Sub Label Menu bars



Có Những Mảnh Đời

Chiều hai mươi bốn tháng mười hai, chỉ còn mấy giờ nữa là đến lễ Giáng Sinh, thiên hạ hối hả mua sắm rồi lại vội vã quay bước về nhà. Người qua kẻ lại nườm nượp, tiếng cười nói, gọi mời, kêu réo nhau làm cả khu phố trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Riêng chị thì lại khác. Chị không thấy lòng rộn ràng như bao người chung quanh. Chút hàng quà cuối cùng vừa bán xong, chị lặng lẽ thu xếp quang gánh rồi đứng lên, lê bước mệt nhọc về hướng ngoại ô thành phố.

Góc phố này là nơi quá quen thuộc với chị. Ít ra thì chị cũng đã lui tới nơi này hàng ngày với gánh hàng rong mười mấy năm nay, từ sau ngày anh xách gói lên đường đi trình diện. Những tưởng là ba bữa nửa tháng thì anh sẽ về, nhưng rồi anh đi biền biệt, bỏ chị một mình lo cho 4 đứa con thơ và bà mẹ chồng luống tuổi. Anh đi không về thì chớ, còn chồng thêm gánh nặng lên vai chị mỗi khi đến đợt đi thăm nuôi. Thời gian đầu chị còn chút vốn liếng dành dụm từ trước nên cũng đỡ, nhưng cả nhà 6 miệng ăn, cộng với phí tổn những lần đi thăm anh, chẳng mấy chốc mà chút vốn của chị đã hết sạch. chị đành đem bán dần tư trang và đồ dùng trong nhà. Thoáng cái mà căn nhà đã trống rỗng không còn món gì có thể bán được nữa. Số tiền ít ỏi kiếm được từ việc dạy kèm "chui" cho các trẻ con nhà hàng xóm không đủ để giải quyết nhu cầu cho 6 người trong nhà và anh ở nơi xa. Đây là công việc dù không kiếm được bao nhiêu nhưng chị thấy tương đối thích hợp với mình phần nào và cố gắng theo đuổi, vì chị xuất thân là một cô giáo, và đã sống gắn bó với các em học sinh bé nhỏ dễ thương mà chị vẫn xem như các con của chị từ mấy năm qua, từ ngày chị thực hiện được giấc mơ dạy học của mình khi tốt nghiệp ngành sư phạm. Bây giờ thì phần vì lý lịch, phần vì họ dành hết quyền ưu tiên cho những người ngoài kia vào, nên chị không được đi dạy ở trường nữa, và chỉ có thể lẻn lút giúp đỡ các em sống gần khu nhà chị với số thù lao thật khiêm nhượng. Ấy thế mà hoàn cảnh cũng không cho phép chị tiếp tục, chị đành bỏ ngang việc dạy kèm, sắm sửa quang gánh để học việc buôn bán. Lúc đầu chị hỏi dò các chị em quen, và theo họ đến vài địa điểm bán thịt heo "lậu", mua mỗi lần một hai ký thịt rồi tìm cách men theo các con đường hẻm để đem vào chợ Sàigòn bán. Mỗi lần trót lọt như thế cũng kiếm được đôi chút để đong gạo về nấu cơm qua bữa. Sau vài hôm, chị thấy việc buôn bán có vẻ êm xuôi nên quyết định mua nhiều hơn để đỡ mất thì giờ đi hai ba chuyến mỗi ngày. Chị dồn hết vốn liếng, mua luôn gần mười ký thịt, định bụng sẽ kiếm được khá tiền lời hơn mọi ngày để dành chuẩn bị cho chuyến thăm anh sắp tới. Thật khổ thân chị, vừa ló đầu ra khỏi con hẻm thì điều mà chị hằng lo sợ đã hiện ra trước mắt. Họ đứng sẵn như đã chờ đợi chị từ lâu lắm. Chuyến đó chị vừa bị lột hết cả vốn lẫn lời, vừa bị mắng nhiếc thậm tệ nào là "quân buôn hàng lậu", nào là "dân bán chợ đen" ... may mà họ không bắt chị về làm hồ sơ. Họ chẳng tốt gì mà phải tha cho chị. Họ chỉ hù dọa một trận cho chị sợ điếng lên, rồi làm bộ tha cho chị để chị mừng được thoát thân, và để yên cho họ chia nhau chiến lợi phẩm gần mười ký thịt tài sản ky cóp của chị từ ngày ra buôn bán tới nay.
