Sub Label Menu bars



Ngày Mất Cha

Ngồi trước computer của đứa con trai, dòng chữ trên 'screen saver' cháu viết bằng tiếng Việt 'Ông Nội còn sống mãi trong trái tim của con' làm tôi xúc động và suy nghĩ. Bố chồng tôi qua đời ngày 24 tháng 7 vừa qua. Đã hơn 100 ngày với biết bao bận rộn, suy nghĩ, công việc dồn dập nhưng tôi vẫn nhớ, vẫn ray rứt và thương mến, vẫn có cảm giác ông còn hiện diện đâu đây.

Ông bà đến Canada ở với chúng tôi hơn 10 năm nay. Thật lòng mà nói, tôi không thích sống chung với cha mẹ chồng. Tôi lo sợ vì nghĩ tới cảnh mẹ chồng nàng dâu, các cô bạn của tôi thường hay kể chuyện cha mẹ chồng của họ, nghe rất là... sợ. Đọc các chuyện cười về in laws tôi rất thấm thía. Tôi biết mình không khéo léo, ăn nói vụng về, quen sống tự do phóng khoáng, chắc chắn sẽ có khó khăn.
Lần đầu tiên gặp ông bà ở phi trường, tôi thấy thật xa lạ. Về ở chung, điều rất mừng là tôi không hề có trở ngại với mẹ chồng, bà rất hiền và ít nói, nhưng tôi lại khổ sở với ông cụ. Ông hay thắc mắc, suy nghĩ theo lối cổ xưa và nói ... hơi nhiều. Thỉnh thoảng tôi có 'méc' với ông xã về các chuyện xảy ra trong ngày với ông cụ, nhưng anh bênh cha làm tôi quê không muốn nói nữa. Sau vài chuyện hiểu lầm không vui, tôi rút ra được kinh nghiệm cho chính mình. Tôi sẽ không để ý, không bực mình nữa, như vậy người đầu tiên phải khổ là chính tôi rồi tới chồng, tôi phải cố gắng để mọi việc tốt đẹp, bản thân tôi được bình an. Tôi phải luyện tập mỗi ngày để mình 'đằm' tính lại, vui vẻ với cha mẹ chồng, chu toàn bổn phận. Rất may mắn, ông cụ càng ở lâu càng hiểu được đời sống bên đây, càng thông cảm được với chúng tôi (Tôi có cô em bạn dâu, 2 đứa rất ý hợp tâm đầu vì cùng chung một suy nghĩ, một hoàn cảnh). Những năm đầu tiên, hầu hết các ngày nghỉ vacation trong hãng là ngày tôi ở trong bệnh viện với ông bà cụ. Ông yếu, hay bị các cơn suyễn, cơn sưng phổi hành hạ. Bà tương đối khỏe hơn, nhưng hết mổ chân trái tới chân phải, mắt trái tới mắt phải, rồi mổ tim.... Được tiếng là nuôi người bệnh nhưng thật sự không phải chăm sóc gì, chỉ cần ở bệnh viện làm thông dịch khi cần thiết và giúp ông bà bớt sợ không phải ở một mình. Tối tới tôi ghép 2 cái ghế lại làm giường ngủ bên cạnh, có khi cô y tá dễ thương cho tôi nằm ở giường kế bên nếu có giường trống. Nhớ lại những ngày này tôi phải mỉm cười. Vào bệnh viện tôi mập và sung sướng hẳn ra. Số là ông bà không ăn được thức ăn Tây, có bao nhiêu tôi “xực” hết. Cả ngày ngồi chơi xơi nước, ôm theo chồng sách ngồi đọc, quả là những ngày nghỉ hè nhàn hạ nhất.
