Sub Label Menu bars



Cười

 

Cười

Nguyễn Ngọc Duy Hân

Cười là một trong những hình thức diễn đạt cảm xúc tinh tế nhất của con người. Cười được định nghĩa là hành động để thể hiện cảm xúc thoải mái, tâm trạng vui mừng. Trẻ em khi mới đầy tháng đã biết mỉm cười khi bắt gặp một khuôn mặt quen thuộc, khi được nghe một âm thanh êm tai và nhất là khi được ăn no. Trẻ em học cười trước khi học nói. Quả vậy, cười là một thứ ngôn ngữ không cần lời, có thể vẽ thành một bức tranh tươi sáng. Trong thế giới phức tạp ngày nay, nụ cười là một nguồn năng lượng tích cực, nó không chỉ làm dịu đi những khó khăn, mà còn là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa của sự hiểu biết và hòa mình vào không gian của sự hạnh phúc. Mời bạn cùng cười với chúng tôi qua bài tản mạn sau đây nhé.


Vâng, nụ cười hoàn toàn không tốn tiền mua mà rất dễ lan truyền. Tiếng cười là liều thuốc bổ, vì đã có nghiên cứu chứng minh một phút tươi cười sẽ có hiệu quả tương đương với 45 phút nghỉ ngơi thoải mái. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy trẻ em trước tuổi đi học cười đến 400 lần một ngày. Tiếc thay khi đến tuổi trưởng thành, chúng ta chỉ cười khoảng 17 lần mỗi ngày do các áp lực, lo toan trong cuộc sống.

Một nụ cười đẹp không cần phải có đôi môi trái tim, màu son hấp dẫn hay hàm răng đều đặn trắng sáng. Nụ cười đẹp và thu hút là do sự thoải mái bộc lộ bản thân, là do đôi mắt sáng lấp lánh - dù đuôi con mắt xếp đầy nếp nhăn của tuổi tác. Bằng chứng là đã có những cô gái không hẳn là xinh đẹp, nhưng đã làm người đối diện mê mệt vì nụ cười tươi thắm, "trăm quan mua lấy miệng cười".

Nguyễn Văn Vĩnh trong bài viết đăng trên Đông Dương Tạp chí năm 1914, đã có câu nhận xét: "An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang", đã tạo ra khá nhiều tranh cãi.

Nói tới sách vở, thì người ta đã liệt kê ra rất nhiều loại cười, nào là cười tủm tỉm, cười bẽn lẽn, cười nhạt, cười nịnh, cười gằn, cười khẩy, cười mũi, cười ồ, cười rộ, cười trừ, cười vỡ bụng, cười xòa, cười sằng sặc, cười cầu tài, cười té đái, cười ranh mãnh, cười dòn, cười mãn nguyện, cười vang, cười toe toét, cười đểu, cười ngạo nghễ, cười ý nhị, cười hô hố, cười hóm hỉnh, cười như mếu, cười bò càng, cười đồng loã, cười lém lỉnh, cười lẳng lơ, cười khinh khỉnh.... Ngôn ngữ mới bên Việt Nam bây giờ có những kiểu cười rất kỳ cục, thí dụ cười văng ghế, cười vã, cười sặc cơm.... nghe khá thô tục. Nói tới ngôn ngữ bây giờ thì cũng xin mở ngoặc, hồi xưa các ông cán ngố mới vào miền Nam thì gọi nhà bảo sanh là xưởng đẻ, mới đây nghe một youtuber gọi bệnh viện là ... xưởng bệnh! Rất nhiều người lại bỏ đi chữ bệnh, gọi đi nhà thương là đi viện. Ủa, có rất nhiều viện, viện dưỡng lão, viện tế bần, viện thẫm mỹ, viện mồ côi, ai biết đi viện là đi tới viện nào. Đi viện cũng làm liên tưởng tới Nguyễn Ánh ngày xưa đi cầu viện bên Tàu, thật là khó hiểu mà một số vẫn xài "vô tư!"

