Sub Label Menu bars



Tâm tình tham dự Lễ hội Hồng ân và Hy vọng

Sáng sớm thứ bảy 4 tháng 11, trời se se lạnh, nhưng mặt trời đã bắt đầu chiếu những tia nắng làm ấm một ngày mới. Lá vàng rơi nhè nhẹ trong cơn gió dịu dàng cuối thu, trời Toronto đẹp không thua gì mùa thu Paris, trong khi gia đình chúng tôi chuẩn bị các việc cần thiết và lên đường đến International Centre, bắt đầu ngày Lễ Hội Hồng ân và Hy vọng, do Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tổ chức.

Đeo vào ngực tấm thẻ 'Thiện nguyện viên' chúng tôi nô nức bắt tay vào việc. Chỉ mới 10 giờ sáng mà trung tâm đã đông đảo các anh em trong ban Tổ chức, các thiện nguyện viên. Nào là khiêng bàn lau ghế, nào là sắp xếp các thức ăn cho gian hàng thực phẩm, trang trí cho gian hàng của Hội đoàn, cơ sở thương mại của mình. Họ đến từ 8 giờ sáng, làm việc liên tục và phấn khởi. Riêng nhóm anh em chúng tôi đến trễ hơn vì đêm hôm trước thức tới 4 giờ để gói các phần ăn, làm bánh mì, khiêng vác nước ngọt, sữa đậu nành ....cho gian hàng thực phẩm của Giáo xứ. Mọi người cười nói vui vẻ, lòng tràn ngập hồng ân và hy vọng, mong cho ngày hội được tiến hành tốt đẹp.
Được biết anh em trong Ban Tổ chức đã chuẩn bị cho Đại hội gần một năm nay, nhưng vì ai nấy đều bận đi làm, lo cho gia đình, lo cho các việc khác của Giáo xứ, thì giờ còn lại mới dành cho lễ hội, nên mấy tháng cuối cùng ai nấy bận rộn vất vả, vắt giò lên cổ chạy nước rút.
Tôi bước vào khu vực sân khấu, kinh ngạc vì sân khấu đã được trang trí rất lộng lẫy và ý nghĩa. Một bên là cây trúc, tượng trưng cho đất nước Việt Nam, một bên là cây phong của Canada, chính giữa là vòng tròn, tượng trưng cho Mình Thánh Chúa với hình ngôi thánh đường và mọi người nắm tay quay quần chung quanh, biểu trưng của sự đoàn kết. Ban Âm thanh ánh sáng làm việc từ hôm thứ sáu, nên mọi thứ đã sẵn sàng. Ban Tiếp tân thân mật nói cười, chào đón quan khách và tất cả mọi người, sắp xếp chỗ ngồi, Ban Trật tự hăng hái cùng với hai vị cảnh sát trong nhiệm vụ, cố gắng bảo vệ an toàn tối đa cho Đại hội.
Bắt đầu gần 1 giờ, chương trình văn nghệ được chính thức khai mạc với phần rước quốc kỳ và hát quốc ca. Ca đoàn Tổng hợp Hồng Ân trong đồng phục áo dài trắng cho bên nữ và đồ vest đen, cà vạt xanh cho bên nam cất tiếng hát kiêu hùng và nhịp nhàng trong hai bài quốc ca Canada và Việt Nam, mọi người nghiêm chỉnh hòa mình vào không khí linh thiêng của dân tộc, im lặng một phút để mặc niệm trong tiếng nhạc tha thiết. Đèn được tắt hết để bóng tối làm chùng lại muôn trái tim của người Việt tha hương, cùng hướng về đất Mẹ để yêu thương đất nước và đoàn kết với nhau hơn.
