Sub Label Menu bars



Tâm tình tham dự khóa Nhạc thầy Phạm Đức Huyến

Bài viết về tâm tình tham dự khóa Nhạc do thầy Phạm Đức Huyến hướng dẫn

Vợ chồng tôi đi dự khóa Ca trưởng Toronto tháng 10, 2005 với một tâm trạng hồ nghi, không chuẩn bị. Chúng tôi không hề có ý định làm ca trưởng, cũng chỉ là "ex-ca viên" hơn 20 năm về trước. Quả vậy, hồi xửa hồi xưa chúng tôi cũng có hát ca đoàn, đến khi bận rộn gia đình con cái thì quit ngang (có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi), khi nghe cha xứ dỗ ngọt bảo đi học để hát cho hay, có tâm tình phục vụ - không phải học làm ca trưởng - ông xã tôi bỗng hăng hái ghi tên tham dự, tôi không muốn ở nhà một mình nên ghi tên qua diện 'ăn theo', thế là ngày longweekend coi như đi đứt, còn phải dậy sớm hơn đi làm bình thường hằng ngày.
Gặp thầy, gặp bạn thật vui, lớp học gần 100 người, đa số là người quen trong cộng đoàn, chúng tôi vui lắm. Lắng nghe lời dạy của thầy, những thí dụ thật vui, những câu chuyện thật cảm động, chúng tôi thấy thật phấn khởi. Nhưng đó là khi giờ 'thương khó' chưa bắt đầu. Tôi không dè mình phải thực hành đánh nhịp và có cơ hội bị kêu lên bục trả bài. Tôi vốn không giữ được nhịp, hồi ở Việt Nam học Sư phạm phải tập quân sự đi diễn hành. 1, 2, 3, 4 rất đơn giản (đơn giản như đang giỡn) nhưng chỉ một chút sau là tôi trật nhịp, chân bước loạn xạ. Tôi có học piano một thời gian ngắn, nhưng vì không giữ được nhịp nên chán, giả đò than bận rồi không học nữa. Khi tay đánh đàn nhanh, chân tôi nhịp nhanh, khi tay đánh đàn chậm, chân tôi nhịp chậm, thầy bắt mua máy giữ nhịp, máy gõ đường máy, tôi đàn đường tôi, không thể tự chủ được. Tuy vậy, thầy Huyến không có tài cầm đũa bằng tôi đâu. Thầy cầm có một cây đũa, còn tôi có thể cầm đến 4 cây đũa xào 2 chảo mì cùng một lúc!!
Ông xã tôi trúng độc đắc, được kêu lên bục đánh nhịp cho cả lớp xem, mọi người (kể cả tôi) được một dịp cười nghiêng ngửa thật thú vị. Tuy cười, nhưng tôi rất admire anh vì ít nhất anh còn giỏi hơn tôi, và đáng được thêm giải thưởng can đảm. Tôi đã nói với cô bạn bên cạnh - thà chết chứ không lên bục đánh nhịp nếu thầy có gọi. Tội nghiệp chị Mai ca trưởng ca đoàn Teresa ngồi gần cầm tay tôi uốn nắn, ngoáy quyện, nhưng chị vừa buông tay tôi ra thì tôi quậy lung tung lang tang ngay. Tôi xấu hổ lắm, hai anh phụ giáo thỉnh thoảng lo ngại ngừng lại trước mặt tôi, tôi giả ngó lơ đi chỗ khác, các anh đành bỏ qua (hú vía!!). Tôi phải học tủ, thay vì nhìn note nhạc, tôi ráng nhớ thuộc lòng chỗ nào cần phải ngoáy, quyện, chỗ nào cần phải luyến, láy. Mắt liếc qua liếc lại nhìn 2 người bên cạnh để cọp-dê, có khi cọp-dê cũng không xong, tôi quýnh quáng ngoáy loạn tùm lum, may mà các thầy không nhìn thấy!! Tôi cầm trí trên tay, hồi hộp cầu xin Chúa cho thầy đừng gọi lên trả bài. Tôi vốn thông minh nên nghĩ ra cách giờ khảo bài là đi phòng vệ sinh cho thoát nạn.

 
Học đánh nhịp đã khổ thế, mà học xướng âm cũng không kém phần vất vả. Thầy nghĩ chúng tôi là ca trưởng, nên xướng đồ rê mi fa nhanh như gió, tôi có thể đọc note nhạc, nhưng chưa bao giờ xướng âm. Tôi cho là không cần học xướng âm, ở VN không có tiền mua đàn, nên phải xướng âm bằng miệng ... đỡ ghiền, bên đây đàn từng tưng là có thể biết được note nhạc, tại sao phải xướng âm vất vả vậy nhỉ (có phải vậy không hả các Thầy?!!). Rồi đến phần tập hát, tôi phải hát bè alto vì giọng không cao, khổ cái nhiều bài lạ tôi chưa hề nghe qua, nói gì tới hát bè hai. Tôi tròn xoe mắt than phiền với cô bạn khi thầy Huyến hoặc hai anh phụ giáo bắt bài hát ngay, không hề tập hay hát trước nghe thử một lần 'Tại sao mấy ổng assume mình biết hát rồi!???' Sau này khi anh Hùng giải thích tôi mới biết chúng tôi đáng lẽ phải tự tập hát trước, đọc tài liệu chuẩn bị sẵn trước khi đến lớp (Xin lỗi các Thầy)
Thú thật sau ba ngày học, về kỹ thuật ca trưởng tôi chỉ khá một chút - một chút xíu thôi, có lẽ tôi là đứa học trò chậm chạp nhất lớp. Tuy vậy, tôi thấy mình biết thêm, hiểu thêm khi nhìn người ca trưởng đánh nhịp. Trước giờ tôi không hiểu thứ ngôn ngữ này, anh ca trưởng nào vừa đánh nhịp vừa gật đầu, nháy mắt ra hiệu bắt đầu bài hát, tôi thích anh ấy hơn vì rõ ràng dễ hiểu, bây giờ tôi 'nghe' được lời căn dặn của người ca trưởng qua đôi tay của anh, tuy bớt điếc như xưa nhưng vẫn hoàn toàn câm, vì vẫn chưa đánh nhịp, chưa diễn đạt được, nếu bị bắt buộc lên bục thì cũng ú ớ như người câm ráng nói, cũng chẳng ai hiểu gì!!
Tuy vậy, tôi an ủi chính mình, tôi có mộng làm ca trưởng đâu, biết thêm chút nào hay chút đó. Tự mình đánh nhịp cũng như tự mình lái xe, phải tập luyện, phải có kinh nghiệm, ngồi trên xe cho ông xã chở đi bao nhiêu lần, đến khi tự mình lái xe tôi đã đi lạc, có tập qua đánh nhịp tôi hiểu về nhịp phách hơn và khâm phục các ca trưởng hơn. Tuy nhiên, điều tôi học được rất nhiều trong khóa là học làm người, học phục vụ, học khiêm nhường. Qua sự hy sinh của Cha xứ, Thầy Huyến, 2 anh phụ giáo và ban tổ chức, tôi cảm phục, cảm động và học hỏi được rất nhiều. Mọi người đã chuẩn bị cho khóa học thật chu đáo, tỉ mỉ, từ vật chất đến tinh thần, từ địa điểm đến tài liệu, ăn uống. Qua những câu chuyện thầy kể về cuộc đời thầy Hải Linh và chính thầy, tôi hiểu được làm người phải trải qua rất nhiều thử thách, từ có đến không, từ không gầy dựng lại có, vấn đề là phải cố gắng, kiên cường và vững tin nơi Chúa. Anh Duy đã phát biểu làm chúng tôi rất là mạnh dạn và hãnh diện được gọi Nhạc sư Hải Linh là thầy, vì thầy là thầy của Thầy Huyến, mà chúng tôi là học trò của thầy Huyến, như vậy suy ra (theo Tam đoạn luận) chúng tôi chính là đệ tử của Thầy Hải Linh chứ còn gì nữa (thấy sang phải bắt quàng ngay làm họ!!). Có lẽ nhờ được tôi luyện qua nhiều mất mát, khó khăn và đau khổ, Thầy Huyến đã rất khiêm nhu, thư thái và tự tin, có được một nhân cách đáng quý cũng như những thành quả đáng làm chúng tôi hãnh diện lây (sáng tác nhạc cho nhà xuất bản Mỹ, điều này đâu có dễ). Thầy nhắc nhở chúng tôi phải yêu thương, đoàn kết, không kiêu ngạo, vì chữ tôi rất gần với chữ tồi, chữ tội, chữ tối.
Qua khóa học, cơ hội có được một ca đoàn tổng hợp tại Toronto có rất nhiều triển vọng - điều mà chúng tôi không làm được trong Đại hội giới trẻ tại Toronto vừa qua. Các cộng đoàn sẽ bắt tay và gần gũi nhau hơn. Tinh thần phục vụ và say mê âm nhạc được đánh thức trong rất nhiều anh em chúng tôi. Chúng tôi đã hát hết tâm tình trong Thánh lễ Chúa nhật hôm đó, và tôi bỗng có ý định tham gia ca đoàn trở lại. Tôi cũng học được từ các em nhỏ, tiếng Việt không giỏi nhưng vẫn kiên nhẫn tham dự nghiêm túc và đã học giỏi hơn tôi, dù tôi hiểu tiếng Việt 100%. Tôi cũng cảm mến anh Tú - người bạn không Công giáo duy nhất trong lớp đã vui vẻ hòa mình, lắng nghe và cùng học, cùng vui với chúng tôi, dù anh không biết một bài Thánh ca nào trừ bài Đêm đông. Cũng có các anh chị lớn tuổi hơn tôi cùng học và đã lắng nghe, thực hành rất chăm chỉ, không nhăn nhó than phiền nhõng nhẻo đòi bỏ về như tôi. Tất cả là những tấm gương tốt để tôi suy nghĩ và noi theo.

 
Trong một cuối tuần mà động đất xảy ra ở Pakistan làm 40,000 người chết, bao nhiêu cảnh chiến tranh, khổ sở tang thương, chúng tôi được bình yên, ăn ngon mặc đẹp, được phục vụ hết mình để học - từ kỹ thuật đến học nâng cao nhân cách, thật không biết lấy gì để nói lên được sự tri ân chân thật từ tấm lòng tôi.
Gần xong khóa, khi tôi đang hỏi thăm xin chữ ký của người ướp thịt nướng (anh chị Hiệp Toan và ban ẩm thực nấu ăn hết sẩy) thì các anh chị khác cũng đang sắp hàng xin chữ ký của thầy và hai anh phụ giáo, tôi cũng hơi quê quê vì nghĩ 'người làm sao chiêm bao làm vậy', tại sao người khác biết xin chữ ký học nhạc, còn tôi thỉ chỉ nghĩ tới học....ăn!! Rõ khổ!!
Tôi không biết mình có can đảm ghi danh học lớp 2 hay không, vì tôi biết mình không có khiếu đánh nhịp. Nếu có thì tôi phải học thêm từ bây giờ, và thực tập thật nhiều (anh Trung, anh Hiển có dự tính sẽ mở lớp nhạc lý và kèm tôi đặc biệt, không biết các anh có hứa lèo không!!). Không học khóa 2, có lẽ tôi cũng sẽ tiếc rất nhiều như tôi đang tiếc cho những người không đi học khóa 1, hơn nữa nghe nói anh chị Hiệp Toan sẽ làm lại món thịt nướng phục vụ khóa 2 cộng thêm nhiều món ăn hấp dẫn khác, không đi dự sẽ.... tiếc chết!! Để xem sao, tôi hay tự bảo mình như vậy khi chưa quyết định được.
Vợ chồng tôi học xong khóa về ca hát líu lo, trời Toronto đã vào thu, lành lạnh nhưng chúng tôi lúc nào cũng rộn ràng hát bài 'Xuân vừa sang, trên đôi môi hồng trẻ thơ' của thầy Huyến. Điệu nhạc du dương và tâm trạng tri ân, cảm mến như sẽ còn mãi mãi trong lòng chúng tôi, êm ái như mùa xuân đang tới.
Tạ ơn Chúa, tạ ơn đời, cám ơn các thầy, cám ơn mọi người qua khóa Nhạc vừa qua.
Nguyễn ngọc Duy Hân

 

No comments:

Post a Comment