Thôi, nói tới chuyện lộn xộn đời nay thì cười không nổi, xin mời các bạn bỏ qua để cười tiếp nhé. Đúng thế, trong thực tế có hằng trăm loại cười như đã liệt kê ở trên. Bây giờ xin mời bạn cùng phân tích chi tiết một số loại tiêu tiểu nhé. Đầu tiên là cười ha hả, xảy ra khi ta đắc chí nên cười to sảng khoái. Ngược lại thì có cười mỉm chi cọp, tức là cười nhè nhẹ thôi, tức là thú vật cũng biết cười, kể cả con cọp đằng đằng sát khí. Cười ngạo mạn là nụ cười của kẻ trượng phu thí dụ nụ cười của Kinh Kha sau khi ám sát thất bại Tần Thủy Hoàng. Hoặc cũng có nụ cười thách đố, như là tiếng cười của Lê Lai khi cứu Chúa là Lê Lợi, sa cơ bị giặc Minh bắt, cả cười thách đố, chứng tỏ khí khái của người hùng. Tiếp tới là cái cười khinh bỉ, biểu hiệu sự khinh ghét.

Trong các thể loại cười, lại có tiếng cười dê, điển hình là giọng cười dê nổi tiếng của cố danh hài Văn Chung, là cái cười của những anh chàng háo sắc thấy đàn bà là híp con mắt, lân la làm quen, tán tỉnh, danh từ mới bây giờ gọi là thả thính!

Tiếp tới là cái cười ra nước mắt, tức là khi ta gắng gượng toét miệng ra nhưng không dấu được cái khổ tâm, chỉ có thể cười cách cay đắng. Mức độ nhẹ hơn chút nữa là nụ cười gượng, dù không vui nhưng vì lịch sự mình cũng cố cười dù rất gượng gạo. Cười tẽn tò là cười khi bị lố, bị quê một cục, cười giả lã cho qua chuyện.

Người ta còn chỉ cười với nửa miệng (nửa miệng kia làm thinh không cười), hoặc có khi còn không xài tới 50% cái miệng, mà chỉ nhếch mép chút xíu. Lại cũng rất nhiều khi ta cười nhưng lấy tay che miệng, chẳng ai thấy được cái cười của mình.  Cười khúc khích thì cũng được nhắc tới nhiều, tiêu biểu như trong nhạc phẩm Quỳnh Hương của Trịnh Công Sơn có câu "miệng cười khúc khích trên lưng".

Cười nhạo báng thường gây tổn thương và tiêu cực cho người nhận. Chúa Giesu xưa đã từng bị quân dữ cười nhạo báng. Các nhà tâm lý học đã liệt kê một số điều mà cười nhạo báng có thể đem lại, đầu tiên là loại cười này sẽ gây ra tổn thương tâm lý, khi người bị cười không cảm thấy được tôn trọng. Nó làm tăng căng thẳng xã hội, tạo thêm rối ren trong các mối quan hệ, khiến mọi người khó lòng tin tưởng và giao tiếp một cách cởi mở. Trong mọi tình huống, sự tôn trọng và sự chấp nhận các quan điểm đa dạng rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ tích cực. Đơn giản là đừng cười nhạo báng ai: "Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười".

Mặc dù cười là một hoạt động tích cực và có nhiều lợi ích, nhưng cũng có những tình huống ta không nên cười, kẻo gây hiểu lầm hoặc làm tổn thương người khác. Chẳng hạn trong những tình huống nguy cấp như tai nạn, thảm họa, trong các nghi lễ nghiêm trang. Trong tang lễ mà vui cười, nói năng ba hoa thì bị coi là không tôn trọng và thiếu nhạy cảm. Khi người khác đang lo lắng hoặc sợ hãi, thay vì cười cợt hãy thật lòng chia sẻ sự đồng cảm.  

Bởi vậy ông bà ta đã từng khuyên con cháu đừng có "vô duyên chưa nói đã cười". Ca dao Việt cũng có những câu rất hay liên quan đến nụ cười: "Nghìn quan chẳng tiếc, tiếc nụ cười em xinh".

Hoặc ông ba ta cũng đã diễn tả: "Miệng cười lúng liếng có đôi đồng tiền,

Tôi với người muốn kết nhân duyên.

..... Miệng cười như thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen"....

Trở về thời xa xưa, trong sách Sáng Thế Ký của đạo Công Giáo cũng có ghi lại một lần cười đặc biệt, đó là khi bà Sara bật cười khinh dễ, tỏ ý không tin vào quyền năng của Thiên Chúa khi được cho biết bà sẽ thụ thai dù đã lớn tuổi. Thế nhưng sau đó bà đã sinh được con trai cho ông Abraham nối dõi, với cái tên Isaac - chữ Isaac có nghĩa là "được cười" trong tiếng Do Thái.

