Sub Label Menu bars



Mưa

 

Mưa

 

Nguyễn Ngọc Duy Hân

 

"Gió mưa là bệnh của trời, tương tư là bệnh của tôi yêu nàng", đây là 2 câu thơ của Nguyễn Bính mà có lẽ rất nhiều người biết tới. Mưa gió có là bệnh của ông Trời không? Tại sao có mưa? Có những cơn mưa đặc biệt nào đã xảy ra? Người ta cũng triết lý "phải đi qua hết những ngày mưa, mới thấy trân trọng những ngày nắng". Vâng, mưa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, cũng là nguồn cảm hứng trong văn hóa và nghệ thuật. Mỗi giọt mưa là một giai điệu khác nhau tùy theo tâm trạng con người. "Trông tin con như trời hạn trông mưa", ai ở Cali và các vùng nóng khô sa mạc thì chắc hẳn sẽ thấy quý hơn những cơn mưa, những giọt nước. Hôm nay trời mưa rả rích, mời bạn cùng tôi đắm mình trong buổi hòa nhạc của thiên nhiên, và tìm hiểu đôi chút về chủ đề mưa này nhé.

 

Quả không sai khi người ta nói mưa là quà tặng từ trời cao. Nó đem đến sức sống cho những loài cỏ cây, động vật, làm tươi mới bức tranh thiên nhiên, và làm dịu đi cái khô hạn khắp nơi. Người nghệ sĩ thấy mưa như là những viên ngọc lấp lánh trên lá cây, người buồn thấy mưa là những giọt nước mắt khóc thay cho mình. Mưa nhiều sinh ra lũ lụt. Lũ làm người ta ghét nên chữ "lũ" dùng để chửi nhóm người xấu, chẳng hạn lũ khốn nạn, lũ chó, bè lũ cộng sản.... Chửi cho dzui, chứ chữ lũ này chỉ đồng âm mà khác nghĩa thôi nhé. Nói tới chữ nghĩa thì phải nhắc tới ngay kẻo quên, những ai họ Vũ hoặc tên Vũ thì đích thị chữ này có liên hệ đến mưa.

 

Các nhà khoa học giải thích mưa là các giọt nước lỏng, khi ngưng tụ từ hơi nước trong khí quyển sẽ đủ nặng để rơi xuống đất dưới tác động của trọng lực. Mưa có nhiều ích lợi lắm, tạo điều kiện sống phù hợp cho nhiều loại sinh vật, môi trường, cũng như cung cấp nước cho các hoạt động thủy điện, thủy lợi.

 

Ở Botswana, chữ "mưa" trong tiếng Setswana - Pula - được dùng làm tên của đơn vị tiền tệ, nói lên tầm quan trọng của mưa đối với quốc gia có khí hậu sa mạc này.

Nước mưa thì thường không có màu, nhưng có mùi đấy.  Mùi này là petrichor, một loại dầu do thực vật tiết ra, sau đó được đất đá hấp thụ và hòa vào không trung khi trời mưa. Ở Việt Nam khi mưa hay có mùi đất! Bạn từng ngửi qua mùi của mưa chưa?

 




Có rất nhiều loại mưa, tùy theo lớn, nhỏ, tiếng Việt hay tiếng Anh đều có rất nhiều chữ để diễn tả: mưa dông, mưa phùn, mưa rào, mưa tuyết, mưa đá... Hồi xưa vua chúa ban thưởng cho dân thì gọi là được ơn mưa móc, người ta luôn cầu nguyện cho được mưa thuận, gió hòa, các thi sĩ thì ca ngợi các cơn mưa tình yêu.

 

Mưa đóng vai trò quan trọng về mặt tín ngưỡng cũng như văn hóa. Người Sumer cổ đại tin rằng mưa là tinh dịch của vị thần tên An xuống để thụ tinh cho vợ của mình là nữ thần trái đất tên Ki. Nhờ đó nữ thần sinh ra cây cối trên địa cầu. Người Akkad tin rằng mây là ngực của nữ thần Antu, vị thần cho ra sữa từ những cơn mưa.

 

Riêng trong kinh Thánh Công giáo cũng có nhắc nói nhiều về mưa. Chúa Giêsu đã nói: “Cha các ngươi ở trên trời đã khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công chính cùng kẻ độc ác” (Matthew 5:45).

