Sợ
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Trong Bài hát Tình Đời của nhóm Lê Minh Bằng có câu “Tình yêu, em sợ tình yêu,vì tình yêu như là hương hoa. Lỡ mai sau em mất người yêu, em khổ thật nhiều”... Bài hát này nói lên tâm sự của người mang kiếp cầm ca, sợ khổ vì tình nên không dám yêu. Nhưng nói chung dù than "em khổ thật nhiều" nhưng cái sợ này cũng chưa đến nỗi to lớn lắm, chưa phải là nỗi sợ kinh khủng, chưa phải sợ khóc thét, sợ chết điếng…. Trong cuộc sống có rất nhiều loại sợ, có lẽ ai cũng đã từng sợ, đang sợ và sẽ còn sợ dài dài. Bạn sợ gì nhất? Có điều gì rất sợ khi còn bé, bây giờ trưởng thành nghĩ lại thấy thật buồn cười, không hiểu sao hồi bé mình lại sợ vô lý như vậy? Cũng có người tuyên bố “chả sợ gì, chỉ sợ già” tức là vẫn có cái để sợ. Mời quý vị cùng điểm qua chủ đề "sợ" này nhé, hy vọng sau đó sẽ thấy bớt sợ hơn và sống vui hơn.
Người ta định nghĩa sợ là ở trong trạng thái không yên lòng, đang cảm thấy có cái gì đó nguy hiểm hoặc gây tai hại cho mình, rồi tự thấy không thể chống lại hoặc không thể tránh khỏi. Khi sợ mình sẽ có cảm giác bất an, lo lắng, khiếp đảm khiến mình không giữ được bình tĩnh, chẳng hạn tim đập hồi hộp, ăn không thấy ngon, có khi khiếp hãi quá tái mặt luôn, vì thế mới có câu ví von “sợ xanh mặt”. Nếu sợ nghĩa là lo liệu, là biết trước vấn nạn để tránh thì cái sợ này rất tốt. Làm chủ cảm xúc, kiểm soát tình huống, nguyên nhân, hậu quả cũng là then chốt của vấn đề thay vì chỉ than thở suông hoặc né tránh
Người ta đã viết nên câu chuyện ngụ ngôn về con chó khát nước. Có chú chó rất khát nên chạy đi tìm nước. Khi nhìn xuống dòng sông thấy cái bóng của mình, chó tưởng đó là một con chó khác, nó hoảng sợ, tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó đành quay trở lại. Cuối cùng bỏ mặc nỗi sợ hãi, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Vâng, đó là một câu chuyện ý nghĩa, để thấy rằng con người phải biết chiến thắng nỗi sợ hãi trong lòng bằng hành động.
Trong cuộc sống thường nhật chúng ta có hàng ngàn thứ để sợ. Có cái không nên sợ nhưng cũng có khi phải biết sợ để tránh những hậu quả xấu, không phải cứ sợ là xấu, người ta có thể trở thành loại trơ lì, độc tài khi không biết sợ là gì. Sách nghiên cứu phân loại nỗi niềm sợ hãi theo hai dạng: nỗi sợ bản năng và nỗi sợ tâm lý. Hằng ngày, truyền thông đăng tải rất nhiều tin tức tiêu cực dễ khiến ta lo âu, sự sợ hãi đó thuộc về bản năng. Còn những nỗi sợ khác như sợ thất bại, sợ đứng trước đám đông, sợ mất danh dự, v.v… lại là nỗi sợ xuất phát từ tâm lý. Sách đi tới kết luận thay vì tránh né, mình nên nhìn rõ vào chính nỗi sợ của bản thân và học cách xử lý đúng đắn với nó.
Thời xa xưa, trong Kinh Thánh cũng đã nhiều lần ghi lại chữ sợ và nhắc nhở người ta đừng sợ. Có người bỏ công ra đếm được ít nhất 365 lần Kinh Thánh dùng chữ sợ, đủ để chia ra mỗi ngày một lần để thực hành. Chẳng hạn câu:
• Hãy dứt bỏ sự sợ hãi.
• Hãy vui lên, và chớ sợ hãi, vì ta là Chúa đang ở với các ngươi
• Chớ sợ kẻ thù của mình
• Sự kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan.