Trong Phillip đoạn 4 cũng có ghi câu kêu gọi: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn". Tôi phải đặc biệt thực hành câu này, vì tôi vốn bi quan, hay lo lắng, ít khi thấy vui mừng trong Chúa.

Chúa Giêsu trong bài giảng trên núi cũng đã từng nói với đám đông: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.”

Đối với các Phật tử, đức Di Lặc đáng được quý mến với nụ cười cho chúng ta tìm thấy mùa Xuân chân thật. Ðạo Phật là đạo của từ bi và giải thoát, nụ cười của đức Phật đã được xem là nụ cười từ bi muôn thuở. Kỳ quan Ðế Thiên Ðế Thích mà một trong những nét đẹp đặc biệt của nó chính là nụ cười của đức Phật. Từ nụ cười của tôn giả Ma Ha Ca Diếp, đến nụ cười của thiền sư Bố Ðại, Phật giáo đã có trên 1500 năm truyền bá gắn bó với đời, với triết lý “Biển dâu, mây nổi, cười như không” đã góp cho đời các giá trị về nhân sinh.

Trở lại đời thường, thì cái cười và sự hài hước đã mang lại nhiều lợi ích cho tinh thần và sức khỏe. Nguyên tắc là cười không tốn tiền, nhưng nhiều khi các nụ cười này lại thực sự làm ra được tiền. Đó là khi các nghệ sĩ hài biểu diễn trong các chương trình truyền hình, phim hài hoặc quảng cáo. Muốn diễn hài kịch kiếm tiền thì phải có các tác giả soạn kịch thật hay, thật ý nhị để người ta cười. Có nhiều nhà khôi hài trong làng giải trí đã chinh phục khán giả bằng tài năng và khả năng diễu cợt của mình.

Mời bạn nhớ lại một số nhà khôi hài với các "comedy" nổi tiếng. Đầu tiên là phải kể tới danh hài Sặc-lô, tức là Charlie Chaplin, vang danh với rất nhiều cuốn phim câm đem lại tiếng cười ý nhị. Sau này có Mr. Bean cũng rất thành công trong lãnh vực phim diễu. Ngoài ra còn có Richard Pryor, được coi là một trong những người xuất sắc về phương diện hài hước trong thập kỷ 70.

Các bạn chắc hẳn cũng từng xem qua các bộ phim của Eddie Murphy, ghi dấu thành công với Saturday Night Live, Beverly Hills Cop và Coming to America. Nữ danh hài Joan Rivers, cũng là người dẫn chương trình nổi tiếng với cái cười sắc bén, không ngần ngại nói về những chủ đề nhạy cảm, cũng là nhân vật đáng nhắc tới. Jim Carrey thì quá nổi danh qua các bộ phim như Ace Ventura, The Mask và Dumb and Dumber. Cá nhân tôi thì thấy Jim Carrey nhiều lúc hơi lố, hơi vô duyên, nhưng người phương Tây rất thích.




Ngoài phim ảnh, kịch nghệ, người ta còn thu thập nhiều câu chuyện vui cười ngắn, in ra thành sách bán cũng rất chạy. Về phía Việt Nam thì nổi tiếng có trạng Quỳnh với những câu chuyện cười "vô tiền khoáng hậu", độc đáo không thua gì các "comedy" để diễu cợt các chính trị gia, các thói hư tật xấu trên đời của người Âu Mỹ.

Một vài bộ phim nổi tiếng liên hệ tới cái cười là cuốn "Patch Adams", sản xuất năm 1998, dựa trên câu chuyện có thật về bác sĩ Patch Adams, người đã sử dụng nụ cười như một phương tiện trong việc điều trị bệnh nhân.

"La La Land" mặc dù không phải là cuốn phim diễu, nhưng Damien Chazelle với cách dàn dựng âm nhạc, hình ảnh tươi sáng lãng mạn đã làm cuốn phim trở nên một đề tài vui, thu hút rất nhiều khán giả.

Tản mạn về cười, thì không thể không nhắc tới nụ cười quyến rũ đầy thu hút của Marilyn Monroe, nữ tài tử đã trở thành biểu tượng của sắc đẹp trong thập kỷ 1950 & 1960.

