Sub Label Menu bars



Kỷ niệm Tuổi Hoa

 

Kỷ niệm Tuổi Hoa
Nguyn Ngc Duy Hân

 
Tuổi thơ quả thật là quãng thời gian đẹp nhất, vô tư nhất. Khi ấy cuộc sống không ưu tư muộn phiền, ngu nghiến ăn, hồn nhiên nhìn, thoải mái nói cười hoặc khóc thật to, không cần phải đắn đo suy nghĩ.

Tuổi thơ là gì nhỉ? Tôi không biết định nghĩa, nhưng tôi biết nó rất gần gũi với những kỷ niệm thi học trò, những trò chơi, món ăn mà mình đã trải nghiệm khi còn bé. Trưởng thành rồi mới biết tuổi thơ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Khi đó yêu thương có thể hồn nhiên biểu lộ, nếu vui thì cất tiếng hát ca rộn ràng mà không thấy mắc cỡ, không lo lắng xem giọng ca của mình hay dở như thế nào. Khi giận dỗi thì dậm chân, khóc to, không cần quan tâm đến có ai đó đang nhìn mình, lại càng không biết dùng nụ cười giả tạo, lời nói quanh co để làm hài lòng người khác....
Quả vậy, dù giàu dù nghèo, dù sướng hay khổ, ai cũng có một tuổi thơ để hoài niệm nhớ thương, chứ chẳng thể quay ngược lại mà sống thêm một lần nữa. Mau quá, mới ngày nào mà bây giờ, “chợt một chiều tóc trắng như  vôi”, “nhìn lại mình đời đã xanh rêu…”


Nhớ lại thời học sinh, chúng tôi hay vào nhà sách đọc lén mỗi ngày vài trang vì không có tiền mua. Mua được sách thì trao đổi với nhau để cùng xem, say sưa bình luận. Chúng tôi đọc khá nhiều loại sách, chuyện, báo mà Báo Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Ngàn Thông, Thằng Bờm… là những thể loại mà chúng tôi rất mê. Lại phải kể tới Tủ Sách Vàng gồm các chuyện với hình vẽ hoạt họa như Phan Tân & Sỹ Phú với con vượn đốm, Lữ Hân & Phi Lục, Xì-trum, Tin Tin…. Thế nên đã có người nói: “Tuổi thơ nếu không có sách sẽ bị xem như là không có tuổi thơ”. Những ý nghĩa giáo dục và những lời răn dạy qua những sách báo ngày ấy, tôi vẫn còn nhớ mãi và có lẽ sẽ còn trân trọng mãi cho đến cuối đời. Bạn đã từng đọc qua cuốn sách dịch “Tâm Hồn Cao Thượng” chưa, tôi vẫn nhớ nhiều bài trong cuốn sách ấy.


Gần đây, tình cờ tôi tìm được trên mạng một số sách báo cho thiếu nhi ngày xưa, có đủ hình bìa từng trang câu chuyện nội dung bên trong, tôi bồi hồi khôn xiết. Xin cảm ơn các quý vị đã bỏ công sưu tầm, chia sẻ. Sau 1975, nhà cầm quyền Cộng sản đã ra lệnh cấm tàng trữ “tàn dư của Mỹ Ngụy, văn hóa đồi trụy” nên chị em chúng tôi đã phải đau lòng mà đốt đi bao sách quý, bao kỷ niệm. Không hiểu sao các vị này dám “ngoan cố” lưu giữ tới ngày nay để chia sẻ. Tôi cũng cảm ơn các trang mạng xã hội với kỹ thuật hiện đại làm người ta có thể dễ dàng phổ biến những tài liệu quý ngày xưa. Với tôi, những quyển sách Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc này là cả một thời “tuổi hoa” đầy mơ mộng, thi vị. Hồi đó tôi cũng tập tành làm thơ, nhưng còn bé quá nên vụng về, bị tòa soạn chê, chỉ cho đăng một bài thơ ngắn ngủn duy nhất. Chị của tôi thì "người nhớn" hơn, dịch vài câu chuyện tiếng Anh ra tiếng Việt rồi được đăng, chẳng hạn câu chuyện "Một cái dậm chân", chúng tôi mừng rỡ hãnh diện lắm. Ước gì tìm lại được đúng những số báo ấy để đọc lại. Ngày nay sách báo rất nhiều với kỹ thuật in tân tiến, nhưng các bài báo, bài học thuộc lòng tuổi học trò dù đơn sơ, nhưng luôn mang nhiều ý nghĩa sâu đậm.

