Sub Label Menu bars



Nụ Cười

Nụ Cười

 

Trong tuần qua, chúng tôi rất bàng hoàng khi biết tin một người bạn vừa qua đời vì bị nhiễm vi trùng Covid. Ai cũng thương tiếc và cùng nhắc tới tiếng cười của anh. Hầu như lúc nào anh cũng vui vẻ, tươi cười, đem niềm vui đến cho người khác. Nụ cười của anh sẽ luôn mãi in đậm nét trong lòng từng người trong gia đình, bạn bè, và là gương sáng để chúng tôi noi theo: Sống vui, sống tốt, trên môi luôn nở cụ cười. Cũng vì thế nên hôm nay tôi tìm tòi và viết đôi chút về đề tài «Nụ Cười» này.

 

Theo khoa học, cười là cử động môi hoặc miệng, có thể kèm theo tiếng, để tỏ rõ sự vui thích hoặc thái độ, tình cảm nào đó. Cười là cách biểu lộ thái độ, tình cảm tự nhiên của con người. Ta có thể bật cười với tiếng giòn tan hay chỉ nhếch mép cười khinh bỉ. Khi gặp nhau, nụ cười là tín hiệu để bắt đầu và sau đó để tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiện. Để chào một đối tượng, chỉ cần mỉm cười là đủ, rồi sau đó có thể đi kèm với cái bắt tay cộng với lời nói. Cười không tốn kém, không có phản ứng phụ mà lại niềm vui, hạnh phúc cho chính bản thân và người xung quanh.

Nói chung, cười là một dạng ngôn ngữ khác với lời nói, một phương tiện để chúng ta bộc lộ ra những gì mà chúng ta không thể nói ra bằng lời.

 

Người ta cũng bắt đầu cử hành ngày Nụ Cười Thế Giới (World Smile Day) vào thứ Sáu đầu tiên của tháng 10 hằng năm, để đặc biệt nhấn mạnh cái quan trọng của việc mỉm cười. Ý tưởng về ngày này bắt đầu từ Harvey Ball, một họa sĩ người Mỹ, người đã sáng tạo ra hình mặt cười (Smiley Face) vào năm 1963. Thông điệp trong ngày này là bạn hãy cười lên rồi giúp những người xung quanh mình cùng cười, để từng ngày trong thế giới được tràn ngập những nụ cười, niềm vui.

 

Không riêng chỉ loài người mới biết cười, mà loài chó, trâu bò, khỉ, chuột, cá voi v.v.. cũng biết cười. Cái cười của chúng đơn thuần thôi, nhưng qua ánh mắt, cách thân thể di động, ta có thể thấy được chúng đang vui, đang cười. Trên thân thể các loài vật cũng có những chỗ như nách hay bụng, có thể làm chúng nhột và thể hiện bằng việc cười. 

 

Nụ cười được xem là một món trang sức trong lúc giao tiếp. Cười có tác động rất mạnh giúp truyền tải sự vui vẻ, thân thiện, nhiệt tình và thích thú. Cười thường dễ lây từ người này sang người khác và khiến cho việc tiếp cận với người khác được thuận lợi hơn. Nụ cười là thứ ngôn ngữ không lời, là sợi dây móc nối yêu thương. Nếu cuộc đời làm bạn có cả trăm lý do để khóc, thì cũng hãy cho đời thấy rằng bạn cũng có cả trăm lý do để cười. Hãy bắt đầu ngày mới bằng một nụ cười, ít ra đó cũng là một sự khởi đầu tốt đẹp.

 

Trong Phật giáo, người ta ca tụng nhân cách của Đức Phật là ngài không bao giờ mất bình tĩnh. Ngài luôn giữ được tính cách siêu phàm, dù gặp những gian nguy sỉ nhục. Phật rất ít khi cười lớn, mà chỉ mỉm nụ nhiệm mầu. Đặc biệt là cái cười bất diệt của Bồ Tát Di Lặc mà ta thường thấy trong các tượng, tranh vẽ về ngài: mặt tròn đầy, bụng phệ, miệng cười toe trong khi lục tặc vây quanh quấy phá. Lục tặc tượng trưng bằng sáu trẻ nhỏ, đứa nghịch lỗ tai, đứa xoi lỗ mũi, đứa sờ lỗ rốn của Phật Di Lặc. Phải chăng đây là hình ảnh “Lục trần bất ố hoàn đồng chánh giác” của Đại thừa?

