Ngày Father's Day (nghĩa là Ngày Hiền Phụ,
ngày của Cha) là một dịp đặc biệt để những người con thể hiện tình cảm yêu
thương, kính trọng của mình với bố (ba, cha). Bên cạnh ngày của mẹ, hằng năm
cũng có ngày để con cái tôn vinh những hy sinh cao cả của cha mình, người có
công sinh thành và nuôi dưỡng, che chở những đứa con. Ngày Father's Day rơi vào
Chủ Nhật thứ 3 của tháng 6 trong năm, năm nay sẽ mừng vào 20 tháng 6, 2021.
Ca dao Việt Nam đã có nhiều câu nhắc tới cha
mẹ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Hay:
Cha mẹ nuôi con như biễn hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày
Hoặc:
Còn cha gót đỏ như son
đến khi cha chết chân con lấm bùn
Đêm đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Khi con tát cạn biển Đông
Thì con mới hiểu tấm lòng mẹ cha.
Con cháu mà dại thì hại ông cha….
Các câu ca dao tục này cho thấy văn hóa Việt
Nam rất tôn trọng cha mẹ, muốn răn dạy con cái phải luôn hiếu thảo, trọn đạo
làm con.
Tại Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi, Nhật Bản, Pháp, Philippines,
Singapore, Slovakia... ngày của Cha được diễn ra vào Chủ Nhật thứ 3 của tháng 6
hằng năm. Nhưng tại Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bolivia, Croatia, Honduras,
Thụy Sĩ, ngày của Cha được tổ chức vào ngày Lễ Thánh Giuse (19 tháng 3) theo
truyền thống Công Giáo, Tại Đức, Ngày của Cha được tổ chức khác với các nơi
khác trên thế giới vào Lễ Thăng Thiên (tức là ngày thứ 40 sau lễ Phục Sinh) và
là một ngày lễ liên bang, còn được gọi là Ngày của Đàn ông.
Hiện nay Trung Quốc và Việt Nam không chính
thức có Ngày của Cha, tuy nhiên vẫn có một số người mừng vào ngày Chủ Nhật thứ
3 của tháng 6.
Tại Đài Loan, Ngày của Cha là ngày 8 tháng 8
với lý do số 8 khi đọc âm gần giống như "ba", hai số tám đọc thành
"ba ba".
Tại Ai Cập, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống
nhất, Li-băng, Uganda, Syria, Jordan, ngày của Cha là ngày 21 tháng 6.
Tại Úc, New Zealand, Papua New Guinea, Ngày
của Cha là ngày Chủ Nhật đầu tiên trong tháng 9.
Tại Thái Lan, Ngày của Cha được chọn theo ngày
sinh nhật của vua Bhumibol Adulyadej, tức ngày 5 tháng 12.
Ngày Father’s Day đầu tiên trong lịch sử Hoa
Kỳ được tổ chức vào 19 tháng 6 năm 1910 tại thị trấn Spokane. Câu chuyện mở đầu
từ ngày Lễ cho người Mẹ năm 1916 tại nhà thờ giáo phận Spokane, tiểu bang
Washington. Sau khi nghe thuyết giảng về ngày Mother’s Day, bà Sonora Dodd nghĩ
là tình cha cũng cao đẹp và đáng được vinh danh. Bà muốn có một buổi lễ ca tụng
người cha, trong đó có cha của bà là ông William Smart, một cựu chiến binh đã ở
vậy nuôi con sau khi vợ mất. Kể từ đó bà bắt đầu vận động, phải trải qua nhiều
khó khăn cuối cùng mới có được ngày này. Mới đầu, bà Sonora đề nghị tổ chức
buổi lễ vào ngày Chúa nhật 5 tháng 6 năm 1910 - đúng ngày sinh nhật của cha bà,
nhưng linh mục chánh xứ cần thêm thời gian chuẩn bị nên buổi lễ được dời đến
ngày chúa nhật 19 tháng 6.
Mãi tới năm 1966, tổng thống Lyndon Johnson
mới ra một văn bản chính thức đầu tiên công nhận Father’s Day. Rồi 6 năm sau,
tức là năm 1972, tổng thống Richard Nixon mới ban hành sắc luật chấp nhận ngày
Father’s Day là ngày lễ chính thức của Hoa Kỳ.