• Hãy kính sợ Chúa và lìa khỏi sự ác.
Trong Tân ước cũng có kể lại chuyện các tông đồ đang ở trên thuyền thì gió bão dữ dội, các ông sợ chết chìm nên phải đánh thức Chúa Giêsu dậy để làm phép cho sóng yên, gió lặng.
Khi Ba Lan được đổi từ chế độ Cộng Sản sang thể chế Tự Do, báo chí đã nhắc tới công trạng của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ Nhị thời đó, đã mạnh mẽ kêu gọi dân chúng đừng sợ để chiến đấu. Ngài cũng nói cách kiên quyết nhưng rất tâm tình là trước khi trở thành Giáo Hoàng, ngài cũng là một người dân của đất nước Ba Lan, vì thế nếu cần ngài cũng sẽ cởi áo Giáo Hoàng mà ra trận chiến đấu cho quê hương với tư cách một công dân. Thật đáng quý trọng vị Giáo Hoàng này.
Trong Phật học, Phật pháp đã dạy do thiếu định lực và trí tuệ nên con người mới sợ cái cảm giác do chính cái tâm của mình tạo nên. Tất cả mọi thứ khổ đau đều do mình thiếu làm chủ mà ra. Khi tâm định tĩnh theo Thiền định, không nghĩ ngợi hoang mang thì sẽ có nội lực chiến thắng được bản thân mình.
Trong tác phẩm “Kiều” của cố thi hào Nguyễn Du, cũng có nhiều câu nói tới sự sợ hãi:
"Xuân huyên lo sợ xiết bao, Quá ra khi đến thế nào mà hay!"
Hoặc “Sinh đà phách lạc hồn xiêu, Thương ôi chẳng phải nàng Kiều ở đây?”
Bản thân Kiều cũng được Nguyễn Du miêu tả về nỗi sợ hãi đến mức “sởn gai”:
“Ấy mới gan, ấy mới tài, Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời”
Trong khi đó thì “Thúc Sinh trông mặt bấy giờ, mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm”. Sợ vả mồ hôi là thế đó. Cũng xin mở dấu ngoặc ở đây chuyện của má tôi. Tội nghiệp bà nhà nghèo, ăn uống khô khan nên bị táo bón quanh năm, nhưng mỗi khi nghe tin chúng tôi chuẩn bị “đi”, tức là vượt biên thì bà sợ quá phải đi thăm nhà vệ sinh thường xuyên. Bà không “đi ấy” được nhưng cơ thể căng thẳng bắt bà phải vào nhà cầu, rồi lại đi ra….
Riêng trong văn hóa Việt Nam, việc quá sợ và kính nể các vua quan, sợ người ngoại quốc đã dẫn tới chuyện hèn nhát. Sách có ghi lại rằng thời Pháp thuộc, ông Thống đốc Nam kỳ có ra một cái trát lệnh cho các quan Pháp phải đối đãi lễ phép hơn với người An Nam, không được để dân phải vái lạy, vì đa số người mình rất sợ, cứ thấy quan là khòm lưng lạy. Được biết vua Thành Thái cũng đã có ra chỉ dụ là dân không được lạy người sống, ấy thế mà dân cứ lạy mãi. Vì sao? Vì sợ. Thế nên cụ Phan Khôi đã từng ngán ngẩm nói: "Nếu ta mà còn đê hèn vậy, mong gì ai trọng ta". Bạn nghĩ sao về việc bắt trẻ nhỏ khoanh tay, cúi đầu “ạ” người lớn? Lễ phép thì đúng là nên làm, nhưng tự ti, nhút nhát quá trong thời đại a còng này chắc là không hợp thời nữa rồi.
Ngày xưa cũng có câu ca dao rất nổi tiếng: “Yêu em anh cũng muốn vô, Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang". Truông nhà Hồ là một địa danh gần Quảng Trị rất rộng, cây cối um tùm, là sào huyệt của một băng cướp nguy hiểm, ai đi qua đó cũng phải khiếp sợ. Sau đó theo lệnh của Chúa Nguyễn, một vị quan tên là Nguyễn Khoa Đăng đã đánh cướp thành công để truông nhà Hồ trở nên yên bình.