Nụ cười của Di Lặc Bồ Tát là nụ cười của sự bao dung cởi mở, xóa hết ranh giới thân sơ yêu ghét. Tâm có giao động thì mới phát ra tiếng cười và khóc. Nếu tâm an trú trong chân tánh bồ đề, thì không gì có thể khiến cho ta khóc hay cười được. Cho nên rất hiếm hoi để Phật phát ra tràng cười lớn. Sách chỉ ghi lại một lần khi ngài lên đỉnh Lăng Già thuyết pháp, là lần Phật đã cười to.

Thế Tôn giơ cành hoa
Ca Diếp nở nụ cười
”.

Ngoài ra trong Phật học, câu thơ “Biển dâu, mây nổi, cười như không” cũng i lên triết lý của cuộc sống, xem mọi việc là vô thường, như không.

 

Còn trong Công giáo, đã có câu Thánh Vịnh 37,12-13 cũng nhắc đến việc cười: “Kẻ gian ác mưu hại người công chính, nhưng Chúa cười vào nó, vì thấy nó đã đến ngày tàn”. Mỉm cười là một hành vi khiêm nhường; mỉm cười là chấp nhận bản thân và cách sống của mình. Kinh Thánh cũng đã ghi “Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em” (Ds 6,25). Còn sách Khôn Ngoan thì bảo: “Quần áo, nụ cười và cách đi đứng cho thấy tâm hồn một con người”. Từ xa xưa, Chúa đã dạy con cái ngài: “Hãy vui mừng, ca hát, dùng thánh vịnh, thi ca để hát mừng ngợi khen Chúa.” Nụ cười thực sự là dấu chỉ để người khác nhận ra mình là một Kitô hữu. Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi còn nói nữa, hãy vui mừng đi (Philip 4:4)

 

Bàn về nụ cười, thì chắc không thể không nhắc tới nụ cười của Mona Lisa. Trải qua bao nhiêu thế kỷ, nụ cười khó giải thích của nàng Mona Lisa trong bức họa cùng tên của Leonardo da Vinci vẫn luôn là một thách thức đối với những người yêu nghệ thuật. Từ một góc độ, nàng dường như đang mỉm cười, nhưng khi nhìn thẳng vào đôi môi, người ta lại thấy nụ cười biến mất. Nếu ngắm tranh ở các phía khác nhau, nụ cười của Lisa lại biểu hiện cách rất khác nhau. Đây có thể coi là một thủ thuật thị giác đã được Leonardo da Vinci sử dụng hết sức điêu luyện bằng sự kết hợp tinh tế giữa các màu sắc. Bạn đã đến xem tận mắt bức tranh này chưa? Tôi chưa có dịp thăm nàng Lisa này, khi nào có cơ hội đi viện bảo tàng ở Pháp, nhất định sẽ ghé thăm cho biết.

 

Trong thực tế đời sống cũng có nhiều kiểu cười khác nhau, có loại cũng không mấy gì tốt như cười ruồi, cười mỉa mai, cười nịnh để gây cảm tình, lợi dụng nụ cười để trục lợi, hoặc cười lả lơi để chiêu dụ khách hàng. Có khi vì nghề nghiệp như trong hãng Hàng Không, hoặc tiệm bán mỹ phẩm, quần áo, những người đứng bán hàng dù trong lòng bực mình, cũng phải gắng gượng cười để hoàn thành tốt đẹp công việc. Làm thế nào để luôn có được nụ cười đúng nghĩa, đúng lúc, không dùng nụ cười “phòng thủ”, nụ cười “tiếp thị” hay nụ cười “công nghiệp”. Nụ cười đúng nghĩa là nụ cười chân thành, phát xuất từ tấm tình yêu thương. Ta chỉ có thể thật sự cười khi đã biết buông bỏ mọi ưu tư, phiền muộn, hờn giận trong tâm. Người ta còn liệt kê các cách cười khác lạ như cười rụt rè, cười nhếch mép, cười hăm dọa, cười khì, cười khêu gợi, cười mỉa mai, cười gượng… 

 

Người dân quê Việt Nam từ xa xưa cũng đã biết giá trị của nụ cười qua các câu ca dao như:

Trăm quan mua lấy nụ cười
Nghìn quan mua lấy tiếng cười ngây thơ

hoặc lời khuyên trong cách xử thế “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” hoặc câu “Ai ơi chớ vội cười nhau, ngẫm mình cho kỹ trước sau hãy cười.