120 em thiếu nhi trong tiết mục đặc biệt khai mạc chương trình đã làm mọi người thật vui và cảm động. Những tiếng hát non nớt, những vũ điệu đơn sơ, những y trang đặc biệt đã cho thấy thế hệ con em chúng ta được hướng dẫn và khôn lớn trong sự giáo dục tốt đẹp. Đức tin của các em được thể hiện qua lời hát thật ý nghĩa: Một Tình yêu có tên là Giêsu, lôi cuốn các em bước theo Người và đang dẫn bước các em đến đồi cao, chính tại nơi đó và trên Thập tự cuộc đời, các em mãi hát vang bài ca Tình yêu Giêsu. Huy động được hơn 120 em thiếu nhi tuổi từ 5 tới 10 không phải là chuyện dễ. Tuổi trẻ hồn nhiên, ngây thơ nhưng nghịch ngợm, các thầy cô giáo đã rất vất vả tập luyện các em trong nhiều tuần lễ. Các em tay cầm bong bóng hoặc cành lá ô-liu, say sưa hát. Đứng gần các em bên trong hội trường, tôi thấy vui lây. Bong bóng hay bị bể nên mỗi lần có một tiếng nổ, các em đồng loạt reo lên 'Oh'! Vì sợ các em reo to quá bên ngoài nghe thấy, có thầy ra lệnh 'Dù bong bóng bể, các em cũng phải yên lặng, không được la lên'. Nghe lệnh này, các em thất vọng và đồng loạt 'oh' to hơn nữa!
Linh mục Giuse Trần Tập hân hoan bước lên sân khấu nói đôi lời khai mạc và cảm ơn mọi người. Lễ hội nhằm mục đích kỷ niệm 30 năm người Công giáo Việt Nam hiện diện tại miền đất Toronto, cũng là 25 năm được công nhận là Cộng đoàn Công giáo Việt Nam chính thức và 20 năm là một Giáo xứ, được đặt tên theo các đấng Anh hùng Tiền nhân: Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Hôm nay mọi người tạ ơn Chúa và hướng về tương lai để xây dựng một cộng đoàn lớn mạnh hơn, một dịp đặc biệt để mọi người được gặp gỡ, chia sẻ niềm vui trong tình đồng hương, không phân biệt tôn giáo.
Tiếp theo là lời phát biểu của cha Phêrô Maria Phạm Hoàng Bá, vị Linh mục đầu tiên của Giáo xứ Toronto. Rồi các tiết mục văn nghệ của các ca nghệ sỹ được liên tục tiếp diễn. Các ca sĩ đã diễn tả thật sống động, tha thiết các nhạc phẩm trữ tình, âm thanh và dàn nhạc Liberty thật tuyệt vời. Ty Ty, Tất Đạt, Amy, Minh Luân, Lâm Quỳnh Như, Adam Hồ, Bé Xuân Mai, Kristine Sa, Quang Lê, Lưu Bích, Trish Thùy Trang, Diễm Liên, Băng Tâm, Thế An & Thế Khải, Ái Phụng, Quốc Bình, Bích Yến và Quốc Vũ đã hát hay hơn bao giờ. Hai danh hài Lê Tín và Kiều Oanh cũng đem lại nhiều tràng cười vui vẻ, quên đi những căng thẳng mệt mỏi trong đời sống. Đáng lẽ chương trình có sự góp mặt của ca sĩ Như Quỳnh, nhưng vì cô đang chuẩn bị làm mẹ nên không đi hát được, Ban Tổ chức đã thay thế bằng ca sĩ trẻ đẹp Băng Tâm. Anh bạn tôi ái mộ Như Quỳnh quá, rụt rè đề nghị: Cô ấy có bầu thì mình đóng cho cô cái bục che bụng lại để cô đứng hát, mọi người phì cười chọc anh quá chừng. Nghe nói khi gọi bé Xuân Mai đi hát cũng rất hồi hộp. Giờ chót người nhà của bé gắt gỏng, bực bội với ban Tổ chức, họ nói thẳng tôi không cho phép con tôi đi ca hát gì cả, đừng làm phiền nữa. Thì ra mình đã gọi wrong number!