Tục ngữ mình cũng có câu “không sợ hẹp nhà, chỉ sợ hẹp bụng”, ý nói không lo không đủ điều kiện để chia sẻ, chỉ sợ bụng dạ hẹp hòi không muốn làm thôi. Ông bà mình còn hay dùng câu “điếc không sợ súng” ý nói tai điếc không nghe thấy gì, nên dù có súng nổ cũng không thấy sợ. Câu này rất chính xác trong thời gian người Việt mình đi vượt biên trốn Cộng sản, quả là “điếc không sợ súng” khi đi trên chiếc thuyền mong manh như chiếc lá mà dám ra khơi vượt đại dương trốn Cộng sản, như vậy đủ biết cái sợ phải sống với chủ nghĩa Cộng sản nó mạnh cỡ nào.
Trở qua chuyện chưởng Kim Dung, nhân vật nữ lợi hại, đáng sợ nhất là ai? Đó là Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ, Triệu Mẫn và Chu Chỉ Nhược. Còn nói đến độc dược trên chốn giang hồ mà ai cũng phải sợ là Thập Hương Nhuyễn Cân Tán, loại này đã được Triệu Mẫn sử dụng. Nó không màu, không mùi, không vị, rất khó có thể phát hiện. Nhưng có lẽ cái độc gây hại nhiều nhất ngày nay cho cả thế giới là con Covid, loại vi trùng khủng khiếp làm ai cũng hoảng sợ. Ở Việt Nam lúc đầu mùa Covid, công an đã không ngần ngại đem cần cẩu, xe bít bùng tới bắt người dân nhiễm covid như bắt tội phạm, không cho tự cách ly ở nhà. Một ông giáo sư đi đổ xăng, sợ vi trùng đến nỗi đổ xăng xong thì ném tiền dưới đất, không dám trao cho chủ tiệm xăng vì sợ lây lan. Người ta sợ quá nên tránh và kỳ thị người chẳng may nhiễm cúm Covid này như tránh nguời cùi, thật là thiện tai!
Về phương diện vật lý, các dấu hiệu của sự sợ hãi là tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt, ra mồ hôi, hồi hộp, lo lắng quá mức, cảm thấy lạc lõng, ngượng ngùng có khi bị kiệt sức, té xỉu hay thậm chí đau tim tắt thở.
Cái sợ cũng thường bắt đầu bằng một sự kiện đau thương nào đó. Nếu bạn đã từng trải qua một vụ đụng xe lớn, việc lái xe có thể khiến bạn sợ hãi, thậm chí bạn có thể tránh hoàn toàn việc lái xe.
Sợ trái nghĩa với yên tâm, thanh thản và đồng nghĩa với hãi, hoảng, ngại. Trong tự nhiên, em bé đang ngủ giật mình thức dậy không thấy cha mẹ bên cạnh, liền khóc vì sợ. Tiếng quát to cũng có thể làm đứa trẻ sợ hãi khóc thét lên, vì thế hãy nhẹ nhàng với các bé và ngay cả với người lớn.
Tôi có quen một ông chồng luôn la hét vợ, làm khó chị trước mặt bạn bè. Sau này mới biết vì ông ta mặc cảm vợ giỏi hơn mình, làm lương nhiều hơn mình nên chỉ rình cơ hội chị lỡ lời là “quạt” thẳng tay. Ông ta thật sự sợ chính mình vì đã không học giỏi, không kiếm tiền nhiều bằng vợ, sợ bị vợ khinh khi, coi thường. Tội nghiệp, chị có bao giờ dám lên mặt với chồng đâu. Giỏi và làm ra tiền trong trường hợp này cũng là một cái tội.
