Sub Label Menu bars



Yêu thương trong chuyến du lịch miền Đông Canada - Halifax



Yêu thương trong chuyến du lịch miền Đông Canada

Đầu tháng 7 năm 2019, trong 8 ngày ngắn ngủi chúng tôi một lần nữa dắt díu nhau đi chơi xa. Bọn tôi sinh hoạt trong Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia đình, thuộc Liên Gia 2. Chương trình Thăng Tiến Toronto hiện có 22 Liên gia, Liên gia nào cũng vui, cũng sinh hoạt hăng say và nhất là thương yêu nhau như anh em trong nhà. Linh mục Sáng Lập Chương trình luôn nhắc phải “Yêu thương gần gũi bằng việc làm”, nên ngoài các việc chia sẻ Kinh Thánh, cầu nguyện, giúp đỡ lẫn nhau, chúng tôi cố gắng tổ chức đi chơi xa với nhau khi có thể. Lần này vì vào dịp quốc khánh nước Canada, chúng tôi chọn đi các tỉnh miền Đông Canada như St. John, Halifax, Prince Edward Island…. Tôi vốn ít được đi chơi, nếu đếm số lần đi chơi xa với số lần đi biểu tình, đi tiệc gây quỹ cho Nhân Quyền Việt Nam thì số lần đi du lịch rất khiêm tốn, thế nên tôi như Hai Lúa được ra tỉnh, thấy cái gì cũng hay cũng lạ.


Đầu tiên nhóm 31 người chúng tôi lái 5 xe mini van từ Toronto tới trạm dừng Quebec. Vì đã đi Quebec nhiều lần, nên nhóm chỉ ghé nhà thờ Thánh Giuse ở Montreal để cầu nguyện, sau đó dự thánh lễ Chúa nhật tại nhà thờ Chính Tòa Notre-Dame Quebec rồi ghé thăm phố cổ Quebec. Nhóm ca đoàn hát lễ đứng ngay trên cung thánh, chừng 8 ông ca viên thôi nhưng hát nhiều bè rất hay với tiếng đại phong cầm tuyệt diệu. (Ủa, sao không cho giọng nữ góp tiếng nhỉ?) Ông người Pháp ngồi bên cạnh chìa cuốn sách lễ ra ý để tôi đọc kinh chung, vốn liếng tiếng Pháp đã trả cho ba tôi mấy chục năm nay rồi, nhưng tôi cũng ráng ê a thưa theo những câu đáp ngắn, kẻo phụ lòng ông. Lễ xong ông xổ một tràng tiếng Tây, tôi hoảng quá phải thú nhận là mình không nói được tiếng Pháp.

tm3.jpg
Hôm sau tới St. John, chúng tôi được thấy “Reversing Falls”, tức là nơi dòng nước đổi chiều do ảnh hưởng của thủy triều. Chúng tôi cẩn thận canh giờ để xem lúc nước xuống thấp rồi trở lại vào buổi chiều để so sánh mực nước, sự khác biệt khi thủy triều lên cao. Thiên nhiên thật kỳ diệu, nhìn dòng nước ngược chiều tôi bỗng nhớ tới câu hát “Chia đôi dòng sông Thương, nước bên đục bên trong.
Nước ân tình đổi thành ra nước oán thù…” trong Trường Ca “Mẹ Việt Nam” của Phạm Duy. Tôi cũng nhớ câu ca dao: “Sông Thương nước chảy đôi dòng, bên trong bên đục nặng lòng quê hương”. Quả thế, được may mắn sống ở xứ Canada Tự Do Dân Chủ, chúng tôi vẫn luôn nặng lòng thương lắm đồng bào ở quê nhà vẫn còn trong sự kìm kẹp của Cộng Sản. Chị bạn trong nhóm thực tế hơn, triết lý nước mà còn phải đổi chiều, thì trách chi con người hay trở mặt đổi ý, thế nên nếu bị phản bội thay dòng đổi dạ thì chớ có buồn nhiều!

