
-Chắc không có gì trầm trọng đâu, mình sẽ vào bệnh viện với anh chị để nhắc nhở bác sĩ khám nghiệm mau chóng hơn.
Lam là y tá và đang làm việc trong bệnh viện gần khu tôi ở. Tôi đem Tâm sang gởi anh Thắng rồi cùng Thành lái xe đến bệnh viện. Thảo bị nghẽn động mạch máu cần phải mổ gấp. Nó có triệu chứng bị bịnh béo phì, độ BMI trong người rất cao. Thật ra, tôi mù tịt về những danh từ y khoa chuyên môn này, nhờ Lam tận tình hướng dẫn, giải thích tôi mới hiểu thêm và bớt sợ hãi. Trước đây Lam đã một vài lần đề cập tới vấn đề lên cân bất thường của Thảo và khuyên tôi đưa cháu đi khám bác sĩ chuyên môn, nhưng vì bận rộn quá tôi quên khuấy đi mất. Vả lại, tôi cứ tin nó mập là tại háu ăn, sau này lớn lên sẽ bớt. Nhìn Thảo giây ống chằng chịt, sốt mê man tôi đứt cả ruột, khóc như mưa. Mới cách đây mấy hôm, khi đưa chúng đi học, tôi có ghé ngang McDonald mua hamburger cho Tâm nhưng không cho Thảo, viện lẽ Thảo phải diet không được ăn. Đáng lẽ phải nhẹ nhàng giải thích với con, cho nó ăn một chút gì ít dầu mỡ hơn, tôi đã nóng nảy mắng nó mập, đòi hỏi Thảo phải nhịn đói cả tuần cho ốm bớt rồi mới được nói chuyện ăn uống với mẹ. Nhất là mấy ngày nay nó trở bệnh, mệt mỏi lừ đừ nhưng tôi cứ đổ thừa là tại nó ăn nhiều. Nhớ lại thái độ chịu đựng của con, tôi đau lòng hết sức. Chính tôi khi thèm món gì, tôi cũng đã không nhịn nổi ăn cho phình bụng, thì huống gì một đứa con nít mới 8 tuổi. Ngay cả bé Tâm mà cũng biết tội nghiệp chị, lén chia cho Thảo vài sợi french fries, còn tôi thì luôn lạnh lùng sắt đá với con, viện lẽ Thành yếu ớt không cấm con nổi thì tôi sẽ làm. Nghĩ lại, tôi cũng đã cứng rắn với rất nhiều người, kể cả bạn hàng, thợ may và cả với chính mình. Vì mục đích đề ra, tôi luôn quyết tâm bất kể mọi khó khăn để đi tới, Thành rất sợ tính lì này của tôi.
Bây giờ tôi mới hiểu ra trong gene, trong máu huyết của Thảo đã có mầm mống bệnh từ lâu, độ cholesterol cần thiết và triglycerides quá thấp, dù ăn ít vẫn lên cân đều đều. Chức năng tiêu thụ chất béo trong người nó không làm việc hữu hiệu, tỷ lệ good cholesterol và bad cholesterol quá cao. Hèn gì có những lần nó cảm bệnh bỏ ăn mấy ngày, nhưng vẫn không ốm bớt. Lam cho tôi biết về thống kê của người lớn và trẻ em bị bệnh béo phì, nguyên do, cách trị liệu và những biến chứng thông thường cũng như khác lạ. Đã có những đứa trẻ bị cùng chứng bệnh, ngủ thiếp và chết lúc nào không ai biết vì mỡ bao tim, bao các mạch máu chính. Không phải ai bị béo phì cũng bị nghẽn mạch máu, nhưng Thảo thật kém may mắn. Nếu tôi biết để ý đến con sớm hơn, có lẽ tình trạng đỡ tệ như bây giờ. Tôi thầm nguyện xin Chúa gìn giữ cho Thảo qua được cơn giải phẫu ngặt nghèo, nó có mập, có xấu nhưng nó là núm ruột của tôi, rất thông minh ngoan ngoãn và yêu thương bố mẹ, em Tâm hết lòng. Nó hay nhường nhịn cho em, chăm học và luôn vâng lời, chịu đựng dù trong những lúc tôi nóng nảy, vô lý, đối xử bất công với nó nhất. Nếu Thảo có mệnh hệ nào, tôi không biết mình phải xử trí ra sao, ăn năn tới bao giờ. Tôi bỗng thấy rõ ràng sắc đẹp, công việc làm ăn buôn bán, nhà cao xe đẹp là vô nghĩa trong tình trạng này. Chỉ có bé Thảo của tôi là quan trọng và đáng quý nhất. Tiền bạc, mối làm ăn mất đi còn có thể kiếm lại được, còn con bé ngây thơ tội nghiệp này nếu chết đi làm sao tìm lại, lương tâm tôi làm gì để được thanh thản trong những ngày sắp tới? Tôi quỳ gối ngay cạnh giường Thảo, cầu xin thiết tha như chưa bao giờ thành tâm như vậy.
