Sub Label Menu bars



Lễ Tạ Ơn

Lễ Tạ Ơn (tiếng Anh: Thanksgiving) là ngày lễ được cử hành nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Hoa Kỳ và Canada là ngày nghỉ lễ chính thức cho tất cả nhân viên, người làm việc.
Tại Hoa Kỳ, lễ Tạ ơn được tổ chức vào thứ Năm trong tuần lễ thứ tư của tháng 11. Tại Canada, lễ này rơi vào ngày thứ Hai trong tuần thứ hai của tháng 10.


Lễ Tạ Ơn là dịp để chúng ta nhìn lại các ơn lành đã nhận được, cùng cảm ơn Thượng Đế và cũng cảm ơn nhau. Ở Mỹ, mùa Lễ Tạ ơn người ta có phong tục phóng thích gà tây - truyền thống gần đây của tòa Bạch Ốc. Tại Kitchener Waterloo, mỗi năm đều có October Fest rất lớn, có diễn hành mà cộng đồng người Việt luôn tham gia với xe hoa, cờ Vàng rất ý nghĩa.  
Vào lễ Tạ Ơn, mọi gia đình, thân hữu đều tụ họp, quay quần trước các món ăn ngon, đặc biệt món gà tây đút lò, bánh bí rợ để cùng nhau trò chuyện, ca hát, chia sẻ niềm vui, lòng tri ân.

Riêng người Việt Nam, truyền thống biết ơn cũng đã có từ xa xưa, qua các câu ca dao tục ngữ như "Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng. Ai mà phụ nghĩa quên công, thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm" .... cũng như qua các ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương, giỗ chạp ông bà cha mẹ trong gia đình. 
Tiếc thay tại quê hương ngày nay, qua chính sách của nhà cầm quyền Cộng Sản, hoàn cảnh đã làm một số lớn sống không mục đích, lường gạt đầu độc lẫn nhau, chỉ biết có tiền không hề quan tâm tới ơn nghĩa. Người bán hàng ở VN có thể phân biệt ai là dân địa phương, ai là "Việt Kiều" cách dễ dàng: Nếu mua đồ xong mà biết nói tiếng cám ơn thì đúng là ở ngoại quốc mới về!
Thế nhưng ngay cả chúng ta là những người may mắn sống ở hải ngoại, thực tế có khi vợ chồng cũng ít cám ơn nhau, con cái phớt lờ hy sinh của cha mẹ, cha mẹ tỏ uy quyền lại càng ít cám ơn con cái ... Khi sống chung, có lẽ "quen quá hóa nhàm", sợ bị cho là cải lương, là "sến" nên chúng ta ngại nói ra miệng lời cảm ơn. 
Nói lời cảm ơn là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của con người, rất cần trong các giao tiếp hằng ngày. Nhưng không phải chỉ cảm ơn suông, mà cần phải đi đôi với hành động cụ thể. "Bánh ít đi, bánh quy lại".

Ngược lại người làm ơn, trao tặng thì có nên đòi hỏi, lên án người khác nếu không chịu ca tụng cảm ơn mình không? "Thi ơn bất cầu báo" mà. Làm mà đòi hỏi được ghi công, được vinh danh thì đã mất phần nào ý nghĩa tốt đẹp rồi. Tôi vẫn nhớ câu chuyện ngụ ngôn viết theo hình thức một bài thơ mà tôi đã đọc hồi nhỏ. Đại khái lỗ mũi trách đôi mắt cận thị không biết cảm ơn mũi đã cho mắt kiếng "ở nhờ" trên sống mũi mình, rồi bắt liệng cặp kiếng đi. Mắt cận không đeo kiếng nhìn không rõ, vấp té nên sưng dập, chảy máu lỗ mũi! 
Tôi đã bắt đầu già, lẩn thẩn hay suy nghĩ vẩn vơ, muốn tìm ý nghĩa cuộc sống và muốn thực hành để mỗi ngày được khá hơn. Dịp Lễ Tạ Ơn tôi muốn dành một chút thời gian để suy nghĩ về những người có vai trò đặc biệt trong cuộc sống mình, những bạn bè, câu thơ, dòng nhạc, những phương tiện khoa học kỹ thuật đã giúp đời sống và muốn tỏ lòng cảm ơn chân thành đến tất cả. Cám ơn cả những ngọt bùi lẫn cay đắng của cuộc đời, để nhận ra mình quá bé nhỏ và cần được đỡ nâng. Đặc biệt cám ơn những người dám đứng lên đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ bất chấp bị đe dọa, trù dập.
Nhà văn Hoa Kỳ William Arthur Ward đã viết: "Lòng biết ơn có thể chuyển đổi mỗi ngày thường thành ngày Tạ Ơn, biến việc làm bổn phận thường nhật thành niềm vui, và thay đổi các cơ hội bình thường thành ơn phước lành đặc biệt."

Mến chúc mọi người, mọi nhà một mùa Lễ Tạ Ơn tràn đầy ý nghĩa, và luôn sống trong tâm tình cảm mến, tri ân....

Nguyễn Ngọc Duy Hân

No comments:

Post a Comment