Về phía liền ông thì có Tom Hanks - nam diễn viên với nụ cười tươi sáng, chứa chan tình cảm trong các bộ phim nổi tiếng như "Forrest Gump", "Cast Away" và "Toy Story" đã hớp hồn không biết bao nhiêu là nữ khán giả với nụ cười của anh.

Câu nói "đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà" thì lại không đúng với Julia Roberts chút nào. Cô tài tử miệng rộng với nụ cười rạng ngời đã đưa cô trở thành một trong những nữ diễn viên hàng đầu Hollywood.

Will Smith, diễn viên kiêm ca sĩ này nổi tiếng cũng nhờ sự hài hước và nụ cười tươi của mình, đã tạo ra nhiều bộ phim ăn khách như "Men in Black", "Independence Day" và "The Pursuit of Happiness". Will có màu da đen, nhưng rất thu hút, đẹp trai cách đặc biệt.

Những nhân vật này đã chứng minh rằng nụ cười không chỉ là biểu hiện về vẻ đẹp, mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh và sự nổi tiếng.

Các danh hài xứ Việt thì nổi tiếng có Thanh Hoài, Tùng Lâm, Trần văn Trạch ... ngày nay thì có Chí Tài, Việt Hương, Quang Minh, Hồng Đào, Bảo Liêm... Trấn Thành là một nhân vật đa tài, đem tiếng cười và nước mắt đến cho nhiều khán giả.

Gần đây các youtuber, tiktoker với nội dung sáng tạo đã làm người khác thấy vui, cười xả stress và kiếm được rất nhiều tiền. Bản thân tôi gần đây cũng thấy mình thay đổi, thích xem phim vui, thích nghe nói ... bá láp để cười, thay vì âu sầu suy tư như khi còn trẻ.

Bây giờ mời bạn điểm qua vài câu danh ngôn liên quan đến nụ cười. Mẹ Teresa thành Calcuta đã khuyên “Hãy luôn gặp mọi người với một nụ cười, vì nụ cười là khởi nguồn của tình yêu.” Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook - đã phát biểu rất chí lý : “Những người thành công luôn luôn có 2 thứ trên môi của họ: Sự im lặng và nụ cười.” John Lennon thì triết lý: "Hãy đếm tuổi của bạn bằng số bạn bè chứ không phải số năm. Hãy đếm cuộc đời bạn bằng nụ cười chứ không phải bằng nước mắt".

Bạn đã nghe rất nhiều về nụ cười của nàng Mona Lisa rồi phải không? Thế thì tôi xin nhắc sơ qua chút chút thôi. Lý do mà bức tranh Mona Lisa thu hút sự quan tâm của cả thế giới nằm ở nụ cười của nàng. Từ một góc độ, Lisa dường như đang mỉm cười, nhưng khi nhìn thẳng vào đôi môi, người ta lại thấy nụ cười biến mất. Đây là một kỹ thuật thị giác đã được Leonardo da Vinci sử dụng hết sức điêu luyện.

À quên, xin chia sẻ ngay mẹo chụp hình đẹp, thay vì nói “Cheese” hãy nói “Money” vì khi phát âm "money" khóe môi mở rộng hơn khiến gương mặt cân đối, nụ cười trông thoải mái, duyên dáng và tự nhiên hơn. Hơn nữa nhắc tới tiền thì tự khắc sẽ vui, không cần cười gượng.

Don Quixote của tác giả Miguel de Cervantes là một cuốn sách với cái "sense of humor" rất hài hước, tường thuật về cuộc phiêu lưu của chàng hiệp sĩ mộng mơ, được coi là một trong những kiệt tác của văn học thế giới. Lại xin mở ngoặc là tôi đã ráng đọc nhưng không hiểu mấy và không thích!

Tiếp theo xin mời bạn dạo chơi trong thơ văn Việt Nam, nơi có rất nhiều tác phẩm mang yếu tố hài hước, đặc biệt là tự trào tức là tự cười chính mình. Chắc hẳn ai cũng rành tâm lý của nhân vật Chí Phèo mà tác giả Nam Cao đã dàn dựng làm cười ra nước mắt.

