Sub Label Menu bars



"Đêm Thơ Nhạc Hạnh Ngộ Yêu Thương" - Giới thiệu nhạc sĩ Phạm Hoàng Thương và nhạc sĩ Phạm Trung

 

"Đêm Thơ Nhạc Hạnh Ngộ Yêu Thương" - Giới thiệu nhạc sĩ Phạm Hoàng Thương và nhạc sĩ Phạm Trung

Mới đó mà đã gần 4 năm từ khi Tuần Báo Thời Mới được hân hạnh tổ chức đêm "Thơ Nhạc cho Yêu Thương", giới thiệu hai tác giả Duy Hân (Trịnh Tây Ninh) và Đặng Hoàng Sơn vào tháng 10, 2018. Xin một lần nữa chân thành cảm ơn các Hội Đoàn, cơ quan Truyền Thông khắp nơi, thân hữu, độc giả đã ủng hộ đêm thơ nhạc lần thứ nhất này, cũng như theo dõi báo Thời Mới trong suốt thời gian qua. Tính tới nay, Thời Mới đã xuất bản tới số 1045, tức là hơn 20 năm sinh hoạt trong làng báo chí hải ngoại. Ngoài mục đích thông tin, cố gắng gìn giữ văn hóa Việt Nam, Thời Mới cũng luôn ước ao có thể khám phá và giới thiệu các tài năng trong cộng đồng. Vì thế sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, tòa soạn báo Thời Mới lại được khuyến khích đứng ra tổ chức một buổi thơ nhạc giao duyên khác, với chủ đề "Đêm Thơ Nhạc Hạnh Ngộ Yêu Thương" vào 3 tháng 9, 2022 sắp tới.


Chương trình lần 2 này sẽ giới thiệu 8 tác giả là Duy Hân, Hoa Sen (Nguyễn Hòa), Lê Hoàng Châu, Lý Kiến Trung, Nguyễn Văn Hiển, Nhóm Văn Nghệ Hương Việt, Phạm Hoàng Thương, Phạm Trung, với sự góp mặt của các ca nghệ sĩ, MC như Ái Phương, Anh Đào, Đăng Bửu, Diệp Lan, Kim Lan, Lệ Hiền, Lê Thu, Lisa Hoàng Trang, Ngọc Anh, Ngọc Phượng, Ngọc Quý, Nhóm Hương Việt, Thy Hương...  và chính 8 tác giả. Ngoài trừ nhạc sĩ Lê Hoàng Châu và ca sĩ Ái Phương đến từ Montreal, các tài năng còn lại đều đang ở Ontario, Canada.

Họ là những bông hoa tươi đẹp dù tuổi đời có thể không còn trẻ lắm, nhưng mỗi bông hoa đều có mỗi màu sắc riêng biệt, mùi hương thơm ngát tô điểm cho cuộc đời. Một bài hát của Trịnh Công Sơn đã kêu gọi: "Em hãy dâng cho đời một nụ hoa tình cờ", các nghệ sĩ này đã đam mê văn nghệ, bỏ nhiều tài sức và thời gian ra để có được những bản nhạc, bài thơ ý nghĩa cống hiến cho tình yêu, thông hòa vào nỗi đau khổ của con người nhưng cũng không thiếu hy vọng vào ngày mai, để kêu gọi mọi người yêu thương nhau hơn và ca tụng Chân, Thiện, Mỹ.

Khi một thi sĩ sáng tác, người ta sẽ khen hay nếu bài thơ ấy có nhịp điệu du dương, lúc trầm lúc bổng nghe như cung điệu của một bài hát. Cũng vậy, nếu người nhạc sĩ viết ca khúc mà lời nhạc lại có vần, mang theo âm hưởng của thơ, bài hát ấy sẽ tăng thêm giá trị. Ở đây, cả hai phần thơ và nhạc sẽ được "hạnh ngộ" trong yêu thương và nghệ thuật. Viết đến đây thì nhóm biên tập Thời Mới lại có thắc mắc: Thơ phổ nhạc hay nhạc phổ thơ? Nếu giới thiệu một bài hát mà lời lấy từ một bài thơ, thì giới thiệu thi sĩ trước hay nhạc sĩ trước? Thật là khó định nghĩa vì trong tiếng Việt, chúng ta cũng thường nói ngược mà ai cũng hiểu. Thí dụ khi đi gặp bác sĩ, mình nói "tôi đi khám bác sĩ" mà thật ra thì chính bác sĩ khám bệnh nhân, chứ có bệnh nhân nào khám ngược lại bác sĩ bao giờ! Vậy thì hãy để nhạc và thơ hạnh ngộ, gặp gỡ nhau trong niềm vui, niềm hy vọng cũng như chuyên chở cả những nỗi đau, trăn trở với kiếp người, với quê hương Việt Nam.

Tiếng Việt giàu nhạc tính với âm thanh trầm bổng, các bài thơ đều có thể ngâm vịnh, các điệu dân ca, hát ru, câu hò cũng thường có ca từ lấy ở ca dao, nhưng để có một bài nhạc hay đi vào lòng người không phải là chuyện dễ. Tám tác giả mà chúng tôi sắp lần lượt giới thiệu đã có được tài năng để chuyên chở thơ nhạc một cách tài tình, làm chủ một số tác phẩm khá lớn trong một thời gian khá dài.

Hôm nay trên trang báo này, Thời Mới sẽ bắt đầu giới thiệu 2 trong 8 tác giả, đầu tiên là nhạc sĩ Phạm Hoàng Thương và nhạc sĩ Phạm Trung.

