Sub Label Menu bars



Chị Hai tôi

 

Chị Hai tôi

Chúng tôi vừa đi Cali để dự đám tang của chị Hai về, chị ra đi ở tuổi 82. Chị là chị cả và tôi là em út, nên cách nhau tới 25 tuổi. Chị Hai đã bị tai biến mạch máu não 14 năm trước đây, bị ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, trí nhớ, sinh hoạt. Những năm trước khi chúng tôi đi Cali thăm, chị đã không nhớ ra chúng tôi là ai. Chị ra đi bình yên trong sự yêu thương, chăm sóc của đại gia đình, kể cũng là một ơn đặc biệt.


Nhìn lại, chị thật là một người phụ nữ bình thường nhưng đã cố gắng phi thường để lo cho gia đình.

Chị sanh ra trong gia đình Bắc kỳ di cư công giáo, nhưng lấy chồng người miền Nam và theo Phật giáo, sanh tới 7 đứa con. Chắc chắn thời ấy chị đã phải chiến đấu nhiều với dư luận, với xã hội và bản thân để vươn lên và xóa bớt những khác biệt để tạo hạnh phúc. Chị làm y tá ở Bến Tre, anh là Đại Uý Quân Lực VNCH, tưởng là cuộc sống sẽ tốt đẹp nào ngờ biến cố năm 1975 xảy ra. Anh đi "cải tạo", chị và đàn con bị cộng sản lấy nhà đuổi về vùng kinh tế mới ở. Tủi cực biết bao nhiêu, nhưng chị vẫn kiên trì lo cho con, thăm nuôi chồng trong chốn lao tù, giúp đỡ cho ba má, các em. Tôi nhớ mỗi lần về thăm gia đình, chị đều kho thịt, kho tôm mang theo vì sợ đưa tiền ba má tôi hà tiện sẽ không dám mua ăn. Tình thương và sự chăm lo cho gia đình của đứa con gái lớn nhất chắc là khó ai có thể hơn được.

 

Khi anh Bảy của tôi mất bất ngờ vì tai nạn, anh chị Hai tất tả về dự đám tang, tôi cũng nhớ rõ không bao giờ quên, khi chị ôm lấy xác, nước mắt và máu mũi anh Bảy bỗng tuôn ra, dù anh đã nằm lạnh ngắt từ hôm trước. Dòng máu và nước mắt đó như để chứng minh tình chị em thương nhau rất đặc biệt.

 

Sau khi anh Hai đi "cải tạo" về, nhìn ra được cái tệ hại của "Xã hội Chủ nghĩa" anh chị đã vượt qua biết bao khó khăn, tự mua ghe để vượt biên, nhờ thế cả gia đình lúc đó tổng cộng 13 người đã thoát được Việt Nam. Tôi luôn mang ơn anh chị đã đưa tôi sang đây.

 

Khi rời trại tị nạn Galang sang Cali, chúng tôi phải chống chõi với rất nhiều thử thách. Chị luôn khuyến khích, có khi la rầy, ép buộc đàn con và con em út là tôi lo học, lo làm. Để có thể dành dụm tiền mua nhà, chị dù lớn tuổi, không giỏi tiếng Anh nhưng đã làm đủ việc. Việc chính là giữ trẻ tại nhà. Chị coi tới 3, 4 đứa trẻ một lúc. Khi ba má chúng muốn đi chơi cuối tuần, chị giữ trẻ thêm "overtime", không quản ngại giờ giấc. Mắc cười có lần chị giữ 1 đứa bé người Phi không biết tiếng Việt, chị tắm cho nó và muốn bảo nó nhắm mắt lại để chị gội đầu, nhưng chị lại nói lộn "close your ears" thay vì "close your eyes"!. Chị thông minh, giỏi văn phạm, nhưng phát âm khó khăn, như khi nói chữ "student" chị thường làm mất chữ S ở đầu, phát âm "tú-đân". Chúng tôi nhắc chị phải có S, chị bậm môi đọc "Six-student", tức là tới 6 đứa học sinh! Tuy vậy chị đọc báo Mỹ để mua đồ Sales hạ giá tài hơn chúng tôi, tiện tặn nên để dành được khá nhiều tiền dù cả nhà lúc ấy lương không cao. Khi chúng tôi vội vã mua lộn thứ không sales, chị bắt chúng tôi ra chợ đổi lại.

Chị hy sinh bản thân, luôn sẵn lòng giúp đỡ nhà thờ, người khác nhất là bà con bên Việt Nam. Chị chỉ vui khi được về quê thăm người thân, cho họ quà cáp. Rủ đi du lịch chị nhất định không đi vì sợ hao tốn, có lần các cháu phải đánh lừa mới đưa được chị đi Las Vegas với gia đình.

Chị nấu ăn ngon, chăm lo từng chút cho từng người. Chị khéo tính toán, như lấy tiền của đứa con lớn cho đứa nhỏ hơn mượn để mua nhà, cho tới khi tất cả đều có nhà, đều trở thành kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nên người tốt đẹp trong xã hội. Không những chỉ giúp gia đình về vật chất, chị cũng luôn khuyến khích dạy dỗ các cháu biết về đạo, kết quả các cháu và cả anh Hai tôi đều đã tự nguyện xin được rửa tội và trở nên người Công Giáo tốt sau này.

 

Tiếc là thời gian hưởng nhàn, tận hưởng thành quả gieo trồng của mình không được bao nhiêu, vì chị ngã bệnh. Trong suốt 14 năm, chị được anh rể và các con tận tình chăm sóc, lo lắng rất nhiều, thế mới biết ý nghĩa thật sự của hai chữ "Tình Nghĩa". Trong đám tang chị, tôi thật sự xúc động khi anh rể chia sẻ trước cộng đoàn thánh Cecilia's, Tustin, California bằng câu nói chân tình để tiễn biệt chị: "Mình ơi, tôi yêu mình". Một người đàn ông đã hơn 80 tuổi dám can đảm chia sẻ nỗi niềm yêu thương với vợ trước mặt mọi người - "Mình ơi, tôi yêu mình". Có lẽ nhờ tình yêu này mà anh đã nhọc công chăm sóc chị như đứa trẻ trong nhiều năm dầu nhiều khi chị không nhận ra anh là ai.

 

Chị tôi không nổi tiếng, không làm những chuyện "kinh bang tế thế", nhưng chị đã làm những việc lớn cho đại gia đình mà có lẽ một người nổi tiếng sẽ không còn thì giờ tâm trí để làm.

 

Tôi tin chị đang mỉm cười trên chốn Thiên Đàng, tiếp tục cầu nguyện và phù trợ cho cả gia đình như chị đã làm khi còn sống.

 

No comments:

Post a Comment