Sub Label Menu bars



Chia sẻ của Hân qua đám tang anh Duy

 

Chia sẻ của Hân qua đám tang anh Duy

 

Vậy là đã hơn 2 tuần gia đình đã mất anh Duy vĩnh viễn. Hân vẫn chưa chấp nhận được sự thật, còn cảm thấy Duy quanh quẩn đâu đó trong nhà. Giống đứa cháu nội 6 tuổi, miệng thì nói ông nội chết rồi, cái xác thì chôn dưới đất, cái hồn thì lên trời, nhưng khi tới thăm nhà Duy Hân thì việc đầu tiên là cháu lên phòng để kiếm ông nội.

 

Một lần nữa, Hân xin chân thành cảm ơn Đức cha, Đức ông, tất cả quý Linh mục, tu sĩ nam nữ, nhà Dòng, các hội đoàn Công Giáo cũng như trong Cộng đồng người Việt, đại gia đình, các cô bác anh em thân hữu, nhất là các vị ở xa nhưng luôn đồng hành trong mọi sinh hoạt và giúp đỡ gia đình Duy Hân mọi mặt. Gia đình cũng xin được gởi lời cảm ơn các bác sĩ y tá trong 3 lần Duy ở bệnh viện, cảm ơn nhà quàn Hoa Sen chu đáo trong mọi việc.

Gia đình đã thiếu nợ ân tình mọi người, nhiều lắm không thể nào trả nổi, với những yêu thương nâng đỡ tinh thần như cầu nguyện, xin lễ, an ủi, rồi đến cho thức ăn, thăm viếng, xoa bóp... Số thuốc Bắc, thuốc Tây, yến, sâm, linh chi, mật ong... còn lại bây giờ Hân có thể mở một tiệm bán thuốc! Dù đã đăng cáo phó xin phép không nhận vòng hoa và phúng điếu, nhưng tang lễ vẫn có rất nhiều vòng hoa gói ghém yêu thương và biết bao ân cần, quan tâm.... Xin tri ân tận trái tim.

 

Trước khi qua đời, anh Duy đã nhờ Hân chuyển lời xin lỗi thật lòng vì các thiếu sót anh đã làm. Nhất là với tính tình hơi bướng, lại muốn bảo vệ lập trường nên đôi khi trở nên cứng ngắc, anh lại quá cẩn thận cầu toàn nên đã làm phiền lòng một số người, đặc biệt nếu vì quên sót mà chưa trả tiền cho ai thì xin cho Hân biết, kẻo lỗi đức công bằng.

 

Bây giờ xin sơ lược một chút hoạt động của Duy, dù nhỏ bé nhưng rất kiên trì và luôn làm với hết niềm tin, tấm lòng.

Duy và Hân quen nhau ở trại tị nạn Galang, Indonesia. Khoảng năm 1980 anh là đoàn trưởng đoàn Thanh Niên Công Giáo, con cưng của cha Dominici - vị linh mục người Ý đã giúp người tị nạn rất nhiều.

Thời gian gần đây Duy lãnh trách nhiệm Chủ Tịch Hội Người Việt Toronto, Canada, là phó Chủ tịch Ngoại vụ của Ủy Ban Yểm Trợ Phong Trào Dân chủ Quốc Nội Toronto, từng là hội trưởng Hội Thân Hữu Quảng Ngãi Ontario, Canada, nằm trong Ban Quản Trị Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân, góp phần xây dựng tượng đài Thuyền Nhân tại Mississauga, Canada.

Trước đây Duy cũng sinh hoạt trong Ban Điều Hành Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân gia đình Toronto, tham gia ca đoàn nhà thờ Toronto, là một trong những ca trưởng của ca đoàn Thánh Giuse Scarborough.