Nhạc sĩ Phạm Hoàng Thương tên thật là Phạm Duy Đỉnh, 66 tuổi, định cư ở Canada từ năm 1991 cho đến nay và đang sống tại thành phố Vaughan, Ontario. Phạm Hoàng Thương đã sáng tác được hơn 40 bài vừa tình ca và thánh ca. Anh đã thực hiện được 3 Album nhạc để kỷ niệm sinh hoạt văn nghệ của mình. Từ năm 1979 khi còn ở Việt Nam, anh học nhạc với các nhạc sĩ như Quốc Dũng, Đỗ Lễ.... Sau khi định cư Canada, anh học nhiều khóa nhạc lý, sáng tác do nhạc sư Phạm Đức Huyến và cô Nguyễn thị Bền giảng dạy.  Các Tác phẩm tiêu biểu: Con là người Việt Nam, Lòng Thương Xót Chúa, Dĩ Vãng, Nhớ Về Mẹ, Tình Sầu Đêm Nay ...... Anh cũng đã phổ thơ của một số thi sĩ để có những bài hát hết sức tâm tình. Ước vọng của nhạc sĩ Phạm Hoàng Thương là được học hỏi thêm ở những bậc đàn anh về cách hòa âm, nhạc lý, thánh ca trong nhà thờ để đóng góp cho vườn hoa âm nhạc Việt Nam được nhiều sắc màu, tươi mới hơn. Đặc biệt hiền thê của anh Đỉnh là chị Diệp Lan, người từng có nhiều sinh hoạt văn nghệ và truyền thông tại California, Hoa Kỳ. Chị Diệp Lan cũng sáng tác những bài thơ rất ý nghĩa và có một giọng ngâm thơ rất phong phú, uyển chuyển. Cầu chúc Nhạc sĩ Phạm Hoàng Thương và chị luôn tràn đầy sức khoẻ, điều kiện để sáng tác, sinh hoạt ca nhạc nhiều hơn nữa.

Người nhạc sĩ tiếp theo trong đêm "Đêm Thơ Nhạc Hạnh Ngộ Yêu Thương" là anh Phạm Trung. Nhạc sĩ Phạm Trung cư ngụ tại Toronto, tuổi cũng khoảng 65, đã sáng tác hơn 150 bài thánh ca, tình ca về quê hương & gia đình. Nhạc sĩ Phạm Trung đã có 6 CD về thánh ca và 4 CD về tình ca quê hương thực hiện chung với các nhạc sĩ khác. Anh nguyên là ủy viên thánh nhạc tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto, phụ trách văn nghệ và thánh ca trong chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Toronto, là thành viên của Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Hải Ngoại Việt Nam và thành viên nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh Việt Nam. Ngoài Piano, Keyboard, anh Trung rất giỏi về độc tấu guitar classic, từng thắng giải nhì trong chương trình "Music Talent" năm 1981 tại Saskatchewan. Tiếng đàn của anh ngày càng điêu luyện, mức độ sáng tác vẫn mạnh mẽ đặc biệt anh đã mau chóng thể hiện các vấn đề xã hội như Dâng Nước Nga & Ukraine Lên Trái Tim M, Xin M Thương Xót An i Bnh Nhân Covid, Thương Quá Sài Gòn Ơi!.... Ước vọng của nhạc sĩ Phạm Trung là vẫn còn những cảm hứng để sáng tác cho đến hết cuộc đời. Anh đã từng trải qua một cuộc mổ tim thập tử nhất sinh, và may nhờ hiền thê là chị Ngọc Quý cùng luôn sát cánh hỗ trợ, cùng song ca nên dòng nhạc và sinh hoạt văn nghệ của anh Phạm Trung luôn được tiến triễn tốt đẹp. Thánh ca của anh Trung đã được rất nhiều ca đoàn Công giáo trình diễn. Cầu chúc anh chị Trung & Quý luôn mãi giữ niềm đam mê, thành công và có sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho đời thêm những bông hoa văn nghệ hiếm quý.

Trở lại với chủ đề "Hạnh Ngộ", vua Trần Minh Tông - hoàng đế thứ năm của nhà Trần nước Đại Việt đã sáng tác bài thơ tựa đề là "Hạnh Ngộ" bằng chữ Hán, tạm dịch như sau:

"Đời ta từng có một cây đàn,

Chôn vùi đã lâu ngày trong bụi trần.

May gặp được tay cao diệu của Bá Nha,

Lại khiến cho tiếng đàn nối được lời nước non".

Rồi trong bài nhạc "Bài Ca Hạnh Ngộ" của Lê Uyên Phương đã có những câu hát như sau:

"Rồi mai đây đi trên đường đời

Đừng buông tay âm thầm tìm về cô đơn

Một khi trao áo hồng

Là khi trao tiếng cười

Luôn ghi kỷ niệm ban đầu yêu thương.

Chờ trăng lên, nghe sao thì thầm

Thời gian qua, đâu ngờ cuộc đời bao la

Rồi như mây thoáng qua

Rồi như trăng xế tà

Em ơi nhớ ngày xa vời dâng hoa....

Vâng, ước mong đêm thơ nhạc ngày thứ bảy 3 tháng 9 sẽ là một trong những cuộc hạnh ngộ với mối duyên tình để đưa các tác giả đến gần khán giả yêu thích ca nhạc hơn, để sau này khi nhắc tới sinh hoạt văn nghệ này, chúng ta sẽ "nhớ ngày xa vời dâng hoa"...

 




 

No comments:

Post a Comment