Sub Label Menu bars



Thời thơ ấu



Thời thơ ấu
Những kỷ niệm ngày còn bé có lẽ rất khó phai mờ trong ký ức chúng ta. Thời bé thơ ấy rất đẹp, rất dễ thương dù khi ấy có thể chúng ta nghèo khổ hơn bây giờ.

Tôi vẫn nhớ mãi những món ăn hồi xưa khi còn ở Tây Ninh. Mỗi sáng má cho tiền mua thức ăn sáng, tôi cứ phân vân không biết sẽ mua món gì với số tiền ít ỏi đó. Nào là chuối chiên tức là trái chuối sứ chín mùi, tẩm bột mì chung quanh chiên vàng. Nào là xôi đủ loại - Xôi miền Nam luôn có miếng bánh phồng lót ở ngoài, xong tới lớp xôi thơm mùi lá dứa, xong là lớp đậu xanh tán nhuyễn, rồi mè rang giã nhỏ, rồi dừa sợi bào trắng nõn, thơm phức rắc lên trên. Quấn tròn lại mùi vị hòa quyện vào nhau ngon ơi là ngon. Rồi tới bánh tầm làm bằng khoai mì xắt sợi, bánh ít khoai mì, bánh cay…. (Tây Ninh là xứ củ mì). Món “bí mành” - bánh mì thì vừa dòn, vừa thơm với thịt ba chỉ ướp màu đỏ tươi ngon, nước sốt cà béo ngậy. Ít khi nào tôi dám mua bánh mì thịt vì mắc quá, phải nhịn hôm trước để dành tiền 2, 3 ngày mới mua được bánh mì. Mà nhịn được hôm trước không ăn thì phải trải qua một cơn cám dỗ kinh hồn!
Trái cây thì tôi không được thưởng thức các trái mắc tiền, sang trọng. Quanh quẩn chỉ có trái ô môi, trái điều, trái xây, trái mây, trái likima (trái trứng gà), trái cóc... chua chát gì cũng thấy ngon.
Trò chơi thì nhảy dây, rảy ô quan, đánh đũa, u mọi, tạt lon, dít hình, búng dây thun... Trò con trai, con gái gì tôi cũng chơi rất say mê, hăng hái.
Chúng tôi vào nhà sách đọc lén mỗi ngày vài trang vì không có tiền mua. Mua được thì đổi nhau xem, chuyện Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Ngàn Thông thời đó tôi rất mê. Lại cũng phải kể tới các loại chuyện hình vẽ như Phan Tân & Sỹ Phú với con vượn đốm, Lữ Hân & Phi Lục, Xì-trum, Tin Tin…. Lớn hơn chút nữa thì mướn chuyện chưởng Kim Dung, chuyện Quỳnh Dao về đọc.
Hồi bé tôi rất sợ ma, các chị lớn trong nhà hay hù tôi bằng hình ảnh “ông già râu kẽm” nên tôi sợ chết khiếp, dù không biết ông kẹ này nhìn ra sao.
Tuổi thơ hồn nhiên không ở mãi với chúng ta. Chúng ta phải lớn lên, phải lao đầu vào cuộc sống với bao lo toan, trách nhiệm nên kỷ niệm cũ thời thơ ấu sẽ mãi không hề phai nhạt.
Khi có con bên hải ngoại này, tôi thấy tuổi thơ của chúng kém thơ mộng, kém thi vị như thời chúng ta ngày xưa. Chúng thích chơi game điện tử, ít bạn hàng xóm, ít chơi ngoài sân, nhưng ngạc nhiên thay, thời thơ ấu của chúng cũng ghi dấu nhiều điều đặc biệt.
Hồi con trai lớn đám cưới, tôi không dám có ý kiến nhiều, nhưng cháu tự động nhờ tôi tìm một chiếc áo dài gấm ông Thọ màu xanh với khăn đóng để mặc trong lúc rước dâu. Tôi thích lắm, cho cháu xem hình nhiều kiểu áo dài mới loại cách tân, xanh đỏ đủ loại để cháu chọn lựa, nhưng cháu trả lời chắc nịch:
-         Con muốn cái áo dài màu blue giống như cái áo con mặc đi hội chợ Tết.
Và cháu mở album ra tìm tấm hình đó. Hồi đó tôi cho hai anh em chúng mặc áo dài khăn đóng đi hội chợ Tết và có chụp hình kỷ niệm. Không dè điều này vẫn in trong trí nhớ của cháu.
Bây giờ cháu đã có con, tôi được làm bà nội với cháu đích tôn. Tôi thấy cháu viết chia sẻ trên Facebook với các bạn ngoại quốc là vẫn nhớ những câu hát ru, những câu ca dao tôi hát cho các cháu nghe khi còn bé. Hồi đó tôi hay kể chuyện cổ tích, hát ru theo lối miền Nam:
-         Ù ơ, ví dầu … Chiều chiều ra đứng ngõ sau, nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều…
Tôi hát ru cháu mà cũng để ru chính mình trong nỗi niềm nhớ má, nhớ quê, vì tôi đã ra đi bỏ lại ba má ở quê nhà.
Hôm rồi họp mặt gia đình cháu nhờ tôi lập lại câu ru “chiều ruột đau” khi xưa để cháu hò ru con mình ngủ. Thật là ngạc nhiên với những điều vẫn còn trong tâm trí của cháu. Cháu tiếng Việt không giỏi, không hiểu nhiều về quê hương nhưng ít nhiều trong tâm khảm chúng vẫn còn luân lưu những kỷ niệm xưa.
Cháu thứ hai của tôi sinh hoạt trong Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu. Hồi ấy chúng hay tới nhà tôi hội họp, tập hát. Mỗi khi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ, chúng tự động làm chương trình có phần Chào Cờ - như một phần không thể thiếu – không cần ai nhắc, tôi tâm đắc chuyện này lắm.
Chị Tư của tôi sang Mỹ du học từ năm 1962 khi chị 18 tuổi, chị lập gia đình rồi ở luôn bên Mỹ. Năm 1982 khi chúng tôi vượt biên sang Cali, chị rơm rớm nước mắt ngồi xem cải lương với chúng tôi, rồi vừa lau nước mắt vừa hỏi: “Họ hát cái gì vậy?!” Nghĩa là chị vẫn nhớ khung cảnh, âm điệu cải lương và xúc động nhiều, dù chị không hiểu lời người hát có nghĩa gì.

Những kỷ niệm của thời ấu thơ, của quê hương nguồn cội hy vọng sẽ luôn còn mãi trong lòng mỗi người. Như thế biết đâu sau này khi cháu nội tôi có con, nó cũng hỏi và học lại câu hò tiếng Việt năm xưa mà ba nó đã ru nó ngủ…. Hay lạc quan hơn, biết đâu cháu nội tôi cũng sẽ hỏi ba má nó tìm cho được chiếc áo dài khăn đóng cổ truyền VN để mặc đám cuới - cho giống tấm hình ba của nó ngày thành hôn - dù nó lấy Tây lấy người ngoại quốc …

Nguyễn Ngọc Duy Hân










No comments:

Post a Comment