 

Sách Gióp đoạn 36, câu 26-28 đã mô tả tuần hoàn của nước như sau: “Đức Chúa Trời thâu hấp các giọt nước, rồi từ sa mù nước ấy bèn hóa ra mưa, đám mây đổ mưa ấy ra cho loài người”. Ông Gióp cũng hỏi: "Ai có tài đếm các cụm mây, nghiêng đổ các bầu nước trên trời?” Câu hỏi này vẫn chưa ai trả lời được.

 

Kinh Thánh cũng có ghi câu "Thánh Linh của Chúa sẽ ngự xuống như mưa tuôn nước trên mặt đất, khiến các dòng sông tuôn chảy, những ao hồ được đầy nước, và những nơi khô hạn sẽ được nước thấm nhuần".

 

Tiên tri Êsai cũng chép về Chúa Trời rằng: "Ta sẽ khiến sông chảy ra trên các đồi trơ trọi, và suối trào lên giữa các thung lũng. Ta sẽ biến hoang mạc thành ao hồ, và đất khô thành các nguồn nước".

 

The kinh Phật thì trăm triệu hạt mưa rơi không có hạt nào rơi nhầm chỗ, nghĩa là tất cả những người ta từng gặp không ai là ngẫu nhiên. Người đến bởi nợ đầy, người đi bởi duyên hết. Mọi thứ đều là duyên phận an bài, cho nên không có gì phải cưỡng cầu, mọi đau khổ của cuộc đời chỉ là tạm thời.

 

Triết lý Phật cũng cho rằng vạn vật trôi chảy, không có gì trường tồn. Dù mưa to gió lớn đến đâu cũng không cần sợ hãi, bởi mây khói rồi cũng sẽ tan. Chỉ khi coi nhẹ bản thân, chúng ta mới không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đau khổ.

 

Câu chuyện về Khổng Minh cầu mưa là một truyền thuyết của Trung Hoa, ghi lại trong thời Tam Quốc Chí, lúc đó đất đai khô cằn, cây cỏ héo úa làm đời sống gặp nhiều khó khăn. Khổng Minh Gia Cát Lượng khi ấy lên đền thờ ở đỉnh núi, thực hiện một số nghi lễ, và đã thành công trong việc cầu mưa. Nhờ đó khu vực trở nên mềm mại, cây cỏ trổ bông, có nguồn nước cho mọi sinh linh. Sự thành công của Khổng Minh làm cho người dân hết sức vui mừng và làm tăng sự tôn trọng đối với ông.

Nghi thức cầu mưa cũng là một phần quan trọng trong nhiều nền văn hóa ở châu Phi. Ở Hoa Kỳ ngày nay, nhiều thống đốc các tiểu bang cũng đã theo phong tục tổ chức ngày cầu nguyện trời mưa, chẳng hạn như ở Texas vào năm 2011.

 

Ngày nay với phát triển của khoa học, người ta không cần cầu mưa là có thể tạo ra mưa nhân tạo, được sử dụng để ổn định khí hậu, kiểm soát lượng mưa, hoặc giảm thiểu hậu quả của đợt hạn hán.

Một trong các phương pháp làm mưa nhân tạo được gọi là "gieo hạt - seeding", khi người ta sử dụng máy bay để gieo các chất làm đặc nước như muối iodide hoặc băng đá vào mây. Những hạt này tương tác với các chất nước có sẵn trong đám mây rồi tạo ra những hạt mưa. Tức là cũng phải có bột mới gột nên hồ.

Người ta cũng sử dụng laser hoặc các phương pháp khác để tạo ra điều kiện cho sự hình thành hạt mưa trong đám mây. Tuy nhiên, việc làm mưa nhân tạo vẫn có nhiều tranh cãi về hiệu quả và tác động môi trường của các phương pháp này.

 

Ở Việt Nam một số vùng chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa nắng. Tại miền Nam, mùa mưa thường bắt đầu từ cuối tháng 4 cho đến hết tháng 10. Trong ca dao tục ngữ, ông bà ta cũng đã biết xem dự báo thời tiết từ xưa, qua những câu như: "Vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa” hoặc khi “Kiến đen tha trứng lên cao, thế nào cũng có mưa rào rất to”. Bạn có thuộc các bài đồng dao như: “Lạy trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày. Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp" không?

 

Hoặc các câu “Đêm qua chớp bể mưa nguồn, Hỏi người tri kỷ có buồn hay không?”, "Nhớ ai, em những khóc thầm, Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa...” hoặc câu “Chàng về để thiếp xin đưa, Xin ông trời lại nắng, khoan mưa trơn đường” là những câu lục bát rất phổ thông đã được lưu truyền qua nhiều đời.