Ngược lại thì ông bà chăm sóc tôi rất nhiều. Thấy tôi gầy gò, ông cụ bảo anh Duy đi phố Tàu mua thuốc Bắc. Ông bà ở nhà sắc thuốc chờ sẵn, mấy chục thang trong mấy chục ngày, ngày nào đi làm về từ đầu ngõ cũng ngửi được mùi thuốc Bắc từ xa. Ông bà sung sướng xem tôi nhăn nhó uống, và hồi hộp ngồi chờ kết quả. Tôi vốn ốm tong teo, chị bạn bảo chết 3 ngày vẫn chưa sình lên được, nhưng chừng một năm sau thì lên được hơn chục pounds, ông bà vui vẻ tấm tắc, quả là thuốc Bắc có hậu, từ từ nó mới thấm và “phát” (Phát phì!). Thấy tôi vất vảø làm việc ở hãng, làm thêm part-time ở tiệm in, đưa đón con cái, bao thầu hết các việc nhà vì Duy làm rất nhiều giờ ở tiệm, ông bà xót xa, cố gắng giúp đỡ. Ông bà rửa chén, xếp quần áo cho chúng tôi (vừa xếp ông vừa thắc mắc quần áo sao nhiều thế này mà chúng vẫn mua thêm, hoặc thắc mắc tại sao chị em chúng tôi trắng trẻo như vậy mà lại có nhiều vớ (pantyhose) màu đen, sao không mua màu trắng cho đẹp!)
Ông bà thích đi lễ Việt Nam, đọc kinh với nhóm Cầu nguyện ở Mississauga, nên tôi rất hân hoan làm tài xế cho ông bà. Ông rất giỏi, thuộc đường, có khi còn nhớ lối vào nhà thờ hơn cả tôi. Ông cũng biết sử dụng máy móc trong nhà, biết bật TV, máy hát, video, đốt lò sưởi... để ông bà ở nhà một mình chúng tôi cũng có thể yên tâm.
Ngày ngày ông bà ngồi xem TV, xem phim, đọc kinh và xem đồng hồ chờ chúng tôi về để mở cửa. Ông bà đọc kinh dùm phần của chúng tôi luôn, vì biết chúng tôi bận rộn lười biếng, không biết Chúa có chấp nhận chuyện này không. Hai đứa con tôi buồn lắm khi ông bà về Việt Nam thăm nhà, không có ai mở cửa khi chúng bấm chuông mỗi lần tan học về. Chúng rất yêu quý ông bà Nội. Ông rất khó ngủ, chúng tôi đi làm về khuya chỉ dám len lén mở cửa vào nhà, sợ ông giật mình thức dậy nhưng chưa lần nào ông không biết. Ông luôn nói đôi lời thăm hỏi chúng tôi rồi mới đi ngủ tiếp.
Thành thật mà nói, nhà có 4 anh chị em, nhưng ông cụ thương ông xã tôi nhất, và rất hãnh diện về anh. Tôi cũng thấy anh Duy rất yêu mến ông cụ, đối với anh, ông cụ là người khéo léo, mài dao bén nhất thế giới! Có lần ông bị bệnh rất nặng, tưởng không qua nổi, ông run run nói lời xin lỗi đã có làm những điều để chúng tôi không vui. Tôi rất xúc động và ngưỡng mộ vì tôi biết người đàn ông thuộc thế hệ ông không dễ gì mà nói được lời xin lỗi.
Ngày tháng thấm thoát trôi qua, ông bà về Việt Nam thăm nhà lần nữa và bệnh nặng. Trực giác tôi rất mạnh, tôi suy nghĩ nhiều và đốc thúc ông xã tôi về Việt Nam, chuẩn bị tinh thần, ít nhất cũng thăm được ông bà vì tôi biết ông bà rất mong gặp anh Duy tại Việt Nam.  Riêng tôi, sau lần về Việt Nam đầu tiên năm 2005, tôi không thích nữa nên khuyên Duy đi một mình, thế nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lại, sắp xếp công việc, tôi quyết định về với anh, giúp anh lo việc nhà. Chưa bao giờ về Việt Nam, để anh về một mình tôi lo lắm. Tôi rất hiểu nỗi lòng anh Duy, nếu không vì ông cụ, chắc anh sẽ không về Việt Nam vào lúc này đâu.