Chị lao đao xây xẩm hết mấy ngày. Nhưng rồi cũng phải vùng dậy tìm kế khác, vì không thể ngồi yên nhìn cả nhà nhịn đói. Việc khó khăn nhất làtìm ra ít vốn để bắt đầu chuyện buôn bán trở lại. Chị đi hỏi mượn hết đầu này đến đầu kia, nhưng không ai giúp được, vì đa số những người chị quen biết đều đang ở vào hoàn cảnh khó khăn tương tự như nhau. Túng quá, chị đành quyết định đem chiếc nhẫn cưới ra chợ trời để bán. Đây là món đồ giá trị duy nhất còn sót lại, dù bao nhiêu lần túng thiếu trước đây, chị đã định bụng đem ra bán để giải quyết nhu cầu trong gia đình, nhưng khi nghĩ đến anh, chị lại đem đi cất, và tìm cách khác để giải quyết. Lần này thì chị cương quyết hơn, vả lại cũng không còn cách nào khác nữa. Thế nhưng khi đến chợ trời, vừa móc chiếc nhẫn ra là là hình ảnh anh lại hiện về, kỷ niệm ngày hôn lễvới cảnh anh cầm chiếc nhẫn đeo vào tay chị, lời nói nhẹ nhàng trầm ấm của anh “… em nhận chiếc nhẫn này … tình yêu của anh …”, ánh mắt anh nhìn chị khi đeo chiếc nhẫn vào tay chị … tất cả kéo về rõ nét như mới vừa xảy ra hôm qua, và choáng ngợp khiến chị cảm thấy trên đời này không có số tiền nào hay hoàn cảnh nào khiến chị có thể đem chiếc nhẫn của anh ra đổi chác. Họa chăng khi một trong hai người không còn trên đời này, hoặc còn, nhưng không còn yêu thương nhau nữa, chị nghĩ. Thế là chị lại dấu chiếc nhẫn vào trong túi, quay trở về nhà, lẳng lặng xuống bếp ngồi khóc. Chị khóc đã cơn, vừa định đứng lên thì bà mẹ chồng bước xuống. Chị bối rối chưa biết nói sao thì bà đã ngồi xuống ngay bên cạnh, một tay xoa nhẹ lên đầâu chị, một tay chầm chậm chìa ra trước mặt chị hai món nữ trang. Chị trố mắt ngạc nhiên, nhưng chưa kịp hỏi thì bà cụ đã cất giọng nhỏ nhẹ:
- Con đem ra chợ bán để có chút vốn làm ăn.
Chị không nhịn được, hỏi nhanh:
- Ở đâu mà mẹ có thế?

- Ờ thì mẹ còn để dành được hai món này … bà cụ đáp nhẹ.
- Nhưng trước đây mẹ có bao nhiêu đã đem ra cho con bán hết rồi mà? Chị hỏi tiếp.
