Cưới
Nguyễn
Ngọc Duy Hân
Có
người vui vẻ khoe mình mới được mời đi đám cưới, rồi rộn ràng sắm sửa quần áo,
chuẩn bị đi tiệc. Lại có người than rằng bị dính cái đám hỉ rồi, sẽ tốn tiền mừng
cho cô dâu chú rể đây! Riêng bạn, bạn cho rằng mình được mời hay bị mời? Nói
chung, cuộc sống ngày nay có những thách thức và suy tư rất khác nhau đối với hoàn
cảnh mỗi người, trong đó việc cưới hỏi là vấn đề khá quan trọng. Hôn nhân không
chỉ là sự liên kết giữa hai người mà còn là sự kết hợp của hai gia đình và thậm
chí là hai văn hóa khác nhau. Vậy mời bạn cùng tôi điểm qua vài sự kiện về vấn
đề cưới hỏi này nhé.
Trong
xã hội Việt Nam xưa, có nhiều phong tục khác nhau về cưới xin, có cái quá đáng
nên đã bị bãi bỏ cho hợp với cuộc sống
hiện đại. Thí dụ tục thách cưới, đã từng gây khó khăn cho bao nhiêu cặp trai
gái nhà quê yêu nhau mà vì không có tiền nên phải xa nhau. Nhà gái với quan niệm
con gái mình không phải là đồ vứt đi, nên thách cưới nào quần áo, rượu bánh cau
trầu, nhẫn xuyến hoa tai.... nên nhà trai phải bỏ cuộc.
Đã
có các câu ca dao về sự thách cưới rất .... trên trời dưới đất:
"Xin
chàng ngàn sáu con trâu
Ngàn
tư con lợn đón dâu về cùng"
Hoặc:
"Xin
chàng tám chĩnh mật ong
Tám
bát mỡ muỗi xin đong cho đầy"
Cũng
có đám nhà trai ráng lo cho xong các món thách thức, rồi kéo cày trả nợ, tình
thông gia sứt mẻ, nhà trai hành hạ cô dâu mới về nhà chồng cho bõ số tiền thách
cưới.
Đó
là chưa kể tới các khoản lệ phí rất mắc:
"Nuôi
lợn thì phải vớt bèo
Lấy
vợ thì phải nộp cheo cho làng".
Hay
là:
"Bao
giờ tiền cưới trao tay
Tiền
cheo rấp nước mới hay vợ chồng"
Trước
khi cưới còn có các phong tục như lễ dạm ngõ, đám nói, lễ ăn hỏi.... Cũng có các
đám cưới chạy tang, tức đám cưới cử hành gấp rút trước khi ai đó trong gia đình
sắp chết, vì hồi xưa nếu nhà có tang thì phải chờ 3 năm mới được cưới.
Bây
giờ mời bạn rời phong tục làng quê Việt Nam, để điểm qua vài đám cưới tốn kém
nhất trên thế giới nhé. Đầu tiên phải kể tới đám cưới của hoàng tử William và công
nương Kate Middleton xảy ra tại Anh năm 2011, chi phí ước tính tới 34 triệu đô
Mỹ vào thời điểm ấy. Đám cưới hoàng gia này là một trong những sự kiện lớn nhất
được quan tâm nhất trên toàn thế giới. Khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới
theo dõi sự kiện trọng đại này và hơn 600000 người đổ về các con đường nơi có
các diễn biến của lễ cưới để được xem tận mắt. Dàn khách mời bao gồm nhiều ngôi
sao nổi tiếng như Victoria và David Beckham, Elton John, David Furnish...
Kế
tới là đám cưới của Kim Kardashian và Kris Humphries ở Hoa Kỳ, cũng xảy ra vào
năm 2011 với số tiền khoảng 10 triệu đô Mỹ. Tổ chức với ngập tràn sự xa hoa và
đặc biệt, tuy nhiên, hôn nhân của họ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.