Điều đáng nói là phần đóng góp của các em thanh thiếu niên trong Giáo xứ. Các em Thăng Tiến Con thật thành công trong tiết mục ca vũ Hòn Vọng Phu, Break Dance và Yêu Nhau Dưới Nắng Mai. Ca đoàn Thánh Linh, nhóm múa Kichener, các em thiếu nhi phụ diễn cho bé Xuân Mai, nhóm múa Hòn Ngọc Viễn Đông và đoàn múa Mai Khanh thật thành công trong màn biểu diễn của mình. Với y trang lộng lẫy, các tiết điệu nhà nghề, các em đã làm mọi người thán phục, hãnh diện cho tuổi trẻ Việt Nam. Biết bao tâm huyết, thì giờ, sự hy sinh nhường nhịn, lắng nghe nhau của các em.
Đặc biệt là hai bài hợp xướng Lắng Tiếng Ru Đêm và Lòng Mẹ đã được trình diễn thật có hồn qua tài điều khiển của Nhạc sư Phạm Đức Huyến. Năm ca đoàn gồm ca đoàn Trinh Vương, Thánh Linh, Theresa, Phaolo và Thăng tiến Hôn nhân với hơn 120 ca viên đã luyện tập trong nhiều tháng. Đúng như MC Nguyễn Ngọc Ngạn giới thiệu, hát song ca đã khó, tam ca khó hơn và đại hợp xướng càng khó hơn nữa. Thầy Huyến và các ca trưởng đã cố gắng hết sức để rèn luyện anh em chúng tôi. Khi nào phải hát lớn, khi nào phải hát bằng bụng, khi nào phải khép âm sớm, từng chữ từng chữ chúng tôi phải tập và hát cho thật đúng. Hôm trước ngày Đại hội, tôi nói với các cô bạn Tây trong hãng 'Tôi rất hồi hộp vì ngày mai sẽ phải đứng hát trước hơn 3000 người' Họ phá ra cười không tin, vì họ biết tôi có hát xướng bao giờ. Quý anh chị em tham gia đại hội có thể làm chứng được là tôi không nói sai. Tôi đã thật sự đứng hát trước hơn 3000 người! Các em đàn tranh, đàn violin, sáo, đàn dây.... đã cực khổ tập luyện không kém. Âm điệu, nhạc cụ Tây phương và Đông phương đã được soạn thảo thật kỹ lưỡng, hài hòa. Cám ơn các em trường Âm nhạc của cô Kim Uyên và nhóm Hướng Việt đã bỏ công sức, thì giờ ra để cộng tác cho chương trình được phong phú hơn.
Chương trình được kết thúc trong sự luyến tiếc của mọi người, dù kéo dài từ trước 1 giờ tới 9 giờ. Theo ông Ngạn, đây là một show đặc biệt dài nhất thế kỷ mà ông đã tham dự.
Phần lạc quyên xin tiền giúp đồng bào bão lụt miền Trung cũng được tiến hành tốt đẹp, kết quả được $12,000. Tôi cảm động vì cô Kỳ Duyên hăng hái ôm thùng carton thật to đi thật nhanh để xin tiền, các ca sĩ, các anh chị trong ban Lạc quyên cũng nỗ lực làm việc, trao chuyển các thùng tiền để kết quả được tốt đẹp. Tôi thích ca sĩ Lưu Bích hơn vì cô đã rất tích cực trong việc cổ động cứu trợ. Cô hát bài Bơ Vơ thật ngọt ngào, cảm xúc để riêng tặng những ai đang bơ vơ không nhà không cửa.
Ban slide show hình ảnh, background cũng đã đóng góp không ít cho sự thành công của Đại hội. Xem những hình ảnh thương tâm của nạn nhân bão lụt, ai mà không xúc động?