 

Người ta còn ví von “Mai mưa, trưa nắng, chiều nồm. Trời còn luân chuyển, huống mồm thế gian” để chỉ cái độc địa của miệng lưỡi thế gian.

 

Ông bà xưa sáng tác ra những câu tục ngữ rất hay, dựa trên kinh nghiệm của mình để loan truyền cho đời sau, tiếc là một số em trẻ ngày nay, do ảnh hưởng xấu của chế độ giáo dục cộng sản, lại dùng tục ngữ với nghĩa là nói tục, chửi thề, thật là khổ!!!

 

"Trời mưa bong bóng bập bồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai" là câu trách không cho người phụ nữ đi bước nữa. Với tôi thì quan niệm "thờ chồng" này đã xưa và không nên tiếp tục, chồng chết thì phải cho người phụ nữ làm lại cuộc đời chứ, miễn là cô ấy vẫn biết lo cho con. Chẳng may mất chồng, mà suốt đời còn lại cứ phải ôm chồng chén bát của nhà chồng mà rửa, mà hầu hạ gia đình chồng thì "not fair" quá.  Còn mấy ông góa vợ "quá đã" nữa, để ông sống cô đơn không ai chăm sóc cũng tội nghiệp. Kể cả các ông chồng hay bà vợ còn sống nhăn, nếu không hợp nhau thì cũng nên để người đó đi bước nữa, lỡ con đò này có con đò khác, không cần phải ngồi đó khóc than tuyệt vọng. Tôi vẫn mừng là mình được sống ở hải ngoại, không phải sống theo dư luận xưa cổ ở Việt Nam, nhất là không phải sinh ra là người Hồi, khi có một số đã quá khắt khe với phụ nữ. Cứng cổ như tôi chắc bị nhà chồng "xử" rất nặng từ lâu rồi.

 

Bây giờ xin nhắc qua về chủ để mưa trong âm nhạc Việt. Nhiều lắm vì đây là để tài muôn thuở sau tình yêu. Nhớ tới đâu viết tới đó, bạn biết thêm xin nhắc dùm nhé. Đầu tiên là Biển nhớ của Trịnh Công Sơn với câu "Bàn tay chăn gió mưa sang". Tôi vẫn nghêu ngao câu này nhưng vẫn không hiểu "chăn gió" ở đây ông TCS mean cái gì!

Còn bài Mưa hồng thì quá nổi tiếng rồi: "Còn mưa xuống như hôm nào, Em đến thăm mây âm thầm mang gió lên. Người ngồi đó trông mưa nguồn..."

Các bài hát với tựa đề "Mưa rừng", "Mưa đêm ngoại ô", "Mưa Saigon mưa Hà Nội", "Giọt mưa thu", "Thương nhau ngày mưa", "Giọt mưa trên lá", "Tháng 6 trời mưa", "Cơn mưa phùn", "Sao vẫn còn mưa rơi", "Giã từ đêm mưa", "Thà như giọt mưa", "Mưa trên biển vắng"... thì có lẽ ai cũng biết, cũng từng hát qua.

Tôi rất thích bài "Ướt mi" của Trịnh Công Sơn, bài nhạc rất buồn, âm điệu lê thê như một cơn mưa.

Hoặc "sến" hơn thì rên rỉ "mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi..."

 

Trong tác phẩm Kiều của cố thi hào Nguyễn Du, cũng có rất nhiều câu nhắc tới mưa, để thấy mưa gần gũi trong đời sống như thế nào:

 

"Thúc Sinh trông mặt bấy giờ,

Mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm.

 

Cớ sao trằn trọc canh khuya,

Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa?

 

Tay tiên gió táp mưa sa,

 

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

 

Giọt riêng tầm tã tuôn mưa,

Phần căm nỗi khách phần dơ nỗi mình

 

Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây!

Lỡ chân trót đã vào đây,

Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều.

 

Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.

Bấy chầy gió táp mưa sa.

 

Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân?

Mặc người mưa Sở, mây Tần..." nhiều lắm, đếm ra tới mấy chục câu.

 

Xin mở ngoặc chuyện mây mưa là chữ dùng để chỉ chuyện ấy!