Trước khi về, chúng tôi có nói chuyện với ông cụ qua phôn. Ông còn tương đối tỉnh táo, hy vọng rất nhiều. Ông nói ông rất thương tôi, tôi cảm động lắm biết ông nói thật lòng. Ông xã tôi nhắc ông cụ ráng nghỉ ngơi, và an tâm chờ anh về thăm. Đường đi thật dài, thật xa, xuống được máy bay tôi mừng quá sức, may nhất là không bị khó dễ gì. Người nhà ra phi trường đón rất vui vẻ, mọi việc tốt đẹp. Ngồi trên xe từ Saigon về Vũng Tàu, tôi thơ thẩn ngắm cảnh 2 bên đường. Có quán nhậu lấy tên là Ngọc Tèo, có lẽ thấy tên Tèo xấu quá, nên đệm thêm chữ Ngọc gỡ gạc. Có tiệm cà phê chắc bí quá nên lấy tên là quán “Không Tên”, thế mà có tới ít nhất 2 quán Không Tên mà chúng tôi đã đi ngang. Chưa kể tới những quán Tình, quán Yêu, quán ... lung tung đủ thứ tên, Việt Nam xem ra cũng thích ăn nhậu và uống cafe quá. Tôi nhõng nhẻo đòi dừng xe mua bánh mì thịt, vì trên máy bay tôi bị ói, không dám ăn uống gì, tiếc là người em họ bảo sắp tới nhà rồi, thức ăn có sẵn không nên ghé mất thì giờ. Ông xã tôi rất nôn nóng, tràn trề hy vọng, tình cảm, tôi rất hiểu tâm trạng người xa quê lần đầu tiên trở về sau hơn một phần tư thế kỷ. Hơn nữa anh mong ông cụ sẽ vui và khỏe lại để có thể tìm cách chữa trị. Còn khoảng 5 phút tới nhà, cậu em họ lên tiếng: Ông đã mất đêm hôm trước rồi! Dù có chuẩn bị tinh thần, tôi cũng không khỏi bàng hoàng, xúc động. Khỏi cần nói cũng biết anh Duy đau đớn, thất vọng như thế nào. Xác ông được để ngay trong nhà, mọi việc đã sắp xếp đâu ra đó, chị của anh Duy cũng từ Toronto về trước chúng tôi nửa ngày, nhưng cũng không kịp gặp ông cụ lúc ông hấp hối, ông cụ ra đi chắc không hoàn toàn mãn nguyện vì không được nhìn lại các con một lần cuối.
Suốt mấy ngày trời, anh Duy chỉ quỳ bên xác cha và khóc. Ở với anh hơn 20 năm, tôi hầu như chưa thấy anh khóc bao giờ. Nước mắt tràn tuôn, nước mắt ở đâu mà nhiều thế, ôi những giọt nước mắt của đàn ông. Tôi cũng rơi nước mắt theo. Ở Canada tôi phải nhỏ nước mắt giả (artificial tears) vì mắt bị khô, ngứa, lần về Việt Nam này, có nước mắt thật, bảo đảm không cần thuốc nhỏ mắt! Các quyết định tiền bạc, ma chay đều do chị Thanh và tôi quyết định, anh Duy như người mất hồn không biết điều gì, hơn nữa anh không rành đời sống, tiền bạc ở quê nhà. Đám tang rất chu đáo, biết bao người, bao Hội đoàn đến đọc kinh ngày đêm. Bông hoa rất nhiều, có cả hoa tang của bạn bè, hội đoàn thân hữu từ Toronto gởi tới, có hội kèn Tây thổi rất hay. Đứùa cháu chạy đến hỏi tôi: Thím có muốn họ thổi bài “ Cha tôi” không, tôi gật đầu. Đứa cháu đứng chờ, tôi nghĩ cháu chưa hiểu tôi đã bằng lòng nên nói rõ: Cháu nói người ta thổi đi. Người cháu nói: $170 000, thím đưa tiền. À ra thế, thổi thêm thì phải trả thêm tiền, tôi quên mất là mình đang ở Việt Nam!
Khi còn ở Canada, bà cụ bị một cơn stroke nhẹ, làm giảm mất trí nhớ rất nhiều, có khi bà không nhận ra chúng tôi là ai. Trong hoàn cảnh này, sự kém trí nhớ thật tốt cho bà, nếu không bà sẽ rất đau khổ. Chúng tôi ở lại Vũng Tàu 10 ngày, hoàn toàn không đi đâu chơi, chỉ ở nhà với gia đình và thăm bà con. Bà con từ xa đến rất đông, có những người từ Quảng Ngãi xa xôi, đi xe mất cả ngày đường nhưng cũng đã tới. Tối tới mọi người xúm xít nhắc chuyện xưa, tôi cũng ngồi nghe nhưng thấy mình hơi lạc lỏng, thừa thãi! Thế nhưng ngược lại tôi quen biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn và phân biệt được ai là cô Ba, ai là cậu Sáu, gia đình có các cháu nào. Họ cũng gần gũi và thân mật với tôi hơn. Thấy đa số thân nhân nghèo khổ, khó khăn, tôi rất đau lòng, muốn giúp thật nhiều nhưng túi tiền chỉ có hạn. Một người cháu xin tiền mua cái tủ để trong bếp, một người cháu khác được tôi dắt đi siêu thị mua chén bát, sau này về Toronto nghĩ lại, tôi thấy thật buồn cười. Đưá cháu có tủ thì không có được những chén bát mới, còn đưá cháu kia thì không biết đựng chén bát vào đâu, vì không có tủ. Cuộc đời có lẽ lúc nào cũng có thiếu sót, không sao quân bằng, không sao cho đủ. Ông xã tôi thì rất buồn vì cảnh xưa đã thay đổi rất nhiều, ao hoa sen sau nhà bây giờ đã trở thành ... bãi rác, con lạch ngày xưa anh hay câu cá đã trở thành đường đi, cây dừa, cây na, vườn hoa tuổi ấu thơ .... đã không còn nữa. Bây giờ anh lại mất hẳn một người cha.
Chúng tôi cũng có ghé Saigon một ngày thăm bên các chị của tôi, thăm mộ ba má. Các anh, chị tôi rất mãn nguyện vì hơn 20 năm chưa hề biết anh Duy là ai, ăn nói như thế nào, bây giờ đã được gặp, ba má tôi dưới lòng đất sâu hẳn cũng vui hơn. Có khi các chị còn nghĩ tôi đã ly dị rồi vì tôi vô tình gởi về mấy tấm hình chỉ có 3 mẹ con (anh Duy cầm máy chụp hình thì làm sao có trong hình được!) Chúng tôi được ăn thử ở quán có tên rất là dễ thương: Quán Củ Riềng, vào quán thịt cầy nhưng tôi mua chè mang theo và tỉnh bơ ngồi ăn.
Rời Việt Nam mà lòng tôi bâng khuâng khó tả với nhiều suy nghĩ trăn trở. Ông cụ ra đi đúng vào ngày ba tôi mất cách đây 20 năm, từ nay tôi có thể làm giỗ, xin lễã cho hai người cha cùng ngày. Về lại Toronto, một anh bạn đã đến chia buồn với tôi vì nghĩ là cha ruột tôi mất. Khi biết ông cụ là bố chồng mà thôi, anh rất ngạc nhiên, anh bảo tôi nhìn rất giống ông cụ, còn anh Duy thì không. Có lẽ trước nay tôi đối xử với ông cụ chỉ bình thường, theo bổn phận nhiều hơn, nếu có thương, thì chỉ thương vì ông bà sức yếu, tuổi già, hay lo buồn, nên đây là những dấu hiệu cho tôi biết tôi nên coi ông như cha ruột của mình. Được biết bao người lo lắng, cầu nguyện, yêu thương, xin lễ, chia sẻ... chúng tôi hết sức cảm động và không ngờ ông bà cụ và chính chúng tôi được quan tâm, thương mến như thế. Ông cụ được qua đời và chôn cất ở quê hương cũng là tâm nguyện của ông, dù sao tôi cũng tạ ơn Chúa đã sắp xếp cho mọi chuyện được tốt đẹp. Tôi hiểu nhiều hơn về sự mất mát, tử biệt sinh ly, thấm thía mình phải làm nhiều hơn những điều tốt đẹp để không hối tiếc khi không còn cơ hội. Tôi hiểu mình phải sống sao để khi nằm xuống như ông được biết bao người thương tiếc, xây dựng được gia đình, sự nghiệp. Tôi thấm thía một đời người tuy dài mấy chục năm, nhưng thật là ngắn ngủi, phải đấu tranh, phải hy sinh, phải nhịn nhục, phải đạo đức, phải chiến đấu tới cùng. Tôi cũng cám ơn các anh chị bạn đã khuyến khích, khuyên tôi nên cố gắng về với anh Duy lần này, coi như lần cuối tôi được dùng vacation của mình cho ông cụ - Ngày ba má tôi mất, tôi không hề được về để chịu tang. Lần này, tôi được chứng kiến và sống những ngày ý nghĩa để hiểu biết và yêu thương hơn.
Tạ ơn Chúa đã cho tôi có được hai người cha để nhớ thương, kính mến. Tạ ơn đời đã cho tôi có được chuyến về thăm nhà lần thứ hai bất đắc dĩ nhưng tràn trề thương mến, kỷ niệm....
Nguyễn Ngọc Duy Hân

No comments:

Post a Comment