Thơ tự trào hoặc diễu cợt thói đời thì nổi tiếng có Hồ Xuân Hương. Gần đây nhiều sư quốc doanh, nhiều chùa chiền bị tiếng xấu như chùa Bát Nhã ở Cali, chuyện tóc của Phật ở chùa Ba Vàng Việt Nam, thì từ xưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã viết về Sư hoạnh dâm: "Cái kiếp tu hành nặng đá đeo, Làm chi một chút tẻo tèo teo.Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc, Trái gió cho nên phải lộn lèo".

Các tác giả như Nguyễn Khuyến đã tự cười cái nghèo của mình: "Đã bấy lâu nay bác tới nhà. Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa".

Ông Tú Mỡ đã Ghét Tết vì: "Thiên hạ sao ưa Tết? Hẳn vì mặc áo đẹp. Tớ đây bảo Tết phiền, Ghét!"

Nhà thơ Tú Xương thì than rằng " Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta. Chừa được cái gì hay cái nấy, Có chăng chừa rượu với chừa trà"!

Thời nay thì có Thái Bá Tân là một nhà thơ với những đóng góp lớn, với một số câu điển hình như: "Cộng sản không thể sửa, mà phải chôn xuống mồ" hoặc "Những câu khẩu hiệu đỏ, và một mớ giáo điều, một môi trường hủy diệt" để diễn tả chế độ ngày nay ở quê nhà.

Xưa hơn thì có nụ cười của Bờm qua bài đồng dao ai cũng biết "Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười..."

Trong thi phẩm Thúy Kiều của cố thi hào Nguyễn Du thì nhắc khá nhiều đến các kiểu cười:

"Hoa cười ngọc thốt đoan trang ...

Vân rằng: Chị cũng nực cười,

Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.

.... Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

.... Đã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười!

Bề ngoài thơn thớt nói cười,

Mà trong nham hiểm giết người không dao.

Cùng chung một tiếng tơ đồng,

Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm

.... Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông:.....

Các nụ cười đủ loại trong Kiều là như thế đó, còn đời nay thì sách vở đã ghi lại một số điểm lợi ích và cả tai hại của tiếng cười. Điểm lợi thì dĩ nhiên phải kể đến cười làm giảm căng thẳng. Khoa học đã chứng minh cười kích thích việc sản xuất endorphin, hormone làm giảm đau tự nhiên, giảm stress. Cười giúp mở rộng mạch máu, cải thiện sự lưu thông máu, tạo ra tâm trạng tích cực, tăng cường sự lạc quan và sự hạnh phúc. Cười cũng làm giảm mệt mỏi, tăng cường lưu lượng khí oxy, giúp cải thiện sức mạnh và sự tỉnh táo.

Thế nhưng cười cũng có thể gây hại khi bị sử dụng để nhạo báng hoặc làm tổn thương người khác. Chắc mọi người còn nhớ chuyện có người bị đánh thương tích chỉ vì "nhìn đểu". Thật ra người này chỉ vô tình đưa mắt nhìn thôi, mà đã bị đánh rồi, huống chi dám "cười đểu". Hậu quả của con người xã hội chủ nghĩa ngày nay đó. Ngoài ra cũng phải nói rằng mặc dù tích cực, nhưng lạc quan quá mức có thể dẫn đến sự thiếu thận trọng và đánh giá không chính xác về tình huống. Nói đơn giản là đừng tự tin quá!

Bây giờ xin nói sơ qua về chuyện Chưởng của tác giả Kim Dung, thì nổi tiếng có bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ, nội cái tên không thôi là đã thấy cái cười trong tác phẩm này rồi. Qua các nhân vật như Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh, Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi.... ta thấy qua bao tranh chấp, nếu vượt qua được các hỉ nộ ái ố thì mới có thể cười trên các hư danh được.

Nhân vật với tính cách vui nhộn như Hồ Hạc Long trong "Thiên Long Bát Bộ" với tính cách đào hoa và hài hước cũng đã được Kim Dung làm câu chuyện thêm phần thu hút, thành công.

Một trong những chuyện đặc biệt về cười có thể kể là câu chuyện về "Thị trấn không cười" (The Town Without Laughter). Đây là một câu chuyện ngắn tưởng tượng, nhưng mang theo một thông điệp sâu sắc về giá trị của tiếng cười và niềm vui trong cuộc sống. Câu chuyện nhấn mạnh dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, sự lạc quan vẫn là yếu tố quan trọng.

