Sub Label Menu bars



Ông Bà tôi




 
Sau ba năm trông đợi, ngày hôm nay đã tới. Chúng tôi đang trên đường đi ra phi trường đón ông bà nội.  Hôm qua, khi mẹ nhắc bố đi làm về sớm để ra phi trường, Ti đã tuyên bố một câu xanh dờn:
-Ông bà nội chết rồi, sao đi đón được ! !


Bố mẹ tròn xoe mắt kinh ngạc, chắc tại Ti chơi games nhiều quá nên bị mát như vậy.  May có Khang An thông minh, thông dịch liền:
-Cu Ti, ông bà ngoại mới chết.  Ông bà Nội còn ở ngoài Bắc, ngày mai sẽ sang Canada định cư với nhà mình.
Ti nay đã 10 tuổi, tiếng Việt còn ở trình độ Bình Dân Học Vụ nên thỉnh thoảng hay lẫn lộn, nói sai.   Đến tôi mà cũng có lúc bí, không biết dùng chữ sao cho đúng nữa là.  Chị Tâm bàn:
Lúc mình xuống xe, sẽ sắp hàng 5 đứa từ nhỏ tới lớn.  Khi thấy ông bà Nội, mình sẽ cùng nhau hô to khẩu hiệu 'Welcome Ông Bà Nội to Canada'
Nguyệt Hoài lườm chị Tâm một cái dài ngoằng:
-Thôi đi chị cả, ông bà mới qua làm sao hiểu welcome nghĩa là gì  ! !
Mẹ cũng nơm nớp lo âu, bà lập đi lập lại câu hỏi đã hỏi mấy ngày nay:
-Nhà mình coi có sạch không con, mẹ lau chùi mấy ngày nay mà không xuể, mẹ sợ ông bà Nội chê mình ở dơ.
Bố chọc mẹ:
-Cho chết cô con dâu nhé, mười mấy năm nay sung sướng quá rồi, bây giờ lo làm dâu bù đi
Bố đã hơn 20 năm không gặp ông bà Nội.  Từ ngày còn bé bố vào Nam với Cô Chú Tám, ông bà Nội còn kẹt ở ngoài Bắc tưởng đã không bao giờ gặp lại.  May mà bố bảo lãnh mấy năm nay thành công, Bố có vẻ xúc động lắm
Chị Tâm triết lý:
-Con hỏi thật bố, xa cách ông bà từ nhỏ, bố có thấy tình cảm phai lạt đi không ?  Bố có thấy câu xa mặt cách lòng là đúng không ?
Bố bảo:
-Tình cha con nặng lắm, không nói được đâu con ạ.  Bố không nhớ nhiều về ông bà nhưng như thế lại càng thương nhiều hơn nữa.
Tôi lơ đãng ngó người qua kẻ lại tại phi trường, tôi đã xem hình ông bà Nội thật kỹ mấy ngày nay.  Tôi tin mình có thể nhận ra ông bà một cách dễ dàng không lẫn lộn.
Chờ mãi, chờ mãi, mắt tôi đã gà gà muốn ngủ thì thấy bố chạy lại ôm choàng ông bà nào đó hỏi thăm tíu tít.  Chèn ơi, họ là người mà chúng tôi chờ đợi đó.  Ông thì ốm nhom, xương xẩu làm sao.  Còn bà Nội thì khác không thể tả.  Trong hình bà búi tóc, răng hô, nhưng ngoài đời lại phi dê xoăn tít và hàm răng giả trắng bóng, không hô, không hợp với khuôn mặt già nua chút nào hết.  Và kìa, bà Nội còn sơn móng tay đỏ chót.  Mẹ ngượng nghịu chạy lại cúi đầu chào, không dấu được vẻ bối rối (lần đầu tiên cô con dâu ra mắt bố mẹ chồng mà)  Chúng tôi ra về mỗi người một ý nghĩ, nhưng tâm trạng chung là thắc mắc, hopeless bởi vì ông bà nhìn lạ, khác với trí tưởng tượng quá.  Ti thì thào:
-Cái girl đó sao lại khóc vậy ?