Họ
đã thuê máy bay đặc biệt để chở khách mời đến Florence, nơi họ đã thuê lâu đài
cổ với giá 400000 USD. Khách sạn dành cho khách mời ở cả Paris và Florence cũng
tốn hơn nửa triệu.
Đám
cưới của Sheikh Mohammed Maktoum và công chúa Salama ở Dubai năm 1981 mà đã tốn
khoảng 137 triệu đô Mỹ, nếu tính theo giá lạm phát ngày nay thì con số còn lớn
tới cỡ nào. Một sân vận động 20000 chỗ ngồi đã được xây dựng riêng cho các hoạt
động của lễ cưới kéo dài trong một tuần. 50 đoàn ca múa nhạc Ả Rập và châu Phi
cùng 34 máy bay phản lực tư nhân đã tham gia vào đám cưới xa hoa này.
Ngoài
ra còn có đám cưới của Vanisha Mittal và Amit Bhatia ở Pháp vào năm 2005, tốn
khoảng 78 triệu. Vanisha là con gái của chủ tịch công ty thép lớn nhất thế giới,
số tiền tổ chức này có là bao so với tài sản của ông bố.
Chuyện
cũ đáng nhắc tới là hôn lễ của thái tử Charles và Diana năm1981. được mệnh danh
là "đám cưới thế kỷ". Chương trình truyền hình trực tiếp có đến 750
triệu người theo dõi. Công nương Diana xuất hiện trong chiếc váy cưới kết hơn 1000
viên ngọc trai và đá quí sequins. Lễ cưới được tổ chức tại nhà thờ St
Paul, nội tiền chi phí cho việc đảm bảo
an ninh đã lên tới 57 triệu bảng Anh.
Không
tốn nhiều tiền bằng các đám cưới trên, nhưng lại rất nổi tiếng được cho là đám
cưới đẹp nhất thế giới - Đó là ngày con trai của tỷ phú Nga Sargis Karapetyan lấy
vợ năm 2016. Chi phí gần 2 triệu đô thôi nhưng cảnh thần tiên của một khu rừng
ngập tràn hoa trang trí công phu đã gây ấn tượng rất đặc biệt. Trong hôn lễ
Salome đã mặc tới 3 chiếc áo cưới kèm vương miện kim cương do Tiffany & Co
cung cấp.
Điều
này làm tôi nhớ những năm xưa mới sang Canada, đi dự đám cưới bạn mà ít khi thấy
được cô dâu, vì cô đi vào phòng sau thay áo nhiều lần, mới mặc áo xanh chụp hình
vài tấm đã đi thay áo đỏ, cứ như trình diễn fashion show!
Năm
2010 nhiều người rất quan tâm theo dõi đám cưới của Chelsea, con gái duy nhất của
cựu tổng thống Bill Clinton được tổ chức tại khu dinh thự Astor Courts, New
York. Đám cưới tốn khoảng 3 triệu đô nhưng chỉ có khoảng 400 thân hữu được mời.
Bây
giờ mời bạn điểm qua vài hôn lễ được ghi nhận có thành tích đặc biệt nhất. Thí
dụ đám cưới ngay tại Ontario, Canada chúng ta vào tháng 9, 2003 đã có tới 79 phù dâu tham dự. Khác với
Việt Nam mình phù dâu phải là người trẻ tuổi, độc thân, các phù dâu này có tuổi
từ 1-79, có chồng hay đã li dị không quan trọng. Việc này làm tên cô dâu
Christa Rasanayagam và chú rể Arulanantham Joachim được nhắc tới như một sự kiện
lạ của đám cưới. Kỷ lục bó hoa đám cưới lớn nhất cũng lọt vào tay Rasanayagam và
Joachim. Họ đã đầu tư vào bó hoa cưới dài 60 mét, với 1500 hoa hồng và hoa cẩm
chướng. Không biết làm sao để cô dâu cầm bó hoa này. Ngoài ra báo chí cũng ghi
tên người phù dâu già nhất ở tuổi 105 là cụ bà Edith Gulliford trong đám cưới ở
Anh tháng 3 năm 2007. Cô dâu là Kyra Harwood và James Lucas, không thấy nói tới
phù rể già nhất, có lẽ vì quý ông không sống dai bằng quý bà.