Sau sách báo thiếu nhi, thì phải nói tới các trò chơi khi còn bé, thí dụ nhảy dây, rảy ô quan, đánh đũa, u mọi, tạt lon, dít hình, chơi trốn tìm (còn gọi là chơi năm mười) búng dây thun, dùng lá cây, bông hoa giả bán đồ ăn như một sạp thức ăn ngoài chợ... Bạn có từng chơi những trò này với trẻ hàng xóm hoặc bạn cùng lớp chưa? Ông xã tôi kể hồi bé anh thích bắn bi lắm. Buổi chiều bố không cho ra đường chơi với chúng bạn, anh bắn bi một mình. Anh đóng 2 vai, giả làm 2 đứa trẻ khác nhau rồi chính anh gây lộn với mình ỏm tỏi. Tôi thì cùng bà chị làm đài radio, giả bộ đọc tin tức, nhưng khi bà chị vặn lỗ tai đổi đài thì phải đổi giọng ngay, chuyển sang làm ca sĩ của đài khác hát véo von. Ngày ấy tôi đã từng ước mình được trở thành đào hát cải lương, ca hay như Thanh Nga, Bạch Tuyết! Chúng tôi cũng ra sân lượm những cánh hoa vú sữa rơi trên đất, lấy chỉ xỏ thành xâu để đeo như vòng đeo cổ. Chúng tôi cũng lấy lá chuối tước nhỏ ra làm tóc cho búp-bế, hay dùng giấy vẽ búp-bế rồi lấy giấy màu cắt quần áo cho chúng. Con trai thì có các trò bắn súng làm bằng tàu lá chuối, chơi đánh trổng bằng hai khúc cây, leo trèo, tắm sông, tắm mưa….


Tiếp tới là các món ăn thời ấu thơ. Nhà nghèo, tôi không được thưởng thức các loại trái mắc tiền, sang trọng. Quanh quẩn chỉ mua được trái ô môi, trái điều, trái xây, trái mây, trái likima (trái trứng gà), trái cóc... rẻ tiền nhưng thật là ngon. Hổng tiền thì chúng tôi ra vườn hái trái mít non chấm muối ớt, vừa cay vừa chát mà cũng xuýt xoa thú vị.
Buổi sáng ở Việt Nam có bán rất nhiều quà bánh, nào là chuối chiên tức là trái chuối sứ chín mùi, tẩm bột mì chung quanh chiên vàng. Nào là xôi đủ loại - Xôi miền Nam luôn có miếng bánh phồng lót ở ngoài, xong tới lớp xôi thơm mùi lá dứa, bên trong là lớp đậu xanh tán nhuyễn, rồi mè rang giã nhỏ, rồi dừa sợi bào trắng nõn, thơm phức rắc lên trên. Quấn tròn lại mùi vị hòa quyện vào nhau ngon ơi là ngon. Rồi tới bánh tầm làm bằng khoai mì xắt sợi, bánh ít khoai mì hoặc bột nếp, bánh cay chiên vừa béo vừa dòn…. Có tiền thì mua kẹo kéo, cà-rem. Ông bán kẹo hay ông bán cà-rem luôn có cái chuông với tiếng leng keng thật quyến rũ. Họ câu khách thêm bằng cách làm cái vòng tròn xoay số, nếu mua một phần mà may mắn quay được số 1 màu đỏ thì được thêm một khúc kẹo kéo nữa - ngôn ngữ bây giờ là sẽ được "double", mà mình có bao giờ may mắn thế đâu! Người bán kéo khối kẹo trắng ngần với những hột đậu phọng thơm phức ở giữa ra thật dài, nhưng cắt cho mình sợi kẹo ngắn ngủn, không “care” gì tới ánh mắt thất vọng của các đứa bé tội nghiệp!

Trời Việt Nam thì nóng, nếu được một ly nước đá bào nhuyễn, chan lên một lớp si-rô màu xanh màu đỏ có mùi thơm trái cây thì còn gì tuyệt vời cho bằng. Hoặc nếu mua được một bịch nylông trong chứa chè hoặc gói kẹo me, có kèm theo tấm hình của cô đào Thẫm Thúy Hằng, Thanh Nga thì sung sướng cỡ nào. Chúng tôi sưu tầm những tấm hình này rồi trao đổi, khoe với nhau... Ôi đúng là tuổi hoa niên, tuổi thần tiên. Chúng tôi ban ngày bắt bướm ép thành bộ sưu tập, ban đêm bắt dế về cho má kho hoặc nhét vào bụng dế hột đậu phọng đem chiên dòn. Dế phải con to, gọi là dế Cơm, chứ dế Chó nhỏ xíu thì chê. Bây giờ nghĩ lại thấy mình ác với bướm quá, và chắc cũng không dám ăn thịt dế như xưa kia. Anh tôi thì chơi trò đá dế, đá cá, làm diều để thả trên đồi, vui ơi là vui...

