Sub Label Menu bars



Tóc

 Tóc

Nguyễn Ngọc Duy Hân

Nói về đề tài tóc, thì người ta nghêu ngao hát rất nhiều câu, đại khái "Tóc em dài lại cài hoa lý, thấy miệng em cười thắm ý anh thương", còn riêng tôi thì phải ca câu "lơ thơ tơ liễu buông mành" vì tóc rất ít! Quả vậy, nó mỏng manh như tơ liễu, hồi còn bé tôi có mấy tấm hình chụp rất "cute", chỉ tội cái là tóc le hoe. Còn bây giờ già rồi thì tóc tai lại còn thê thảm hơn nhiều nữa. Nói tới đề tài tóc thì tôi buồn tới hơn 5 phút, vì luôn ước ao có mái tóc dài, dầy mà không được. Thế nhưng tuần này bí không biết viết về đề tài gì trên trang Viết Cho Yêu Thương báo Thời Mới, nên tôi đành mạo muội tản mạn về cái chuyện tóc tai này, vì cái răng mái tóc là gốc con người mà. Nhưng xin nhấn mạnh tôi sẽ bàn về tóc của người khác, không phải tóc của tôi nhé.


Theo định nghĩa chung, tóc là bộ phận trên cơ thể con người, mọc tự nhiên trên da đầu và có sợi dài. Tóc gồm các thành phần chính như kẽm, sừng, nito, biotin và lưu huỳnh. Tùy vào môi trường sống hoặc chủng tộc mà màu tóc sẽ khác nhau. Ví dụ người da trắng thường có mái tóc màu vàng, bạch kim, nâu hay đỏ. Người da vàng, da đen thường sẽ có tóc đen hoặc nâu. Chất tóc có thể là thẳng, xoăn tít hay dợn sóng tự nhiên không phải do "phi-dê".

Bạn có biết mỗi người sẽ làm chủ khoảng bao nhiêu sợi tóc trong đời không? Theo các nhà khoa học, trung bình mỗi người sẽ có từ 100000 - 150000 sợi. Mỗi ngày tóc rụng khoảng 100 sợi. Họ đếm cách nào thì tôi không biết. Tóc rụng nhiều thường do các bệnh liên quan đến da đầu, cơ thể thiếu dưỡng chất, sử dụng các hóa chất hoặc do căng thẳng, lo lắng kéo dài. Cái bệnh lo âu stress này là căn nguyên của đủ loại bệnh, nhưng sống mà không bị stress thì chắc là chỉ có ở trên thiên đàng.

Mùa hè với nhiệt độ ấm tóc sẽ phát triển nhanh hơn. Không những tuổi thọ của phái đẹp cao hơn phe liền ông, sợi tóc của phụ nữ cũng sống lâu hơn tóc của quý ông nữa. Thời gian dính trên đầu của một sợi tóc bình thường là 7 năm, sau đó nó phải rụng, tóc con mọc lên. Tóc con mà không chịu mọc thì hói, thì trọc. Thợ cắt tóc thường gội, làm ướt tóc bạn rồi mới cắt, lý do là để nước làm thay đổi liên kết hydro cho tóc thẳng và dài hơn, từ đó dễ cắt, dễ làm thành kiểu cọ hơn.

Người Việt mình các thế kỷ trước vẫn có phong tục để tóc dài, kể cả đàn ông. Do đó khăn vấn, trâm cài, khăn buộc... là các vật dụng không thể thiếu. Cho đến đầu thế kỷ 20, đàn ông Việt vẫn búi tó, chít khăn. Phải đến năm 1905 phong trào Duy Tân ra đời, cuộc cách mạng về tóc mới bắt đầu diễn ra với các khẩu hiệu như đoạn tuyệt với các việc lạc hậu, hô hào đàn ông Việt Nam cắt tóc ngắn.










Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng dân Giao Chỉ cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng. Xâm thân thể với hình Long Quân để khi bơi lội dưới sông, các loài giao long không dám phạm tới. Đi chân đất để tiện leo cây, ău trầu cau để trừ ô uế cho nên răng đen.

Bàn về chữ Việt, thì sợi mọc trên đầu người ta gọi là tóc, không gọi là lông đầu, hoặc râu đầu! Sợi mọc trong lỗ tai thì không gọi là râu tai, mà gọi là lông tai. Mọc trong lỗ mũi người ta gọi là lông mũi, trong nách người ta gọi là lông nách… Mọc ở chân hay tay thì gọi là lông chân, lông tay. Nhưng sợi mọc trên miệng thì phải gọi là râu chứ không gọi là lông miệng hoặc tóc miệng được. Tóc mà cong cong thì gọi là tóc quăn, râu mà cong cong thì người ta gọi là râu quặp. Rắc rối lắm!

Danh từ tóc chỉ dành riêng cho con người, các con vật khác đều được gọi là lông, như lông chim, lông vịt, lông heo… chứ không gọi là tóc chim, râu vịt…

Để sở hữu một mái tóc óng mượt, dày, dài, khỏe, ta nên chú ý đến nguồn dinh dưỡng hàng ngày. Cần có nhiều protein như thịt, cá, trứng, sữa, hay chất đạm từ thực vật. Ngoài ra thức ăn có nhiều chất sắt, kẽm, Vitamin C, B cũng rất tốt cho tóc. Ủa, tôi cũng ăn nhiều lắm mà sao chất bổ nuôi tóc nó đi đâu vậy nhỉ?!!!. Không nên ăn nhiều đường. A, bây giờ tôi đã tìm ra được nguyên nhân rồi, vì tôi hảo ngọt, hay ăn chè bánh nên có hại cho tóc. Theo thời gian, lượng sắc tố melanin trong tóc sẽ giảm đi nên tóc bị bạc, muối nhiều hơn tiêu. Được biết hút thuốc lá cũng làm tóc mau bạc và rụng. Cũng có trường hợp tóc bị mất sắc số do bệnh bạch tạng. 

Nghe hơi khó tin nhưng lại là sự thật. Phần tóc hàng ngày chúng ta chải gội, chăm sóc làm thành kiểu cọ chính là phần tóc đã chết. Phần tóc sống có các chất kích thích thật ra nằm ở chân tóc chôn dưới da đầu. 

Trong kinh Thánh Công giáo, câu chuyện về mái tóc của Samson đã được kể lại rất chi tiết. Samson sinh ra với một sức mạnh phi thường nằm ở mái tóc, dĩ nhiên anh không dám cắt tóc để bảo tồn sức mạnh. Tiếc thay Samson đã yêu và "thành thật khai báo" với Delilah về mái tóc mình. Thế nên trong khi Samson đang ngủ, Delilah đã cắt đi mái tóc của anh, làm Samson mất hết sức mạnh, bị bắt và bị móc mắt. Đàn bà quả thật ghê gớm! May mà sau đó tóc Samson đã mọc lại và anh đã giết được quân gian ác.

Trong Luca, đoạn 12, 1-7 thánh sử cũng có ghi lại câu: "Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ". Cũng có câu chuyện cô Maria xức dầu thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc của cô mà lau cho người (Ga 12,1-3)

Còn đức Phật đã từng dạy hãy cạo bỏ râu tóc để trở thành bậc samon, các tu sĩ hãy thường xuyên sờ lên đầu để nhắc nhở mình là người xuất gia, đã rũ bỏ cuộc sống phàm tục để sống đời đạo hạnh, tìm ra con đường hạnh phúc cho chính mình và người chung quanh.

Nói tới đây thì lại nhớ đến vụ xá lợi - chưng bày tóc Phật - mới xảy ra ở chùa Ba Vàng. Đây là vụ lừa đảo mà sư thầy Thích Trúc Thái Minh đã bị kỷ luật và hứa sẽ sám hối.