- Đúng ra là như thế, vì mẹ không kể hai món này. Đây là hai món mà mẹ nghĩ sẽ không bao giờ đem ra bán. Nhưng bây giờ tình thế bắt buộc nên đành phải chịu. Để mẹ kể cho con nghe thêm. Vừa nói, bà vừa đặt hai món nữ trang vào trong tay chị, tay kia vuốt nhẹ từ mái tóc xuống bờ vai của chị rồi kéo nhẹ vào lòng bà, miệng chậm rãi:
- Cái vòng lá lan này là do mẹ của mẹ để lại cho mẹ. Bà có dặn dò kỹ lưỡng là không bao giờ được bán, và chỉ tặng lại cho cô con gái nào hiếu thảo, xứng đáng nhất trong nhà. Mẹ không có con gái, nhưng được đứa con dâu vừa hiếu thảo vừa đoan trang đức hạnh như con thì còn quý hơn là con gái ruột của mẹ nữa, nên mẹ định sẽ tặng lại cho con trước khi mẹ ra đi. Bà ngừng một chút, đôi mắt khẽ chớp nhanh như cố dằn cơn xúc động rồi tiếp:
- Còn chiếc nhẫn này là kỷ vật của bố chồng con và mẹ. Ông lên đường đi chiến đấu ngoài mặt trận khi chồng con mới được hai tuổi, và không may mất sớm. Nghe nói bị trúng pháo kích của địch nên ông chết không được toàn thây. Ngay cả bàn tay đeo chiếc nhẫn cưới cũng bị tan nát, không tìm lại được, nên mấy mươi năm nay, mẹ vẫn xem chiếc nhẫn này là đại diện cho cả hai chiếc. Mẹ nghĩ rằng sau khi mẹ ra đi, các con sẽ tiếp tục thay mẹ để gìn giữ chút kỷ niệm còn sót lại của bố các con, không ngờ bây giờ … bây giờ … giọng bà run run đầy cảm xúc, chỉ nói được đến đây thì uất nghẹn, không thốt nên thành lời được nữa. Hai hàng nước mắt già nua đã tuôn ra đẫm ướt hai gò má nhăn nheo. Chị nghe qua những lời thố lộ của mẹ chồng, vừa thấy thương cảm, vừa thấy cay đắng cho hoàn cảnh nan giải của gia đình mình. Chị cũng thấy thương người đàn bà ngồi bên mình hơn. Trước nay bà luôn đối xử hết lòng với chị, như tình cảm một người mẹ dành cho con ruột của mình, và chị vẫn đối đãi lại với lòng yêu thương lẫn sự quý trọng. Nhưng hôm nay, sau khi nghe được những nỗi niềm sâu kín chất chứa trong lòng từ mấy mươi năm qua của bà mẹ chồng, cùng nhìn thấy quyết định của bà, đem tất cả tài sản tinh thần quý giá nhất trao cho chị để đổi lấy miếng ăn qua ngày cho con, cho cháu, chị thấy vừa thương vừa cảm phục bội phần. Dù sao thì chị cũng không thể chấp nhận sự hy sinh lớn lao như vậy của bà cụ. Chị đẩy hai món nữ trang lại bàn tay của bà, miệng nói khẽ:
- Con cám ơn mẹ. Nhưng đây là những vật kỷ niệm quý giá nhất của mẹ. Con không thể nào đem bán được.
Bà cụ cười buồn:
- Con nói đúng. Nếu không vì hoàn cảnh bắt buộc thì đời nào mẹ lại nghĩ đến chuyện bán chúng.
Chị tiếp lời:
- Vậy thì mẹ cứ giữ lại đi, để con tìm cách khác.
Bà cụ lại cười, lần này nụ cười của bà trông càng buồn hơn:
- Nếu con còn cách khác thì đã không xuống bếp ngồi khóc như vậy. Tuy mẹ chỉ là mẹ chồng, nhưng mẹ đã sống với con nhiều năm, từ ngày hai đứa con lấy nhau, nên mẹ cũng hiểu được tính tình của con mà. Thôi đi con. Dù sao thì mẹ của mẹ và bố chồng của con cũng đã mất, nên có giữ lại được những kỷ vật này là chỉ để cho mẹ mà thôi. Bây giờ vì tình trạng gia đình chúng ta không còn chỗ nào để bám víu nên mẹchấp nhận hy sinh chúng. Mẹ chỉ buồn một điều là sau này không còn gì để tặng lại cho các con.