Chị Tâm rầy:
-Ti không được gọi bà là "cái girl", bà khóc vì mừng được gặp lại bố đó
Cái buổi ban đầu xa lạ rồi cũng qua mau.  Chúng tôi quen dần với cách nói chuyện, sinh hoạt với ông bà.  Ông bà đi ngủ sớm lắm mà rồi cũng dậy thật sớm.  Mỗi ngày ông bà đọc kinh sáng tối hai lần lâu ơi là lâu.  Tuần đầu chúng tôi còn ráng đọc chung, sau thấy đọc toàn những kinh lạ, lại đọc quá dài nên trốn lần.  Bố xử hòa:
Thôi thì cả nhà đọc chung 10 kinh Kính Mừng, rồi ông bà sẽ đọc thêm phần sau riêng
Ông bà nói giọng Bắc rặt rất khó nghe, có khi phải lập đi lập lại mấy lần chúng tôi mới hiểu. Có lần ông nhờ tôi bưng cây quất (cây trái tắc) lên để đàng trước, tôi đã hí hửng xách cây cuốc làm vườn của bố ra dựng ngay ở phòng khách.  Sinh hoạt gia đình tôi từ ngày có ông bà coi bộ nhộn nhịp, ồn ào hơn.  Chị Tâm phải dọn về phòng Hoài và An ở chung, nhường phòng cho ông bà.  Một số quần áo của chị còn phải để lại phòng ông bà vì phòng An hơi chật, chị to nhỏ:
-Hôm qua chị bị bà nội rầy vì có nhiều quần áo quá.  Bà nói ngoài Bắc mỗi người chỉ có hai, ba bộ, còn quần áo ở đây chất cao như cái núi mà vẫn mua thêm.
Chị ấm ức:
-Tại chị đổi quần aó mặc chung với em Hoài, em An chứ có nhiều gì đâu ! !
Tôi xì:
-Đúng rồi chứ còn gì nữa.  Ba cái quần áo sale mấy bà tha về em thấy còn bắt sợ.  Như ta đây nè có bị rầy gì đâu.
Hoài dẫu môi:
-Ở đó mà anh Bi nói, em nghe ông bà than phiền games với đồ chơi của anh với cu Ti sao mà nhiều quá.  Tiền đó để mua được tới mấy tạ gạo.
Tôi nhột nhạt:
-Cái đó là tại birthday anh người ta cho mà.  Anh đâu có tiền để mua đâu.
Đại khái, chúng tôi bắt đầu thấy hơi khó chịu, e dè trước những ý kiến của ông bà.
Chính mẹ cũng khổ, bà nấu món gì ra cũng bị nói là nhiều, là phí, là hơi lạt (ông bà đã từng ăn pizza chấm nước mắm cho đậm đà) Lại còn cái màn đồ ăn thừa không được đổ.  Ông nói:
Ở quê ông đói khổ tội nghiệp lắm các cháu à, không nên phí đồ ăn đâu. Cứ cất lại trong tủ lạnh, không ai ăn ông bà sẽ ăn cho đỡ phí. 
Tuy nói thế nhưng ông bà ít ăn lắm, sau 3, 4 ngày dời qua đậy lại, rốt cuộc mẹ cũng phải lén đem đi bỏ thôi.  Khổ cái, nấu ít thì cứ sợ thiếu.  Ấy là chưa kể ông bà không chịu xài giấy washroom, cứ phải có cái lon để dội nước, thỉnh thoảng lại đổ nước ướt nhẹp phòng tắm.  Mẹ thì thào với bố:
-Anh nói cha mẹ đi
Bố có vẻ buồn, ông "smell" thấy mẹ con tôi có phần hơi thành kiến, hơi găng với ông bà nội.  Tôi thấy thật là ái ngại nhưng không biết phải làm sao.
Thời gian thấm thoát trôi qua, chẳng mấy chốc ông bà đã ở Canada hơn một năm.  Tôi thấy tội nghiệp ông bà vì ít được đi đâu chơi, trời lạnh cứ ở trong nhà như tù giam lỏng.  Còn mùa hè đi chơi xa được thì ông bà lại mệt không muốn đi.  Chúng tôi đã phải hủy bỏ mấy cuộc đi chơi chung vì vào giờ chót, ông hoặc bà bị mệt không đi được.  Nhưng chuyện trục trặc giữa ông bà và chúng tôi lên cao điểm khi có một ngày chị Tâm mặc leggings đi học, ông nội đã kinh ngạc hỏi Tâm:
-Con có quên không, mà sao không mặc quần ! !
Chị càm ràm với mẹ:
-Ông nội hỏi kỳ quá à, tụi con mặc cái gì ông nội cũng dòm ngó, thắc mắc, con thấy đàn ông như vậy không được generous ! !