Thời nay ca dao mới liên hệ tới cái cười có những câu rất là “bá đạo” như:

Cười người chớ vội cười lâu, lỡ đâu ăn tát, răng đâu mà cười!

Hay là câu:

Em xinh đâu bởi nụ cười, em xinh là bởi nhiều người xấu hơn.

hoặc câu :

Đường cong quyến rũ nhất của một cô gái là nụ cười của cô ấy. Tuy « bá đạo » nhưng cũng chí lý lắm bạn nhỉ?

 

Rồi trong âm nhạc, có bài La Nuit, tức là «Tiếng cười trong đêm» đã được Phạm Duy chuyển thành lời Việt:

«Em như ma đi ma về giữa đêm, em kêu ta lên, em gọi mãi tên»… Bài này được nhiều ca sĩ hát để miêu tả tiếng cười trong đêm rất ý nghĩa.

Tiếp theo thì chắc ai cũng nhớ bài bài «Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời» của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, mà nhóm Phượng Hoàng trước 1975 đã rất nổi tiếng: «Cười lên đi em ơi, cười lên dấu những hàng lệ rơi» ….

 

Trong thơ Trần Trung Đạo:

« Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi

Ví mà tôi đổi thời gian được

Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười »

các câu thơ này đã được nhạc sĩ Võ Tá Hân và vài nhạc sĩ khác đã phổ thành nhạc rất mượt mà, đóng góp thêm cho nét đẹp của thi ca Việt Nam hiện đại.

Rồi chắc ai cũng từng có lúc nghe qua bài nhạc chế «Kìa trăng lên, dưới ánh trăng vàng bát ngát», chế thành «Cười lên đi cho cái răng vàng sáng chói… » nghe qua là muốn cười liền.

Riêng câu ca dao «Lan huệ sầu đời trong héo ngoài tươi» qua bài hát «Tóc Mai sợi vắn sợi dài» của Phạm Duy, đã cho thấy dù buồn phiền héo hon trong ruột, nhưng bên ngoài người phụ nữ vẫn phải tỏ ra kiên cường, tươi thắm.

Một bài hát khác của Trịnh Công Sơn cũng nhắc tới «miệng cười khúc khích trên lưng» cũng là cách cười rất đặc biệt qua nhạc phẩm Quỳnh Hương.

 

Bây giờ mời các bạn đọc lại chuyện Kiều. Trong suốt 3254 câu thơ, ta không hề thấy hai nhân vật chính – Thúy Kiều và Kim Trọng – cất tiếng cười bao giờ. Chỉ có khi Từ Hải thắng trận, rước nàng Kiều về sum họp để cùng chung hưởng niềm vui sau những ngày xa cách thì đã có câu: “Cùng nhau trông mặt cả cười”. Cả cười tức là hai người nhìn nhau mà cười lớn:

 « Cùng nhau trông mặt cả cười,  

Dang tay về chốn trướng mai tự tình ». Từ Hải cũng đã biểu lộ:

 Nghe lời vừa ý gật đầu, cười rằng tri kỷ trước sau mấy người.

Thi hào Nguyễn Du cũng đã mô tả nụ cười của Thúy Vân: Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da

Còn nụ cười của Hoạn Thư thì rất là cao tay:

Bề ngoài thơn thớt nói cười
Bề trong nham hiểm giết người không dao

 

Khi Thúy Kiều bị buộc phải đàn cho Thúc Sinh nghe, tiếng đàn của nàng buồn quá, bốn dây như khóc như than, nên Thúc Sinh không cầm được giọt lệ, còn Hoạn Thư thì vẫn giữ nụ cười mỉa mai, «Cùng trong một tiếng tơ đồng, người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.

 

Tiếp theo chuyện Kiều, trong thơ văn cổ xưa Nguyễn Công Trứ đã phải cất tiếng:

 Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười

 Phải chăng tâm lý con người thật phức tạp, cái cười “buồn tênh” ắt hẳn phải là rất buồn, buồn có lý do, không phải kiểu “tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn”.

 

Các nhà thơ trào phúng lớn thời Pháp thuộc như Tú Xương trong bài "Giễu người thi đỗ", "Bỡn ông phó bảng" cũng đã  cười rất cay đắng: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ, Ậm ọe quan trường miệng thét loa

Cùng lúc đó nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng đã phải cười khẩy với những người theo Tây, phục tùng giặc Pháp đô hộ nước ta: “Cậy sức cây đu nhiều chị nhún, tham tiền cột mỡ lắm anh leo” trong bài Hội Tây.