Chị càng nghe, càng thấy trong lòng bồi hồi xúc động. Nước mắt chị tự lúc nào cũng đã tuôn ra ướt đẫm khuôn mặt. Chị quay lại đưa hai tay ra ôm lấy bà mẹ chồng, ghì chặt vào lòng, miệng thút thít:
- Mẹ ơi, con thương mẹ quá.
 
Những ngày gian khổ cứ trôi, những đồng tiền bán hai món nữ trang của bà mẹ chồng cũng vơi dần theo năm tháng. Thực ra thì chúng cũng đã giúp được chị cầm cự được một thời gian, rồi phần vì chị không giỏi việc buôn bán, phần thì không quen mánh lới, không quen đon đả chào mời, đầu môi chót lưỡi như hầu hết con buôn khác nên may mắn lắm thì chỉ kiếm được bữa cơm bữa cháo cho gia đình. Chứ không thể kiếm dư ra đôi chút để dành dụm cho việc đi thăm anh. Vì vậy khi đến kỳ thăm nuôi là bắt buộc phải véo dần vào chút vốn nhỏ nhoi của chị. Việc này cộng với những hôm buôn bán ế ẩm làm cho chút vốn của chị teo lại còn chút xíu. Chị ý thức rất rõ việc này, nhưng biết làm sao hơn. Đến ngày thăm anh thì chị đi thăm, không tính toán thiệt hơn. Không đi thì tội anh ở trong đó vừa trông mong, vừa đói khát, cả hai tháng mới gặp nhau được một lần. Mà thăm thì phải tốn kém. Nào tiền xe, tiền chuẩn bị đồ tiếp tế và thuốc men cho anh, lại còn phải chuẩn bị thêm mớ tiền lo lót nữa. Thiếu khoản này thì có khi vất vả đi đến nơi lại không được gặp nhau. Chị chỉ cầu mong anh sớm được về để tiếp sức cho chị một tay. Một thân một mình đầu tắt mặt tối, lo toan trăm bề không biết chị chịu được bao lâu. Chị không ngại vất vả. Chỉ sợ khi chị không may ngã xuống thì sẽ không ai lo cho bà mẹ già, đàn con dại và người chồng còn bị giam hãm nơi rừng thiêng nước độc.
Mỗi đêm sau khi lo xong công việc, chị thường hay thao thức nghĩ đến anh. Chị thường nhớ lại những kỷ niệm từ khi hai người mới quen nhau trong sân trường. Anh hơn chị hai tuổi và học trên chị hai lớp. Hai người quen nhau qua những buổi đi công tác từ thiện ngoài giờ học do trường tổ chức. Anh yêu gương mặt dịu dàng và tính tình đằm thắm của chị. Chị cảm mến con người vừa cương trực vừa đầy vị tha của anh nên cả hai đã tiến đến gần nhau rất nhanh. Gia đình hai bên, sau lần ra mắt đầu tiên, đã hoan hỉ chấp nhận và hỗ trợ cho mối tình của anh chị. Những ngày nghỉ lễ, anh thường xin phép gia đình hai bên, đưa chị về thăm quê ngoại dưới Kiên Giang, nơi ngày xưa bố anh theo ông bà nội  từ Bắc vào Nam định cư và đã gặp được mẹ anh. Đây là một trong những nơi chị nhớ nhiều nhất vì được lui tới nhiều lần với anh khi còn đi học, vì những bà con phía anh mà chị được gặp gỡ, ai nấy đều mộc mạc dễ thương, người nào cũng hiền lành đơn sơ như con cá, giòng sông và cuộc sống bình lặng của họ, vì những món ăn đặc sản của dân miền Tây mà đi đến đâu, anh chị cũng được đãi đằng với tất cả sự nhiệt tình, trong đó món mà chị thích nhất là cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng chung với bắp chuối non xắt mỏng và đọt chùm ruột