Bạn có biết vì sao đức Phật sau khi thành đạo, các tượng Phật vẫn còn tạc với mái tóc, trong khi các đệ tử xuất gia thì cạo đầu không?

Người Trung Hoa thường gọi trẻ con là hoàng mao tiểu tử (cậu bé tóc vàng) vì trẻ nhỏ thường có tóc tơ mềm, màu không đen lắm.

Bạn có nghe qua câu chuyện cắt tóc thay cho chặt đầu thời Tam Quốc Chí chưa. Số là hồi ấy Tào Tháo đã hạ lệnh ai giẫm lên ruộng làm hư lúa mạch, sẽ bị chém đầu. Không may trên đường hành quân, chính con ngựa của Tào Tháo lại bị hoảng sợ đến nỗi tông bừa vào ruộng làm chết lúa. Họ Tào liền yêu cầu quan cắt cổ trị tội mình, để chứng tỏ mình rất phân minh. Các quan liền bàn rằng thừa tướng đang thống lĩnh đại quân, thân mang trọng trách, sao có thể chết được? Tào Tháo trầm tư rồi nói: “Vì ta mang trọng trách mà thiên tử giao phó, vậy hãy cắt tóc thay cho cái đầu của ta đi”. Màn kịch này đóng rất hay, nên quan quân đều nể phục họ Tào. Giả sử có ai đó mà Tào Tháo nghi ngờ muốn giết, rồi có ông quan bàn thôi chỉ cắt tóc người đó thay thế cho cái đầu, sức mấy mà Tào Tháo nghe lời.

Tôi rất say mê theo dõi chuyện Tàu hồi bé, nhưng thôi mời bạn tạm rời vùng đất chia ba chân vạc này để nói tới chuyện khác. Hồi xưa các em nhỏ thường bị cắt tóc theo kiểu để chỏm, rồi tới bum-bê, bánh bèo... (mà tôi là một trong những nạn nhân). Bên Tây thì nổi tiếng có kiểu tóc Rachel, cắt nhiều tầng rồi uốn cúp ngang vai, điển hình là nữ diễn viên Jennifer Aniston trong series "Friends", phe các bà bắt chước kiểu này rất nhiều. Còn kiểu Audrey Hepburn là kiểu búi thanh lịch, chải phồng cao, cũng thu hút rất nhiều bà "follow".

Đông y cho rằng máu là gốc của tóc, còn trái thận là tinh hoa của tóc. Tức là tóc khoẻ hay yếu là do máu và thận có tốt hay không. (Thôi chết rồi, vậy là máu và thận của tôi có vấn đề rồi!!!)

Không phải xem tướng, nhưng người ta thấy người có tóc sợi thô cứng thường là người cương trực bướng bỉnh. Ngược lại "tóc mềm sợi nhỏ" như cô gái Paris trong thơ Cung Trầm Tưởng thì thuộc loại cẩn thận tỉ mỉ. Người tóc có màu đỏ thường tính tình nóng nảy. Thí dụ điển hình là Xích Phát Quỷ Lưu Đường trong Thủy Hử. Người tóc bạch kim thường tính tình ôn hòa. Còn người tóc xoăn được cho là tính tình khá cổ quái, thí dụ Trương Phi trong Tam Quốc Chí. Ông bà ta thì xem tướng qua câu "Đàn bà tốt tóc thời sang, đàn ông tốt tóc những mang nặng đầu".