 

Nhà văn Nguyễn văn Vĩnh có lần nhận xét trong bài viết của ông về bản tánh người Việt, ông viết: “Người An Nam ta cái gì cũng cười, nhăn răng cười một cái mọi việc hết trang nghiêm.”  Đây là nhận xét của riêng ông vào thời đó, nói lên một cái nhìn nhưng không hẳn là đúng 100%, nhất là vào thời đại nầy.

 

Một thi sĩ khác cũng đã định nghĩa khá bi quan:“Cười là tiếng khóc khô không lệ”, đây chắc chắn là nụ cười tê tái, cười bi thương trước thế thái nhân tình.

 

Ngày nay ở thế kỷ 21 với nền văn minh máy móc, con người đáng lý ra phải được thong thả, thư giãn, nhưng nguợc lại, khắp nơi đầy những tiếng thở dài vì không đủ thì giờ, vì bận rộn, vì chịu biết bao áp lực trong cuộc sống. Tiếng cười vắng đi, bệnh tật xuất hiện bởi nhiều lý do, nhưng căng thẳng và thiếu tiếng cười là một trong những lý do chính. Vì vậy nhiều bài báo đã khuyến khích: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ!”, hãy cười, hãy uống nhiều loại thuốc bổ tốt lành này.


Vâng, đúng thế, cái cười rất cần, nên không biết bao nhiêu sách báo, chuyện vui cười đã được sáng tác. Tạp chí Reader’s Digest đã treo giải tặng $300 đô Mỹ cho mỗi mẫu chuyện cười ngắn và hay được họ chọn đăng trên sách. Một tờ báo, đặc san luôn có phần Vui Cười để độc giả được nhẹ nhàng, thư giãn. Nhiều chương trình tấu hài rất được tán thưởng, các nghTrần Văn Trạch, Văn Chung, Chí Tài, Hoài Linh … rất nổi tiếng vì chọc cười được khán giả, nhất là cách cười dê không khác gì tiếng “be he” của loài dê xồm của danh hài Văn Chung. Cái cười của quái kiệt Trần Văn Trạch thì ý nhị hơn, cao siêu hơn. Phía Tây Phương thì có danh hề Sặc-lô Charlie Chaplin của nước Anh, Dan Ahdoof của Mỹ, Fernadel của Pháp...

 

Mỗi chúng ta đều sở hữu một khuôn mặt riêng, khó thể lẫn lộn với người khác dù là anh em song sinh. Các biểu cảm trên nét mặt khi cười giúp cái nhìn của người đối diện về mình được tốt đẹp hơn, mình nhìn tươi tắn, dễ có cảm tình hơn. Đặc biệt cách thể hiện nụ cười có thể khơi dậy cảm xúc và do đó làm cho giọng nói của mình sống động, có tác dụng thuyết phục hơn. Điều này thật tuyệt vời vì nụ cười hoàn toàn không mất tiền mua. Nụ cười không chỉ khiến chúng ta đẹp hơn, vui hơn mà còn có nhiều tác động tốt với cơ thể. Gorki, nhà đại văn hào người Nga cho rằng: “Tiếng cười là thuộc tính đẹp nhất của con người”. Một đại văn hào Pháp cũng khẳng định: “Tiếng cười là đặc trưng của con người, là một yếu tố của sức khoẻ, một phương pháp trị bệnh hiệu quả ».

 

Trong chuyện chưởng Kim Dung, “Tiếu ngạo giang hồ" một bản nhạc cầm tiêu hợp tấu, cũng là chủ đ của tác phẩm nổi tiếng này. Tiếu ngạo giang hồ được coi là một trong những tiểu thuyết đặc sắc nhất của Kim Dung. Nhân vật chính là anh chàng Lệnh Hồ Xung, đệ tử của phái Hoa Sơn, môn phái này đứng đầu là Nhạc Bất Quần. Bất Quần đã có nhiều kiểu cười rất thâm hiểm, bí mật, gian tà. Trải qua biết bao thăng trầm, hiểu lầm, tranh cãi chém giết, cuối cùng Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh đã quyết định từ bỏ chốn giang hồ, cùng nhau sống hạnh phúc khi hai phái chính và tà cuối cùng đạt được một thỏa thuận hòa bình. Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh đi lang thang khắp nơi, ngày nay gọi là “travel”, ca hát quên đi những tranh dành, chết chóc. Bản thân tôi cũng rất muốn được “tiếu ngạo” trong cuộc sống này, quên đi các chuyện cơm áo, buồn phiền lo lắng, bỏ mặc các sinh hoạt cộng đồng, dù ích lợi ý nghĩa nhưng cũng không tránh khỏi rất nhiều hiểu lầm, nhức đầu, khác biệt ý kiến.

