Sub Label Menu bars



CỎ ÚA

CỎ ÚA

Tôi không thể giải thích cho Kim Khôi hiểu điều mình nghĩ, nên lặng lẽ nhìn anh.  Dù gì, tôi cũng đã chấp nhận tình yêu với anh rồi, có tiếc, có sợ, có lo toan cũng chẳng được gì.  Cứ hãy chấp nhận và cứ hãy yêu thương – Rồi sẽ qua, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua mà.
- Em phải sửa lại quan niệm mình Hân ạ, em sống, cũng như anh sống, cũng như mọi người sống, tất cả đều mang một ý nghĩa tốt đẹp, đừng buồn, đừng mặc cảm nữa Hân à.
Tôi cũng không thể nói với Kim Khôi tại sao tôi buồn, bởi nổi đau khổ có khi không bắt đầu từ đâu cả, cũng không biết bờ bến nơi nao, chỉ nghe đau thương tràn lan, chỉ nghe lao đao tận cùng tâm khảm. Hằng đêm, vẫn đợi chờ, vẫn lắng nghe, muôn ngàn đau đớn vẫn dày vò, tôi vẫn thảng thốt ngồi bật dậy mỗi đêm mà tưởng như mình còn đang lênh đênh giữa biển. 
Kim Khôi bảo Hân bị khủng hoảng nặng quá, nhưng rồi Hân sẽ quên đi. Đôi khi tôi cũng giật mình, tôi sợ người ta tưởng mình bị “cướp biển” nên mặc cảm, thua buồn. Thế nhưng, dù gì tôi cũng sợ, dù gì tôi cũng hãi hùng: Họ đã mang chị Thoa đi rồi – mà chỗ đó – đáng lẽ phải là tôi.
- Chị Thoa giỏi lắm anh Khôi ạ, chị giỏi Anh văn, giỏi Toán, giỏi may, giỏi đàn… Chị trội nhất nhà, gia đình kỳ vọng vào chị …
- Bây giờ gia đình kỳ vọng vào em, em giỏi, em ngoan, em sẽ làm vui lòng gia đình, em chỉ phải quên đi, em phải vui lên thôi.
Tội nghiệp Kim Khôi, anh không biết bài thuyết tôi đã tự vỗ về mình bao trăm lần, mả chẳng hiệu quả chút nào. Tôi thương xót anh thật sự mỗi khi thấy con người mạnh mẽ, nhiều nghị lực như anh phải tiêu tán, phải hụt hẫng để thông hòa vào nổi đau khổ dị kỳ của tôi.  Tôi biết anh không quen giải thích, vỗ về bằng lời nói.
- Mình đi ra ph đi anh ạ, em muốn mua cây đàn ghi-ta.
Khôi nhìn tôi dò hỏi:
- Thật không?
Tôi bật cười, Khôi đã “sảng” vì tôi rồi, anh không chắc một quyết định gì của tôi – dù có khi tôi nói bằng một thái độ rất thành thật, hăng hái.  Rồi anh sẽ lao đao, sẽ còn khổ sở vì tôi hơn nữa.
- Thật mà, em buồn quá, em sẽ học đàn.
Khôi vuốt tóc tôi:
- Ừ, anh sẽ dạy Hân đàn, nhưng đừng nghĩ đến chữ buồn nữa, anh buồn.
Tôi gục gặc:
- Ừ nhỉ, tại chữ buồn nó nằm sẵn trong cổ em, bất chợt nó nhảy ra em kềm lại không kịp.
Không muốn Khôi “an ủi, khuyến khích” nhiều, tôi tung tăng chạy đi thay áo, thôi buồn ơi, xua đuổi mi, ta sẽ vui, vui mãi mãi, ta sẽ quên, quên mãi mãi, ta sẽ vượt qua tất cả như Kim Khôi nói mà.

***
Tôi ôm ghi-ta bấm từng nốt một cách khó nhọc, đến quẳng cây đàn đi cho rồi, tại sao chị Thoa, Kim Khôi lại đàn hay thế không biết.  Mấy đầu ngón tay tôi chưa chai nên hơi đau, tôi không có khiếu nghệ thuật thật. Hồi ở Việt Nam cứ thèm thuồng, ước ao giá có tiền để mua đàn, bây giờ…

Tôi uể oải dựng đàn vào một góc, nhỏ bạn ở cùng phòng tôi bê bối quá, đồ đạc ngổn ngang, bạn bè của nó cũng lung tung luôn.  Tôi không thể thích được những tên bạn ăn to nói lớn, tóc tai kỳ lạ đó được.  Khôi đang tìm cho tôi một chỗ thuê nhà khác, tôi ngại ngùng vì việc gì của mình cũng phải để anh đụng tay vào. Tôi đâm sợ vì thấy rằng tôi chấp nhận Khôi vì anh yêu tôi chứ chưa chắc là cái gì khác. Tôi lắc lắc như xua đuổi cơn nhức đầu đang ập tới, hôm nay nhiều bài quá, lại thi, lại test, càng thêm rắc rối, càng ngổn ngang lòng. 
Âm vang bài Romance như còn chập chùng trong trí óc, bây giờ tôi mới thấm thía nổi bất lực của người ta khi muốn mà không thể làm được, khi yêu thương mà không thể tỏ ra, hoặc đơn giản hơn, khi có đàn mà không biết đánh!