Theo truyền thống, vào ngày Father’s Day, con
cháu thường tặng quà cho người cha, tổ chức gặp gỡ, thăm viếng trong gia đình
hay đưa nhau đi nhà hàng…
Giới trẻ sẽ xuống đường diễn hành, thổi kèn, đánh
trống tưng bừng với những trò chơi vận động thú vị.
Ở Nhật Bản - đất nước của thần Thái Dương -
thì họ bày bán những món quà rất phù hợp cho người cha như gối ngủ trên máy
bay, thẻ đi gym tập thể dục, túi đựng thuốc uống & vitamin, CD nhạc nhẹ,
giày thể thao, kính râm, cần câu, dụng cụ làm vườn... Đây là dịp nhắc nhở các
bạn trẻ nhớ về người Cha của mình.
Khắp nơi, những tấm gương, câu chuyện về người
cha mẫu mực, nổi tiếng được tôn vinh trên báo chí, truyền thông.
Các em nhỏ thường được thầy cô giáo hướng dẫn để
tự tay làm những món quà nhỏ tặng cha, vẽ các thiệp chúc mừng, hoặc đọc thuộc
những bài thơ, bài hát về bố để mừng người sinh ra mình.
Tại Đức, theo truyền thống xưa, vào Ngày của
Cha, các nhóm nam giới thường làm một tour đi bộ đường dài với toa xe nhỏ kéo
bằng sức người, được gọi là Bollerwagen để ăn mừng. Trong toa xe thường chứa
nhiều rượu hoặc bia và các món ăn truyền thống của vùng (Hausmannskost). Tại
Thái Lan, người Thái thường ăn mừng Ngày của Cha bằng cách tặng một hoa Canna
cho cha hoặc ông của mình, vì hoa Canna được coi là một bông hoa nam tính. Người
Thái cũng thường mặc màu vàng trong dịp này để tỏ lòng tôn trọng nhà vua, tôn
trọng ông cha mình.
Tại Việt Nam, Ngày của Cha không được tổ chức
rầm rộ nhưng các bạn trẻ cũng hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều người thường nghỉ
phép về quê thăm gia đình.
Về cách xử sự với cha mẹ trong nhà, Phật Tổ đã
dạy: “Ân thì nuôi dưỡng cha mẹ, nghĩa thì trên dưới thương nhau.” Nói về ân,
không ân nào cao bằng ân cha mẹ. Đức Phật đã đưa ra tiêu chuẩn của người con
hiếu đạo là phải hội đủ cả hai mặt sự và lý. Con cái cần hình thức báo đáp bên
ngoài là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi các thiếu thốn về vật chất.
Tiếp theo thì con cái cũng cần luôn tôn trọng kính cha mẹ, không được làm cho
cha mẹ phiền long về mặt tinh thần. “Ta trải qua nhiều kiếp tu hành thành đạo
là nhờ công ơn của cha mẹ nuôi dưỡng. Những đứa con bất hiếu, sau khi chết sẽ
bị đọa vào địa ngục A tỳ, để lửa dữ thiêu đốt”.
Trong đạo Công Giáo, Kinh Thánh cũng rất đề
cao bổn phận làm cha làm mẹ, vì đây là công việc nhiều khó khăn và thách thức:
"Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng
không hề lìa khỏi đó." (Châm ngôn 22:6). Hoặc “Con khôn làm cha vui sướng,
con dại làm mẹ buồn phiền (Êphêsô - Chương 6).
“Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh
thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ, đó là điều răn thứ
nhất có kèm theo lời hứa để được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những
bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng bằng
cách khuyên răn và sửa dạy”.
Thánh Giuse là tấm gương của một người cha dịu
dàng và yêu thương. Thánh Giuse luôn làm việc bằng nghề thợ mộc để nuôi Đức Mẹ
Maria và Chúa Giêsu, ngài luôn ít nói, âm thầm, theo đúng mẫu mực của một người
cha nhân ái. Trong Kinh Thánh cũng có câu chuyện ngụ ngôn về “Người cha nhân
hậu”, tức là câu chuyện người cha đã tha thứ cho đứa con hoang đàng, mở rộng
vòng tay cho nó về hối lỗi, làm lại cuộc đời.