Ngày kế chúng tôi tiếp tục hành trình, ghé thăm St. Martins Sea Cave ở New Brunswick. Khi nước xuống thấp, mọi người có thể đi bộ xuống lòng biển xem thật gần những hang đá tuyệt đẹp. Trên vách đá có đầy những con ốc gạo bé tí xíu bám vào, khắp nơi là những bụi rong biển thật lớn thật đẹp. Những cây rong này cũng kết trái đơm hoa chi chít. Bên cạnh hang động cũng có dòng thác nho nhỏ thật nên thơ. Các bạn trêu chọc bảo tôi sáng tác một bài thơ, nhưng vì có nhà hàng nổi tiếng với món “chowder” đồ biển rất ngon, nên tôi bận ăn và bận càm ràm nên chẳng tha thiết gì tới thơ tới thẩn cả! Càm ràm là vì soup mắc quá, $13 một chén nhỏ xíu chưa kể thuế và tips, mà chỉ múc lưng lưng, sức tôi ăn phải 5 chén mới tạm no. Đi vùng biển mà tôm hùm cũng khá mắc, nhóm chúng tôi được vợ chồng người bạn đãi mỗi người một con, bé gái chừng 6 tuổi trong đoàn cũng được riêng một con. Cháu chê không ăn nên hôm sau một chị phải “hy sinh” ăn con tôm hùm này với mì gói, tô mì này “sang chảnh” dễ sợ chưa. Chúng tôi thích chụp hình với những con lobster giả thật bự, to nhất là ở công viên Shediac có tượng đài con tôm dài 11 mét, cao 5 mét. Gởi hình về cho gia đình ở nhà, các cháu chọc chúng tôi không ăn được tôm hùm nên phải chụp hình đỡ ghiền phải không?!

tm 1.jpg
Nhóm tiếp tục lái xe về hướng Halifax, nơi có Peggy’s Cove nổi tiếng với ngọn hải đăng và những ghềnh đá thật lớn, thật lạ. Nơi đây có nhiều tôm hùm, có vựa lobster lớn nhất do người Việt làm chủ, buôn bán hằng triệu con. Chúng tôi mang theo lá cờ Vàng ba sọc đỏ, để cờ tung bay dưới nắng biển thật đẹp.
Sau đó chúng tôi đến thăm Fundy Trail, là con đường dài 75 dặm dọc theo bờ biển với phong cảnh hữu tình, phải nói là đẹp còn hơn trong tranh. Người địa phương thường tổ chức du thuyền, chơi golf, tennis và các ngày lễ hội thường niên dọc theo thắng cảnh này. Xe chúng tôi ráng chạy vào khu trung tâm của trail để mong được ăn bánh sinh nhật và uống café free mừng Canada Day, rất tiếc vì khá trễ nên bị hụt ăn, đành phải lái xe ra ngoài mua café Tim Horton thay thế. Chúng tôi có dừng lại nhặt những hòn đá “wish stone” để mong ước điều tốt nhất, nhưng vì có tâm hồn ăn uống, nên chúng tôi cũng không quên lựa thêm những hòn sỏi xinh xắn hình trứng cút.
Sau đó chúng tôi cũng ghé bờ biển với bãi cát đỏ vùng Đại Tây Dương để bắt nghêu sò, musscels nhưng không dám ăn vì có thể bị nhiễm độc. Có những người “chuyên nghiệp” đang dùng cây cào làm vườn bắt được rất nhiều sò, từng thùng lớn nhìn bắt mê. Họ sẽ phải ngâm sò trong 14 ngày và có cách “treatment” đặc biệt mới có thể bán cho người tiêu dùng. Nhìn bãi biển đầy sò, ốc, chem chép mới hiểu được Mẹ Trùng Dương đã ưu đãi con người như thế nào. Lội xuống bãi biển lượm musscels, say mê chụp hình xong mới biết chân ai cũng dính đầy bùn đỏ. Thủy triều lúc đó xuống rất thấp nên không thể nào bước ra xa nơi có nước biển để rửa chân, mà khi đi trở lại cũng sẽ dính bùn trở lại, chúng tôi đành dùng những chai nước lạnh mang theo xe để rửa. Nếu tính mỗi chai nước $5 theo giá của các buổi nhảy đầm, gây quỹ, hôm đó chúng tôi đã xài sang như đại gia chỉ để rửa chân! Được biết mức thủy triều cao và thấp chênh lệch nhau tới 16 mét, và đây là nơi thủy triều lên cao nhất trên thế giới. Người ta cũng có thể đi xem cá voi, lướt sóng surfing, đi thuyền nhưng nhóm chúng tôi lại cỡi con ngựa sắt mini van tiếp tục dong ruổi tiếp hướng Đông Canada.

