Sub Label Menu bars



Nhật ký của Liễu

Nhật ký của Liễu

Tôi thích viết nhật ký ngay từ nhỏ. Sau khi trang trải tấm lòng lên tờ giấy, tôi thấy nhẹ nhàng dễ chịu hơn. Tôi vẫn nhớ cuốn nhật ký đầu tiên khi mình được 8, 9 tuổi. Bìa nó màu tím với những cánh hoa nhỏ rất xinh. Quyển vở nhỏ xíu, nhưng vẫn có chìa khóa đàng hoàng - của cô Uyên tặng tôi khi Giáng Sinh. Tuổi thơ tôi không có gì đặc biệt. Tôi nhút nhát cô độc, hay bị chọc ghẹo, hay lo sợ vẩn vơ, không dám tin vào bất cứ điều gì.....


Ngày.... tháng ...

Hôm nay mẹ hứa sẽ đi “trip” chơi với lớp tôi, giúp cô giáo trông chừng tôi và các bạn. Lần đầu tiên lớp được đi viện Bảo Tàng thành phố. Chờ mãi không thấy mẹ đâu, cô giáo quyết định đi không có mẹ, tôi buồn vô cùng. Sao mẹ không giữ lời hứa, sao mẹ không gọi cho cô giáo biết? Cũng có lần cô giáo dặn phải đem thiệp mừng Valentine's tặng các bạn. Mẹ dắt tôi ra tiệm Variety ở đầu đường, nhưng chỉ mua được một cái cho tôi tặng cô giáo. Mẹ không có tiền để mua nhiều. Tôi lo lắm nhưng không dám cãi mẹ. Lúc đến lớp, tôi nhận được rất nhiều thiệp từ các bạn, những thiệp này rất nhỏ, đơn sơ, không phải loại to đẹp mà mẹ mua. Thì ra người ta có bán nguyên hộp thiệp đủ kiểu gồm mấy chục tấm nhỏ, giá tiền không mắc. Dù sao cũng trễ rồi, năm sau tôi sẽ hỏi mẹ mua nguyên hộp card này. Mẹ con tôi luôn thua sút mọi người và không biết rất nhiều thứ. Tôi chỉ biết rõ một điều: Tôi sợ….




Ngày.... tháng ...
Mẹ gói thức ăn trưa cho tôi bằng một hộp cơm nhỏ với thịt kho, trong khi tất cả các bạn đều ăn bánh mì sandwich, hoặc được cho tiền vào cafeteria mua French fries, hamburger. Con Paula hỏi tôi:
- Liễu, mày ăn cái gì đen thui thấy ghê vậy? Vietnamese food như vậy đó hả?
Tôi rươm rướm nước mắt, không dám ăn nữa sợ bạn cười. Tôi nhịn ăn trong nhiều ngày cho tới khi mẹ tra hỏi. Từ đó mẹ gói bánh mì cho tôi giống như các bạn. Tôi thương mẹ lắm, tôi biết mình nghèo, mẹ luôn hiền lành chịu đựng, hay bị bố la rầy. Ít khi nào tôi thấy mẹ làm theo ý riêng mình. Tôi cũng hay bị bố quát mắng, không được ông tỏ ra âu yếm yêu thương. Ông hay uống rượu và hút thuốc lá, lúc nào miệng cũng hôi. Có lần tôi đã bịt mũi nói:
-Bố thúi quá!
Mẹ la tôi:
-Liễu không được hỗn như vậy!
Tại sao mẹ luôn chịu đựng và lo cho bố, tôi không hiểu được. Tôi biết mình và ông có một cách biệt nào đó rất lạ.

Ngày ... tháng ....
Mẹ lại bị bố mắng, nhưng lần này bà có thái độ phản đối. Hậu quả là bố càng giận dữ, la hét to hơn. Tôi sợ hãi nép mình sau cánh cửa. Hôm đó cô giáo cho bài tập bảo chúng tôi vẽ cha của mình. Tôi vẽ một người đàn ông gầy ốm, râu lún phún đang liệng chồng chén đĩa xuống đất vỡ tan. Cô giáo ôm tôi lo lắng. Cô hỏi, nhưng tôi không nói chuyện gia đình. Mà thật sự tôi cũng không hiểu để nói.

