Sub Label Menu bars



MÔT GIẤC MƠ

Mới đấy mà bây giờ nhìn lại, Cộng đoàn của chúng ta có mặt tại miền đất này đã hơn 30 năm. Ba mươi năm, thời gian thoáng qua như một giấc mơ, nhưng đồng thời cũng dài gần nửa đời người. Tôi ngồi kiểm điểm lại những sự việc đã đi qua và cảm thấy có nhiều điều đáng tiếc: tiếc rằng mình đã không ráng sức học hành để thành đạt như nhiều người khác. Tiếc vì mình nhiều lúc đã lãng phí thì giờ để vui chơi thay vì nỗ lực làm việc để gầy dựng cho tương lai. Tiếc vì mình đã sai lầm khi lựa chọn một nghề nghiệp hết sức cực khổ và căng thẳng, không còn thì giờ để nghỉ ngơi. Tiếc rằng mấy chục năm qua, mình luôn luôn vùi đầu vào công việc, không để tâm săn sóc cho gia đình và con cái cho đúng mức... nhưng điều hối tiếc nhất có lẽ là nhận thấy mình đã không hết lòng dốc sức vào việc xây dựng Cộng Đoàn.


Xây dựng Cộng Đoàn! Việc làm nghe qua có vẻ mơ hồ và không cần thiết lắm. Việc này đã có các cha, các tu sĩ, các vị trong Hội Đồng Mục Vụ lo hết rồi. Đây là bổn phận của họ, còn mình thì phải lo thân trước, rồi còn gia đình, vợ, con, thân nhân nữa. Còn dư thì giờ thì đi chơi, giải trí chút đỉnh, chứ hơi đâu đi lo việc bao đồng, ăn cơm nhà vác ngà voi hàng tổng.Chính vì những suy nghĩ nông cạn và ích kỷ đó mà tôi thường hờ hững với Cộng Đoàn, có khi còn cho việc đi nhà thờ Việt Nam là đường xa, lễ lâu, mất nhiều thì giờ nên đem vợ con đi lễ ở Giáo xứ gần nhà cho tiện. Thời gian trôi qua tôi mơ hồ nhận thấy các con quên dần những truyền thống, tập tục của người mình. Chúng cũng quên dần tiếng Việt và bắt đầu nói tiếng Anh với nhau, có khi nói tiếng Anh với cả cha mẹ. Đôi khi tôi thấy hơi khó chịu về việc này nhưng thường bận bịu với công việc nên đành bỏ qua. Thỉnh thoảng nhớ lại, muốn nhắc nhở con, rồi lại nghĩ thôi mặc kệ chúng, có khi nói tiếng Anh trong nhà lại tốt, để các con tập cho quen, có lợi trong việc học hành của chúng nữa.

 
Bây giờ các con đã lớn, vào đại học, tôi mới giật mình nhận ra nhiều điều: - Các con đã quên hầu hết tiếng Việt, bạn bè của chúng toàn là người ngoại quốc, chúng ăn nói, sinh hoạt, hành xử như các bạn của chúng, hoàn toàn như người ngoại quốc, không còn dấu vết gì của con Rồng cháu Tiên nữa cả.- Tôi thấy mình già đi cùng lúc với sự trưởng thành của các con. Như vậy, không mấy chốc nữa thì thế hệ của mình sẽ qua đi, thế hệ của con cháu sẽ tiếp nối. Chúng sẽ tiếp nối như thế nào đây khi trong tâm hồn không chứa đựng được bao nhiêu giống mầm Việt Nam, nếu không muốn nói là hoàn toàn không có gì cả?
 