Làn sóng tóc highlight, nhuộm đủ màu xanh đỏ tím vàng đã trở nên phong trào được nữ giới và cả nam giới hưởng ứng. Hồi ấy tóc cạo trắng hai bên, để bờm cao ở giữa như bờm ngựa được coi là rất "punk". Bây giờ thì đủ kiểu đủ loại, có khi nhìn cũng hơi chướng mắt, nhưng bọn trẻ quan niệm tóc tai chơm bơm chỉ là thể hiện bên ngoài, quan trọng là bên trong. Hồi đó tôi không chấp nhận giải thích này, nhưng gần đây cũng tiếp xúc với một số cháu trẻ rất hiền, hay làm việc thiện nhưng vẫn để tóc, đeo bông tai kiểu lạ đời! Ông bà ta nói "trông mặt mà bắt hình dong" nên tôi cũng rất phân vân. Thôi thì nếu thấy cháu nào tóc tai bình thường thì hãy quý, có cảm tình ngay, còn nếu nó thích để tóc kiểu lạ đời thì khoan hãy ghét.

Sư phụ của ngành nhuộm tóc được ghi lại là người Ai Cập cổ đại. Từ xa xưa họ đã biết chế thuốc nhuộm tóc từ cây lá. Năm 1907 là lần đầu tiên công ty L'Oreal giới thiệu loại thuốc nhuộm tóc, dùng để che dấu mái tóc bạc phơ, nhìn cũng dễ bị trầm cảm.

Bây giờ xin bàn về vài kỷ lục của mái tóc dài nhất thế giới. Đầu tiên là cô Xie Qiuping của Trung Hoa có mái tóc dài 562cm. Một người đàn ông Jamaica đã nuôi tóc suốt 40 năm chưa từng cắt tỉa, cũng đã được ghi trong sách kỷ lục với cái tên Rapunzel đời nay. Rapunzel là tên của nhân vật trong truyện cổ tích, với mái tóc dài vô tận. Asha Mandela, một người phụ nữ 60 tuổi ở Clermont, tiểu bang Florida (Mỹ) cũng đã nổi tiếng với mái tóc dài gần 6m và nặng tới 19kg. Nhưng cụ Doddapalliah ở Molakalmuru trội hơn cả với mái tóc 7,3 m. Tóc được cuộn tròn trên đầu trong bao vải để có thể đi lại được.

Cách Bắc Kinh (Trung Hoa) khoảng hơn 1.600 km có ngôi làng của dân tộc Dao Đỏ, điều đặc biệt là tất cả phụ nữ ở đây đều để tóc dài đến gần 2 mét, không tìm được cô nào tóc tém ở Dao Đỏ đâu.

Tại ngôi làng Yadagirigutta ở Ấn Độ, rất nhiều phụ nữ nghèo xếp hàng để chờ được cạo đầu. Họ chưa từng nhuộm tóc, uốn tóc thậm chí chẳng biết sấy tóc là gì. Người ta gọi đó là những mái tóc "trinh nguyên". Những mái tóc này được cạo đi để trả ơn một vị thần trong đạo Hindu. Dù biết rằng tóc sẽ bị mang đi bán, nhưng họ vẫn hiến tóc vì đức tin. Việc buôn bán tóc thật để làm tóc giả được gọi là ngành công nghiệp "vàng đen".

Các nữ tù nhân Tây Tạng thường bị cai tù Trung Cộng cắt tóc đem đi bán vì các cô sơn nữ Tây Tạng này sống trong điều kiện thiên nhiên, tóc đẹp và khoẻ tự nhiên.

Trong văn hóa Ấn Độ, các nữ thần thường có mái tóc rất dài. Trong đạo Hindu, tóc được coi là một phần quan trọng của sự linh thiêng và không được phép cắt. Việc cắt tóc của trẻ sơ sinh được coi là một nghi lễ quan trọng.

Andre Walker là nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng từng làm việc cùng với Oprah Winfrey, đã chia tóc thành 4 nhóm chính:

        Loại 1 – Thẳng (straight)

        Loại 2 – Gợn sóng (wavy)

        Loại 3 – Xoăn (Curly)

        Loại 4 – Xoăn tít (Kinky-coily) Khi kéo giãn sợc tóc này, nó sẽ tự động trở lại hình dạng xoăn ban đầu khi buông tay, co lại ngắn đến 75% chiều dài thực sự của nó.