Ngày ... tháng ....
Hôm nay mẹ dắt tôi đi thăm chú Thuyên. Tôi chưa bao giờ gặp hoặc nghe nói gì về chú. Chú nghĩa là uncle, vậy phải là em của bố. Chúng tôi đi xe bus, xe lửa rất xa, đổi biết bao tuyến đường mới tới nhà chú. Chú gầy và đen nhưng nhìn dễ thương. Chú ôm tôi rất lâu. Mẹ khóc rất nhiều khi gặp chú, chú cũng ôm mẹ. Nhà chú có nhiều ông cảnh sát đứng chung quanh. Mấy ông cảnh sát vuốt đầu tôi, rồi bảo mẹ con chúng tôi ra về. Chúng tôi về nhà rất trễ. Bố la hét um sùm, mẹ không trả lời, chỉ khóc và lặng lẽ đi nấu cơm, dọn dẹp. Tối hôm đó, tôi vẽ hình chú Thuyên đứng với mấy ông cảnh sát. Lớn lên tôi sẽ làm cảnh sát bảo vệ đàn bà, con nít. Đàn ông nào la hét làm người khác sợ sẽ bị cảnh sát bắt!

Ngày ... tháng ....
Tôi sống trong thế giới riêng, u buồn và cô đơn. Thấm thoát tôi đã 18, học rất kém, chỉ giỏi vẽ và luận văn. Tôi biết mẹ hết sức lo lắng, mong tôi học giỏi để sau này có tương lai, nhưng tôi tối tăm, không lanh lẹ tiếp thu, không giỏi toán được. Tuy vậy tôi cũng cố gắng không bỏ học giữa chừng. Một việc may mắn đã xảy ra: Tôi được giải nhất trong cuộc thi vẽ thành phố rồi được học bỗng của trường Mỹ Thuật bên Mỹ. Mẹ hết sức bối rối. Bố không nói như thường lệ, nhưng tôi đã quyết định. Ngày mai tôi sẽ lên đường đi Mỹ trong hai năm. Biết mẹ buồn và nhớ tôi nhiều, nhưng hy vọng bà sẽ quen đi.


Ngày ... tháng ....
Tôi ở lại Virginia luôn không về, vì tốt nghiệp và được nhận làm cô giáo dạy vẽ. Ngày tròn 21 tuổi, mẹ nói chuyện với tôi rất lâu trong điện thoại.
Bà hiểu tôi đã đủ lớn để biết về cuộc đời mình. Người đàn ông vẫn ở với mẹ không phải là cha ruột tôi. Bố ruột tôi là chú Thuyên, hiện vẫn còn ở trong tù. Chú Thuyên và mẹ bồ với nhau quá sớm, khi hai người còn ở trung học. Vì lỡ có con là tôi nên chú Thuyên phải nghỉ học, đi làm qua ngày. Vì còn nông nổi thiếu kinh nghiệm, chú bị dụ vào một tổ chức chuyển hàng lậu. Trót lọt vài chuyến có tiền, nhưng sau đó chú bị bắt. Đàn anh phản bội, bỏ chú làm vật thí thân, gài chú chịu tội thay cho họ. Bố nuôi thích mẹ từ lâu, nhân cơ hội này giúp mẹ và gia đình ông ngoại dấu được cái bầu hoang là tôi. Bố nuôi biết mẹ không thật sự yêu ông, nên đâm ra cáu kỉnh khó chịu. Cuộc sống lại ngày càng khó khăn, ông sức khỏe kém không làm ra tiền như trước nên hận đời, luôn nóng nảy giận dữ, tìm quên trong men rượu làm cuộc sống ngày càng tệ hơn.
Tôi thương mẹ hơn bao giờ, bắt đầu hiểu tại sao bà luôn chịu đựng. Tôi cũng thông cảm với bố nuôi, bớt ghét ông. Thì ra cuộc sống luôn có những ràng buộc ngoài ý muốn. Thì ra có những việc tưởng là vô lý, chỉ vì mình chưa hiểu được cái lý của nó.