 

Trở về thực tế, nghiên cứu cho thấy nếu bạn cứ tập cười hằng ngày, vui vẻ vận động cơ miệng, khi có cơ hội thì kể chuyện cười, có óc khôi hài hóm hỉnh trong sáng, thì chẳng bao lâu bạn sẽ trở thành một người dễ mến, dễ gần lúc nào không hay. Sách còn khuyên nếu có dịp, hãy chơi đùa với các em bé. Các em có nụ cười hồn nhiên, mà chính các em cũng muốn người lớn có nụ cuời thoải mái, hòa nhập với các em. Các em bé nầy bảo đảm không thích các kiểu cười ruồi, cười mỉa mai, cười gượng, cười châm biếm. Chúng cần nụ cười thành thật, trong sáng như một phản xạ tự nhiên của em bé khi lọt lòng mẹ đã biết cười, dù chưa hiểu biết gì. Hãy học cười như một đứa trẻ để mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến trong cuộc sống chính mình nhé.

 

Tuy nhiên, cũng như cuộc sống muôn màu, tiếng cười rất đa dạng về sắc thái. Mỗi sắc thái, mỗi kiểu cười có một cách thể hiện và ý nghĩa khác nhau như: cười duyên, cười nụ, cười mỉm, cười xoà, cười khẩy, cười ruồi, cười nhạt, cười nửa miệng, cười khinh khỉnh; cười đau khổ, cười ra nước mắt, cười như mếu, cười lặng, cười thầm, cười vô duyên, cười trên đau khổ của người khác, cười hô hố, cười đồng loã, cười hềnh hệch, cười toe toét… Có những nụ cười mang lại niềm vui, tình yêu thương và sự khích lệ lớn lao nhưng cũng có những kiểu cười giết chết niềm tin, gieo rắc hoài nghi, cám dỗ người ta sa ngã. Chẳng hạn cười một cách vô tâm là cười khoái trá, bất chấp người trong cuộc đang ở trong một tình huống khó khăn cần được chia sẻ, giúp đỡ. Cười một cách vô duyên là cười không đúng lúc đúng chỗ, cười hô hố, thiếu tế nhị, chẳng hạn cười nói ồn ào trong một đám tang, trong bệnh viện. Còn tệ hơn nữa là cười trên sự đau khổ của người khác, vô tâm vô cảm trước sự khốn khổ của người khác. Nụ cười rất cần thiết trong cuộc sống, nhưng không phải bạ đâu cười đó, ngờ nghệch như đứa trẻ hoặc cười man dại như người bị tâm thần. Cười với tấm lòng chia sẻ, đồng cảm, yêu thương rộng mở thì mới đáng quý, đáng trân trọng. Vì sức mạnh của kiểu cười tình, cười quyến rũ, nhiều người ráng dùng kiểu cười này để lợi dụng niềm tin của người khác. Các hình thức lừa đảo, từ việc lừa tình lừa tiền, lừa uy tín danh dự đều có thể dùng chiêu thức cười quyến rũ ban đầu. Có thể bạn không tin, nhưng chính kiểu cười mơn trớn là cách để tạo mối quan hệ dễ dàng nhất. Khi có được mối quan hệ rồi thì mới từ từ làm tiếp việc lừa đảo. Thí dụ người phụ nữ tâm địa bất chánh ưa cười cợt để gợi sự chú ý của người khác, kèm theo cái liếc mắt đưa tình, như nàng Thị Mầu khi đi lên chùa. Phụ nữ nhớ đừng sử dụng cách cười kiểu này nhé.

 

Lunacharski đã nói: “Tiếng cười không những là dấu hiệu của sức mạnh mà chính bản thân của nụ cười cũng là sức mạnh”. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thay vì chỉ cưi, mình cũng cần phải hành động hữu hiệu. Thí dụ hãy chạy thật nhanh đến để đỡ người vừa bị té ngã đứng dậy. Hãy ra tay cứu cấp giúp người thay vì đứng nhìn và quay video tung lên mạng như một thành tích để « câu like ». Hãy biết trao những nụ cười thân thiện, đúng trường hợp để nhận được những nụ cười đồng cảm, yêu thương đáp lại.