Điều rất khó là khi sợ sệt, dù mình cố gắng làm tỉnh tỏ vẻ không sợ, nhưng ánh mắt sợ sệt, nét mặt tái xanh sẽ “tố cáo” sự mất bình tĩnh của mình. Có một chuyện vui có thật xin kể hầu quý vị. Tôi có người bạn lần đầu đưa bạn gái đi chơi Canada Wonderland. Đây là khu công viên giải trí đại khái giống Disneyland ở bên Mỹ, nhưng nhỏ hơn nhiều, có các trò chơi mạnh roller coaster tức là các vòng xe nhào lộn trên không trung. Để chứng tỏ mình “ngầu”, anh mua vé lên ngồi dưới ánh mắt thán phục của cô bạn gái. Khi đi xuống, anh choáng váng nhưng ráng làm tỉnh, bảo vui lắm không sợ gì, dù mặt anh tái xanh, nhưng liền sau đó anh bị ói ra luôn, tức là nôn thốc nôn tháo, không dấu nổi cái sợ teo gan nữa! Cũng xin nói thêm là chúng tôi cũng có anh bạn khác, anh “lỡ dại” nghe lời bạn đốc thúc cũng tham dự vòng game nhào lộn này, sau khi xuống đất an toàn, anh “sợ tới già” và tuyên bố chắc phải cạo đầu ăn chay để mừng thoát chết.
Tiếp theo chuyện sợ, lại có khi người ta sợ những thứ rất là vô hình, vô lý như sợ ma, điển hình là kinh sợ khi xem phim Draculla hút máu người với 2 răng nanh thật dài. Dịp lễ Halloween nhiều người rất sợ khi thấy các hình ảnh con dơi, ma quái, ánh lửa bập bùng giữa các nghĩa trang hoang vắng. Hồi bé tôi cũng rất sợ ma, chị tôi hay hù “Coi chừng có Ông Già Râu Kẽm”, tôi không biết ông già râu kẽm là ai, chỉ biết râu kẽm thì cứng như kẽm gai, và tôi đã sợ hình ảnh đó suốt cả thời thơ ấu. Vâng đúng thế, rất nhiều người cảm thấy sợ hãi khi gặp bóng tối, nhất là trẻ em. Các nhà khoa học đã phân tích nguyên nhân của hiện tượng này, là do cơ chế hoạt động của một số vùng trong bộ não làm mình liên tưởng tới những gì mơ hồ, tối tăm không chạy thoát được.
Chữ sợ lại cũng để diễn tả việc không dám làm vì ngại khó, sợ không thành công. Có khi sợ lại chỉ là sợ thiếu, lo thức ăn ít quá không đủ để đãi khách. Các bà nấu ăn chắc là rất hay gặp phải cái sợ này, con mắt to hơn cái bụng khiến thức ăn dư thừa cả tuần sau ăn còn không hết. Cũng có khi người ta nói sợ kẹt xe, tức là lo việc nghẽn đường nên phải đi sớm.
Chữ sợ cũng có khi nghĩa là không … sợ, chỉ nói lên là mình có phần dè dặt, chỉ là chữ để chỉ sự quan tâm thôi, thí dụ câu nói "tôi cứ sợ chị không về kịp".
Trong tiếng Việt, dễ sợ lại là chữ để chép miệng khi thấy chuyện gì lạ, như khi thấy ai đó bắn cung tên rất tài tình, hoặc làm xiệc bay đu dây trên cao rất hay, để khen ngợi mình lại nói “Dễ sợ thật!”
Có cái sợ kéo dài cả đời, có khi cái sợ chỉ thoáng qua do lý do bất ngờ chỉ trong chốc lát rồi thôi, chẳng hạn sợ hết hồn. Chẳng ai sợ “hết hồn” thật lâu, cũng có người nói “sợ hú hồn hú vía”, hoặc “sợ hết vía”.
Trong khoa học người ta đã liệt kê hằng ngàn loại sợ và đặt tên cho các nỗi sợ hãi này bằng rất nhiều thuật ngữ lạ. Có người thì sợ độ cao, khi nhìn xuống đất thì có thể ngất xỉu hoặc choáng váng rất nhiều, không dám đi máy bay, không dám ở trên lầu cao nhìn xuống. Cũng có người sợ cái gì mềm, sợ rờ phải lông, sợ chuột… sợ đến hoảng loạn một con thú nào đó, trong khi lại rất thoải mái khi tiếp xúc với con vật khác. Nỗi sợ có khi cũng được chia ra làm hai loại, sợ hữu hình như sợ con vật nào đó, còn loại sợ kia thì vô hình, như có học sinh sợ bị gọi tên trong lớp, run lẩy bẩy không dám nói trước đám đông. Chúng tôi cũng có người bạn Canada, tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ nhưng khi có hẹn đi gặp người khác chỉ để mua một món đồ cũ, lại rất sợ phải năn nỉ chúng tôi đi để “ăn nói” dùm.