Đến cu Ti mà cũng than phiền:
-Ông nội cứ rình em đi tới đâu là đi theo tắt đèn tới đó, nói là em đốt tiền của bố mẹ.  Lâu lâu em mới quên chút thôi mà . . . . .
Mẹ cũng biểu đồng tình:
-Mẹ sợ nấu cơm chung với bà Nội quá, xuống bếp một mình thì sợ bà buồn, không có việc gì làm.  Mà nấu chung thì mỗi người mỗi ý, chán quá.
Khang An góp chuyện:
-Em không muốn nói dối, nhưng mỗi lần mua cái gì về, ông bà cứ hỏi bao nhiêu, rồi đổi ra thành tiền VN mấy triệu, rối tấm tắc tiếc của.  Riết em không dám nói thật là món đồ giá bao nhiêu
Nguyệt Hoài thắc mắc:
-Ông bà sợ lạnh một tuần mới tắm một lần, e là hơi ít chăng ! ! ?
Bố nghe được phần vì thương ông bà, phần nhằm lúc ông mới đi làm về còn mệt nên đã nóng nảy la mắng cả nhà.
Mẹ giận dỗi:
-Mẹ con tôi chỉ nói cho có chuyện nói thôi, có dám làm gì đâu mà anh chửi.
Bố mẹ sau đó giận nhau cả tuần làm chúng tôi sợ  quá chừng.  Tuy biết bổn phận là phải vâng lời, đối xử tốt với ông bà, nhưng có lúc chúng tôi cũng thấy tưng tức, bực bội làm sao ấy.
Không phải tôi chỉ tả oán về ông bà thôi đâu.  Ông bà tôi cũng có nhiều cái hay lắm.  Bà kể chuyện cổ tích thật hay, cu Ti mê tít thì chớ, bọn tôi cũng hồi hộp theo dõi bà kể chuyện săn cọp, ma hiện hồn, thú vật có nghĩa say mê.  Ấy, tí nữa thì tôi quên không giải thích lý do tại sao bà lại uốn tóc, sơn móng tay như hôm mới qua rồi.  Số là trước khi bà đi, các cô, các thím xúm lại làm đẹp cho bà trước khi sang Âu Mỹ.  Họ bảo bên đây không ai búi tóc, ai cũng phải sơn móng tay, bôi son phấn mới được ra đường.  Tội nghiệp bà hiền lành, ở nhà quê nên các cô thím biểu sao làm vậy.  Đến răng thật mà cũng nhổ đi làm răng giả, vì nghe đồn làm răng bên đây mắc lắm, thôi thì làm sẵn ở nhà cho chắc ăn ! !
Sang đây được vài tuần, chị Tâm đã thủ thỉ và rửa móng tay cho bà, bà ấp úng:
-Vậy mà cô Bẩy với thím Sáu cứ bảo  . . ..
Còn ông Nội thì rất khéo, chỉ khổ cái là con mắt hơi kém nhìn không rõ, chứ ông Nội có óc mỹ thuật lắm.  Ông đóng những kệ đựng hoa, giá sách thiệt đẹp.  Ông lại còn biết may nữa, ông may áo cho bà, may khăn quàng Thiếu nhi cho nhà thờ thật đẹp.  Tôi chỉ buồn cười cách ông bà xài phôn, tay cầm rất chặt và nói rất to. Có hôm David bạn của Ti phôn lại kiếm, ông không hiểu tiếng Anh, nhưng nghe nhắc tên Nam thì đoán được là gọi Ti nên trả lời bằng tiếng Việt ngắn gọn:
-Ngủ
Tôi chưa kịp chạy lại trả lời dùm thì đã nghe bà Nội nhắc:
-Ông nhắm mắt lại, làm bộ ngủ thì nó hiểu chứ gì ! !
Tôi tức cười không nhịn được, sau này khi loại phôn hiện hình được sản xuất, có lẽ chúng tôi phải mua ngay để tặng ông bà, tha hồ ông bà ra dấu cho người Tây hiểu.