 

Khi “câu like”, người ta quảng cáo là hãy xem video này đi để được cười lộn ruột, cười té ghế, cười rụng răng rụng rốn, cười toác mỏ, cười văng cơm…. những từ ngữ về cười này đã diễn tả quá đáng, rất là thô, theo tôi thì không cần dùng chữ thậm xưng như thế.

 

Danh ngôn cũng có câu “Hãy lấy nụ cười để có thể thay đổi thế giới, nhưng đừng để thế giới làm thay đổi nụ cười của chúng ta. Vâng, ngày nào chúng ta không cười, ngày ấy chúng ta mất đi rất nhiều thứ. Bởi thế nên cũng đã có câu: “Một nụ cười là khoảng cách ngắn nhất của hai tâm hồn”. Một bác sĩ thổ lộ: "Tôi luôn phải tập cười và tập nói trước đám đông, điều đó sẽ khiến tôi có thêm tự tin". Tổng thống Hoa Kỳ Lincoln đã nói: “I laugh because I must not cry” (Tôi cười bởi vì tôi không được khóc). Đừng khóc vì những gì đã qua, mà hãy cười vì mọi việc đang chờ phía trước, bởi cuộc đời quá ngắn để rơi nước mắt. Thomas Carlyle đã nói: “Nếu bạn thấy một người thân quen không có nụ cười, hãy lấy nụ cười của mình tặng cho người đó. Một ngày không có tiếng cười là một ngày lãng phí. Hãy đếm tuổi của bạn bằng số bạn bè chứ không phải bằng số năm sống trên đời, và hãy đếm cuộc đời bạn bằng nụ cười chứ không phải bằng nước mắt.

 “Khi cười, gương mặt chúng ta nở hoa”. Cuộc sống như một tấm gương, bạn cau mày thì nó cũng cau mày lại với bạn, hãy mỉm cười nó cũng sẽ mỉm cười với bạn.  Khi cười, nét mặt chúng ta tràn ngập niềm tình thân mến, nó có thể thay cho lời nói: “Tôi thật sự quý mến anh!”, “Tôi thật sự rất vui khi gặp bạn”. Người Trung Hoa có câu nổi tiếng “Nếu không biết cách cười tươi tắn thì đừng mở hiệu buôn bán”. Bạn thích những lời hay ý đẹp này không?

 

Cuộc sống không phải lúc nào cũng xảy ra theo mong muốn của chúng ta. Sẽ có những bất trắc khiến mình bối rối và nản lòng, chẳng hạn xe đột ngột bị hư trên đường, sang nay nhận một kết quả xét nghiệm về sức khoẻ không mấy khả quan, hay công việc làm ăn thất bại… dù không vui nhưng chúng ta vẫn phải đón nhận, vẫn phải lựa chọn cách phản ứng tốt nhất với những sự kiện đó. Cười là một giải pháp nhanh chóng và hiệu quả giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng do các tình huống xấu gây ra, giúp bản thân ta vượt qua khó khăn một cách nhẹ nhàng. Thay vì nhăn nhó bực bội, trách người, chửi đời và mang cảm giác khó chịu đó trong suốt thời gian dài thì hãy thử suy nghĩ tích cc, vui lên, rồi bạn sẽ thấy mọi chuyện lại tốt đẹp hơn nhờ những lạc quan, can đảm đương đầu của mình.

 

Nói lý thuyết nãy giờ, nhưng để thật sự thực hành về nụ cười thì mình nên làm sao? Người ta đã nghiên cứu rằng để có nụ cười đẹp, hãy học cách ngậm đũa dành thời gian khoảng 10 tới 15 phút luyện tập trước gương. Đầu tiên bạn hãy đứng trước gương và nở nụ cười mà bạn nghĩ là hợp với khuôn mặt của bạn. Nếu cần, hỏi ý kiến những người thân nhận xét dùm. Sau khi đã “finalize” nụ cười thích hợp với khuôn mặt của mình nhất, hãy lấy một chiếc đũa rồi dùng hai hàm răng cắn chặt lại. Bạn cần giữ sao cho chiếc đũa luôn được thẳng và hai bên khóe miệng tạo thành một hình cung trên khuôn mặt. Luyện tập cười theo kiểu ngậm đũa và đứng trước gương sẽ điều chỉnh để bạn có được nụ cười đẹp nhất.