Trong văn chương Việt Nam, tính ra có ít thơ,
văn, nhạc nói về tình cha, trong khi tình mẹ thì được nhắc tới rất nhiều. Riêng
tác phẩm “Kiều” của cố thi hào Nguyễn Du với câu chuyện cô con gái tên là Thúy
Kiều phải bán mình để chuộc cha là câu chuyện mà có lẽ ai cũng biết. Nhà thơ
Nguyễn Đình Chiểu vì khóc cha qua đời đến bị mù hai mắt.
Còn về nhạc thì cũng có khá nhiều, đặc biệt 2 tác
phẩm nổi tiếng của ca nhạc sĩ Ngọc Sơn là bản “Tình cha 1” và “Tình cha 2” với
lời và nhạc thật thắm thiết:
Tình cha ấm áp như vầng thái dương
Ngọt ngào như dòng nước tuôn đầu nguồn
Suốt đời vì con gian nan
Ân tình đậm sâu biết bao
Cha hỡi! Cha già dấu yêu …
Nhạc ngoại quốc thì có bài Papa, rất sâu lắng
được nhiều người yêu thích với giai điệu nhanh đầy mới lạ, độc đáo. Papa trong
bài hát này không chỉ là người cha mà còn là một người mẹ bất đắc dĩ, sớm hôm
"gà trống nuôi con" để con có thể trưởng thành, lớn khôn. Một bài
nhạc ngoại quốc nổi tiếng khác là bài “Dance with My Father” của Luther
Vandross và Richard Marx, ca khúc đã dành được 4 giải Grammy vào năm 2004. Tiếp
tới là bài “Father and Son” của Boyzone. Bản nhạc này là lời nhắn nhủ chân
thành của người cha gửi đến đứa con trai sau những thất bại đầu đời. “Sleeping
Child” của Michael Learns cũng là một ca khúc hay và đầy ý nghĩa để bạn có thể
gửi tới người cha thân yêu của mình vào ngày đặc biệt. Sleeping Child là một
khúc ca êm ái mà người cha thường dùng để hát ru đứa con trai bé nhỏ của mình
chìm vào giấc ngủ.
Trở thành người cha thì dễ, làm bổn phận người
cha mới khó. Mời bạn đọc qua và câu nói hay trong ngày Father’s Day:
- Cha tôi không dạy tôi cách sống. Ông sống
tốt và tôi học từ đó.
- Người cha cảm thấy giàu có khi đứa con chạy
đến vòng tay mình, lúc tay ông không có tiền.
- Người cha luôn khiến đứa bé cảm thấy mình
như người lớn. Rồi khi đứa con lớn lên, người cha chăm sóc và làm chúng cảm
thấy mình vẫn bé bỏng như ngày nào.
- Đức hạnh và uy tín của người cha là di sản
quý giá của người con.
- Lời khuyên của Cha: Lòng nhân đức bắt đầu từ
gia đình, nhưng không nên chỉ kết thúc ở đó.
- Con ạ, im lặng là một đức tính hay, nhưng
khi phải lên tiếng mà không dám nói thì lại là hèn nhát,
- Con hãy hy vọng vào những điều tốt nhất,
nhưng hãy chuẩn bị cho những điều xấu nhất.
- Hãy tin tưởng, nhưng đừng trả công hoàn toàn
cho ai trước khi họ làm xong việc.
- Hãy chiến đấu chống thói lười biếng, vô trật
tự. Đừng trì hoãn công việc.
Chỉ có cha mẹ mới thương con như biển hồ lai
láng, chìu chuộng con cái. Còn trong xã hội mọi người đều hơn thua tranh dành
với chúng ta. Khi chúng ta thất bại, buồn phiền thất vọng, cha mẹ thường ở bên
mình an ủi, săn sóc và khuyên bảo, giúp đỡ cụ thể từ vật chất đến tinh thần, để
mình có niềm tin và nghị lực làm việc tiếp. Khi thành công thì cha mẹ cũng vui
và hãnh diện lây. Còn nếu con cái sai lầm dẫn đến hư hỏng, thì cha mẹ phải chịu
hổ thẹn với người chung quanh, trong lòng rất đau khổ.