Ngày ... tháng ....
Trong khi dạy học, tôi quen Viễn và bắt đầu yêu anh. Tình yêu thật ngọt ngào. Tôi những tưởng cuộc đời mình lúc nào cũng u buồn, nhưng có Viễn, tôi thấy cuộc sống bắt đầu vui và ý nghĩa. Anh dạy toán cho nhà trường và chỉ sống với mẹ. Ba của anh đã bỏ đi xa với người đàn bà khác từ lâu. Mẹ luôn lo sợ tôi sẽ dẫm chân vào con đường cũ của mẹ, tức là có con sớm, hỏng cả tương lai. Tôi tin mình biết làm chủ cuộc đời, quyết tâm không để việc đáng tiếc xảy ra. Viễn cũng rất tôn trọng tôi, chúng tôi nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Ngày Valentine's, anh cho tôi hiểu được thế nào là sự rung động của con tim. Tôi tin anh đã cho tôi trái tim yêu thương thật sự, không phải trái tim bọc nhung của những hộp kẹo chocolate, không phải những quả bong bóng hình trái tim được trang trí rực rỡ, không phải trái tim nữ trang làm bằng vàng bạc, mà là trái tim thật sự của người yêu. Viễn ơi, em cám ơn anh...


Ngày ... tháng ....

Tôi rất thích dạy học vì tôi yêu trẻ con, yêu những học sinh nghèo, chậm chạp lẻ loi luôn bị trêu chọc trong lớp như tôi hồi bé. Bố ruột tôi đã mãn tù, hiện đang ở không xa thành phố với mẹ, đã tìm được việc làm ổn định. Nghe mẹ kể hồi nhỏ ông bướng bỉnh ba gai, nhưng nay đằm tính và rất đàng hoàng. Mẹ không đi thăm bố vì nghĩ mình đã có chồng, không muốn tạo thêm rắc rối. Bà nén lòng sống bình thường bên cạnh bố nuôi tôi. Tôi và Viễn dự định sang năm sẽ về lại Toronto thăm gia đình và tiến hành đám cưới. Tôi muốn đón mẹ về Virginia ở chung, nhưng mẹ bảo bà đã quen với đời sống Canada, không muốn thay đổi. Bà chỉ mong tôi được hạnh phúc, không buồn như cuộc đời bà.

Ngày ... tháng ....
Bố nuôi, bố Thuyên và mẹ đều đáp máy bay qua Virginia chuẩn bị dự đám cưới tôi. Chỉ mấy năm không gặp lại, trông ai cũng già đi, khác hẳn năm trước. Thời gian thay đổi nhiều quá, thời xuân sắc của mẹ đã qua đi, nét buồn bao giờ cũng phảng phất trên ánh mắt, dù bà rất vui mừng cho tôi và yêu mến Viễn. Bố ruột tôi vẫn gầy, nhưng nhìn độ lượng, thư thái hơn. Ông và tôi ôm nhau, lòng ngập tràn cảm xúc. Hình ảnh ngày nào ông ôm mẹ trong tù khi chúng tôi tới thăm lại hiện về thật rõ. Bố nuôi có vẻ thay đổi nhiều nhất, ông mập mạnh vui vẻ hơn. Ông và bố Thuyên bắt tay nhau thân mật. Hai người đàn ông đi qua đời mẹ bắt tay nhau, ngồi chung một bàn… Hôm nay tôi lại khóc.....

Ngày ... tháng ....
Tôi đã sinh cháu gái đầu lòng. Tôi hy vọng nó sung sướng, may mắn hơn bà nội cũng như bà ngoại. Tôi mong cháu có cuộc sống đầy đủ, không u ám như tuổi thơ tôi. Cuộc đời má của Viễn cũng rất buồn. Họ là những người đàn bà gặp nhiều trắc trở, thử thách. Tôi học được sự chịu đựng của mẹ. Tôi cũng kính trọng bà vì đã thủy chung với bố nuôi, luôn phục vụ ông hết lòng dù không thật sự yêu thương ông. Đó là bài học của tinh thần trách nhiệm. Nếu là tôi, có lẽ tôi đã bỏ mặc mọi ràng buộc sống theo con tim mình. Tôi học được sự quả cảm của mẹ Viễn, một mình chiến đấu với hoàn cảnh để nuôi con nên người. Bà cương quyết trắng đen rạch ròi, không chịu được sự giả dối. Khi biết bố của Viễn có người đàn bà khác, bà cương quyết ẵm Viễn ra đi. Tôi cũng kính nể bố ruột tôi, dù sai lầm khi tuổi trẻ nhưng đã không oán hận đời, luôn âm thầm yêu thương mẹ tôi. Đó là mối tình câm lặng của người có nghĩa khí. Nhìn ánh mắt ông dành cho mẹ, tôi hết sức thông cảm và đau lòng. Và ngạc nhiên thay, bố nuôi tôi cũng thay đổi hẳn. Ông cai rượu, cai thuốc lá,  phục vụ đắc lực trong nhà thờ, vui vẻ với mọi người. Trước đây, tôi đã ghét và sợ bố nuôi, bây giờ tôi cảm thương ông thật nhiều.