Ngoài ra cũng cần cải thiện hàm răng. Một nụ cười đẹp cần phải có hàm răng trắng sáng và đều, hoặc có chiếc răng khểnh làm duyên. Hàm răng móm hoặc hô cũng có thể làm ảnh hưởng nụ cười. Hiện nay, nha khoa có rất nhiều phương pháp giúp hàm răng đẹp hơn như nhuộm trắng (tẩy bleach, veneers). Răng thưa, răng mọc lệch, răng khấp khểnh “đi tìm tự do” thì có thể dùng phương pháp chnh hàm (orthodontic), tức là niềng răng để giúp răng được đều và đẹp. Thậm chí người ta còn ct nướu răng ngắn khi cười bị hở lợi, hoặc bọc răng sứ bao ra ngoài lớp răng bị hư, bị fluoride đổi thành màu xanh xám. Người ta còn đi bơm môi để nụ cười thêm sexy, quyến rũ.

 

Xin nhắc lại, mọi người đều thích gần gũi hay giao tiếp với người thân thiện hay cười. Khi thi hoa hậu người ta có giải đặc biệt cho cô gái “thân thiện nhất”. Nụ cười sẽ giúp mọi người dễ kết thân và giao tiếp với nhau. Ngoài ra cười còn là một ngôn ngữ quốc tế vô cùng dễ hiểu. Các nghiên cứu cũng cho thấy cười giúp cân bằng huyết áp cũng như tăng cường lưu thông máu. Theo kết quả nghiên cứu của đại học Maryland, cười sẽ khiến cho thành mạch máu giãn nở, giúp máu lưu thông tốt hơn, chống lại các bệnh tim mạch dễ dàng hơn. Khi cười, các cơ mặt sẽ được nâng lên nhờ thế giúp ngăn được các vết nhăn nheo do lão hóa, nhờ thế kéo dài tuổi xuân được lâu hơn.

Theo tạp chí Discovery, cười lại làm tăng chức năng miễn dịch, điều hòa huyết áp, kích thích hoạt động của các cơ quan nội tạng và giảm đau. Nghiên cứu của giáo sư Buchowski người Anh, cho biết cười gia tăng tốc độ đốt mỡ. Cười từ 10 đến 15 phút có thể tiêu thụ thêm 20% calori so với lúc bình thường. Cười còn làm gia tăng sự tiết mật, tăng sự co bóp của dạ dày và ruột, nên cũng ảnh hưởng tốt đến tiêu hóa và bài tiết. Khi mắc bệnh cảm cúm, tiếng cười sẽ giúp chúng ta xây dựng một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, các kháng thể chống nhiễm trùng tăng lên giúp bảo vệ cơ thể khỏi cảm lạnh, ho. Nhưng rất khổ là con vi trùng Covid không thể trị bằng nụ cười được. Có lẽ vì Covid không phải là loại cúm thường thiên nhiên, mà là loại vi trùng hóa học nhân tạo rất ghê gớm. Không những trị bằng cách cười không hiệu nghiệm, mà con virus xuất phát từ Vũ Hán này còn làm mình phải đeo khẩu trang, che mất nụ cười, thật đáng giận. Một lần nữa, xin cùng cầu xin cho cơn đại dịch này chóng qua.

 

Nụ cười ai cũng mong muốn có lẽ là nụ cười của vui mừng và hạnh phúc. Chẳng hạn nụ cười của bà mẹ khi thấy con mình khôn lớn thành đạt, hoặc nụ cười của người sinh viên mãn nguyện khi đã đậu Đại Học. Hoặc là nụ cười của người ăn xin khi tìm được một hộp bánh trong đống rác, là nụ cười của những phạm nhân trong ngày ân xá, là nụ cười của cô bán hàng đã bán hết hàng trong một ngày mệt mỏi, là nụ cười của đứa con mong mẹ đi chợ về để có được bánh quà... Nụ cười vui vẻ là yếu tố có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất, hơn cả thông điệp phát ra từ ánh mắt. Khi về nhà hãy cười để làm tan biến bầu không khí căng thẳng do áp lực công việc nơi công sở. Nụ cười hiền dịu của người phụ nữ với chồng con bên bữa cơm gia đình, nụ cười khi gặp lại một người bạn cũ, nụ cười cảm ơn của cô gái được nhường chỗ trên xe bus… đều là những nụ cười thể hiện sự vui mừng, yêu thương không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.