hoặc đọt bứa, chấm nước mắm me. Chị còn nhớ lần đầu khi được một gia đình bà con bên ngoại anh đãi món này, chị không quan tâm mấy, nhưng sau khi được anh “dỗ” cho ăn thử vài cuốn thì chị đâm ra thích lắm. Sau này mỗi lần trở lại Kiên Giang, chị đều có ý trông cho được đãi món cá lóc nướng trui này. Ngay cả bây giờ, sau mười mấy năm không có dịp về quê ngoại chồng, nhưng chỉ cần nghĩ đến là chị còn hình dung ra được nguyên vẹn mùi vị thơm tho của thịt cá lóc nướng trui, hơ vàng lại trên lửa than, vị chát của lá chùm ruột non hay vị chua ngọt của lá bứa hòa quyện với chất ngọt ngọt chát chát của bắp chuối non tan dần trong miệng với những hương vị của miếng cá nướng tươi thơm lừng, của nước mắm và vị me vừa chua vừa ngọt. Chị cũng hay nhớ lại thời gian đầu mới cưới nhau. Năm ấy chị vừa xong trung học và anh vừa hết năm thứ hai sư phạm thì tình hình chiến sự trở nên nóng bỏng. Chính phủ ra lệnh động viên, đồng thời kêu gọi học sinh, sinh viên tình nguyện nhập ngũ để chống giặc, bảo vệ đất nước. Anh là một trong những thanh niên đã nhiệt thành đáp lại lời mời gọi đó. Anh được đưa vào trường huấn luyện sỹ quan để thụ huấn trong hai năm. Ngày ra trường, anh được gắn lon chuẩn úy và được nghỉ phép một tuần lễ để về thăm gia đình trước khi ra đơn vị tác chiến. Anh chị và gia đình hai bên đã chọn thời gian mãn khóa này của anh để làm đám cưới cho anh chị. Đám cưới vội vã, đơn sơ và sau mấy ngày thì anh lên đường đi nhận đơn vị. Những năm kế tiếp, anh và chị chỉ gặp nhau hai lần, một lần khi anh về phép thường niên và lần thứ hai là do chị mò mẫm ra tận miền địa đầu để thăm anh. Ban đầu chị có ý muốn thôi học để theo anh, nhưng cả hai gia đình, và nhất là anh đã hết sức khuyên can nên chị đành phải nghe theo. Anh nói anh yêu nghề dạy học cao quý, vì được góp phần vào việc đào tạo những công dân tốt cho xã hội mai sau, vì vậy anh đã chọn ngành sư phạm, nhưng vì bổn phận quân ngũ nên anh không thực hành được giấc mơ của mình. Anh muốn chị ở lại Sài gòn, tiếp tục việc học và thực hiện mơ ước đó thay cho anh. Mấy năm kế tiếp, các con lần lượt chào đời nên anh càng có lý do để bảo chị ở lại trong này cho mẹ con được an toàn, cho chị được gần gũi hai bên nội ngoại để nương nhờ, nhất là trong thời gian mới sanh con. Anh thường an ủi chị: “Anh thực lòng không muốn mình sống xa nhau, nhưng hoàn cảnh đất nước như thế, chúng ta cần hy sinh bớt tình riêng. Mỗi năm anh về phép một lần và em ra thăm anh một lần thì cũng tạm được. Sau này khi chiến tranh lắng dịu, anh sẽ xin về phục vụ tại đơn vị gần nhà thì lúc đó chúng ta lại gần nhau. Điều quan trọng là biết nghĩ đến nhau và lo cho các con”.
Giấc mơ xin về phục vụ gần nhà chưa kịp chớm nở thì anh đã ngậm hờn thúc thủ, buông súng quy hàng theo nhục lệnh trong lúc lý tưởng xả thân bảo vệ tổ quốc vẫn còn đầy ắp trong tim óc của anh và các bạn đồng ngũ.