Trong ngày dành cho người cha, nếu bạn mắc cỡ
hoặc không biết nói gì, thì đây là vài lời chúc thay cho lời yêu thương trong
ngày Father’s Day, đừng ngại nói với cha mình nhé:
• Cảm
ơn Bố, con biết con đã không nói điều này hằng ngày với Bố. Con muốn cảm ơn Bố
về tất cả những gì Bố đã làm cho con. Và điều quan trọng hơn con muốn nói… Con thương
Bố.
•
Bố ơi, con là người không giỏi thể hiện cảm xúc bằng lời nói. Hôm nay là một
ngày đặc biệt, con chỉ biết gửi đến bố lời chúc để bày tỏ tình yêu của con dành
cho bố.
• Chúc
bố luôn khỏe mạnh vui vẻ và mãi ở bên mẹ con chúng con. Bố luôn là chỗ dựa vững
chãi nhất của chúng con. Cảm ơn bố.
• Cảm
ơn bố, người đã đưa con đến với thế giới này, cho con sự sống, tình yêu và nuôi
dưỡng con nên người. Công lao đó con không thể nào quên.
Bây giờ, mời bạn điểm qua vài người rất nổi
tiếng, nhưng đối với họ, gia đình vẫn luôn là số một và được báo chí Mỹ ca
tụng:
Đầu tiên là cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. Gia
đình đầm ấm của ông luôn được khen ngợi vì ông dành rất nhiều thời gian để chăm
sóc gia đình. Cựu tổng thống Hoa Kỳ
Donald Trump cũng thế, con cái thành đạt, tình cha con được nhiều lời khen.
Tiếp tới là Mark Zuckerberg, cha đẻ của mạng
xã hội Facebook cùng vợ mình là Priscilla Chan, hiện đang nắm giữ khối tài sản
trị giá hàng 100 tỷ Mỹ Kim. Họ thương yêu con cái và quan tâm dạy dỗ, thế nhưng
thay vì để lại tài sản cho hai cô con gái là Maxima và August, họ lại quyết
định tặng 99% cổ phần Facebook cho Quỹ Zuckerberg.
David Beckham là người chơi bóng đá chuyên
nghiệp từng rất nổi tiếng, bây giờ ông dành thời gian để chăm sóc gia đình, đưa
đón dạy dỗ con cái.
Brad Pitt có 6 đứa con tất cả, vừa con ruột
vừa con nuôi và rất bận rộn trong phim ảnh, nhưng Brad và Angelina dù đã ly dị
vẫn làm rất tốt công việc của người cha người mẹ. Trong một cuộc phỏng vấn với
tạp chí tâm lý nổi tiếng, Brad tâm sự: "Trở thành một người cha đã thay
đổi tôi trên rất nhiều phương diện và làm cho tôi hào phóng hơn, sống động
hơn..."
Gordon James Ramsay là một đầu bếp nổi tiếng
tại nước Anh. Ông trở thành chủ của một trong những chuỗi nhà hàng và khách sạn
lớn nhất thế giới do Tạp chí Caterer and Hotelkeeper bình chọn, nắm giữ khối
tài sản khoảng 80 triệu USD. Mặc dù vậy, các con của Ramsay được nuôi dạy rất
nghiêm khắc. Ông không cho phép chúng được ăn thường xuyên trong các nhà hàng
nổi tiếng của mình. Khi đi máy bay, ông và vợ sẽ ngồi khu hạng nhất, còn những
đứa con vẫn phải ngồi hạng phổ thông. Điều này có lẽ trái ngược với văn hóa Á Đông,
nhường cho con ngồi ghế tốt còn cha mẹ ngồi ghế sau. Ramsay muốn dạy con rằng
tiền không phải tự nhiên mà có, chúng cần phải làm việc để tự tạo ra giá trị
của riêng mình.
Bill Gates được biết đến là tỷ phú giàu nhất
thế giới. Ông là người đồng sáng lập ra Microsoft. Nhưng dù rất giàu có, ông
tuyên bố sẽ không để lại nhiều tài sản cho ba người con, mỗi đứa sẽ chỉ nhận
khoảng 10 triệu đô Mỹ để tự tạo dựng sự nghiệp. Bill Gates cho rằng nếu để lại
toàn bộ tài sản sẽ khiến các con mất động lực làm việc đóng góp cho xã
hội.