 

Trở về thực tế, trong thiên nhiên, đã có những cơn mưa rất lạ, không phải mưa đổ xuống nước mà là mưa rơi xuống các động vật, thường là cá nhưng có khi cũng là sinh vật dưới biển như bạch tuộc, hoặc ếch và cóc. Thậm chí có một số ghi chép về mưa nhện.

Tại làng Yoro ở Honduras, cứ đến mùa hè là có mưa cá, nên năm 1998, một ngày lễ mang tên Pelus de Lluvia đã được tổ chức hàng năm để kỷ niệm hiện tượng này.

 

Mưa thường hay thấy ở xứ lạnh là mưa đá, tức là nước đóng lại thành cục to nhỏ rơi xuống, có cục to làm u đầu, dập méo cả xe hơi. Bản thân tôi ở Tổ Rồng To (Toronto, Canada) cũng có thấy mưa đá nhiều lần, có lần rơi trước nhà cục to gần bằng trái trứng ... cút (không phải trứng đà điểu), tôi nhặt đem bỏ ngăn đá làm kỷ niệm, nhưng sau đó đi chợ mua nhiều thứ quá nên những trái trứng nước đá xinh xắn này phải nhường chỗ cho thịt và cá!

 

Mưa thường xảy ra ở từng vùng nhỏ, nhưng cũng đã có các trận mưa toàn cầu (Global Rainfall) là mưa xảy ra trên diện tích rất rộng, tác động lớn đến nhiều khu vực trên thế giới, xuất hiện trong các biến đổi khí hậu đặc biệt.

 

Lạ hơn nữa là có mưa máu, tức là nước từ trên trời rơi xuống nhưng lại có màu đỏ như máu. Nhiều người lo lắng nghĩ rằng đây là điềm báo chết chóc từ thần linh. Chẳng hạn ở Ấn Độ ngày 25/7/2001, trận mưa màu đỏ thẫm trút xuống nhiều khu vực thuộc bang Kerala và tiếp tục xuất hiện hôm 23/9/2001.  Hoặc năm 2008, tại La Sierra, Choco - Columbia có cơn mưa máu kéo dài gần nửa giờ đồng hồ. Theo các nhà khoa học giải thích, màu đỏ của nước là hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí. Họ chứng minh mưa trên trái đất không chỉ có màu đỏ mà còn có thể mang màu vàng, đen và trắng đục như sữa. Như vậy thì giả thuyết mưa là sữa của thần linh có nói ở đầu bài là đúng rồi! Các khoa học gia cũng cho biết phấn hoa tạo ra mưa màu vàng, bụi mỏ than gây ra mưa màu đen.

 

Tại một số sa mạc như Sahara, có thể xuất hiện hiện tượng mưa cát, khi cát bị cuốn lên cao rồi rơi xuống như mưa.

 

Người dân của Jennings, Louisana Hoa Kỳ cũng đã từng hứng chịu một trận mưa giun đáng sợ. Sau cơn mưa trời lại sáng, nhưng đàn giun từ không trung rơi xuống vẫn bò lổm ngổm trên đường, bám trên quần áo người dân. Đến nay vẫn chưa có giải thích thỏa đáng về hiện tượng này.

Đáng sợ hơn là vào tháng 1 năm 1877 tại Memphis, Hoa Kỳ, những con rắn rơi từ trên trời xuống dài tới nửa mét đã gây kinh hồn cho người dân.  

 

Nói chung người ta cho với giông lốc, các cơn gió xoáy đã hút nước từ hồ hoặc đại dương đem theo từng đàn cá, các động vật tung lên không trung, sau đó, gió đưa chúng vào trong đất liền rồi rơi xuống đất. Ngộ cái là tôi hay nằm mơ thấy mưa cá, đi bắt cá dù không thích ăn cá mấy. Bạn nào giỏi đoán điểm giải mộng xin giúp tôi nhé.

 

Mưa giun, mưa rắn thì sợ, nhưng thực tế đã xảy ra mưa tiền, thích chưa? Sự việc này đã thực sự xảy ra vào năm 1940 tại Gorky, Nga. Cơn mưa tiền xuất hiện sau khi một cơn bão quét qua khu vực này. Tiếp theo vào năm 1968, tại Ramsgate, Anh cũng xuất hiện cơn mưa tiền, nhiều cơn mưa tiền khác cũng đã xảy ra ở Pháp, Đức hay Dubai.

 

Mưa tiền cũng không quý bằng mưa kim cương, nghe nói đã xảy ra trên Sao Mộc và Sao Thổ. Cầu sao cho cơn mưa hột xoàn này rơi xuống sân nhà tôi thì vui biết mấy.