Tôi cũng thích những lúc rảnh rỗi, ít homework, chúng tôi và ông bà cùng xem album chung của gia đình, và giải thích với ông bà ảnh chụp lúc nào, tại sao  . . . Ông thích tấm ảnh cu Ti lúc chừng 4 tuổi cầm cây chổi cùn lắm.  Sự tích Cu Ti và cây chổi như sau:
Hồi mới qua, bố phải đi làm, chúng  tôi đi học, chỉ có mẹ và cu Ti ở nhà.  Mẹ lúc ấy lãnh đồ về may, vì mãi làm nên không biết cu Ti đã xách cây chổi cùn, trốn ra sân sau quét lá.  Quét chán, cu cậu xách chổi đi lang thang tới hồi bị lạc.  Khi mẹ kiếm không được, gọi bố về thì bố chỉ còn cách báo Cảnh sát.  Lúc nghe tả, Cảnh sát bảo họ đang giữ một đứa bé "match" với lời khai của bố lắm.  Nó đi lạc chỉ cách chừng 10 căn nhà, nhưng tiếng Anh không biết, tiếng Việt lại ngọng líu lo nên bà hàng xóm phải đem gởi Cảnh sát.  Kiếm được Ti rồi, cả nhà mừng đến đứng tim, nhưng chưa mừng được quá 15 phút đã thấy xe cảnh sát chạy lại gõ cửa nhà lần nữa.  Mẹ phát run phát rét nói:
-Chắc họ trở lại phạt tội mình không giữ con đàng hoàng đây.  Anh cứ nói tại em đông con, phải may mới đủ tiền sống nên mới xảy ra chuyện như vậy, anh xin họ phạt in ít thôi nhé ! !
Thật ra, hai ông cảnh sát cao to chỉ trở lại để trả cu Ti cây chổi cùn đã để quên tại Ty Cảnh sát.
Chuyện vui buồn gia đình tôi cứ thế trôi qua, cho đến một hôm sau khi cả nhà đọc kinh xong, ông Nội bảo chúng tôi ngồi lại để nói chuyện.  Ông nói :
-Hôm nay ông muốn nói với cả nhà, ông thấy ở đây có các con, các cháu vui thật, nhưng gánh nặng cho gia đình quá.  Đông Tây có lúc không hợp nhau, ông bà sang đây lại già yếu không làm được tiền, thấy khó chịu lắm.  Hơn nữa, ông bà muốn được về VN để chết, chết ở đây vừa lạnh, vừa hao tốn, vừa phải chôn chung với ông Tây bà Đầm ông bà không biết nói chuyện.
Tim chúng tôi chùng xuống, có lẽ những lúc xì xào nói xấu, than phiền ông bà đã nghe hoặc cảm giác được.  Đôi lúc chúng tôi mệt mỏi, bực bội nên hay bàn ra tán vào chuyện ông bà chút đỉnh, chứ nào có mean gì đâu ! !   Khang An mít ướt oà ra khóc liền:
-Xin lỗi ông bà Nội, ông bà ở đây với tụi con đi.  Tụi con hứa sẽ ngoan không cãi lời ông bà nữa
Bố quyết định:
-Cả nhà phải thông cảm với tuổi già,  vui vẻ để ông bà không cảm thấy buồn mà về VN ở luôn.  Thôi thì ông bà ở đây mùa đông cũng buồn, lại nhớ quê nhà, bố sẽ mua vé cho ông bà về VN mấy tháng, sang xuân ông bà sẽ trở lại.
Ngày tiễn ông bà ra phi trường chúng tôi thấy buồn rười rượi.  Sự có mặt của ông bà lâu nay đã âm thầm xâm nhập vào sinh hoạt của gia đình tôi.  Tình máu mủ thiêng liêng đã có gì thật gắn chặt, thật gần gũi.  Tình yêu thương ông bà dành cho chúng tôi thật đầy tràn, ấm áp.
Những ngày vắng mặt ông bà chúng tôi thấy thiếu thốn, vắng lặng gì đâu, Cu Ti không có ai đi theo tắt đèn, cu cậu vừa tự tắt đèn vừa rên:
-Em nhớ ông Nội quá, em muốn ông Nội mau trở qua
Chị Tâm cười:
-Mấy đứa có để ý không, lúc sau này ông bà mình văn minh lắm.  Ăn đồ lạt hơn, không rầy rà question nhiều nữa, lại hội nhập đời sống mau hơn mấy người già khác đấy.
Mẹ cũng thỏ thẻ với bố:
-Em thấy Home Depot đang sale gỗ, anh nhớ mua một ít, tháng sau cha mẹ qua anh với cha đóng cho tụi nhỏ cái chuồng chim và sửa soạn vườn hoa năm nay cho thật đẹp nhé.
Tôi tin chắc, mùa xuân năm nay sẽ ấm áp, vui vẻ và hoa xuân sẽ nở tươi đẹp hơn trong gia đình tôi.  . . . ..
 
Trịnh Tây Ninh


No comments:

Post a Comment