Trong vài năm gần đây, tôi có dịp viếng thăm một số Cộng Đoàn, Giáo Xứ Việt Nam ở Canada cũng như Hoa kỳ và nhận thấy một điều vừa mừng, vừa đau lòng: Hầu hết các nơi ấy, số giáo dân so ra khá ít ỏi, từ vài trăm lên cho tới dưới một ngàn, nhưng điều giống nhau là họ đều đi lễ Việt Nam, và hầu hết các nơi đều kêu gọi nhau đóng góp để có được một nhà thờ và cơ sở sinh hoạt độc lập, hoàn toàn Việt Nam, không nhờ vả hay lệ thuộc vào giáo xứ địa phương. Ngày cuối tuần, cả cộng đoàn tề tựu về nhà thờ, rộn ràng sinh hoạt với nhau: các em nhỏ tíu tít chuyện trò, rồi dắt nhau vào lớp giáo lý, lớp việt ngữ. Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể vai đeo khăn quàng, mình mặc đồng phục vào đứng lớp để dạy cho các em. Ca đoàn chia nhau vào các phòng để tập hát, chuẩn bị cho Thánh Lễ. Các phụ huynh lo đi dọn dẹp, giữ trật tự giúp các em. Các ông bà khác chia nhau ngồi trò chuyện hoặc hội họp theo đoàn thể của mình. Các bà mẹ họp nhau lại nấu nướng, chuẩn bị thức ăn cho cả cộng đoàn, họ vừa làm vừa vui vẻ nói cười trông thật sung sướng. Cha xứ rảo chân đi hết khu này tới nhóm khác, miệng luôn điểm một nụ cười hài lòng, tay ngài lúc nào cũng chìa ra, hết bắt tay người này, lại vỗ vai người khác, khi thì xoa đầu các em. Mọi người quay quần về giáo xứ như về ngôi nhà của chính mình, tinh thần vui vẻ, an nhiên như những đứa con ngoan nô đùa trong căn nhà ấm cúng của cha mẹ mình. Tôi vui mừng với họ và cảm tạ Chúa vì đó đây người Công Giáo Việt Nam của mình được thờ phượng Chúa trong nguồn hạnh phúc và bình an. Nhưng khi nhìn lại mình, tôi thấy đau lòng, buồn tủi vô cùng. Cộng Đoàn của tôi thật đông đảo, giàu có, hầu hết đã lập nghiệp ở đây nhiều năm, có thể là nhiều chục năm, nhân tài nhiều vô kể, nhưng mà sau hơn 30 năm hiện diện ở đây, một ngôi Thánh Đường cho người Việt Nam của người Việt Nam vẫn chưa có. Một nơi sinh hoạt độc lập cho giới trẻ, cho người cao niên, cho các đoàn thể trong Giáo Xứ vẫn chưa có. Mấy mươi năm qua, chúng tôi vẫn chịu đựng thân phận ăn nhờ ở đậu, dựa vào lòng thương xót của người bản xứ, đã bao phen bị dời đi, đổi lại, bị rầy rà, phiền phức đủ mọi thứ, con em không có nơi riêng biệt để được hồn nhiên sinh hoạt hoặc nô đùa cho thỏa thích. Thời gian gần đây, tình hình có vẻ đỡ hơn một chút vì có linh mục Việt Nam làm quản xứ. Nhưng nếu về sau Ngài được đổi đi thì tình cảnh có thể lại rơi vào những giai đoạn khó khăn như xưa. Tôi thấy mình có phần trách nhiệm trong việc này vì đã lơ là với việc xây dựng Cộng Đoàn trong mấy mươi năm qua. Ngay cả việc đóng góp trong các Thánh Lễ, tôi chỉ làm qua loa cho có lệ, thậm chí nhiều khi chỉ bỏ vào rổ vài đồng bạc cắc, mặc dù trong thâm tâm, tôi biết mình phải đóng góp nhiều hơn, thứ nhất là vì việc bảo trì nhà thờ rất tốn kém, thứ hai là khi tôi cầu nguyện, xin Chúa thì tôi xin nhiều, xin không hà tiện, và tôi cũng nhận được rất nhiều của Chúa, nhưng khi dâng cúng cho Chúa thì tôi rất tính toán, rất tiết kiệm, đến nỗi các con nhìn thấy và học được nơi tôi, nên khi nhìn thấy rổ tiền quyên góp đi qua, chúng dửng dưng như không nhìn thấy, hoặc cùng lắm thì moi túi quần để kiếm vài đồng xu lẻ, thẩy đại vào rổ kêu lắc cắc nghe thật buồn. Không biết Chúa có buồn tôi không nhưng tôi bây giờ ngồi suy nghĩ lại, thấy buồn cho chính mình nhiều lắm.
Định cư, lập nghiệp mấy mươi năm, bây giờ mới nói tới việc xây dựng Cộng Đoàn, kể ra thì có muộn, nhưng mong rằng không quá muộn. Với lòng chân thành, tôi ước mong được Chúa soi dẫn để biết sửa đổi tâm hồn ích kỷ và lười biếng của mình, để biết dùng những gì Chúa đã ban cho tôi mà đền đáp lại cho Ngài qua việc đóng góp và xây dựng Cộng Đoàn.
Ước mong tìm gặp được những tấm lòng cùng chung ý hướng, để một ngày thật gần, người Công Giáo Việt Nam của chúng ta tại đây có được một nơi chốn riêng tư, ấm cúng để thờ phượng Chúa trong tự do và hạnh phúc, và mai này, con cháu chúng ta có chỗ để mà đứng lên, tiếp tục truyền thống của cha ông mình.
                                                                                       Năm Hồng Ân và Hy Vọng
                                                                                                    Nguyễn Ngọc Duy

No comments:

Post a Comment