 

Nói chuyện mưa tiền, mưa kim cương thì khá trần tục, nên tôi xin ghi vài dòng về cơn mưa rất nên thơ là mưa ngâu, khi Ngưu lang Chức nữ - có tên gọi khác là Ông Ngâu Bà Ngâu gặp nhau, đã là đề tài trong thơ văn. Chuyện là khi hai người phải xa nhau, các con quạ thương quá nên bay lên trời để làm cầu "Ô thước" để đôi vợ chồng có thể gặp nhau chỉ trong một đêm, là đêm thứ bảy của tháng 7 âm lịch.

 

Chuyện lạ thế giới xảy ra năm 1986 ở vùng biển Okhotsk gần Siberia đột nhiên xuất hiện một cơn mưa bò. Đúng rồi, bạn không đọc nhầm đâu, vì lúc đó đã có khoảng 23 con bò rơi từ trời xuống, trong đó có một con rơi trúng tàu đánh cá của Nhật Bản và khiến tàu bị chìm. Thì ra nguyên nhân của cơn mưa bò là do một chiếc máy bay chở bò của Nga đang bay trên không thì bất ngờ đàn bò lên cơn điên, các phi công đã buộc phải mở cửa khoang hàng để thả chúng rơi khỏi máy bay. Xin nhắc nhỏ bạn đừng lên cơn điên khi đi máy bay nhé, kẻo lại bị cùng số phận như đàn bò điên này.

 

Bây giờ xin tản mạn chút xíu về vài bộ phim nổi tiếng mà mưa đóng vai trò quan trọng, thí dụ cuốn "Blade Runner" năm 1982 đã có nội dung về mưa, xuất hiện trong bối cảnh đen tối của thành phố tương lai Los Angeles, tạo nên không khí bí ẩn cho bộ phim khoa học viễn tưởng.

Cuốn "The Shawshank Redemption" ra mắt năm 1994 thì mưa có trong nhiều cảnh quay quan trọng của bộ phim, tạo nên khung rất cảnh đẹp. "Singin' in the Rain" là phim cũ từ năm 1952, nhưng vẫn được đánh giá cao vì là cuốn phim nhạc kịch vui nhộn, nổi tiếng với những cảnh hát múa dưới mưa, dưới ánh đèn đường.

 

Văn chương ngoại quốc thì nổi tiếng có cuốn "The Rain God" (1973) của Arturo Islas, bối cảnh Mexico, tập trung vào gia đình Leonides - người được cho là có khả năng gọi mưa.

"The Art of Racing in the Rain" của Garth Stein là cuốn tiểu thuyết về chú chó có tên là Enzo. Chú đã theo dõi cuộc sống của chủ nhân qua những thăng trầm trong đời sống và những cơn mưa.

 

Để che mưa, người ta làm ra dù, áo mưa, mũ nón... không thể đọc câu "trời mưa thì mặc trời mưa, tôi không có mũ trời chừa tôi ra được".

 

Thôi trời đã ngưng mưa, tôi cũng phải chuẩn bị đi làm, nên xin kết thúc chuyện mưa ở đây. Tôi xin ghi lại vài câu danh ngôn liên hệ đến mưa, mong bạn có thể áp dụng vào đời sống để thăng tiến hơn:

 




"Mưa là khi nắng ẩn mình, là bản hòa nhạc của đất trời, là sự kết nối giữa trái tim của ta và vũ trụ."

 

"Hãy tích cực, mưa không làm chìm lụt, mà làm nở hoa hồng."

 

"Mưa là cầu vồng của cuộc sống, sau cơn mưa sẽ là bình yên và tươi mới."

 

Vâng, xin chúc bạn luôn lạc quan, thấy được mưa làm cho cuộc sống bạn trở nên đẹp hơn, làm cho tâm hồn thanh thản và yên bình. Qua hiện tượng mưa, chúng ta có thể tìm thấy sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, học được bài học về sự sống. Sau mỗi cơn mưa, sau mỗi thử thách là dịp để ta trân trọng những khoảnh khắc của cuộc sống. Vậy hãy thưởng thức mưa như bản nhạc không lời đẹp đẽ, cùng hòa mình trong bản giao hưởng của thiên nhiên và con người, và luôn sống tốt nhất trong hoàn cảnh mình, khi mưa cũng như khi nắng.

No comments:

Post a Comment