 

Nụ cười là một trong những tính năng làm cho con người trở nên hấp dẫn. Đó là thứ mỹ phẩm rẻ nhất có khả năng làm khuôn mặt bạn bừng sáng. Sức mạnh của nụ cười thật là to lớn, thí dụ nụ cười hiền hậu của người mẹ giúp đứa con bừng tỉnh sau khi bướng bỉnh, hỗn láo. Nụ cười của người con gái khi đã hết giận hờn, tha thứ cho người con trai sẽ làm ấm lại tình cảm của hai người. Vì tác dụng của tiếng cười mà những bệnh nhân mắc ung thư, hay mắc HIV-SIDA luôn được khuyến cáo phải cố gắng duy trì tâm trạng lạc quan vui vẻ, cười nhiều. Mỉm cười vào buổi sáng mang sẽ đến cho chúng ta sự tốt lành, vì khi mỉm cười ta sẽ có được niềm vui, mà bắt đầu ngày mới bằng niềm vui tức là khơi mở cho bao nhiêu việc tốt đẹp khác. Chỉ cần một thời gian ngắn thực hành việc mỉm cười vào buổi sáng, bạn sẽ có ngay thói quen tốt đẹp này. Chỉ cần nghĩ tới một bông hoa, một ngày nắng mới tươi thắm, nhớ đến một câu thơ hay, hoặc nghe tiếng chim hót là cũng đủ để vui và mỉm cười rồi, hãy trân trọng và tri ân trong mọi hoàn cảnh.

 

Nụ cười giúp chúng ta suy nghĩ lạc quan. Khó khăn và áp lực là những điều tất yếu trong cuộc sống. Cho dù bạn có gặp những chuyện buồn bã và tiêu cực đến đâu thì hãy học cách chấp nhận. Bởi vì, chuyện cũng đã xảy ra rồi và bạn không thể quay lại hoặc sửa đổi nó được, nhưng bạn có thể quyết định nên làm gì tiếp theo để mọi chuyện đỡ tồi tệ hơn. Hãy nghĩ xem, nếu cứ giữ khuôn mặt buồn bã cau có, thì những người tiếp xúc với bạn họ sẽ như thế nào? Và bạn có giải quyết được vấn đề hay không? Thay vì thế, hãy cố gắng bình tĩnh, suy nghĩ lại, lúc đó nụ cười và mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn để có cách giải quyết. Khi đánh mất nụ cười, có nghĩa là mình đang làm cho mọi việc trở nên tệ hại hơn mà thôi. Một khuôn mặt nhăn nhó, cau có... không thể mang đến điều gì may mắn hay tốt đẹp.

 

Một bài diễn văn hay và có sức thuyết phục đối với quần chúng, luôn được mở đầu bằng một nụ cười. Nụ cười quan trọng và dễ khắc sâu trong tâm khảm con người ta lắm. Một người bạn kể anh luôn nhớ đến nụ cười của cô bé bán cafe ở quê anh, nụ cười đó luôn làm anh vui và nhớ mãi dù bây giờ anh đã có con cháu đùm đề. Một bạn khác chia sẻ chị nhớ mãi nụ cười hiền hậu của bà cụ bán rau đầu ngõ, nên ngày nào đi qua chị cũng đều mua một bó rau ủng hộ. Rõ ràng các nụ cười này đã "đánh" vào tình cảm của người đối diện, gây kết quả tốt không ngờ. Thế nhưng cũng đừng quá lạm dụng các kiểu cười rồi trở thành phản cảm, phản tác dụng rồi phản chủ luôn! Hãy tránh các nụ cười tiếp thị, nụ cười công nghiệp, nụ cười gian tà dụ dỗ…. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh “một nụ cười thành tâm sẽ khơi dậy trong chúng ta một phản xạ bẩm sinh rất nhạy cảm, hướng chúng ta đến điều thiện”.

 

Có người quan niệm thiên đường là tiếng cười, địa ngục là tiếng khóc, còn chúng ta đang sống ở cái nơi dở khóc dở cười được gọi là trần gian. Dù bạn có đồng ý hay không, hãy làm cuộc sống trần gian này tốt nhất, ý nghĩa nhất, vui nhất mà mình có thể. Hãy trao tặng nụ cười cho chính mình, cho những người xung quanh. Hãy dành tặng người thân những câu nói hay về nụ cười để họ cũng cười tươi mỗi ngày. Hãy sử dụng nụ cười cho đúng giá trị của nó, đ cùng người thân và xã hội xây dng một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.

Chúc bn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày.

 

Nguyễn Ngọc Duy Hân 

No comments:

Post a Comment