Về phía gian hàng ăn uống, ai nấy vui vẻ thưởng thức các món ăn đặc biệt quê hương. Nào là gỏi khô bò, bánh dầy, bánh cuốn, bánh cam, chè, nước mía, soup hoành thánh, bò viên, gỏi cuốn... (Ai may mắn mua được những cuốn thật to, thật mập của ông xã tôi làm là hên lắm!) Ban Ẩm thực cũng đã vất vả, lo lắng rất nhiều. Muốn được bán trong Lễ Hội, phải được Inspector của Chính phủ cho phép sau khi đã thử nghiệm cẩn thận. Gian hàng phải có giấy phép hành nghề, phải được công nhận thức ăn sạch sẽ hợp với tiêu chuẩn vệ sinh, nhân viên phải đeo bao tay, phải dùng phòng rửa tay riêng, độ lạnh và độ nóng của thức ăn phải đúng tiêu chuẩn. Nghe nói có một số gian hàng bị rắc rối với Sở kiểm soát thức ăn trong các Hội chợ trước đây, ban Ẩm thực Giáo xứ rút được kinh nghiệm này nên đã rất cẩn thận và mọi việc đã được tốt đẹp. Giá cả các món ăn cũng được nhận xét là phải chăng, không 'cắt cổ' như vài nơi khác.
Bên gian hàng trò chơi, các em cũng được tham dự các trò chơi thật sinh động, vui vẻ với các phần thưởng đầy màu sắc. Các cháu trực gian hàng đã làm bong bóng, chơi với các em trong nhiều tiếng đồng hồ, góp phần mang niềm vui đến cho từng lứa tuổi trong Lễ Hội.
Khu vực triển lãm của Trường Tiếng Việt đã thu hút được rất nhiều người, giúp các phụ huynh biết được các sinh hoạt của trường để đưa con em tới học. Gian hàng, hình ảnh của Chương trình Thăng tiến Hôn nhân Gia đình, Cursillo, Hội Truyền bá Đức tin, Hội Legio Mariae, Hội Người Việt... đã góp phần thông tin và làm Lễ Hội thêm màu sắc, phong phú.
Ban Kỷ yếu cũng đã thành công trong việc thực hiện cuốn báo kỷ niệm cho Giáo xứ Toronto. Cuốn báo dầy hơn 250 trang, gồm khoảng 140 bài viết của 70 tác giả, đặc biệt là có nhiều bài của các em thiếu nhi. Các em viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, có bài xen cả hai thứ tiếng. Một cháu đã tâm sự: Con ráng viết bằng tiếng Việt, nhưng khó và mất thì giờ quá, nên phần sau con viết bằng tiếng Anh cho lẹ. Các bài vở đã nói lên sức mạnh đoàn kết, tâm tình yêu thương, bước hướng tới tương lai của Cộng đoàn. Xem các hình ảnh trong Kỷ Yếu, chúng tôi thật vui vì sau 30 năm, các cha, các anh chị em đã thay đổi rất nhiều, đa số ai cũng mập ra! Thế nhưng cũng có vị không thay đổi bao nhiêu sau bao nhiêu năm, nhìn ảnh là nhận ra ngay. Gần 100 quảng cáo của các cơ sở thương mại nhiệt tình ủng hộ cũng đã nói lên được sự yêu thương, đoàn kết của mọi người. Bàn phát Kỷ Yếu có chưng một bình hoa hồng để trang trí, thế mà rất nhiều người tới hỏi mua hoa. Biết thế chúng tôi bán hoa cứu bão lụt, không chừng sẽ kiếm được tiền. Ngoài cuốn Kỷ Yếu là quà tặng kỷ niệm cho mọi gia đình, để khi rời Đại hội ra về còn chút dư âm để nhớ để thương, còn có các áo thun in chữ Kỷ niệm 25 Năm Thành lập Giáo Xứ được bán với giá tượng trưng cho mọi người. Áo hiệu Nautica được hãng sản xuất với giá đặc biệt ủng hộ, quý vị nào muốn mua áo và nhận báo kỷ niệm, xin liên lạc với nhà thờ Toronto.