Steve Jobs, người CEO của hãng Apple, tạo ra
không biết bao nhiêu computer, sản phẩm kỹ thuật, nhưng lại không cho phép các
con tiếp xúc và dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ này như
iPhone, iPad…
Ông Warren Buffett cũng tuyên bố sẽ cho đi 99%
tài sản của mình. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Buffett là: “Tôi
muốn cho các con tôi vừa đủ để chúng cảm thấy rằng chúng có thể làm bất cứ điều
gì, nhưng không quá nhiều để chúng cảm thấy như mình không cần làm gì cả”.
Tình cha đối với con dù được thể hiện cách
khác nhau, có người cứng rắn, có người mềm dẻo, nhưng đều là tình thương yêu
hết sức cao đẹp tràn đầy hy sinh. Tình cha - một đề tài không mới, không sôi
nổi nhưng lúc nào tình thương này cũng đánh động hàng tỷ trái tim khi hồi tưởng
lại ý nghĩa của nó. Có người đã nói cách khẳng định: “Bạn không cần phải đắn đo
phân tích xem cha chúng ta là người như thế nào, vì lúc nào ông cũng thật vĩ
đại". Vì vậy, nếu ở trong vai trò người cha thì mình nên sống và làm việc
sao cho xứng đáng để được xứng đáng với sự tin tưởng, tình cảm cao quý đó. Còn
nếu là con, hãy hiếu thảo, tốt lành để biết ơn công lao trời bể mà ông cha đã
yêu thương con cháu.
Trong ngày đặc biệt dành cho nguời cha, bạn
nên tặng bố mình món gì? Sau đây là vài gợi ý:
Hãy tặng bố các loại tranh treo tường nghệ
thuật, ý nghĩa. Các chậu cây bonsai, cây trồng ngoài vườn cũng là cách để bố
mình vui và nhớ tới mình khi ông chăm bón cây trái. Bộ bình trà, ly để uống rượu,
các chai rượu đặc biệt cũng là những món quà thích hợp. Tiếp tới là quần áo, giày
dép, đồng hồ đeo tay, cà-vạt, dây thắt lưng (belt), các cây bút thanh đẹp, bóp
(ví) da cũng là những món quà rất thực tế. Ngoài ra các món ăn mà bố thích, các
vé đi xem phim, xem chương trình văn nghệ nổi tiếng, vé đi du lịch cũng là
những món quà biểu lộ tình yêu thương cha mẹ rất ý nghĩa.
Một người cha đúng nghĩa đóng vai trò rất quan
trọng trong cuộc đời những đứa con. Nhưng không phải ai cũng có thể trở thành
người đàn ông của gia đình và vững vàng ở vị trí làm cha, nhất là ngày nay.
Trên mạng xã hội, người ta đã lan truyền nhiều bài luận văn “bá đạo” về người
cha nhưng không sống theo đúng đấng bậc của mình. Quý ông nào say sưa, lười
biếng, thích gái gú thiếu bổn phận gia đình nên đọc kỹ vài đoạn luận văn miêu
tả ông bố sau đây, tránh làm người cha tệ hại như thế:
“Nhà em có nuôi một ông bố tên là Nguyễn ABC.
Hàng ngày, bố chỉ đi kiếm tiền chút chút rồi về nhà nằm ườn ra đấy. Đến bà là
người già nhất vẫn phải làm việc nhà, còn bố là người duy nhất không giúp đỡ ai
cả. Lúc ăn cơm gọi mấy cũng chưa lên, còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong, cả
nhà dọn dẹp, bố chả dọn lại lấy điện thoại ra chơi. Em bé thế còn phải đút xoài
cho bố, từ nay em không làm osin nữa. Em rất yêu bố, vừa vừa chứ không yêu lắm!”
“Bố tôi rất lười và hay uống bia rượu. Bố tôi
khiến mẹ tôi mệt mỏi vì cái tội lười và ham chơi. Thế nên tôi mới không thích
bố tôi vì quá lười.”
Hoặc câu miêu tả: “Nhà em có nuôi một ông nội,
ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra
hỏi: Cơm chín chưa bây?”
Các bài luận văn chân thành này đã nói lên điều
làm người lớn suy nghĩ. Vậy làm người cha tốt thì nên thực hành như thế nào?