Hói đầu là hiện tượng tóc rụng quá nhiều khiến mảng trên da đầu xuất hiện khoảng trống và mất lỗ chân lông, bóng láng. Chứng hói đầu xảy ra ở nam giới nhiều hơn. "Trán anh hói quá, nhìn không ra!"

Tóc bạc là dấu hiệu của quá trình lão hóa, thường sẽ xuất hiện ở độ tuổi 40 – 50

Bây giờ mời bạn xem qua vài cuốn phim nổi tiếng về tóc. Đầu tiên là phim với tựa đề "Hair", sản xuất năm 1979 của đạo diễn Milos Forman. Cuốn phim âm nhạc và hài hước này kể về một nhóm thanh niên tham gia phong trào chống chiến tranh và tự do cá nhân trong thập kỷ 1960. Tóc và các biểu tượng của nó đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tinh thần của thời đại.

Kế đến là phim "Grease" năm 1978. Đạo diễn Randal Kleiser với sự tham gia của John Travolta và Olivia Newton-John, đã mô tả cuộc sống học đường và tình yêu, qua đó kiểu tóc trong "Grease" đã trở thành biểu tượng của thập kỷ 1950.

"Hairspray" là một phim nổi tiếng với âm nhạc vui nhộn. Keo xịt tóc là một phụ kiện quan trọng trong đời sống, một kỹ nghệ kiếm được rất nhiều tiền. Tóc và phong cách làm đẹp là phần không thể thiếu của thế giới thời trang cao cấp.

Hiến tóc cho người bệnh ung thư bị rụng tóc là việc rất nên làm vì khi hóa trị bằng chemo sẽ làm chết tóc theo với tế bào ung thư. Chữ rợn tóc gáy được sử dụng để mô tả cảm giác kinh sợ, hồi hộp.

Một vài chuyện lạ đáng chú ý là tóc có thể phát ra ánh sáng. Ví dụ tóc của một số người Nga và Mông Cổ đã được phát sáng trong điều kiện ánh sáng nào đó.

Một vài câu chuyện nổi tiếng liên hệ tới mái tóc là chuyện ngắn "The Gift of the Magi" của O. Henry. Câu chuyện nói về tình yêu đích thực và sự hy sinh. Cô gái bí mật cắt bán mái tóc để có tiền mua sợi dây đồng hồ đeo tay tặng người yêu. Còn chàng thì bán đi cái mặt đồng hồ để mua cái lược cài tóc mà nàng hằng mơ ước. Khi trao quà, cả hai thấy được tình cảm sự quan tâm dành cho nhau, dù món quà đã trở thành tréo hèo không dùng được nữa.

"The Picture of Dorian Gray" cũng khá nổi tiếng trong lãnh vực văn chương. Tác giả Oscar Wilde đã sử dụng mái tóc để miêu tả sự trẻ đẹp của nhân vật chính là Dorian Gray.

Xưa hơn, có câu chuyện cổ tích Grimm, kể về cô gái bị bà phù thủy nhốt trên một tháp cao. Nhờ có mái tóc rất dài, Rapunzel cắt buộc vào cán chổi để thòng xuống đất cho hoàng tử dùng như cầu thang để leo lên tháp. Mái tóc dài của Rapunzel đã giúp cô được giải thoát. Hồi bé tẻo tèo teo tôi có đọc câu chuyện bằng tranh này và rất thích thú. Khi ấy tôi đã biết buồn vì má chê tôi ở dơ nên không cho để tóc dài, chúng tôi thường lấy cái quần đen đội lên đầu tưởng tượng mình là Rapunzel!

W. Somerset Maugham viết nhiều tiểu thuyết rấy hay, trong đó có cuốn "The Razor's Edge", mô tả hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống của Larry Darrell. Trong chuyện Larry quyết định cạo đầu để thoát khỏi các giới hạn của vẻ đẹp vật chất bên ngoài.