Nỗi sợ hãi thường khiến mình lo âu, thậm chí hoảng loạn, nhưng nếu mình nhận ra lý do của cái sợ thì mình sẽ tự tin hơn, bớt sợ hơn. "Tôi không dám ăn no vì sợ bị đau bụng". Biết được mình sợ gì cũng dễ dàng để tránh nguyên nhân, không tới những địa điểm hay tình huống cụ thể, cơ hội để phải sợ “chết run chết rét” khó xảy ra. Hãy tìm ra nguyên nhân, bạn càng hiểu về nỗi sợ của mình, việc chế ngự nó sẽ trở nên tốt hơn. Thí dụ hôm đó một học sinh nằm lì trên giường thay vì thức dậy để tới trường, rõ ràng người học trò này không lười. Thì ra bạn ấy đã từng bị người thầy dạy môn Toán quở mắng nặng lời, bạn rất dốt Toán, chỉ giỏi Văn nên không muốn đi học. Lạ cái là khi nằm nhà, bạn ấy thấy chóng mặt, muốn ói và thân thể rất mệt, bệnh thật chứ không phải chỉ là bệnh tưởng. Cũng có chị kia tránh đi gặp mặt bạn bè cũ, dù rất nhớ các bạn chỉ vì gần đây chị bị rụng tóc, không muốn các bạn thấy cái đầu hói của mình. Chị có đủ lý do để giải thích với các bạn, trừ lý do sợ cái đầu hói. Khi mua được bộ tóc giả, chị hăng hái đi họp mặt và các lý do, triệu chứng bất thường trước đây biến mất. Nỗi sợ hãi ảnh hưởng đến tâm trí và hành vi của chúng ta rất nhiều. Hãy cố gắng nhìn vào sự thật, đừng trốn tránh để rồi không thể vượt qua chính mình. Chạy trốn nỗi sợ hãi sẽ không bao giờ giúp bạn cải thiện cảm giác của mình với nỗi sợ đó. Hãy học kỹ thuật thả lỏng, bình tĩnh đương đầu với những căng thẳng và lo lắng trong cuộc sống.
Một cách tích cực khác là tưởng tượng về kết quả mà mình mong muốn. Khi đã hiểu hơn về nỗi sợ hãi của bản thân, hãy nghĩ đến việc là mình muốn thay đổi điều gì. Ví dụ nếu nỗi sợ của bạn là ngại đi máy bay, hãy tưởng tượng mình đang hạnh phúc với người thân trong gia đình khi gặp gỡ, nó sẽ là động lực giúp bạn can đảm bước lên máy bay. Hoặc nếu sợ độ cao, hãy tưởng tượng bạn đang chinh phục một cuộc leo núi, nghĩ đến tấm hình mình sẽ chia sẻ trên Facebook khi cười thật tươi đứng trên đỉnh đồi. Nếu bạn sợ nhện, hãy tập nhìn hình ảnh con nhện trên mạng để chuẩn bị tinh thần khi gặp phải con nhện thật. Có thể bắt đầu bằng việc nhìn một con nhện được vẽ và tô màu một cách ngộ nghĩnh. Hãy nhìn con nhện vẽ hoạt hình cho đến khi bạn không còn cảm thấy sợ nữa. Sau đó, hãy nhìn vào video về một đàn nhện thật, rồi đi Sở Thú nhìn tận mắt đàn nhện được nuôi, chắc chắn bạn sẽ không chết khiếp khi bất ngờ thấy con nhện nhỏ xíu nữa. Cũng xin mở ngoặc là nếu bạn thấy con nhện khổng lồ lông lá, thì bạn cứ việc… sợ. Không có gì sai nếu mình sợ loài vật nào đó cả. Phương pháp trên chỉ là trải nghiệm để mình thoải mái hơn thôi. Rất nhiều nỗi sợ hãi bắt nguồn từ những niềm tin sai lầm hay suy nghĩ tiêu cực. Khi bạn nhìn thấy nhện, bạn ngay lập tức tin rằng con nhện sẽ có độc, sẽ cắn bạn rồi bạn sẽ chết. Hãy tìm hiểu nguy cơ thực sự với loài nhện này, tỉ lệ bị chết là bao nhiêu, từ đó bớt đi suy nghĩ lung tung, tìm cách đối đáp lại với những chuyện vu vơ đó để không sợ nữa, hay ít nhất bớt sợ hơn trước. Một thí dụ khác, khi nỗi sợ hãi dâng cao, hãy tìm hiểu thẳng vào vấn đề để thấy mình đã sợ hãi vu vơ, niềm tin sai lầm như thế nào: “Tôi rất sợ đàn ông, hồi trẻ tôi đã từng yêu một chàng trai rồi bị lừa. Tôi nhận ra rằng tuy có nhiều đàn ông thật sự đểu cáng, nhưng phần lớn họ đều khá hiền lành, chân thật. Tôi chỉ cần thời gian, phương cách để tìm được người tốt hơn, tôi cần một mái ấm gia đình”