Ngày ... tháng ....
Lại là một ngày buồn. Chúng tôi đưa mẹ Viễn ra nghĩa trang. Bà qua đời vì bệnh tim khi chưa được 60. Những ngày cuối cùng, hình như có linh tính về cơn bệnh của mình, bà đã tâm sự với tôi rất nhiều. Bà chia sẻ với tôi sự hối hận khi còn trẻ đã quá tự ái, không tha thứ. Ba của Viễn rất giỏi nhạc, ông luôn phải đi xa trình diễn trong giàn nhạc giao hưởng nổi tiếng, và thật sự không hề có ý bỏ bà. Sự quan hệ tình cảm với người đàn bà khác có nhiều lý do trớ trêu. Mẹ Viễn không tin và không chấp nhận được chuyện này, nên đã bỏ đi dù ông đã khổ sở năn nỉ, tìm kiếm trong bao năm trời. Ba Viễn vẫn ở một mình cho tới ngày hôm nay. Tìm ông quá khó, khi nhắn tin ông về được Virginia thì đám tang đã xong. Chúng tôi đưa ông ra nghĩa trang thăm mộ mẹ Viễn. Gục đầu trước nấm mộ tươi, ông vừa khóc vừa kéo vĩ cầm. Có lẽ ông muốn bà nghe lại bài nhạc khi xưa mà bà yêu thích. Trong trời vắng, trong gió thu, tiếng vĩ cầm nức nở, ai oán…

Ngày ... tháng ....
Tôi và Viễn dọn về Toronto ở luôn để được gần gia đình và bé Tiểu Nguyệt được bà ngoại chăm sóc, sau khi bà nội đã mất. Ổn định xong, chúng tôi mời ba Viễn đến Toronto chơi một chuyến, ăn mừng ngày lễ lớn của Canada với mọi người. Chúng tôi cùng ăn uống vui vẻ trong căn nhà ấm cúng. Mẹ tôi cười vui, trổ tài nấu nhiều món ăn ngon, ít khi nào thấy mẹ vui như vậy. Ba ruột tôi từ xa cũng về để thăm tôi và cháu, ngồi trầm ngâm nhưng nét mặt thanh thản. Bố nuôi tôi khui rượu, bảo hôm nay 'phá lệ' uống cho vui, chứ bỏ rượu lâu rồi. Ba Viễn cũng mỉm cười, ông rất mừng vì Viễn có được ngày hôm ngay. Bé Nguyệt thì khỏi nói, ríu rít như chim, Cháu líu lo: Con có nhiều ông quá, ông nội nè, rồi 2 ông ngoại nè! Ít khi nào gia đình tụ họp đông vui như vậy. Ba Viễn đàn, mọi người cùng hát. Mẹ tôi rưng rưng nước mắt.

Ước gì những trang nhật ký từ nay về sau sẽ mãi đẹp như đêm hôm nay. Uớc gì mọi người luôn thông cảm và hy sinh cho nhau, bỏ qua những sai lầm để vươn lên, sống ý nghĩa nhất trong hoàn cảnh của mình.
Tôi biết cuộc đời nghiệt ngã luôn nhiều thử thách, nhưng tôi biết mình cũng phải cố gắng vượt qua và sẵn sàng chấp nhận để sống tốt. Dù tương lai chưa chắc là những chuyện vui, nhưng ít nhất đã qua những trang nhật ký buồn ngày cũ, hãy để tình thương yêu và thông cảm luôn có trong gia đình, trong cuộc sống…

Nguyễn Ngọc Duy Hân




No comments:

Post a Comment