Sub Label Menu bars



Bạn ở đâu trong ngày 30 tháng Tư?

Sau thời gian dài trông ngóng, chuẩn bị, ngày trọng đại của Cộng đồng đã tới. Chúng tôi đánh thức các con dậy từ sáng sớm. Chúng còn ngái ngủ nên cứ xin thêm "năm phút nữa nghe bố". Thường thì sáng Chúa nhật, mọi người đều dậy muộn hơn bình thường, dưỡng sức một chút để bù lại những ngày cực nhọc làm việc trong tuần ấy mà. Hơn nữa các cháu vừa mới thức khuya để học bài suốt hai tuần lễ để thi cuối năm, nên tôi thông cảm, quay đi sửa soạn đồ đạc và cho chúng vài cái "năm phút nữa". Mười lăm phút sau, kéo được các con ra khỏi giường, nhắc cho chúng nhớ hôm nay là ngày gì, chúng tôi tắm rửa, thay y phục chỉnh tề rồi kéo nhau ra xe, nhắm hướng City Hall trực chỉ.


Thời tiết hôm nay thật là đẹp và ấm áp lạ thường. Suốt cả tuần qua, tôi hồi hộp theo dõi tin thời tiết hàng ngày và hết sức vui mừng khi thấy càng về cuối tuần, trời càng ấm thêm lên. Tôi nói với mấy người bạn: đây đúng là Trời thương người Việt chúng ta. Các năm khác, vào cuối tháng Tư, trời vẫn còn rất lạnh. Có năm vừa lạnh, vừa gió, vừa mưa, nhìn các cụ cao niên và các em bé run rẩy mà lòng tôi thắt lại vì cảm xúc. Tôi thầm cảm tạ ơn trên đã ban cho một ngày nắng ấm thật quí giá và cần thiết này. Tôi cũng mừng thầm cho các đồng hương từ mọi nẻo xa xôi kéo về được đỡ bớt phần vất vả. Con đường từ nhà chúng tôi đến City Hall hôm nay bỗng đẹp hẳn lên, chim hót líu lo trên cành, cây lá đua nhau khoe mầm tươi, nhựa mới. Bài Quốc ca thân yêu tôi hằng ấp ủ trong lòng cứ chực trào dâng, tràn ra khỏi miệng, rền vút lên tầng mây xanh.
Đến nơi vừa đúng 9 giờ. Đậu xe dưới hầm Tòa thị sảnh xong, chúng tôi thong dong tiến về phía kỳ đài, cứ ngỡ mình là một trong những người tới sớm nhất. Nhưng thật bất ngờ, nhìn lên trên, tôi thấy một rừng người và Cờ Vàng choáng ngợp đã tụ họp tại đó tự bao giờ. Tôi tự hỏi mình: không biết những đồng bào này đã thức dậy từ mấy giờ và đã có mặt ở đây từ lúc nào? Thật đáng khâm phục.
Chúng tôi nhanh nhẹn tiến lên, hòa nhập với đồng hương, cùng hát các bản hùng ca, cùng ký tên vào thỉnh nguyện thư, cùng hồi hộp đợi chờ giây phút trọng đại sắp tới.
Giây phút ấy rồi cũng đến. Sau bài Quốc ca Canada là đến bài Quốc ca Việt nam, được cất lên từ những cửa miệng ngây thơ của các em trong Nhóm Hướng Việt cùng với hàng ngàn người Việt tha hương "này công dân ơi, đứng lên
đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi, hy sinh thiết gì thân sống ... dù cho thây phơi trên gươm giáo ..." những giọng hát vang lên nhịp nhàng, vừa hùng tráng, vừa thiết tha, vừa có phần bi thương của người dân mất nước. Ôi đâu rồi Tổ quốc! Ôi đâu rồi Quê hương! Ôi, bao giờ ta mới lại được hát những lời hát thiêng liêng này trên chính mảnh đất thân yêu của mình? Tôi đã cùng mọi người hát với tất cả sức lực và con tim của mình cùng lúc với nỗi xúc động nghẹn ngào. Tôi đắm chìm trong tiếng gọi của Non sông. Bao kỷ niệm ngọt ngào xa xưa, ngày còn đi học, ngày còn vui chơi với bạn bè, ngày còn gần cha mẹ, thầy cô, xóm làng, ngày chưa mất nước ... chợt đồng loạt trở về như một cuốn phim quay nhanh, hòa lẫn trong lời hát.
Bài Quốc ca đã chấm dứt tự lúc nào, nhưng tôi vẫn còn miên man, đắm chìm trong dòng hồi ức, vẫn cứ băn khoăn tự hỏi mình đã làm gì để "đứng lên đáp lời sông núi", đã sẵn lòng "hy sinh thiết gì thân sống", đã bằng lòng "thây phơi trên gươm giáo" vì Tổ quốc thân yêu của mình hay chưa!
Giây phút mặc niệm các chiến sĩ và đồng bào ruột thịt đã bỏ mình vì lý tưởng Tự do càng làm tôi xúc động mãnh liệt hơn. Tôi nhớ đến các Chí sỹ Quốc gia đã bị hãm hại trong thời 1945 - 1954, đến đồng bào nông dân bị đấu tố, đến hơn mười ngàn người bị chôn sống trong mồ tập thể Tết Mậu thân, đến đồng bào bị pháo kích chết thảm thương trên đường di tản, đến các chiến sĩ đã hy sinh trong suốt cuộc chiến Quốc - Cộng, đến các chiến sỹ anh hùng, đã hiên ngang chọn cái chết thay vì đầu hàng để tìm đường sống sót trong ngày 30 tháng Tư, đến bao nhiêu đồng bào đã bỏ mình oan ức trên đường tìm tự do, đến bao nhiêu Quân, Cán, Chính phải vùi thây trong ngục tù cải tạo ... ôi bao nhiêu triệu sinh linh đã nằm xuống để bảo toàn hai chữ Tự Do. Tôi là người may mắn thoát được đến đây, tôi đã làm gì với hai chữ Tự Do mà tôi đang có?