Không phải chỉ các bà mới hay sợ vu vơ, quý ông cũng hay sợ lắm. Đố quý vị biết phe liền ông hay sợ gì? Thưa rằng một số anh đã sợ vợ như sợ cọp. Sợ vợ bị xem là cái tính đáng xấu hổ mà không người đàn ông nào muốn thừa nhận. Nhưng cũng có những ông rất khôi hài giải thích: Vì ta yêu vợ nên ta mới giả vờ sợ vậy thôi, chứ bình thường ta vẫn hiên ngang lắm lắm! Sợ vợ cũng có nhiều lợi ích, vợ ta ta sợ, ta đâu có sợ vợ thằng hàng xóm đâu. Sợ vợ sẽ nhẹ đầu không phải tính toán tiền bạc, vì nộp hết lương cho sư tử Hà Đông rồi, cần gì phải tính nữa. Khi đã sợ vợ thì chẳng bao giờ bị các em chân dài lừa dối, quỵt tiền, tha hồ đạt danh hiệu “thủy chung gương mẫu”. Ông bà đã có câu ca dao “Đàn ông sợ vợ là khôn, nếu không ai sẽ nấu cơm quét nhà?” Phía quý bà ngày xưa cũng rất sợ bị chồng bỏ, nhưng ngày nay đã có câu ranh ngôn “Thời xưa chồng bỏ đi thì lo, thời nay chồng bỏ là trời cho đổi đời”. Ừ nhỉ, lỡ chuyến tàu này thì đi chuyến khác, sao lại phải sợ. Nói như vậy có đúng không hả “quý zị” phụ nữ?
Thông thường, chúng ta e sợ một thứ gì đó bởi chúng ta không tiếp xúc với thứ đó nhiều, bởi vì mình không tự tin, không hiểu về việc đó, không thể làm việc đó cách dễ dàng, không có năng khiếu…. Nỗi sợ hãi vô hình cần được định hình và tìm ra phương cách khắc phục để tránh việc sợ đến “mặt xanh nanh vàng, mặt xanh như chàm đổ, sợ run như chim dẽ, run như cầy sấy, sợ toát mồ hôi, sợ sởn gai ốc, sợ sởn da gà…”
Trong phim ảnh, văn chương, đã có rất nhiều tác phẩm nói về đề tài Sợ này. Lạ cái là càng sợ lại càng bị kích thích muốn xem. Các phim kinh di như cuốn Quỷ ám - The Exorcist, thực hiện năm 1973 đã làm người xem sợ đến mặt mày tái mét, tối không dám ngủ một mình, nhưng số người xem rất cao kiếm được nhiều tiền. Cuốn phim Us – Chúng ta - làm năm 2019 là một bộ phim xuất sắc khác của đạo diễn phim Get Out - Jordan Peele. Us nhanh chóng đạt được thành công lớn về mặt thương mại thu hơn 253 triệu đô Mỹ, trong khi tốn phí làm phim chỉ 20 triệu. Một vốn, bốn lời, ở đây tới mười mấy lời, bạn muốn chuyển nghề làm phim ma hù người ta mà được nhiều tiền không. Câu chuyện của “Us - Chúng ta” kể về một gia đình đưa con đến ngôi nhà tại bãi biển để cùng vui với bạn bè. Nhưng khi màn đêm buông xuống, sự yên bình bỗng bị phá nát, nhường chỗ cho căng thẳng và hỗn loạn bởi những vị khách không mời mà đến. Ngoài phim, các loại chuyện ma, nhà ma giả để khách vào xem cũng rất ăn khách. Phải trả tiền để có được cảm giác sợ, nghe nghịch lý quá phải không?