Chị tiếp tục đi thăm nuôi anh cho đến đợt cuối tháng Mười Hai năm ấy thì bị mất tin anh. Khi chị đến nơi, họ chỉ cho chị biết rằng anh đã chuyển trại và bảo chị “cứ an tâm ra về, không cần phải lo lắng gì cả, trước sau gì rồi cũng sẽ được tin anh”. Quả thật chỉ vài hôm sau đó, chị đã nhận được tin anh. Hôm đi dự lễ Vọng Giáng Sinh buổi tối, một chị bạn có chồng cùng bị giam một chỗ với anh sau một hồi rào đón, chuẩn bị tinh thần cho chị, đã báo cho chị hay tin anh bị họ giết chết, xác vùi sơ sài nơi bìa rừng do chồng chị nói khẽ cho chị biết trong lần thăm nuôi mấy ngày trước. Chồng của chị cũng cho biết lý do chính mà anh bị họ giết là vì tính tình quật cường bất khuất của anh khiến họ gai mắt cũng như sợ rằng anh sẽ gây ra xáo trộn sau này. Chị nghe mẩu tin chưa xong mà đã chết điếng trong lòng, không còn tin ở lỗ tai mình. Chị khụy xuống, đầu óc hoang mang tê dại, không còn biết việc gì đang xảy ra chung quanh mình nữa. Bà mẹ chồng đang đứng nói chuyện với người quen ở gần đó vội chạy lại. Nghe tin, bà cũng rũ xuống bên cô con dâu. Bà con quen biết xúm lại điệu cả hai mẹ con về nhà, xức dầu, xoa bóp mãi mẹ con mới thay nhau hồi tỉnh. Bà cụ sau khi tỉnh dậy và nhớ lại sự việc thì nhào la than khóc, chết đi sống lại suốt mấy ngày trời, nhưng riêng chị thì lại yên lặng, không khóc lóc kêu la. Chị lẳng lặng chăm sóc cho mẹ chồng, an ủi bà và các con. Đêm đến, khi mọi người đã yên giấc thì chị xuống ngồi co ro nơi góc bếp, ôn lại hình ảnh của anh. Chị nhớ những lần thăm nuôi gần đây, khi hai người gặp nhau trong khoảnh khắc ngắn ngủi, chị thấy anh có vẻ tiều tụy hơn, nhưng đồng thời đôi mắt lại dường như ngời sáng dũng mãnh hơn. Đây có phải là điềm báo trước anh chuẩn bị hy sinh để giữ tiết tháo của mình mà chị không ngờ đến chăng?
Thương khóc mãi rồi nước mắt cũng phải vơi. Bà cụ bây giờ đã thôi không khóc con hàng ngày nữa, nhưng đồng thời bà cũng trầm ngâm, ít nói hẳn so với khi trước, ngay cả đối với chị và các cháu trong nhà. Bà cũng yếu đi thấy rõ. Mấy năm trước đây, bà vẫn giúp chị một tay lo cho các cháu nhỏ, nhất là những khi chị bận việc buôn bán nên vắng nhà. Bây giờ bà hay ngồi yên một mình, có khi cả ngày chẳng nói được vài tiếng. Cũng may là lúc này các con chị đã lớn, có thể tự lo cho chúng được. Quanh đi quẩn lại mà thằng con trai lớn nay đã gần mười sáu, thằng con út đã hơn mười hai, hai đứa con gái giữa, đứa mười lăm, đứa gần mười bốn. Dù trong muôn khổ, chị vẫn phần nào được an ủi vì thấy các con ngoan ngoãn và biết thương mẹ, thương bà. Riêng thằng con trai lớn có khuôn mặt và tính tình rất giống bố nên chị hay lẳng lặng ngắm nhìn nó mỗi khi nhớ đến anh.