Bàn về nhạc thì có rất nhiều bài hát có chữ cười, cách cười trong đó. Tôi chỉ nhớ lõm bỏm một số bài. Đầu tiên phải kể đến bài hùng ca Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ với câu "Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang".

Riêng tác giả Lê Hựu Hà trong Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời thì đã kêu gọi: " Cười lên đi em ơi, dù nước mắt rớt trên vành môi, Hãy ngước mặt nhìn đời, Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười...."

Bài Mặt Trời Đen đã làm Elvis Phương trở nên nổi tiếng khi kết thúc bài hát bằng tiếng cười: "mặt trời đen, sao đen quá, há ha ha ha..."

Trịnh Công Sơn thì có nhiều bài với tiếng cười trong đó: "Đời vẽ tóc em thật dài

Rồi vẽ môi thơm nụ cười....

Chiều qua bao nhiêu lần môi cười

Cho mình còn nhớ nhau ....

.....Từng vùng từng vùng lá xanh

Rộn ràng rộn ràng tiếng cười nói....

Tôi rất thích bài trường ca "Đóa hoa vô thường" với các câu như: Tìm em tôi tìm, mình hạc xương mai, Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi, nụ cười mong manh"....

Họ Trịnh cũng đã ru: "Ru con trưa nắng, trong mộng cười ngon"

Trong bài Thương Một Người, ông cũng đã tha thiết: "Thương nụ cười, và mái tóc buông lơi..."

Bài Không Tên Số 3 thì Vũ Thành An đã kêu gọi: "yêu nhau cho nhau nụ cười. Thương nhau cho nhau cuộc đời"....

Trong nhạc phẩm Quê Hương Ta, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã viết: "Quê hương ta mới bao nhiêu nụ cười hiền hòa"

Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười là bài hát nổi tiếng nhạc của Võ Tá Hân, phổ từ thơ Trần Trung Đạo: "Ví mà con đổi thời gian được, Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười". Thấy sang bắt quàng làm họ, tôi đã được diện kiến và là "bạn" của 2 nhân vật nổi tiếng này đấy!

Nụ Cười Sơn Cước của nhạc sĩ Tô Hải đã diễn tả một nụ cười rất đặc biệt: "một chiếc vòng sáng lóng lánh, với nụ cười nàng quá xinh".

Bài "Tiếng Đàn Của Anh, Trong Tiếng Cười Của Em" của nhạc sĩ Phạm Duy thì nói rất rõ: "Trong tiếng cười của em, anh thấy tình Mẹ, Cha. Trong tiếng cười của em, anh thấy mối giao hòa... Ôi tiếng cười của em, của em !Ôi tiếng cười của em, xin vẫn cứ cười vang lên"....

Viết lung tung nãy giờ, bây giờ tôi xin tóm lại, là tiếng cười không chỉ riêng một trải nghiệm vui nhộn mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tâm lý của con người. Chắc chắn rằng mỉm cười làm ta đẹp hơn nếu ta nhíu mày nhăn nhó. Mỉm cười làm chúng ta tự cảm thấy vui vẻ hơn, giúp ích đối với việc kết bạn, giúp mình trở nên tự tin và thu hút hơn. Người ta cũng khuyên rằng nếu mình cười với người khác, người khác cũng sẽ mỉm cười lại. Mình cười với đời thì đời sẽ mỉm cười với mình. Bạn và tôi hãy thử xem kết quả ra sao nhé.



Nhiều người bi quan bảo cười chính là tiếng khóc khô không lệ, đồng ý trên phương diện nào đó, nhưng điều chính xác là nụ cười và những giọt nước mắt sẽ luôn đi cùng với cuộc đời, như những nốt trắng và đen phải có trên cây đàn dương cầm. Cho dù là niềm vui hay nỗi buồn thì cảm xúc đó cũng không bao giờ kéo dài vĩnh cửu. Bạn không thể cười mãi vì một việc, thì cũng đừng nên khóc mãi vì một chuyện nào đó. Hãy sử dụng ráo riết khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp sống này, cố gắng trở thành nguồn hạnh phúc cho chính mình và cho người khác, qua việc thể hiện nụ cười.

Chúc bạn luôn tươi vui, hạnh phúc và có được nụ cười trên môi.

No comments:

Post a Comment