Trong lịch sử Trung Hoa, đã có ghi lại Võ Tắc Thiên và Từ Hi thái hậu đã rất quan trọng việc tóc tai của mình, họ tin là nếu rụng tóc có nghĩa là sẽ bị tổn thọ. Có lần một quan thái giám chải đầu cho Từ Hi lỡ tay làm rụng của bà một sợi tóc, Từ Hi nổi giận ra lệnh phải nối lại sợi tóc đó, bằng không sẽ bị chém đầu. Chuyện khác cũng kể rằng thái giám Lý Liên Anh được Từ Hi sủng ái chính nhờ y biết cách chải tóc cho bà, trang trí trâm cài lược giắt rất công phu.  

Thời nhà Thanh đàn ông cạo trọc hẳn nửa mái tóc phía trước, còn phía sau để dài đến mông rồi bím lại. Tôi thích xem các bộ phim về thời này, thấy trong cung người ta mưu mô, tranh dành quyền lực rất khốc liệt, cốt chuyện ly kỳ. Nhưng đời nay cũng thế thôi, bên Việt Nam thì ăn hối lộ chia không đều, nên tố cáo nhau, tử hình nhau tương đương với việc chém đầu khi xưa. Bên Mỹ, Canada, bên Tây các ông lớn trong chính phủ cũng lòi ra nhiều tì vết làm tôi khá thất vọng. Với tôi, nước Mỹ có tượng nữ thần Tự do là biểu tượng, phải là thí dụ cho một đất nước đầy tự do, dân chủ, công lý. Nhưng "công lý" dần dà không bằng một "ký lông", tiền bạc đã làm lu mờ thật buồn.

Bây giờ mời bạn điểm lại một số bài hát, câu thơ nổi tiếng của xứ Việt mình có liên quan đến tóc cho vui hơn nhé. Danh thần Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15 đã từng viết "Tiếc thiếu niên qua lượt hẹn lành. Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình. Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc. Đầu bạc xưa này có tuổi xanh".

Trong thi phẩm Kiều của cố thi hào Nguyễn Du, cũng đã có rất nhiều câu lục bát nhắc tới tóc trong đó, chẳng hạn các câu: "Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da....

Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành

.... Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.

Dãi dầu tóc rối da chì quản bao.

... Còn ra khi đã da mồi tóc sương"....

Trong bài Thề Non Nước, thi sĩ Tản Đà đã tha thiết: "Xương mai một nắm hao gầy, Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương" hoặc trong Lỡ Bước Sang Ngang, Nguyễn Bính đã than rằng: "Mắt quầng tóc rối tơ vương, em còn cho chị lược gương làm gì?"

Mái tóc "ngát hương thề" trong thơ Đinh Hùng rất được ca tụng "Ôi vai kề vai hương ngát mái đầu". Bài thơ Cắt Tóc của Phan Khôi với các câu như "Mối sầu như tóc bạc, cứ cắt lại dài ra" đã làm não lòng rất nhiều độc giả. Có lẽ cảm hứng từ đây mà nhạc sĩ Hoài Linh đã viết nhạc phẩm "Buồn như mái tóc, mỗi ngày dài thật dài...."

"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng" là tiếng lòng của Xuân Diệu trong bài Đây Mùa Thu Tới.

Trở lại miền quá khứ, ca dao xưa cũng có rất nhiều câu cha ông ta nói về tóc, chẳng hạn "Một thương tóc xõa ngang vai, hai thương đi đứng vẻ ngoài có duyên" hoặc "Một thương tóc xõa đuôi gà", "Tóc em dài sao em không búi, để chi dài bối rối dạ anh...". 

Tóc thề cũng là kiểu tóc mà ông bà ta hay nhắc tới "Thương nhau cắt tóc mà thề, khó nghèo cũng chịu, chớ hề bỏ nhau". Ông bà cũng biết cái mấu chốt "Tóc dài thì tóc rụng đi, tham người có nghĩa, tham chi tóc dài" tức là hãy quan trọng việc nghĩa tình, còn tóc dài đẹp đẽ bên ngoài nào có lâu bền.