Từ xa xưa đến nay, nhân loại luôn đề cao 3 giá
trị cơ bản: CHÂN – THIỆN – MỸ, người cha tốt cần thực hành rồi dạy con mình
biết trân trọng các giá trị này. Người cha cần hiểu rằng mỗi người sinh ra là
một cá thể riêng biệt. Dù là cha con, thế hệ sau không cần đi cùng con đường mà
ông cha đã đi, làm cùng nghề nghiệp mình đã làm. Chỉ cần con cái không làm việc
sai trái, người cha có thể chấp nhận các sự khác biệt trong tính cách và định
hướng của con.
Người cha cũng cần biết dành cho con thời gian.
Khi đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc giáo dục của ba sẽ trở thành những mẫu người
tự ti, dễ nản chí, luôn có cảm giác không an toàn, hay lo âu.
Người cha tốt dù bận bịu thế nào vẫn phải dành
thời gian để có thể vui đùa, xem phim hay cổ vũ con trong các cuộc thi đấu.
Người ta nói đứa trẻ sẽ thông minh hơn nếu được chơi với cha của mình. Hãy cùng
ăn sáng, ăn trưa, ăn tối với con, với gia đình. Đây là phần quan trọng cho một
cuộc sống gia đình hạnh phúc. Một người cha tốt sẽ không để con ỷ lại trong sự
trợ cấp, bảo bọc của gia đình. Ngược lại phải biết dạy con những kỹ năng sống
và luôn tạo động lực để con theo đuổi ước mơ của mình. Điềm tĩnh và công bằng
là cách thể hiện tình yêu dành cho con hay nhất. Điều quan trọng là người cha
cần giúp con cái hiểu được giá trị và sự kỳ diệu của tình yêu vô điều
kiện. Người cha cần có mặt đúng lúc khi
con gặp khó khăn trong cuộc sống, để cố gắng làm mọi thứ giúp con mình vượt qua
thử thách. Nếu người cha và người mẹ tôn trọng lẫn nhau, trẻ em sẽ thấy được
điều đó, tạo nên một môi trường an toàn và yên ổn cho con trẻ. Khi đứa trẻ thấy
cha mẹ mình trân trọng nhau, chúng cũng cảm thấy chính mình được trân trọng,
bồi đắp sự tự tin, tôn trọng kẻ khác, vững tâm học hỏi.
Cách cha dạy con thường khác với mẹ, không mềm
yếu chiều chuộng nhưng ngược lại sẽ dùng lý trí nhiều hơn, đặt ra cho con nhiều
thách thức. Chẳng hạn người cha sẽ không vội vã đưa ra câu trả lời ngay, mà để
trẻ tự tìm cách giải quyết khó khăn, tự đưa ra đáp án. Nếu thiếu kiên nhẫn với
con cái thì khó có thể nuôi dạy chúng nên người. Những người cha thuộc kiểu
nóng tính hay thường quát tháo con trẻ mỗi khi bị trẻ đặt câu hỏi khó, hay khi
dạy con làm bài. Nên nhớ, dạy trẻ cần nhất phải có lòng kiên nhẫn, cần có sự
gần gũi thông cảm, đặt mình vào tâm trạng và lứa tuổi của con. Người cha cần luôn
chứng tỏ mình là người bảo vệ gia đình. Dù con có lỡ phạm sai lầm, người cha cần
luôn thông cảm, độ lượng để giúp con khắc phục.
Làm người tốt không phải dễ, nhưng nếu chú ý
và quyết tâm thì sẽ thành công, nhất là trong bổn phận cha ông.
Chúc bạn một ngày Fathers’ Day thật đẹp, thật
ý nghĩa. Hãy nhân dịp này để nhìn lại tình thương và biểu hiện của mình với cha
mẹ, con cái và người chung quanh như thế nào? Cũng riêng chúc quý vị tu sĩ đã
hy sinh không có gia đình, con cái được luôn vui khoẻ và vững mạnh tinh thần để
hướng dẫn những đứa con thiêng liêng, những đệ tử, giáo dân sống tốt hơn, xóa bỏ
bớt những đau thương, hận thù trong cuộc sống này.
Happy Father’s Day
Nguyễn Ngọc Duy Hân
No comments:
Post a Comment