Lớn hơn chút nữa chúng tôi bắt đầu thích đọc những chuyện Tuổi Hoa Tím với những mơ mộng tuổi dậy thì, đầy ước mơ thi vị hóa cuộc đời, tưởng tượng nhiều về vị hoàng tử của lòng mình. Tuổi Hoa ngoài cuốn báo ra 2 lần mỗi tháng, còn phát hành các câu chuyện ngắn. Tuổi Hoa Xanh là các chuyện tình cảm về gia đình, trường lớp. Tuổi Hoa Đỏ gồm thể loại thám hiểm, khoa học, trinh thám ly kỳ. Các cuốn báo Tuổi Ngọc dành cho tuổi ô-mai, tuổi biết buồn thì ba mẹ không cho đọc vì sợ bị ảnh hưởng mơ mộng lãng mạn, nhưng chúng tôi vẫn lén đọc mê say.

Sau này, khi sống ở hải ngoại, có con cháu, tôi thấy tuổi thơ của chúng kém thơ mộng, kém thi vị như chúng ta ngày xưa. Trẻ con bên đây thích chơi game điện tử, ít bạn hàng xóm, ít chơi ngoài sân chung với nhau. Nhưng dù sao thời thơ ấu của chúng cũng đầy ắp những kỷ niệm với gia đình, những món ăn gắn liền với thời trẻ nhỏ. Tuổi trẻ ngày nay nói chung yêu cuồng sống vội, dù khôn ngoan hiểu biết, văn minh hơn nhưng kém hoa mộng hơn.

Nghĩ lại cũng mắc cười, khi còn nhỏ, mình luôn ngóng trông để mau lớn, ghét ai nói mình còn bé. Rồi khi thật sự trưởng thành, mới phát hiện ra bản thân luôn hoài niệm, tiếc nuối thời non dại, và muốn mình trẻ dại như xưa.
Bạn có thấy tiếc nuối như tôi không? Tuổi thơ của bạn có những kỷ niệm nào? Mong được bạn cùng đồng cảm với tôi.

 

Có nhiều câu nói về tuổi thơ và bây giờ rất chí lý. Tiếc là khi mình đã thấm thía ý nghĩa của nó, thì tuổi hoa đã qua đi, tuổi hạc đã gần kề. Mà thôi, cuộc đời có sinh thì có tử, có trẻ thì phải đến lúc già, có ai làm thời gian ngưng đọng hoặc lui về quá khứ được đâu. Tôi xin chép lại vài câu nói ý nghĩa: “Người ta nói khi còn nhỏ, mình thường nghĩ rằng biết níu giữ là khôn ngoan. Nhưng khi lớn lên, ta mới nhận ra rằng biết buông bỏ mới là trí tuệ. Hoặc câu: “Khi còn nhỏ, mình thường nghĩ rằng người giàu là người lấy về rất nhiều. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng người giàu có là người cho đi nhiều chứ không phải chỉ nhận vào. Khi còn nhỏ, mình thường nghĩ rằng mạnh mẽ là vượt qua người khác. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng mạnh mẽ là vượt qua chính mình, chiến thắng cái xấu của mình ngày hôm qua. Khi còn nhỏ, mình thường nghĩ rằng kẻ nói nhiều là kẻ thông minh. Nhưng khi lớn lên, mình mới biết rằng người biết lắng nghe mới thật sự là người thông thái, có trí tuệ...
Tôi hay nằm mơ thấy mình đi trên con đường đến trường tiểu học xưa, thấy mình bắt bướm, bắt dế, được ăn những cái bánh "nhà quê" rẻ tiền nhưng đầy hương vị. Dù ngọt ngào hay cực khổ thì thời thơ ấu vẫn là những kỷ niệm khó phai, quả là đáng tiếc nuối cho chuỗi thời gian và những kỷ niệm dễ thương thuở ấy.
Thanh xuân như bông hoa nở tươi đẹp một thời trong đời, mong sao cánh hoa đó bung cánh rực rỡ nhất, rồi sanh ra mùi thơm, trái lành, để lại hột giống tốt. tui trẻ đã qua đi, cánh hoa úa tàn, mình hãy cố gắng sống tốt nhất giây phút hiện tại. Hôm nay sợ mình già, nhăn nhó không dám chụp hình, thì ngày mai sẽ càng không dám chụp hình hơn, vì bảo đảm ngày mai mình sẽ già hơn, xấu hơn ngày hôm nay.

Sống với kỷ niệm, thương nhớ thuở còn thơ, nhưng tôi luôn nhủ lòng hãy cố gắng sống tốt nhất giây phút hiện tại: làm việc siêng năng nhưng cũng giữ lòng thanh thản, dành cho mình những phút giây thư giãn. Làm sao để không lãng phí thời gian, tạo thăng bằng trong cuộc sống, hòa mình với giới trẻ, thông cảm với tuổi già?…. Không dễ đâu, nhưng nếu không quyết tâm, cố gắng thì sẽ không thể nào có kết quả.

Chúc bạn luôn vui khỏe và vì không thể trở về quá khứ tuổi hoa, mong bạn sống trọn vẹn hiện tại của ngày hôm nay, làm được những gì tốt nhất trong hoàn cảnh của của mình.

 

Nguyn Ngc Duy Hân



No comments:

Post a Comment