Trong ba tuần nhập viện, Lam đã đặc biệt chăm sóc, giúp đỡ gia đình tôi về mọi mặt, nhất là an ủi động viên tinh thần chúng tôi. Dù sao tôi cũng còn phải đi giao hàng, lấy hàng hằng ngày không thể tự nhiên nghỉ ngang được, hơn nữa tôi còn tiền mortgage, thuế đất, thuế nhà, tiền nọ tiền kia luôn đòi hỏi phải thanh toán. Nhờ Lam trong giờ làm việc luôn chăm sóc Thảo đặc biệt cũng như lúc ở nhà giúp coi chừng Tâm nên tôi thấy rất an tâm. Thảo đã tương đối bình phục và sẽ được xuất viện ngày rất gần, dù phải đi bác sĩ chăm sóc, uống thuốc thường xuyên. Nhờ uống những loại anti-obesity như Xenical, Meridia mỗi ngày, lượng chất mỡ trong Thảo sẽ được điều chỉnh và nó sẽ có cơ hội bớt mập phì trong tương lai, cần nhất là tôi và Thành phải để ý chăm sóc cách ăn uống cho cháu.
 Ngày Thảo được về nhà tôi mừng vô hạn, tôi nhủ lòng sẽ dành nhiều giờ với con, đền bù những thiếu sót đã vấp phải trong những năm vừa qua. Nó hụt mất không được rước lễ lần đầu trong năm nay, nhưng tôi ráng an ủi cháu và tin chắc vào năm tới cháu sẽ khỏe mạnh để được đón Chúa vào lòng. Tôi bắt đầu làm việc chậm lại, nhận ít hàng hơn, nhẹ nhàng với Thành hơn và cảm thấy thương anh hơn. Trước đây tôi luôn ăn hiếp anh, thậm chí còn tỏ ra coi thường anh, chọc anh là Mr. Mom, nửa đùa nửa thật bảo anh quit job ở nhà coi con cho tôi đi buôn bán. Nay tôi đã thấm thía cái bất lực, yếu đuối của mình trước vấn đề sức khỏe, sự chết, biết rằng của cải vật chất tuy cần thiết nhưng không quan trọng đến nỗi phải bỏ hết bản thân, gia đình, con cái để đổi lấy. Tôi cũng dừng lại để nhìn lại sức khỏe của chính mình, gần đây tôi đã yếu hẳn vì quá lao lực, bon chen, tánh tình dễ bẳn gắt, nóng giận. Qua biến cố này, cách nhìn về cái đẹp, cái thành công trong cuộc sống cũng bắt đầu đổi khác. Nếu Chúa gọi bất ngờ, tôi sẽ đem theo với mình được những gì trong số những của cải làm ra được? Tại sao Tâm Thảo luôn nể sợ e dè với mẹ, không dám hồn nhiên yêu thương như với bố và người khác. Sau này khi lớn lên chúng sẽ nghĩ về mẹ chúng như thế nào? Tôi cảm tạ Chúa vì qua cơn bệnh nặng bất ngờ của Thảo, đã đánh động được tôi, sinh hoạt bản thân và gia đình tôi có thay đổi, và là thay đổi tốt cần thiết.
 Hơn bao giờ hết, tôi thấy Lam đã rất khôn ngoan chọn lựa cho mình một lối sống giá trị, tốt đẹp. Tâm hồn chị lúc nào cũng bình an, miệng luôn tươi cười dịu dàng, ánh mắt bao dung trong sáng đem niềm vui đến cho mọi người. Thì ra cuộc sống cần có những cái thanh thoát hơn, cao thượng là cơm ngon, áo đẹp, nhà mới. Nếu cuộc sống vật chất và tinh thần không điều hòa, hổ trợ cho nhau thì rất dễ đi tới thất bại, chán nản, thấy cuộc đời vô nghĩa. Quan sát Lam luôn hăng say giúp đỡ mọi người chung quanh, lắng nghe dù là lời nói của một đứa trẻ tôi cảm phục và biết ơn chị hết lòng. Nhìn dáng chị mỏng manh trong chiếc áo dài tím bay bay trong gió trước sân nhà thờ, lần đầu tiên tôi thấy chị thật sự đẹp đẽ và thu hút. Chị như cây huệ thanh cao trắng ngần, tỏa hương thơm lan tỏa chung quanh. Với nỗi lòng chan chứa và quyết tâm đang có, tôi tin chắc mình sẽ thay đổi, làm được những điều tốt hơn trong tương lai. Thành cũng rất vui, cảm động, phấn khởi. Chúng tôi sẽ ngày một thăng tiến hơn, lấy lại sự thăng bằng trong cuộc sống. Thánh Gia sẽ luôn thương hộ phù cho kẻ có lòng ước ao, bình an sẽ đến với người thiện tâm, tôi vững tin như vậy. Làn gió vẫn nhẹ nhàng thoảng bay, tôi thấy lòng thật trầm lắng, an bình.....
 Ái Miên
 

No comments:

Post a Comment