Nói chung, sách báo đã dạy giải pháp tạm thời là mỗi khi cảm thấy sợ hãi, hãy hít một hơi thật sâu để trấn tĩnh lại tinh thần. Sau đó, hãy tìm ra xem căn nguyên của nỗi sợ là nằm ở đâu, để từ đó có thể khắc phục nỗi sợ của mình. Mình cũng cần tránh trầm trọng hóa vấn đề, tưởng tượng lung tung vì như vậy sẽ càng sợ hãi thêm mà thôi. Khi chúng ta làm chủ và điều tiết cảm xúc của mình, là khi mình thấy tự tin hơn, có thể bước qua khó khăn để dẫn tới thành công. Tập luyện thể dục thể thao điều độ, tập hít thở sâu cũng giúp hình thành thói quen của lòng dũng cảm, chiến đấu với nỗi sợ và bắt tay vào hành động. Đôi khi nếu quá sợ một thứ gì mà không tự trấn tĩnh được, người ta cần gặp chuyên viên để tư vấn.
Gần đây tại thành phố Jabalpur, thuộc Madhya Pradesh cũng có một gia đình chủ vườn cây phải mướn người và chó để canh chừng cây xoài của mình 24 trên 24, vì sợ bị trộm hái mất trái. Loại xoài này rất hiếm quý và mắc tiền. Rõ khổ, có của thì phải sợ và ra sức bảo vệ như thế đấy. Đôi khi không có thì lại khoẻ hơn, khỏi lo mất, khỏi khổ khi mất!
Cũng có nhiều người vì sợ thị phi, đã làm mất đi tình yêu của mình vì áp lực gia đình, xã hội. Sợ bị cười, bị lên án, chê là không giống ai. Tôi rất quý tình yêu của vợ chồng tổng thống nước Pháp. Nếu sợ miệng đời, ông Macron đã không dám cưới người yêu là cô giáo hơn mình 24 tuổi.
Qua nhiều biến động chính trị tại Hoa Kỳ, một số người quá sợ người da đen nên làm tượng George Floyd, chọn nữ diễn viên da màu để đóng vai Bạch Tuyết trong phim Disneyland, cô tài tử này được cho là hát hay, nhưng có đại diện đúng cho nhân vật Snow White trong thần thoại không? Sợ bị cho là kỳ thị nhưng sao lại sợ quá đáng như thế? Lá cờ Hoa Kỳ cũng bị chỉ trích là các ngôi sao toàn là màu trắng, không có ngôi sao nào đen. Nếu vậy thì lấy tỉ lệ bao nhiêu ngôi sao đen, bao nhiêu ngôi sao trắng cho công bình. Đồng ý người da màu từng bị kỳ thị, đàn áp, cần phải đấu tranh cho sự bình đẳng chủng tộc, nhưng enough is enough, chuyện gì ra chuyện đó, đâu có quá đáng như thế được. Cũng cần nói them nếu cái gì cũng sợ, giáo dục sẽ đi về đâu. Thầy cô cha mẹ ở ngoại quốc không la rầy con nít, không cấm chúng phát biểu, để chúng tự do phát triển tư tưởng, kiến thức, đây cũng là điều tốt.
Tôi cũng có anh bạn sợ lái xe, thi 10 lần rớt 9 lần, may mà lần thứ 10 được đậu, anh thi đậu vào ngành Y khoa thì không ăn mừng, nhưng khi lấy được bằng lái xe thì phải khao bạn bè thật lớn. Có bằng xong không ai dám ngồi xe để anh chở đi, tuy thế, đến nay anh đã có nhiều kinh nghiệm, lái xe giỏi hơn nhiều và đã hết sợ cái vô-lăng rồi.