Voan
cài tóc dài nhất dành cho cô dâu với gần 7000 mét của Maria Paraskeva cũng đã được ghi vào sách Guinness World Records. Nó phải được trải vòng qua vòng lại trên
khoảng sân rất rộng. Dĩ nhiên cô dâu không đi được nếu phải kéo lê miếng voan dài
7000 mét này.
Chiếc
váy cưới của cô dâu Cosmina Englizian được đính hơn 43000 hạt pha lê được ghi
nhận là chiếc áo cưới có nhiều pha lê nhất.
Chuyện
lạ khác là cô dâu Lauren Blair cùng chú rể David Blair đã nhắc lại lời thề 99 lần
vào ngày cưới năm 2010 tại hôn lễ ở Tennessee, Mỹ. Thế nên họ đã được ghi vào
"record" là cặp tân hôn đọc đi đọc lại lời thề nguyền nhiều nhất. Cũng
lu bu chưa hỏi bác Google hay con Chat GPT là cặp vợ chồng này hiện nay ra sao,
có còn mãi giữ lời thề nguyền này và luôn hạnh phúc không.
Đám
cưới dưới nước lớn nhất được ghi trong sách kỷ lục là hôn lễ với 261 thợ lặn. Họ đã tham gia lễ cưới
của Francesca Colombi và Giampiero Giannoccaro tại bãi biển Morcone trên đảo
Elba Island, Italy tháng 6 năm 2010.
Một
cặp tân hôn ở Mỹ cũng đã tổ chức đám cưới trên không trung trong một chiếc
khinh khí cầu. Họ đã trao nhẫn cưới và ký giấy kết hôn trong khi đang đắm chìm
trong vẻ đẹp của không trung.
Bánh
cưới lớn nhất nặng 6,8 tấn do các đầu bếp tại sòng bạc Mohegan Sun ở
Uncasville, tiểu bang Connecticut (Mỹ) trưng bài tại lễ cưới tháng 2, 2004 đã
được ghi vào danh sách chiếc bánh cưới to nhất. Không thấy nói cắt ra được bao
nhiêu phần và cho những ai ăn. Bánh Tây làm thường rất ngọt, ăn xong bảo đảm sẽ
làm tăng chứng bệnh tiểu đường cách đáng kể!
Angelababy
và Huỳnh Hiểu Minh, nữ diễn viên Trung Hoa đã trở thành người mặc chiếc váy cưới
Dior đắt nhất từ trước đến nay, với giá khoảng 31 triệu USD. Khăn voan dài hàng
chục mét đính 100 bông hoa hồng. Angelababy được mệnh danh là "Kim
Kardashian của Trung Hoa" cùng chú rể Huỳnh Hiểu Minh đã trang trí tiệc cưới
bằng rất nhiều hoa hồng và chiếc bánh cưới cao hơn 3 mét.
Victoria
nổi tiếng trong ban nhạc Spice Girls và David trong đội banh sau khi chào đón đứa
con trai đầu lòng, đã tổ chức lễ kết hôn rồi cũng được nhiều sách báo nhắc tới.
Sau khi thề nguyền, một con chim bồ câu trắng được thả ra để tượng trưng cho
tình yêu của họ. Theo tin tức, chỉ có 29 người được mời dự buổi lễ kết hôn này,
nhưng cuối cùng tại buổi tiệc cưới sang trọng, đã có tới hơn 200 người tham dự.
Tây Phương ở với nhau, có con rồi mới đám cưới là chuyện bình thường. Trong khi
hồi xưa cô gái chưa chồng mà chửa hoang thì sẽ bị gọt đầu bôi vôi, đem đi bêu rếu
khắp xóm hoặc ác hơn là bỏ vào lồng nhận cho chết chìm dưới sông.