Bạn có thuộc bài đồng dao "Đói rụng râu, sầu rụng tóc" không?

Trong chuyện chưởng của Kim Dung, người đẹp là người "da trắng tóc dài". Riêng có vài nhân vật da trắng mà tóc cũng trắng luôn khá nổi tiếng, đó là Thu Ý Nồng. Cô gái họ Thu này đã cùng Hồng Thất Công có một mối tình tuyệt đẹp, nhưng qua sóng gió giang hồ, hai người đã phải xa nhau. Thu Ý Nồng đau buồn đến tóc bạc trắng còn Hồng Thất Công thì lưu lạc đến tận Trung Nguyên, sau này trở thành Bang chủ Cái Bang.

Cừu Thiên Xích là một ác nữ, ác cả với chồng, luôn  hành hạ và sỉ nhục chồng là Công Tôn Chỉ. Vì quá uất hận vợ, Công Tôn Chỉ bày kế hạ độc, cắt hết gân tay gân chân rồi vứt bà xuống giếng sâu. Nhưng Cừu Thiên Xích không chết, dù trở thành một lão bà tóc bạc trắng, về sau đã gặp lại Dương Quá và Tiểu Long Nữ.

Trong lịch sử cũng có chuyện nhiều người vì yêu nước, thù nhà chỉ trong một đêm mà tóc đã trở nên trắng toát.

Thời cận đại thì tôi nhớ tới một nhân vật trong tiểu thuyết Số Đỏ. Anh chàng Xuân Tóc Đỏ này hay không bằng hên, từ chỗ quê mùa nhưng quá may mắn nhảy lên tầng lớp cao sang của xã hội Âu hóa. Vũ Trọng Phụng với ngòi bút trào phúng đặc biệt đã miêu tả được cái văn minh rởm đời lố lăng thời đó.

Bây giờ mới bạn cùng hát một số nhạc phẩm với tựa đề nhắc tới mái tóc như bài Cô bé tóc mây của Lương Bằng Quang, Hoa Cài Mái Tóc của Thông Đạt, Hương Tóc Mạ Non của Thanh Sơn, Mái Tóc Dạ Hương của Nguyễn Hiền, Suối Tóc của Văn Phụng, Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè của Phạm Mạnh Cương, Tóc Gió Thôi Bay của Trần Tiến, Tóc Mây của Phạm Thế Mỹ, Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài của Phạm Duy, Về Đâu Mái Tóc Người Thương của Hoài Linh...

Tôi cũng nhớ các câu hát: "Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày" trong bài Mẹ Tôi của Nhị Hà, hoặc câu "Này cô em bắc kỳ nho nhỏ, này cô em tóc demi garcon" nhạc của Phạm Duy.

Nhạc Trịnh Công Sơn thì nói tới tóc thường xuyên:  "Bao nhiêu năm làm kiếp con người, Chợt một chiều tóc trắng như vôi", "Tay măng trôi trên vùng tóc dài, tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài", "Gọi nắng, cho tóc em cài, loài hoa nắng rơi" , "Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh...", "Ru con ru mãi, nên người mẹ vui, ru bạc tóc thôi" hoặc "Lùa nắng cho buồn vào tóc em, bàn tay xanh xao đón ưu phiền"...

Trong bài Giáng Ngọc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, ông đã ca tụng "Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa, vẫn tóc mây bay mắt môi nồng thắm".

"Tóc mây buồn phủ kín tim tôi" trong bài Tóc Mây của Phạm Thế Mỹ cũng rất nổi tiếng.