Cái sợ rất hay xảy ra ngày nay là sợ mất điện, mất nước, mất internet làm mình khó chịu vì các tiện nghi quen xài bị ngưng trệ. Thế nhưng mất niềm tin, mất sức khoẻ, mất đi các mối quan hệ với gia đình, bạn bè mới là cái sợ đáng sợ nhất. Tuy nhiên, theo triết lý cuộc đời là vô thường, vòng đời là sinh lão bệnh tử, ai cũng sẽ già yếu rồi lại quay trở về với cát bụi, vậy thì chẳng có gì là đáng sợ cả. Có chăng là cái sợ mất nước vào tay Trung Cộng, mất màu cờ Vàng trong lòng người dân Việt mới là cái sợ nên quan tâm.
Ngày nay người ta lại sợ nhiều thứ khác khó chiến đấu hơn, chẳng hạn sợ chiến tranh vi trùng, sợ vũ khí hóa học, sợ tin tặc hacker quậy phá hệ thống vi tính. Nói túm lại mọi người lúc nào cũng có cái để sợ, đủ mọi hình thức cấp độ khác nhau. Ngay cả loài vật chắc cũng sợ, đơn giản như con kiến phải tha mồi về tổ, chắc hẳn nó sợ đói không có thức ăn nên mới phải tích trữ như thế.
Việc hiểu được những mặt tích cực của sự sợ hãi có thể giúp ích cho bạn. Ví dụ, nhiều người sợ đứng trên sân khấu, khi phải biểu diễn, họ được khuyên nên tập trung nhìn về phía trước, đừng nhìn trực tiếp vào đôi mắt các khán giả.
Người ta cũng nhận ra có ba cái đáng sợ của người Nhật, sợ ở đây là kính sợ, nể sợ cái tinh thần của Võ Sĩ Đạo của Nhật Bản, cái “Nhẫn” và sự “Học” của người Nhật, 3 cái Võ, Nhẫn, Học này đã làm nên tính quốc dân của người Nhật ngày nay.
Giới trẻ ngày nay cũng đối diện nhiều lý do để sợ hãi việc kết hôn. Họ chưa sẵn sàng vì sợ phải sinh con, họ còn muốn tự do phát triển sự nghiệp, chịu áp lực tài chính, mất lòng tin vào hôn nhân nên sợ cưới nhau. Đám trẻ còn “long bông” mà tôi quen biết rất nhiều, hỏi tới chuyện lập gia đình chúng lắc đầu nói “Thôi, sợ lắm!” Nhưng đáng sợ nhất của tuổi trẻ là sự hời hợt, không tin vào Thượng Đế, không tin vào giá trị của gia đình, tôn giáo. Tiếp theo là cái sợ hãi đối diện với Vô cảm - Cái chết từ trong tâm hồn
Chúng ta phát triển tâm tình nhờ có cảm xúc, vì vậy, đừng quên liên tục lắng nghe và suy nghĩ kỹ về cảm xúc mình đang có, từ đó điều chỉnh lại hành vi và tâm trạng của mình để có một quyết định có lợi nhất. Tôi có một người bạn thân thời trung học ở Việt Nam, nay đã trở thành linh mục rất giỏi ở Saigon, vị Linh mục này chia sẻ chỉ sợ một điều là sợ làm Chúa buồn. Đối với tôi, cái sợ này rất đáng qú.
Nhiều bài viết đã khuyên chúng ta, những con người đang sống hãy can đảm để có được sống một cuộc đời đúng nghĩa. Đừng bao giờ vì sợ hãi mà nói rằng: Tôi không biết, tôi không thể làm, tôi dốt nát, tôi là một người vô dụng. Hãy ngừng sợ để có được lòng can đảm làm việc từ từ để đi tới thành công. Hành trình sống của mỗi người là chuỗi ngày những chọn lựa, giữa sợ và kiên quyết, bạn chọn cách nào?
Chúc bạn luôn can đảm, không sợ để chiến đấu với bản thân mà có cuộc sống tốt nhất.
Nguyễn Ngọc Duy Hân
No comments:
Post a Comment