Theo hành trình thì hôm ấy chúng tôi đi Charlottown, xem biển với bờ cát đỏ đặc biệt. Tiếc là dòng nước ở đây rất lạnh, rất ít người xuống tắm. Chúng tôi cũng xăn quần bước xuống thử nhưng lạnh quá phải chạy vội lên bờ. Trời lại rất nhiều gió, gió liên tục và rất mạnh làm chúng tôi nhớ tới cuốn tiểu thuyết “Đỉnh Gió Hú”, hỏi người bán Gift Shop, bà bảo chắc trời “welcome” nhóm Toronto chúng tôi, chứ trước đây chưa bao giờ thấy gió lạ như vậy. Cũng may bọn tôi không ai “trúng gió”, mà rất vui khoẻ hăng hái đi mua sắm, ăn uống, vui đùa. Có một tiệm nữ trang nhỏ bán đồ giả thôi nhưng rất mỹ thuật, xinh xắn, nhóm bạn vào “đại náo” mua gần hết vòng cổ, bông tai, ngọc trai của tiệm.

Sau đó nhóm đi phà để tới P.E.I. Ngồi trên chuyến phà lớn, chúng tôi chia nhau những gói chip, đậu phọng, quà bánh vừa ăn vừa trò chuyện liên tục trong hơn 1 tiếng đồng hồ trên phà (chính xác là 75 phút). Ngồi trên phà chúng tôi tấm tắc giá ngày xưa có được phương tiện này để dắt nhau đi vượt biên thì tốt biết mấy. Sau đó chúng tôi lái xe trên chiếc cầu Confederation Bridge dài 13 cây số, trước đây được xếp là cây cầu dài nhất thế giới (bây giờ thì xuống hạng rồi).
P.E.I nổi tiếng nhờ các loại khoai tây, chúng tôi định ăn french fries cho biết khoai ở đây ngon cỡ nào, nhưng cuối cùng vì thiếu giờ, hơn nữa vừa ăn ở nhà hàng Tàu xong nên cái bụng không cho phép dù cái miệng rất muốn thử. Thấy tôi ấm ức các bạn an ủi như vậy mới có lý do để trở lại miền Đông Canada lần nữa. Nơi đây xe chúng tôi cũng được ghé thăm trang trại ngày xưa cô bé mồ côi tóc đỏ “Ann of Green Gables” và kể cho nhau nghe cuốn tiểu thuyết đã được làm thành phim nổi tiếng.

tm 2.jpg
Tới Moncton một số đi thăm “Magetic Hill”, trả $6 để xe bị sức nam châm hút ngược chiều cảm giác rất lạ. Chúng tôi cũng ghé thăm công viên quốc gia, không lớn lắm nhưng đầy cây cối bông hoa rất đẹp, đặc biệt những cây hoa tím khổng lồ không thể nào đếm được có bao nhiêu ngàn bông hoa. Tôi không biết hoa tên gì, chỉ thấy vườn người dân nào hầu như cũng trồng loại cây này. Lại phải kể tới dọc đường đi tràn ngập những bông hoa khá giống oải hương - tên là lupine. Hoa tím, hồng, trắng rất nên thơ, mùi lại thơm, làm đoạn đường lái xe thật quyến rũ, mơ mộng. Mỗi lần đi ngang các vùng hoa tím, chúng tôi chỉ cho nhau “Xem hoa kìa, nhiều ghê chưa”, của đáng tội, số lần reo hò vì hoa ít hơn số lần reo hò tở mở vì thấy ốc gạo, sò, chem chép, nhà hàng, tôm hùm…. Chúng tôi bảo nhau ngay cả nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương trong bài “Đêm Đông” nổi tiếng mà cũng phải nhắc tới trái sầu riêng, lo ôm giữ nó rất cẩn thận: “Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng”, thì phó thường dân như chúng tôi có thích ẩm thực cũng rất dễ thông cảm (chúng tôi méo mó bài nhạc của người ta quá phải không?!)