Trên dưới 600 thiện nguyện viên đã cùng hòa mình, nắm tay làm việc chung, chia sẻ niềm vui và đức tin của mình. Tôi cũng là một thiện nguyện viên bé nhỏ, âm thầm góp mặt vào Đại hội với tấm lòng thiết tha yêu mến. Trong khi làm việc chung, tôi đã học hỏi được rất nhiều. Dù có khó khăn, dù thiếu kinh nghiệm, nhưng mọi người đã cố gắng và không giận hờn, chê trách nhau. Ban Tổ chức rất cảm động vì một số người không có ghế ngồi xem văn nghệ, giờ giấc chương trình cũng có thay đổi nhưng họ đã rất thông cảm và rất vui (Thật ra Ban tổ chức dự trù số người ngồi xem văn nghệ sẽ thay phiên nhau, khi ngồi xem văn nghệ, khi ra khu gian hàng, người đến sớm về sớm, dành chỗ cho người đến sau, nhưng hình như ít ai về sớm, và nếu có ra ngoài mua thức ăn cũng để người nhà ở lại giữ chỗ!). Tôi tin chắc các anh chị trong Ban Tổ chức sẽ họp tổng kết và rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức sau nếu có.
Nhiều người mua vé nhưng không đi được, đã tặng lại vé cho ban Tổ chức để bán lại, đây là một trong những nghĩa cử thật đáng ghi nhớ. Nhiều vị không hề là người của Giáo xứ, không cùng tôn giáo nhưng vẫn hăng say đóng góp khả năng, đặc biệt hai anh Đinh Sỹ Cường và Phạm Tiến Lộc.
Trong ngày này, tôi đã gặp được nhiều bạn bè cũ rất lâu năm rồi vắng bóng. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, nhắc nhau trở về sinh hoạt với Giáo xứ. Tôi thấy được rất nhiều nụ cười, sự yêu thương thể hiện qua hành động, cách đóng góp khác nhau. Người đau yếu không trực tiếp làm việc được thì dâng thêm lời cầu nguyện, hy sinh đau khổ của mình. Người làm business không góp được thì giờ, thì đóng góp tiền bạc. Biết bao lời cầu nguyện và bó hoa thiêng đã được thực hiện. Các em thiếu nhi, thanh niên, trung niên, các bà mẹ Công giáo, các Hội đoàn, các vị cao niên, các quan khách, người mua vé.... tất cả đều đóng góp cho lễ Hội được thành công trong yêu thương. Thật vui mừng vì người Việt tha hương, người Công giáo xa gần được dịp gặp gỡ, sum họp với nhau trong dịp lễ hội này. Tôi nhớ lời dặn dò của Cha Tập với anh em thiện nguyện viên chúng tôi trước khi 'xuất quân' làm việc: Đại hội được tổ chức không phải để kiếm tiền, mà để mọi người vui mừng và tạ ơn Chúa, để truyền bá Đức tin và yêu thương nhau hơn. Bản thân tôi cũng đã cố gắng rất nhiều, bằng chứng tôi đã không gây lộn với ông xã, cằn nhằn 2 đứa con để 'bắt' họ làm việc, giúp tôi nhiều hơn!!!
Chúng tôi ra về mà lòng hân hoan, chứa chan niềm vui và hy vọng. Điệu nhạc một bài hát của Trịnh công Sơn vang vang trong đầu tôi: 'Tôi đi qua chốn này .... ối a vui như ngày hội.'  Quả là vui như ngày Hội, chân tay mỏi nhừ, cả người mệt mỏi nhưng lòng tôi thênh thang hạnh phúc.
Tạ ơn Chúa, cám ơn đời đã cho tôi được tham dự một ngày Hội thật vui, thật ý nghĩa.
Nguyễn Ngọc Duy Hân

No comments:

Post a Comment