Ngoài
ra, một đám cưới tập thể đông nhất đã được ghi nhận là hôn lễ ở Đại Hàn vào
ngày 27 tháng 10 năm 2000, tại sân vận động Olympic của thủ đô Seoul. Gần 21000
cặp hôn nhân đã tham gia lễ cưới tập thể này để thể hiện tình yêu đôi lứa và tình
yêu dành cho hòa bình.
Chắc
ai cũng biết tới nữ tài tử Elizabeth Taylor nổi tiếng trong phim Cleopat, sau 8
lần mặc áo cưới, hôn lễ của Elizabeth Taylor với Larry Fortensky - cũng là hôn
lễ cuối cùng của bà - có chi phí khoảng
1,5 triệu đô Mỹ. Một phần lớn chi phí là
để thuê an ninh bảo vệ. Khách mời nổi tiếng có Eddie Murphy, Diane Furstenberg,
Macaulay Culkin, Brooke Shields.... Tuy nhiên, cặp vợ chồng này cũng đã ly dị 5
năm sau đó.
Tiệc
cưới của Trấn Thành & Hari Won được tổ chức rất lung linh lãng mạn bởi gần
1500 cây nến và 30000 viên pha lê được treo nơi, ngoài ra 30000 bông hồng trắng
và hoa lan trắng đã được trang trí để hôn lễ thêm phần đặc biệt. Qua đây cũng
thấy cái khác là Việt Nam hoặc Tàu thường dùng màu đỏ trong đám cưới, kiêng màu
trắng vì cho là tang tóc, nhưng với người ngoại quốc thì không phải như thế. Tôi
cũng từng nhận thiệp cưới màu tím thẫm, tính ra là mầu buồn, nhưng thiệp lại nhìn
rất sang trọng.
Nói
tới thiệp cưới thì ngày nay đám trẻ ít làm đám cưới rình rang, mà nếu có thì cũng
không in thiệp rắc rối, mà chỉ đăng ngày giờ, địa chỉ qua trang mạng, facebook....
Xin mở ngoặc là tôi vẫn còn giữ thiệp cưới của mình 40 năm trước. Hồi ấy ba má
tôi yêu cầu phải có thiệp để ông bà gởi báo cho bà con ở Việt Nam là con gái út
của ông bà làm đám cưới ở Canada, ông cũng căn dặn phải có tấm hình chụp trong
nhà thờ. Hồi ấy kỹ thuật photoshop còn dở, chứ nếu ngày nay thì chỉ cần tích tắc,
sẽ có tấm hình "nộp" cho ông an tâm, không cần thật sự có đám cưới
trong nhà thờ! Nhắc tới ba má thì tôi xin nhân lúc viết bài này, xin gởi thêm một
lời tạ ơn, vì ba má đã dạy dỗ tôi theo kiểu cổ truyền, mà tôi thấy rất cần thiết
và đáng quý trọng.
Đám
cưới của người được ghi nhận với các điều đặc biệt đã đành, người ta còn tào
lao đến mức tổ chức đám cưới cho chó. Kỷ lục đám cưới lớn nhất thế giới dành
cho chó được tổ chức vào tháng 5, 2007 cho 178 cặp chó tại Littleton, tiểu bang
Colorado, Mỹ. Không thấy nói các cặp chó này có thề hứa, phát biểu "I
do" trong đám cưới của mình không, nhưng chó cái cũng có đeo voan, mặc áo
cô dâu đàng hoàng.
Một
cặp khác ở Nhật Bản đã tổ chức đám cưới với sự tham gia của hơn 1000 con mèo. Nhưng
họ cũng có lý vì đây là cách để thể hiện tình yêu của họ đối với thú cưng và
gây quỹ cho tổ chức cứu trợ các loài thú nuôi trong nhà.