Vừa xong lớp chín, thằng lớn bỏ trường, không chịu đi học nữa. Chị dỗ dành bao nhiêu nó cũng không bằng lòng, lấy cớ rằng ở trường, người ta hay đem bố nó ra bêu xấu nên nó không muốn đến đó nữa. Nó bắt đầu đi làm công việc lặt vặt để kiếm thêm chút đỉnh phụ với mẹ mỗi ngày. Được chưa bao lâu thì nó chuyển hướng, xin mẹ và bà cho phép để về miền Tây theo các chú và anh em họ đi giúp việc trên ghe đánh cá. Lúc này nghề đánh cá có nhiều cơ hội nên các chú của nó đã khuyên nó về để đi theo họ. Chị thương con nên lúc đầu còn ngần ngừ, không muốn xa con, nhưng thằng lớn cứ theo nói mãi nên cuối cùng chị phải bằng lòng.
Kể ra thì số thằng con trai lớn này thật may. Nó xuống làm việc phụ dưới chiếc ghe chả cào của ông bạn thân của chú nó chưa đầy ba tháng thì đến gần cuối tháng mười hai, ngay đêm Lễ Giáng Sinh, ông chủ thuyền ra lệnh rời bến, lên đường, mang theo cả nó và gia đình ông chú nó. Tàu đi được nửa đường thì hư máy, nhưng may mắn được tàu hàng ngoại quốc vớt đưa vào Tân Gia ba. Nó và gia đình ông chú được nhận vào Mỹ do chính phủ bảo trợ, căn cứ vào lý lịch của gia đình. Gần một năm sau, nó và gia đình chú nó lên đường đi định cư. Ngày đầu tiên đặt chân lên tiểu bang North Dakota xa lạ của miền cực bắc nước Mỹ, nó xin người hướng dẫn chụp ngay cho mấy tấm hình và con tem cùng với giấy bút để viết vội một lá thư về cho bà với mẹ. Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến lễ Giáng Sinh, và nó muốn lá thư đầu tiên nó gởi về từ nơi nó định cư đến được tay bà và mẹ nó trước Giáng Sinh như một món quà trong dịp đặc biệt này. Chẳng phải vô cớ mà nó làm như vậy. Tuy còn nhỏ, nhưng nó đã chứng kiến bao nhiêu cảnh khổ trong gia đình nên rất thương mẹ và bà nội. Nó biết rõ việc mẹ và bà nội được tin bố nó mất vào đêm lễ Giáng Sinh, và nghe đâu ông nội của nó cũng tử trận vào thời gian lễ Giáng Sinh nên nó nhất định lần này phải gởi một tin vui về cho hai người đàn bà đau khổ mà nó hết lòng thương yêu để thay thế những tin buồn hai người đã nhận trước đây.
Chị về đến nhà thì trời đã tối. Đặt quang gánh xuống là đi ngay ra sau nhà để tìm mẹ chồng và các con. Mấy đứa nhỏ chẳng thấy đâu nên chị nghĩ có thể chúng đã kéo nhau đến nhà thờ sớm để lo sinh hoạt trong đoàn thể. Nhưng bà cụ thì ở đâu sao chị không thấy. Chị bước xuống bếp, vừa đi vừa gọi “Mẹ ơi”. Gọi chưa dứt tiếng, chị đã trông thấy mẹ chồng ngồi yên lặng dưới ánh đèn vàng vọt nơi góc bếp, một tay cầm phong thư, tay kia run run với mấy tấm hình. Bà cất giọng báo tin cho chị:
- Có thư và hình của cháu mới gởi về đó con.
Chị mừng rỡ:
- Thế hở mẹ? Cháu gởi về từ đâu thế hở mẹ?
Bà cụ chìa phong thư cho chị, miệng ôn tồn:
- Con cứ bình tĩnh, đọc xong thư thì sẽ rõ. Cháu viết dài lắm nên mẹ chưa đọc. Mẹ còn đang mãi xem hình của nó đây này. Ôi! Sao mà nó chóng lớn quá. Lại còn trông giống bố và ông nội y như đúc thế này.