Anh cũng thành lập nhóm Thiện Chí Toronto, tổ chức gây quỹ giúp nạn nhân Sóng Thần Nhật Bản, thắp nến cho quê hương vì Thái hà và vấn nạn Formosa, góp tay tổ chức rất nhiều buổi biểu tình chống Cộng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giúp trong các ngày Quốc Hận 30 tháng 4, các Hội Chợ Tết Toronto, Kitchener, Niagra Falls, nhà thờ Scarboro... Cùng với các anh em trong cộng đồng, Duy cũng góp sức để ủng hộ thị trưởng Toronto là ông Rob Ford, John Tory và dân biểu Liên Bang Kevin Vương, lãnh tụ đảng Bảo Thủ Andrew Scherr...

Duy cũng giúp thực hiện nhiều Kỷ Yếu cho nhà thờ Toronto & Scarborough, đặc san cho Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân, Liên Hội Người Việt Canada, Hội Quảng Ngãi, làm poster, banner, viết tâm thư, bản tin, thông báo cho các hội đoàn, sách Cờ Vàng....

Anh rất quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng, luôn lo sợ là con cháu sau này sẽ không biết đến nguồn cội, không biết tại sao mình có mặt ở hải ngoại này. Nếu thế hệ thứ nhất mà đã khá lợt lạt, thì mong gì được như người Do Thái.

 

Một số thân hữu vẫn thắc mắc tại sao Duy có thể ra đi nhanh chóng như thế, thì xin được trả lời ngắn gọn. Do hút thuốc lá từ lúc còn trẻ ở Việt Nam, nên phổi Duy có vấn đề. Lúc định được bệnh tới lúc qua đời chỉ khoảng hơn 8 tháng, mà trước đó hầu như không có dấu hiệu gì. Với nhiều biến chứng như bệnh đi tiểu nhiều, do trên óc bị một cái bướu nhỏ. Căn bệnh lạ này khoảng 100 ngàn người mới có 3 người bị, một ngày uống 2 lít nước nhưng đi tiểu ra 6, 7 lít. Các tế bào trong máu cũng có vấn đề, là một loại ung thư máu hiếm có. Muốn làm xạ trị, hóa trị thì phải làm biopsy cái phổi hoặc trên đầu, nhưng bác sĩ không dám làm. Bác sĩ cho biết Duy có thể chỉ còn 6 tháng, chính Duy và gia đình đều hy vọng lâu hơn, vì Duy rất lạc quan, mạnh mẽ. Thế nhưng chỉ có 6 ngày thì Duy đã ra đi bình an, không đau đớn. Anh cũng đã được bí tích hòa giải, xức dầu trong đạo Công Giáo rất tốt đẹp. Trong những ngày cuối, Duy có cơ hội xin lỗi, nhắc lại các kỷ niệm, dặn dò từng người. Gia đình đã cùng nhau khóc trong yêu thương, thông cảm, hạnh phúc. Anh cũng rất minh mẫn, không lẫn lộn, giờ chót vẫn trả lời email, nhắc nhở các hội đoàn những chi tiết mà người khoẻ trong nhóm còn chưa nhận ra.

 

Một vài chi tiết nhỏ xin chia sẻ là anh Duy không chấp nhận việc bị ngồi một chỗ không ra ngoài sinh hoạt được, do sức khoẻ quá yếu. Lần đó anh chưa bị đeo bình oxygen, vẫn lái được xe, Hân thấy anh đi bộ xa bị mệt nên bảo anh xin giấy phép đậu xe của handicap, nhưng anh bảo không cần, để chỗ cho người già. Hân yên lặng nộp đơn, vài tuần sau giấy đậu xe về, anh thấy thì úp ngược xuống không muốn nhìn. Lần khác Hân chở Duy từ bệnh viện về nhà, phải ghé ngang tiệm thuốc tây lấy thuốc, vì lúc đó anh phải đeo bình oxy vướng víu, nên Hân nói anh ở ngoài xe chờ. Khi lấy thuốc ra thì không thấy xe và người đâu, hoảng sợ thì thấy xe đang bò chầm chậm trong parking lot, Duy bảo để chạy chậm chậm thử xem có còn lái xe được không!