Trên đường về nhóm trực chỉ địa danh nổi tiếng Hopewell Cape để xem những khối đá to lớn được điêu khắc bằng sức nước thủy triều trong hằng ngàn năm kết tụ thành những hình dáng đặc biệt. Hopewell Rocks được gọi là những tảng đá “hoa chuông” do có hình tròn và trên đỉnh mọc đầy cây cối xanh tươi với những khối sa thạch. Nơi đây cũng dòng nước lạnh nên người ta tắm nắng thay vì tắm biển. Tôi hay than phiền cuộc sống đầy thử thách, nói chung là khổ, thế nhưng vẫn sợ chết ham sống. Khi nhóm quyết định buổi chiều trở lại xem cảnh lúc thủy triều lên, tôi lo quá hỏi nếu mình đang ở đáy biển, nước dâng lên chạy không kịp chết chìm rồi sao, các anh chị phì cười bảo nước lên từ từ, chứ có lên ào ào như lũ lụt đâu mà sợ. Tôi cũng nhớ tới trong Kinh Thánh có chuyện ông Môi-Sen tách được nước biển ra làm hai để đoàn người Do Thái có thể băng qua, sau đó nước dâng cao trở lại nhấn chìm truy binh Ai Cập. Có các khoa học gia không tin đây là phép lạ Chúa làm, nên cho rằng đây chỉ là hiện tượng lúc thủy triều xuống thấp rồi lên cao. Nếu thế thì cũng phải phục ông Môi-Sen là người thông hiểu địa lý, là nhà dự báo thời tiết, thủy triều tài ba. Khu vực này cũng nổi tiếng có nhiều loài chim thiên di rất quý.
Trên đường về chúng tôi cũng ghé thăm đền thờ St. Ann ở Quebec. Nhà thờ to đẹp, chạm trổ tinh vi, cảm động nhất là 14 chặng đàng Thánh Giá nhóm chúng tôi được cùng đi qua với nhau. Mỗi chặng chúng tôi đều chia sẻ tâm tình, dâng lời cầu nguyện, cảm tạ của riêng mình. Nước mắt và nụ cười hòa quyện vào nhau thành một kỷ niệm khó quên trong nhóm chúng tôi. Vì ở đền thờ St. Ann quá lâu hơn dự tính, nhóm chúng tôi đành phải hủy bỏ chương trình thăm thác Montmorency ở Quebec và hẹn nhau ăn Buffet trưa ở Kingston, phải lái vội về Toronto để kịp trả xe.

Tám ngày đầy sinh hoạt, yêu thương trôi qua, dù chung đụng 31 người (chung thì phải đụng) nhưng chúng tôi luôn cố gắng thông cảm, vui với nhau. Nhất là khi “share” phòng khách sạn, nghe nói có nhiều người không chịu ngủ, chỉ nằm “ngó tay”, tức là “ngáy to” không điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe. Chúng tôi cũng không ai đứng trên “lầu thu”, tức là “thù lâu”, trái lại luôn ríu rít bỏ qua những chuyện vặt vãnh để vui. Một chị bạn than thủy triều lên rồi lại xuống, sao số cân của mình cứ lên hoài mà không chịu xuống, đi chuyến này về sẽ lên thêm mấy pounds.
Khi còn trẻ tôi hay hối hả muốn đi cho mau đến nơi, không thích chờ đợi nhau, nhưng bắt đầu về già tôi lại vui với những lúc ngồi chờ, trò chuyện, trêu đùa với nhau, nhắc lại kỷ niệm xưa. Cảm động vợ chồng một em trẻ trong nhóm kể lại xe em xém bị đụng nặng, nhưng em lo bị xe đụng thì ít, mà lo không “áp tải” được 3 dozens 36 con tôm hùm mới luộc mua từ tiệm không kịp đem về cho nhóm ăn tối được.
Tình thương yêu gần gũi bằng việc làm đã được thể hiện thật tốt đẹp trong nhóm chúng tôi. Cảm ơn các anh chị em, tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn đời đã cho chúng tôi có được những ngày vui đáng ghi nhớ.

Nguyễn Ngọc Duy Hân

No comments:

Post a Comment