Trở về thực tế, người ta đã làm rất nhiều dầu gội đầu, xà bông, thuốc mọc tóc, mouse, hairspay để giúp cho tóc đẹp hơn. Các bà thì có kẹp tóc, băng đô, dây nơ buộc tóc, trâm cài, vương miện với kim cương đá quý mắc tiền, rồi tới các máy sấy tóc, máy nóng làm xoăn tóc thành lọn, đủ thứ để làm chuyện tóc tai thú vị đẹp đẽ hơn.  Xin mở ngoặc Việt Nam mình nổi tiếng có trái bồ kết dùng để gội đầu, nhưng xin lưu ý bồ kết  không làm đen tóc, nó chỉ làm sợi tóc dày hơn từ đó tạo cảm giác đen tóc hơn.

Để tạm kết bài tôi xin kể về cái tóc của mình, dù đầu bài tôi nghĩ không nên kể chuyện cá nhân, nhưng bây giờ "cao hứng" nên chia sẻ luôn. Số là hôm đám cưới đứa con trai lớn, tôi rất lo không biết mình phải làm gì để mái tóc lơ thơ nhìn bớt tệ. Tôi mua vài bộ tóc giả, đeo vào thì phía sau nhìn tạm được, nhưng phía trước với cái trán dồ nhìn rất mất tự nhiên. Đành bỏ các bộ tóc giả này, tiếc tiền nên cố gắng vớt vát, đeo được 1 lần hôm Halloween làm phù thủy thi hóa trang với công ty! Cũng may hôm đám cưới của con trai, cô bạn thân đã giới thiệu một cô thợ làm tóc, trang điểm giỏi với giá phải chăng, nên mấy tấm hình bà mẹ chồng nhìn cũng tạm.

Thêm một chuyện nữa xảy ra cách đây đã gần 40 năm, khi chúng tôi đi dạo chơi ở phố cổ Quebec, Canada. Hồi ấy các họa sĩ hay ngồi dọc theo bên đường để vẽ hình cho du khách. Tôi còn nhớ giá khuyến mãi là $50 đô. Hồi ấy $50 giá trị lắm, nhưng tôi hăng hái trả tiền ngồi làm người mẫu, chỉ yêu cầu ông họa sĩ vẽ tôi rất nhiều tóc. Tôi tin rằng với mái tóc dầy, tôi sẽ nhìn xinh đẹp bội phần. Xin nhớ hồi ấy chưa có photoshop, chưa cho AI trí thông minh nhân tạo vẽ hình giả được. Tôi nhất quyết tốn tiền mong có tấm hình để đời với mái tóc thật dầy, thật đẹp bõ công khao khát bấy lâu nay. Họa sĩ vẽ xong tôi cười như mếu! Tôi chưa thấy cái nơm thật ở ngoài đời ra sao, nhưng nhìn hình tôi phải kết luận tóc tôi giống y như cái nơm, không phù hợp, không đẹp chút nào. Ông họa sĩ đã vâng lời tôi tuyệt đối nên tóc quá nhiều, đè bẹp cả đôi vai gầy guộc của tôi (hồi ấy tôi rất ốm). Tôi học thêm bài học là cái gì nhiều quá cũng không tốt!

Thôi, tôi phải dừng vì bài dài quá rồi. Xin ca tụng các mái tóc điểm sương vì hy sinh cho đất nước, gia đình, tha nhân. Có nhiều người đã khấn điều gì đó, khi được thì xuống tóc để tạ ơn. Tôi nhớ câu danh ngôn đại khái để dịu dàng và lương thiện, tâm hồn cũng cần phải được chăm sóc mỗi ngày. Cũng như tóc, tâm hồn khoẻ khi được nuôi dưỡng bởi những nguồn thức ăn tinh thần lành mạnh. Nếu có xài Tik-Toc, xin cẩn thận!

Ước mong mọi người cùng tôi giữ gìn mái tóc và chăm sóc cả tinh thần của mình, để có mái tóc đẹp lẫn tâm hồn đẹp.

No comments:

Post a Comment