Những lời nhắn nhủ của đại diện các hội đoàn và chính quyền cũng cho tôi thêm nhiều điều để suy gẫm: "Tôi không sợ mất đi lá cờ ở trên kỳ đài này, mà tôi sợ mất đi lá cờ ở trong lòng của đồng bào", "Tôi xin đổi câu nói ở trên biểu ngữ của quí vị, Cộng đồng người Việt cám ơn đất nước Canada trở thành Đất nước Canada cám ơn Cộng đồng người Việt", "Bao nhiêu người còn ở lại đều ngày đêm mơ ước được tự do, được đi bầu để chọn chính quyền theo ý của mình mà không được. Ở đây, quí vị được tự do, quí vị có biết sử dụng lá phiếu của mình cho xứng đáng hay không?" ...
Nói chung, buổi lễ chào Quốc kỳ năm nay được xem là thành công, qui tụ được đồng bào nhiều nhất từ trước tới nay. Khí thế cũng hào hùng hơn với rừng cờ Vàng rực rỡ và lòng nhiệt thành của mọi người, từ ban tổ chức đến các đồng bào. Sau nghi thức chào cờ, trao thỉnh nguyện thư cho đại diện của thành phố là cuộc diễn hành qui mô dọc theo các đường phố chính chung quanh Tòa thị sảnh, và kết thúc bằng lễ đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài chiến sỹ.
Chúng tôi rời City Hall, chạy xe dọc theo đường Lakeshore West và chứng kiến một cuộc diễn hành khác của cộng đồng người Ấn. Họ đi theo hàng mười, chiếm nguyên cả con đường Lakeshore East, kéo dài từ đường University đến qua khỏi Bathurst, ước chừng có đến mấy chục ngàn người, có nhiều xe cảnh sát theo giữ đường, có các cơ quan truyền thông chạy theo quay phim, chụp hình, lấy tin ... Tôi bỗng hình dung lại lễ chào cờ và cuộc diễn hành của mình vừa xảy ra cách đó hơn một tiếng đồng hồ mà thấy cay cay nơi mắt: Cộng đồng người Ấn họp nhau để mừng tết của họ, qui tụ một lúc mấy chục ngàn người, thế là họ gây được khí thế, được các đài truyền hình, truyền thanh, báo chí đua nhau đến lấy tin, đăng tin, được lực lượng cảnh sát hùng hậu yểm trợ, được chính quyền thành phố nể nang và dành mọi ưu tiên. Trong khi đó nhìn lại phía chúng ta: tuy rằng năm nay có đông hơn mọi năm, nhưng cộng đồng người Việt chúng ta ở Toronto có đến hơn sáu chục ngàn. Số người đi chào Quốc kỳ năm nay vào khoảng gần năm ngàn. Trừ đi những người đến từ các nơi xa thì có lẽ còn chừng bốn ngàn. Như vậy có nghiã là trong mười người thì chưa có đến một người đi tham dự, trong một trăm người thì chỉ mới có sáu người đến với lễ chào Quốc kỳ mà thôi! Những đồng bào còn lại của chúng ta ở đâu?
Thỉnh thoảng tôi được nghe vài người trong cộng đồng, trong đó có các bạn của tôi, phát biểu rằng: đi chào cờ, hoặc treo cờ VN là làm chính trị, họ không muốn! Đối với tôi, đây là một một sự gán ghép đầy sai lầm. Làm chính trị là lập ra đảng phái để đấu tranh về chính kiến, để tranh giành chính quyền hay quyền lực. Ở đây, chúng ta chỉ cùng nhau tôn vinh và giữ gìn màu cờ của Tổ quốc, một biểu tượng cao quý của Tự Do và Tình Người, của mồ hôi, nước mắt và máu của cha ông, của hàng triệu triệu đồng bào đã đổ ra để gây dựng và chúng ta có bổn phận phải trân trọng, bảo vệ lấy. Xin đừng gán cho màu cờ thiêng liêng hai chữ chính trị rồi nại cớ để mà chối bỏ. Quê hương Việt nam yêu dấu và cộng đồng luôn mong ước bạn bình tâm suy xét lại để cùng nhau chúng ta nắm tay đoàn kết một lòng, vươn cao ngọn cờ Chính Nghiã trong những ngày sắp tới.
Tha thiết ước mong trong lễ chào Quốc kỳ năm tới, toàn thể người Việt của chúng ta, trên sáu mươi ngàn người yêu chuộng lý tưởng Tự do, cùng với đồng bào từ khắp nơi đổ về, sẽ đều có mặt và tràn ngập Tòa thị sảnh Toronto, để chính quyền ở đây thấy rằng chúng ta có lực lượng, chúng ta có tổ chức, có đoàn kết mà thay đổi thái độ đối xử với cộng đồng chúng ta. Để thay vì tiếp tục coi thường như từ trước đến nay, họ sẽ bày tỏ sự kính nể, dành mọi ưu tiên cho sinh hoạt của cộng đồng chúng ta, và trên hết, chấp thuận cho chúng ta tiếp tục dương cao ngọn cờ Việt Nam Tự Do trên kỳ đài Tòa thị sảnh Toronto.
Nguyễn Ngọc Duy

No comments:

Post a Comment