Đám
cưới là dịp vui, nhưng cũng phải nhắc tới vài hôn lễ đã trở thành ngày tang tóc
khủng khiếp. Chẳng hạn ở thành phố Nineveh, miền bắc Iraq đã có vụ hỏa hoạn xảy
ra ngay trong ngày cưới 27/9/2023 làm hơn 250 người bị thương, trong đó hơn 100
người thiệt mạng, kể cả chú rể. Nguyên nhân được xác định là do pháo hoa sử dụng
trong đám cưới đã làm cả tòa nhà bị cháy mà lối thoát hiểm lại rất hạn chế.
Thời
Covid, một đám cưới ở Paliganj, Ấn Độ đã làm 113 khách dự có kết quả dương
tính, chú rể 30 tuổi bị sốt cao và chết sau đám cưới 2 ngày.
Vì
muốn gây ngạc nhiên cho chồng tương lai, một cô dâu người Brazil là Rosemeire
Nascimento đã bị tử vong trong tai nạn trực thăng trên đường tới đám cưới của
mình vào tháng 12, 2016. 300 vị khách
cùng với hai bên gia đình đều bị sốc trước sự ra đi đột ngột của cô dâu trong
ngày cưới. Cũng có cô gái mặc áo cưới dài và nặng quá, ra bãi biển chụp hình
trước đám cưới rồi bị sóng cuốn chết. Viết tới đây tôi lại nhớ tới câu hát
"Chiếc bình hoa ngày cưới đã thành chiếc bình hương" trong bài Đồi Tím
Hoa Sim, thơ của Hữu Loan. Thương quá những tai nạn, chuyện buồn này.
Một
đám cưới khác cũng có nhiều thương vong là thảm họa đám cưới ở Afghanistan vào 3
tháng 11 năm 2008. Sự việc xảy ra tại làng Wech Baghtu, tỉnh Kandahar khi một
đám cưới đang diễn ra thì bất ngờ bị tấn công lầm bằng phi cơ quân sự Mỹ. Kết
quả, hơn 30 người thiệt mạng, quả là súng đạn vô tình, chiến tranh đã gây bao đau
khổ cho con người.
Dông
dài nãy giờ, trước khi kết bài tôi xin ghi lại vài lời khuyên của sách vở nếu
phó thường dân chúng ta được mời đi đám cưới. Đầu tiên thì chúng ta phải
"Phúc đáp" để gia đình có hỉ sự tiện việc sắp xếp. Khi tiệc, mình nên
tới trước giờ để ghi danh, tìm bàn ngồi, và không nên đòi đổi bàn trừ khi có lý
do rất quan trọng. Tôi có người bạn già vì tự ý đổi chỗ ngồi, đã làm chú rể trẻ
nổi giận và sau này giận nhau luôn. Tiệc cưới ở hải ngoại tốn phí rất nhiều, mình
nên mừng cho "đôi trẻ" ít nhất đủ số tiền chi phí cho buổi tiệc. Nhưng
phải trừ ra một số trường hợp cô dâu chú rể có rất nhiều tiền, nên tổ chức đám
cưới có thảm đỏ, với nhiều chi tiết sang chảnh rất mắc, thì mình không cần phải
trả hết số tiền cho sự xa hoa này.
Tôi
vẫn theo quan niệm xưa từ ông bà, là ở với nhau nên có đám cưới dù nhỏ, không
thích kiểu "tình cho không, biếu không", nhất là phái nữ cũng cần giữ
thể hiện cho gia đình. Không cần đám cưới lớn, xa hoa, vì hạnh phúc trong hôn
nhân đến từ những tình yêu đơn giản, chân thực và cần chung thủy để được lâu bền.
Quan trọng nhất là sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những lúc vui vẻ
lẫn khó khăn. Cưới hỏi không chỉ là điểm khởi đầu, mà là hành trình dài, đòi hỏi
sự cam kết và nỗ lực không ngừng nghỉ từ cả hai bên.
Chúc
bạn và người thân có một hành trình hôn nhân đầy ý nghĩa trong cuộc sống.
Nguyễn
Ngọc Duy Hân
No comments:
Post a Comment