Khôi đến, căn phòng như rạng rỡ:
- Anh bị lay-off hai tuần, Hân đàn đến đâu rồi?
Tôi nhớ vẻ chán chường, diễu cợt của Khôi khi kể chuyện đi làm, đi làm mà gọi là đi cày thì còn gì là đời, thế mà muốn “đi cày” cũng còn khó lắm, cái mặt tôi có muốn cũng chẳng ai mướn.
Tôi xụ mặt:
- Em hối hận rồi, em không học đàn nữa.
Khôi cười:
- Anh biết Hân sẽ nói như vậy, nhưng thôi, đem đàn ra anh đánh cho nghe.
Tự nhiên tôi thấy nghẹn ngào, quả tim như thắt nghẹn lại trong một cái bóp bất ngờ và mạnh mẽ nhất. Chị Thoa, chính chị Thoa đã vẫn nói câu này khi tôi than buồn, và chị vẫn dạo đàn cho tôi nghe…
Tôi lắp bắp:
- Chị Thoa, chị Thoa…
Khôi buông đàn, nhìn tôi xót xa:
- Nguyệt Hân, em sao vậy?
Tôi gục đầu vào vai Khôi, tôi kể anh nghe giấc mơ mấy ngày qua nhưng còn nhớ rõ mồn một từng chi tiết. Tôi thấy chị Thoa được đưa về với gia đình, chị có vẻ không tàn tạ mấy nhưng đôi mắt đã to của chị lại càng to, càng đen và thâm quầng hơn. Chị cười – nụ cười kinh dị - và nói với mẹ rằng tại Nguyệt Hân cả, mắt chị bị bầm là tại Nguyệt Hân cả. Tôi thấy sự khủng khiếp của mình trong giấc mơ khi chị Thoa kết luận như vậy, và đôi mắt bị bầm tím của chị cũng là điều quan trọng, dễ sợ, dễ sợ vô cùng.
Khôi cắt ngang lời tôi:
- Chuyện mơ hoảng, Hân nhớ làm gì, em lại suy nghĩ vẩn vơ rồi.
Tôi khổ sở:      
- Em không hề muốn thế, em cũng không dám kể với ai… À, có lẻ tại em mới nhận thư của mẹ, mẹ hỏi thăm anh, mẹ bảo sao không gởi hình chị Thoa qua, sao chị Thoa không viết thư cho mẹ…
Khôi nhíu mày, anh bóp vai tôi, nói như nói với chính mình: 
- Mai, có lẽ mai anh phải viết thư để kể chuyện chị Thoa cho mẹ…

Tôi bật khóc. Thế là hết. Cả Khôi cũng đã hết hy vọng, hết đợi chờ: Đợi chờ điều gì và biết đến khi nao? Cũng không thể tin tưởng, trông mong – Họ đã đem đi rồi, mong gì trả lại, mà có trở về thì chị Thoa sẽ ra sao. Không thể hy vọng vào một phép lạ, một may mắn bất ngờ hay một kết quả thực tế từ các cuộc tìm kiếm người bị hải tặc cướp bắt. Tôi cũng không thể mong rằng chị Thoa đã chết đi, dù tôi tin rằng cái chết có lẽ sẽ giúp chị - hay chính cả tôi -  thanh thản hơn. Tôi cũng không thể hối tiếc vì đã không can đảm thế chỗ cho chị, hay làm một việc gì ích lợi hơn trong hoàn cảnh này. Hoặc ước rằng tôi có thể quên.

Tôi đứng dậy trông ra đường. Trời vào đông. Thành phố vắng vẻ.  Những con đường dài chi chít đâm ngang, rẽ dọc, chằng chịt như tấm lòng tôi. Nắng vừa lên, chỉ đủ để tan lớp tuyết trắng phủ mờ bãi cỏ, nhưng không đủ để sưởi ấm cảnh vật, hồn người.

Khôi lặng lẽ nhìn tôi đứng bên cửa sổ, anh ngồi xuống ôm đàn bấm những nốt rời rạc, trầm buồn, hình như anh cũng bối rối.
Tôi thấy mình hụt hẫng, lại thấy ái ngại với Khôi, nhưng không biết phải làm gì, phải nói gì.  
Qua màn nước mắt, màu cỏ úa dưới sân như càng phai nhạt…

Nguyễn Ngọc Duy Hân




1 comment: