Sub Label Menu bars



Khi các ông làm part-time

Các bà các ông hôm nay lại tụ họp ờ nhà chị Hai, ăn uống, kể lể chuyện trò vui như Tết - dù bây giờ chưa Tết, chỉ mới vào đông. Thật vậy, mùa ấm mùa lạnh, lúc nào câu chuyện của nhóm cũng nổ như pháo rang, bầu tâm sự thi nhau trút ra, người nói người nghe ai cũng hết sức phấn khởi, thích thú. Ngoài những giờ làm việc ở hãng, làm công tác xã hội, sinh hoạt Chương trình, tụ họp ăn uống trò chuyện là niềm vui của mấy gia đình kết thân với nhau lâu nay.
Từ ngày vào Thăng tiến, vui trong tình Liên gia, năm bà kết nghĩa chị em, gọi nhau chị Hai, chị Ba tùy theo tuổi tác, thương mến nhau như chị em thật. Lớn nhất dĩ nhiên là chị Hai, tôi lớn nhì được làm chị Ba (nhưng thỉnh thoảng cũng lạm quyền acting như mình là chị cả!) Em Tư, em Năm và em Út hiền lành dễ thương hơn, nhưng khi đụng chuyện cũng không kém phần láu lỉnh, khôn ngoan hơn cả các cô trinh nữ cầm đèn chờ hoàng tử đến.
Đề tài hôm nay xoay quanh việc các đức ông chồng của các bà làm thêm part-time kiếm tiền. Các ông vụng về việc nhà, không khéo chăm sóc con cái, hay quên sót không cầm trí trên tay, khiến các bà phải than rằng: Chồng ơi là chồng, để xem kỳ này các ông đi ra ngoài làm thêm thành quả như thế nào. Thấy chồng người ta khôn khéo làm ăn thành công, mua nhà mua xe thấy mà ham.

Bắt đầu là câu chuyện của chị Hai - Kính lão đắc thọ mà. Số là chị Hai lóng rày hơi chật vật, 2 đứa con vào Đại học nên kinh tế có phần thiếu hụt, anh Hai tuy cầm tinh con rồng, tay chân mềm dẻo chuyên sử dụng các loại đàn nhưng cũng hăng hái đi kiếm việc buổi chiều, ca tụng lao động là vinh quang. Anh ốm o, hiền lành như bột. Có nhiều loại bột: bột mì, bột nếp, bột nổi, bột báng, bột khai, bột đóng óc trâu ..... chị Hai dấu bặt không cho biết anh thuộc loại bột nào!
Để tìm việc buổi chiều, anh Hai đọc báo, tìm kiếm trên internet mất bao nhiêu thì giờ, chẳng kiếm ra được cái gì, chị Hai thở dài ảo não. Thư sinh trói gà không chặt, chị đầu tắt mặt tối lo hết cảc việc trong nhà, để anh có thì giờ tìm việc, kết quả vẫn là con số không. May thay, cuối cùng nhờ anh Tư quen biết với một tiệm pizza, nên giới thiệu cho anh Hai vào chân delivery buổi tối. Chạy pizza thường thì cũng khá, vì tiền lương giờ không bao nhiêu, nhưng tiền tips cũng đỡ khổ, lại là tiền mặt không bị khai thuế, nên chị Hai sung sướng với job mới của chồng, mỗi đêm thao thức hồi hộp chờ anh về đếm tiền. Quả nhiên chị Hai thức đếm tiền thật lâu mỗi đêm, không phải vì nhiều tiền nhưng vì tiền xu, tiền cắc lụn vụn khó đếm, hơn nữa chị Hai lại bắt đầu lẩm cẩm hay quên, đếm đi đếm lại chỉ có vài chục đồng mỗi đêm, cả hai cùng vất vả, cả hai cùng mất ngủ. Hôm thì anh Hai đi lạc, tốn nhiều tiền xăng, có khi vụng về đánh rơi mất tiền. Hôm thì trời tuyết, đường xá khó đi, anh Hai đem bánh tới trễ bị free. Free vài lần đầu không sao, giao bánh trễ hoài anh Hai xấu hổ, sợ phiền ông chủ nên lấy tiền ra bù, coi như đã lấy tiền khách rồi. Mấy lần đầu 2 thằng nhỏ và chị Hai thích lắm, ăn pizza trừ cơm, nhưng ăn riết bắt ngán, số cân và vòng đo bụng của cả nhà bắt đầu tăng dần, chị Hai bắt đầu lo ngại. Buổi tối 3 mẹ con đọc kinh (vắng anh Hai buổi đọc kinh gia đình có phần buồn tẻ nhưng đành vậy) có thêm câu cầu xin của thằng con: Xin cho ba con đừng bị free bánh tối nay. Chị Hai tuy... già, nhưng đêm nào cũng bịn rịn tiễn chồng ra cửa hành nghề delivery, chị nỉ non ca bài 'Đừng xa em đêm nay', anh cũng nghẹn ngào ra xe mà lòng se sắt, giá được ở nhà ôm cái .... computer thì còn gì sung sướng bằng. Từ ngày làm tiệm pizza, anh sợ mùi bánh pizza kinh khủng. Giao bánh pizza không phải chuyện dễ, ngoài những trục trặc như lạc đường, lái xe ẩu bị cảnh sát cho ticket, còn có khi bị các bà các cô quyến rũ nữa. Chị Hai thổn thức:
-Các em biết không, các bà các con Tây order bánh, nhưng khi mở cửa nhận bánh thì không ăn mặc đàng hoàng, mặc áo ngủ hở hang. Anh Hai các em kể lại ra vẻ trách cứ, đạo đức nhưng chị biết tỏng trong bụng ổng khoái lắm. Thôi thì dẹp cho rồi, đi làm thêm chẳng được bao nhiêu tiền, xe thì hư hoài phải sửa, nhiều đêm chị nằm một mình sợ ma muốn chết. Thuyền to sóng lớn, thôi thì thiếu chút cũng được các em ạ. Đã vậy ảnh đi làm về mệt, cau có với chị, sáng ra vô hãng làm sai tùm lum, không khéo mất chả chì lẫn chài. Quit rồi! Ảnh quit job rồi chị lại thấy thèm pizza, có điều bây giờ chị thấy thương mấy ông giao bánh lắm, cho tiền tip nhiều hơn hồi xưa. Đúng là đoạn đường ai có qua cầu mới hay.
Con Năm thỏ thẻ:
-Như vậy kỳ này ảnh không đi giao pizza nữa hả chị Hai? Thôi em giới thiệu job khác cho, ảnh biết đánh piano, em có mấy chị bạn đang kiếm thầy dạy đàn tại gia cho con họ, nghề này không sợ free bánh, lạc đưởng. Đàn ò e giải sầu mà lại có tiền, có lý không các chị?
Con Tư giọng chua như dấm:
-Chị Hai nên suy nghĩ cẩn thận đó, coi chừng học trò không thích thầy mà mẹ của học trò lại thích thầy thì bỏ bu. Anh Hai tuy đã ngũ tuần nhưng cũng còn có duyên lắm, em có cô bạn rơi vào trường hợp này rồi. Không nên tạo cơ hội xấu chị Hai ạ.
Chị Hai gục gặc:
-Có lý, có lý, chị đâu bao giờ muốn anh ấy đi dạy tại gia đâu! Cho nữ share phòng, đi làm cho mấy bà quá giang xe là làm cớ cho các ông phạm tội, chị biết quá mà. Phòng bệnh hơn chữa bệnh các em ạ.
Con Út than thở:
-Bây giờ tới phiên em, mấy chị biết anh Út của em đi làm thêm như thế nào không?
Các bà nhao nhao lên hỏi, lắng tai nghe con Út điệu điệu vừa lúc lắc cái đầu vừa kể:
-Ảnh đi sửa computer, set up network cho người ta, trời ơi là trời!
-Cái gì mà kêu trời như bọng vậy Út? Trong nhóm chú Út nó là thông minh đẹp trai nhất mà, chuyện như thế nào?
Cô Út xuống giọng kể tiếp:
-Anh Út giỏi computer thật, em nuôi đi học tốn mấy năm trời đâu có ít. Khổ nỗi khi set up đâu đó xong xuôi tốt đẹp rồi, thì mấy người sử dụng máy không rành, download tùm lum làm hư máy, virus vai-riếc lung tung. Anh Út hiền (Lại hiền, không biết thuộc loại bột gì đây?) nên cứ tiếp tục đi sửa không lấy tiền, đi bao nhiêu lần mà tiền đem về chẳng được bao nhiêu. Nhiều khi nửa đêm đang ngủ các bà cũng gọi ơi ới vì không check email được, không in hồ sơ được. Chỉ dẫn qua phôn mấy bà hổng hiểu, đòi chồng em vác xe nửa đêm chạy tới tận nhà, các chị xem có ưá gan không. Em tức quá không cho đi sơ-vít, sơ-véc gì ráo. Đã vậy họ gọi mua máy, mình mua rồi thì họ kẹt tiền đổi ý, máy móc nhà em dư nằm đầy dưới basement, mất giá bây giờ cho không cũng chẳng ai thèm lấy. Lỗ vốn to. Thiếu tiền nhưng an tâm, đời sống vui vẻ không xáo trộn là tốt hơn phải không các chị? Thấy chồng người ta làm thêm kiếm tiền thấy mà ham, chồng mình thì hỡi ơi vậy đó.
Cô Năm nãy giờ im lặng, cũng góp thêm câu chuyện làm quà:
-Thôi đi các chị ơi, cũng có người rủ anh Năm nhà em đi bỏ mối thuốc lá, đi Việt Nam mang hàng về bán, hàng hợp pháp đàng hoàng nhưng em thấy không ổn đâu. Gia đình cần thời giờ, cần nghỉ ngơi nữa. Làm một job đủ rồi, mình hà tiện một chút, bớt ăn bớt xài một chút rồi cũng đâu vào đó ngay.
Tôi chờ các bà ta than thở đâu đó xong xuôi, mới 'xả ra' cõi lòng của mình:
-Chuyện làm thêm, em có kinh nghiệm nhớ đời, kể mấy bà nghe chơi.
Tôi uống ngụm nước cho ngọt giọng bắt đầu ta thán:
-Anh Ba nhà này biết sửa nhà, biết thay hệ thống dây điện chút đỉnh, nên đi phụ với mấy ông thầu sửa nhà, định kiếm thêm chút tiền mua nhẫn hột xoàn cho em.
Các bà tấm tắc:
-Chu choa, anh Ba nó thương vợ quá nhỉ, xem ra chị Ba lại có phước, đâu nhẫn hột xoàn mới của chị đâu?
Tôi thở ra:
-Bán cái nhẫn đang đeo đi thì có, nhẫn mới đâu mà mới!
Cả bọn tròn xoe mắt nhìn, tôi hắng giọng kể lể:
-Mình xui, số nghèo vẫn hoàn nghèo các chị em ạ. Chồng em bị thằng chủ thầu cà chớn, ảnh thức bao nhiêu đêm, đi làm thêm bao nhiêu weekend, bỏ cả họp Song nguyền, tay chân bầm dập, em về phải bóp dầu đấm lưng muốn chết, nhè đâu thằng chủ nói là làm lỗ, thân chủ không trả tiền, quịt luôn!
-Không lãnh lương thì không có thêm tiền thôi, thế sao chị lại phải bán cái nhẫn chị đang có?
Công nhận cô Út làm accounting nên lúc nào cũng rõ ràng, sáng suốt, hỏi rất chí lý. Tôi ấm ức trả lời:
-Chưa hết chuyện mà, lần cuối cùng chị không cho ông xã đi làm thêm nữa là lần ảnh bị sue vì sửa chữa không như ý chủ nhà. Người khác bắt điện chứ không phải ông xã chị, chẳng hiểu sao hệ thống điện bị chạm sắp cháy nhà, nên chủ nhà làm dữ đòi thưa kiện, lấy hết tiền lại. Anh Ba nhà này phải trả lại tiền cọc, tiền mua sắm dụng cụ. Khi mua sắm thì cà thẻ, khi bill về thì không có tiền trả, chị phải bán cái nhẫn đi mà tiếc đứt ruột. Hai vợ chồng tui gây gỗ, bực bội một thời gian rồi mọi việc mới phôi phai đó. Bây giờ ai nói tới đi sửa nhà là tui ớn da gà, say no ngay lập tức.
Ấy thế đấy, đi làm part-time kiếm tiền thêm cay đắng, vất vả, khó khăn lắm chứ không phải chuyện chơi.
Cô Út tâm sự:
-Các ông đi làm thêm như vậy đã đành, chính em đi làm thêm cũng bực mình bắt chết. Em nhận làm thêm kế toán cho một tiệm kia, chiều chiều ghé ngang lấy bills, lấy giấy tờ về nhà tính toán, định kiếm tiền mua quà cho con, nhưng ông chủ dê quá các chị ơi, ổng kiếm chuyện nắm tay nắm chân tùm lum, em về kể chồng em nghe, ảnh bắt quit ngay không điều kiện gì cả.
Các bà gục gặc:
-Quit là phải rồi Út ạ, ham tiền mà phương hại đến hạnh phúc gia đình thì có tiền mà làm gì. Hơn nữa dù gì mình cũng thương chồng thương con lắm, thấy họ cực khổ vất vả thiếu ăn thiếu ngủ không đành lòng.
Chúng tôi than thở xong, nên đã phần nào nguôi ngoai, bắt đầu lấy trái cây ra tráng miệng. Mùa này chợ Tàu bán hồng dòn, hồng mềm, ngon thôi là ngon. Mỗi lần ăn hồng mềm chúng tôi đều thương con Năm và nhắc nhở mọi người nhớ để phần cho nó. Lần trước chúng tôi quên mất tiêu cô Năm, nên cô là người duy nhất trong nhóm không được trái hồng tẩm bổ:
-Sorry Năm, hết rồi, thôi lần sau sẽ cho Năm double hai trái.
Cô Năm vốn có máu Tô-Ma, không thấy không tin, hơn nữa thèm quá, trái hồng chín mềm vừa thơm, vừa ngọt, vừa mát, nuốt vào cổ nó trôi tuồn tuột khỏi phải nhai nên cô vào tủ lạnh tự lục lọi và reo lên mừng rỡ:
-Hên quá xá, còn đúng một trái các chị ơi!
Cả bọn vui mừng với cô Năm, không "feel guilty" nữa vì ham ăn quên chừa phần cho Năm, nhưng hỡi ơi, khi cô Năm nhanh nhẩu cắn một phát, đã la lên hãi hùng:
-Ấy chết, sao chua thế này, nó là trái cà chua, không phải trái hồng mấy chị ơi!
Thấy đỏ đừng tưởng là chín, thấy hồng nhưng chưa phải trái hồng là câu châm ngôn thấm thía mà chúng tôi học được ngày hôm đó.
Lần này chúng tôi cẩn thận mua dư, ăn thoải mái, ăn xong má các bà như hồng thêm lên, xinh xắn hẳn ra (nhưng chỉ nhìn mặt, xin đừng nhìn bụng các bà!).
Trời sắp Noel, tuy tuyết lạnh nhưng thật vui, thật ấm áp trong lòng. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì có nhau, gia đình đầm ấm, bạn bè thông cảm, thân thương giúp đỡ nhau, vui với nhau thật nhiều. Các ông nãy giờ đang nhâm nhi chút rượu, chơi cờ, cười nói vui vẻ bàn chuyện thế sự với nhau, quay qua các bà ân cần hỏi:
-Noel này mình tụ tập ở nhà ai để ăn mừng Giáng sinh đây, hôm đó liền ông chúng tôi sẽ surprise các bà, mua quà Noel đặc biệt cho các bà đó. Kỳ này không làm part-time nữa, nhưng chúng tôi vẫn hào hoa mua quà thật đẹp, thật ý nghĩa cho các bà, để các bà đừng than 'Chồng ơi là chồng nữa' !!!
 Trịnh Tây Ninh
 

No comments:

Post a Comment