Chị chưa kịp đọc thư, khẽ đưa mắt nhìn vào bàn tay cầm mấy tấm hình của bà cụ và chợt nhận ra chỉ có một tấm là của thằng con mới gởi về, còn hai tấm kia thì một là di ảnh của anh và một là di ảnh của bố chồng chị mà không biết tự lúc nào mẹ chồng chị đã moi ra được và đem cặp chung với tấm hình mới của cháu bà. Nhìn thoáng qua, tuy là ba người của ba thế hệ khác nhau trong một gia đình, nhưng lại giống nhau đến nỗi người ngoài có thể tưởng lầm là của một người chụp vào ba thời điểm khác nhau, lúc còn trẻ, lúc thanh niên và khi lớn tuổi hơn một chút. Nhìn thấy ánh mắt chăm chú như dán chặt vào ba tấm hình của ba người đàn ông trong gia đình, chị hiểu rằng tâm hồn của bà cụ chắc chắn đang trải qua cơn xúc động lớn lao. Có thể bà đang ôn lại những hình ảnh êm đẹp đã trải qua trong cuộc đời bà mấy mươi năm qua với ba người đàn ông mà bà yêu dấu nhất trong đời, nay đã bỏ bà ra đi biền biệt. Hai người đã qua khỏi thế giới này, người còn lại thì cách xa ngút ngàn, dễ gì có khi bà được gặp lại …
Chị để yên cho mẹ được tự do theo đuổi dòng suy tưởng của mình để quay về với bức thư. Cũng như mẹ, chị đọc thư con mà trong lòng rưng rưng những cảm xúc dạt dào. Những giòng chữ như nhảy múa trước mắt chị. Thằng con trai chị viết khá nhiều, kể lể cho bà, cho mẹ và các em nghe về những gì nó nhìn thấy được trong ngày đầu tiên ở đất Mỹ. Riêng về dự tính cho tương lai thì nó chỉ viết có mấy câu thật gọn gàng, nhưng làm chị thấy ấm lòng vô cùng: “… con biết mẹ muốn cho con sau này trở thành thầy giáo để đi dạy học, vì đó là giấc mơ không thành của bố mẹ, nên con sẽ ráng học thật giỏi để hoàn thành giấc mơ ấy … con cũng sẽ kiếm việc làm thêm để phụ với mẹ lo cho bà và gia đình mình … sau cùng, con hy vọng thư và hình của con sẽ về đến nhà trước Giáng Sinh để trở thành một tin vui cho bà, cho mẹ và các em”…
Chị đọc xong thư của con đã lâu, nhưng không buồn gấp lại. Bên kia, mẹ chị vẫn tiếp tục yên lặng nhìn vào ba tấm ảnh. Trong khi khắp nơi mọi người nô nức đón mừng ngày lễ Giáng Sinh, và thiên hạ thi nhau mua sắm, ăn mừng, chúc tụng nhau thì nơi góc bếp mờ tối ấy có hai người đàn bà nhỏ bé đang yên lặng thu góp lại những mảnh đời đã qua của mình.
 
Mùa Giáng Sinh 2011
Nguyễn Ngọc Duy

1 comment:

  1. Một người bạn gửi cho tôi một truyện ngắn " Chuộc lương tâm" của anh. Và tôi rất thích. Tôi muốn đăng lên trang blog Tiếng Việt của mình. Và tôi vào đây xin phép anh.
    Tôi cũng vô tình đọc bài viết cho con ngày 30/4 của anh. Thực là tôi rất buồn. Không phải vì tôi là người Hà Nội, cũng không phải tôi là bên " kẻ xâm lăng" như anh nói. Tôi chỉ mong tất cả nỗi đau đã qua hãy qua đi vì bên " xâm lăng" và bên " bị xâm lăng" đều thịt rơi máu chảy, đều nước mắt mẹ mỏi mòn...Quan trọng hơn tất cả, chúng ta cùng một dân tộc. Và tôi yêu thương tất cả đồng bào tôi, nam, bắc hay miền trung. Nhất là khi tôi đang gõ cho anh những dòng này, con trai tôi bảo: Bão sắp đến miền Trung rồi Mẹ ạ....
    Chúc anh vui!

    ReplyDelete