Nói tới cái bướng thì xin kể chuyện 2 lần Duy từ chối sống ở Mỹ, vì anh cho rằng Mỹ phản bội Đồng Minh, làm miền Nam bị mất vào tay cộng sản rồi biết bao sinh mạng, hệ lụy đã xảy ra. Lần đầu ở trại tị nạn, khi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn nhận, anh lại xin đi Canada, họ đóng dấu "Decline" vào hồ sơ và giam anh ở trại tị nạn hơn 1 năm, trong khi khoảng năm 1980 thì chỉ vài tháng là người ta được đi định cư rồi. Lần thứ hai là sau đám cưới ở Cali năm 1984, Hân làm hồ sơ bảo lãnh anh sang Mỹ, nhưng anh lại bỏ và dụ Hân về Canada sống với anh, dùng lạnh nhưng đời sống hiền hòa.  Xin mở ngoặc là Duy Hân quen nhau ở trại tị nạn Galang, Hân đi Cali vẫn giữ quốc tịch Mỹ, Duy đi Toronto với quốc tịch Canada.

 

 

Theo ý nguyện của Duy, Hân sẽ cố gắng sống vui, sống tốt, đi du lịch dùm anh, mang theo anh trong tim. Trước đây do tham công, tiếc việc, tiếc tiền, Duy Hân đã ít đi chơi. Duy ước mơ 1 lần được về Quảng Ngãi, về thăm lại trại tị nạn Galang. Duy thích câu cá nhưng nhiều năm bận rộn đã không làm được, tin rằng anh sẽ câu thật nhiều cá và nhiều niềm vui, ca hát trên nước Trời.

 

Duy thích cầu toàn, thích đẹp thì bây giờ anh đã được về nơi vĩnh cữu không tì vết. Dù sao cũng mừng cho Duy không còn bị áp lực của thời gian, công việc, không còn bị vợ cằn nhằn trễ rồi, không phải thức tới mấy giờ sáng làm việc cộng đồng, không phải lo cơm áo gạo tiền nữa vì đã trả xong nợ đời. Đôi khi Hân cũng bực mình vì Duy dành giờ lo cho cộng đồng nhiều hơn việc nhà, nhưng từ từ Hân cũng thấy vui khi "vác ngà voi" cùng với anh."Làm dâu trăm họ" rất khó khăn, được lòng nhóm này thì sẽ phiền lòng nhóm kia, nhưng Duy rất kiên trì.

 

Anh cả đời chậm chạp, hay đi trễ mà trên con đường về trời lại đi quá nhanh, bỏ lại Hân phải sống trong cô đơn thương nhớ. Một người bạn đã an ủi, khuyên Hân đừng buồn vì mất Duy, mà hãy vui vì Duy đã có 65 năm sống trọn vẹn, làm việc hết mình. Hân đã có 40 năm hôn nhân tương đối hạnh phúc, gia đình đầm ấm hòa thuận từ cả 2 phía. Đám tang của anh dù có nhiều thiếu sót, nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương của anh em thân hữu khắp nơi.

 

Theo ý nguyện của anh, Hân và 2 con trai sẽ cố gắng đóng góp cho cộng đồng, cho nhà thờ dù những việc nhỏ bé, sẽ sống vui cho anh an lòng.  

 

Xin một lần nữa thành tâm tri ân tất cả.

Hân

 

Sợi nhớ sợi thương

 

đàn tranh mỏng mảnh

dây đứt giữa chừng

ai nỡ cắt ngắn

tóc dài trên lưng

 

Cung chiều lạc giọng

âm điệu ngập ngừng

tiếc cho giấc mộng

lệ tràn không trung

 

Sợi thương sợi nhớ

sợi dây tơ lòng

buồn hơn điệu lý

tiễn người qua sông

 

Người không còn nữa

nhưng ước mơ đầu

xin nguyện giữ mãi

mong người thong dong...

 

Thơ Trịnh Tây Ninh

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment