Sub Label Menu bars



Buồn Vui Năm 2020

 Buồn Vui Năm 2020

 

Thấm thoát mà một năm Dương Lịch lại đã trôi qua - năm 2020 với nhiều biến động, thay đổi. Thời gian nhanh như gió tho​ả​ng, nhớ mới hôm nào bắt đầu năm 2000, gia đình tôi và mọi người đều lo lắng cho một thiên niên kỷ mới, lo tích trữ gạo, nước, sợ điện bị cúp, lo hệ thống computer bị hư hỏng …. mà bây giờ 20 năm nữa đã trôi qua. Con số 2020 nhìn rất đặc biệt, nên cũng đã có khá nhiều sự kiện ​khác lạ​ xảy ra trong năm rồi. Mời bạn cùng tôi điểm qua vài sự kiện quan trọng nhé.


Đầu tiên thì phải kể tới đại dịch​​ COVID-19. Thế giới ghi nhận bệnh nhân số 0 là một người dân ở Vũ Hán nước Tàu, 55 tuổi. Sau khi không thể che đậy dấu diếm, WHO đã phải công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Đến nay, cả thế giới chịu ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội. Mặt nạ, thuốc chích ngừa là vấn đề hàng ngày trên các báo chí, truyền thông. ​Người ta bị hạn chế tiếp xúc, giao thông công cộng bị đình trệ, ngành du lịch bị chết cứng. Biết bao tiền bạc, hợp đồng mua bán bị tiêu hủy, nạn thất nghiệp gia tăng chưa từng có. Dù chính phủ các quốc gia có hỗ trợ, cứu nguy người dân nhưng cũng không được bao nhiêu. Số nợ nần thâm thủng quốc gia này không biết sau này chúng ta và con cháu phải trả cách nào, đến bao giờ mới khỏi xuống dưới số zero. Tiếp theo suy thoái kinh tế là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, ngoài một vài hãng làm thuốc chủng ngừa, bán hàng “online” có giá stock lên, còn đa số các công ty khác đều bị xuống giá trầm trọng, mỗi ngày hàng bao nhiêu triệu đô-la bị biến mất.

Người ta thống kê thấy nữ giới bị mất việc làm nhiều hơn nam giới, vì phụ nữ thường làm việc ở những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất như du lịch và bán lẻ, làm trong các ngành phục vụ như nhà hàng, khách sạn… Riêng người Việt mình ở hải ngoại thì ​lao đao do tiệm Nail, tiệm cắt tóc, tiệm ăn bị lệnh “lockdown”​ phải​ đóng cửa. Ngay cả các tiệm bán hoa cũng khó làm ăn, vì không có tiệc, không có sinh nhật, thì đâu cần hoa hòe làm gì! Đám tang thì nhiều hơn nhưng phải tổ chức trong giới hạn, không có bao nhiêu người đi viếng funeral thì hoa cũng trở nên ế ẩm. May ra thì nhà quàn, nơi bán quan tài là đắt khách hơn trước. Các bà ít ra đường​ nên cũng chẳng cần quần áo đẹp, son phấn trang điểm. Đi chợ thì che mặt kín mít, tô son điểm phấn cũng hoài của. ​Có lần​ đi nhà thờ, tôi đem chè mới nấu tặng vài anh chị bạn mỗi người một hộp. Trao quà xong về nhà tôi ngơ ngẩn, vì không chắc mình đã trao hộp chè cho đúng người, ​vì anh đeo mặt nạ kín mít, đôi mắt nhìn tôi có vẻ rất ngạc nhiên, có lẽ anh thắc mắc sao bà này tự nhiên lại đem cho mình chè. Chùa chiền, nhà thờ cũng vắng ​vẻ, có thời gian được mở cửa lại với số người hạn chế, nhưng khoảng cuối năm 2020 thì lại ​đóng​ cửa trở lại. Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa bị ngưng trệ, phải học và họp phải qua hệ thống viễn liên, các sinh hoạt đều mang tính cách tạm thời, vá víu. Khẩu trang không chỉ trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của năm 2020 mà còn là biểu tượng của một thời kỳ đáng sợ. Đến các bức tượng nổi tiếng, ông già Noel, cục kẹo chocolate hình ông già Noel, các gốc cây… cũng phải đeo khẩu trang, thì việc chiếc “mask” trở thành vấn đề “nổi cộm” là chuyện đương nhiên. Thôi thì đành làm quen với cuộc sống ảo, chấp nhận khó khăn chứ biết sao bây giờ.



Sau Covid, sự kiện khá quan trọng mà báo chí thế giới đã công nhận là việc Nga sửa đổi hiến pháp, kéo dài nhiệm kỳ Tổng Thống. Chuyện này xảy ra vào đầu tháng 7, gần 80% cử tri Nga đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi hiến pháp, trong đó có việc hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Sửa đổi này cho phép tổng thống Vladimir Putin ra tranh cử thêm 2 lần nữa, và như vậy ông Putin có khả năng duy trì quyền lực cho đến năm 2036. Chuyện này cũng quen quen, giống như chuyện ​luật lệ ở Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa​, tất cả nằm trong quyền lực của chủ tịch.​

Tiếp theo là cuộc chiến pháp lý ở biển Đông. Bất chấp đại dịch COVID-19, Trung Cộng vẫn tiếp tục leo thang hoạt động quân sự tại biển Đông, dù nhiều năm qua, rất nhiều các quốc gia đã phản đổi mạnh mẽ. Chẳng hạn trong năm 2020, Philippines, Malaysia, Indonesia đã đồng loạt gửi công hàm ngoại giao đến Liên Hiệp Quốc, phản đối đường 9 đoạn “Lưỡi Bò” của Trung Cộng. Ngoài ra, Mỹ, Úc ​rồi​ 3 nước châu Âu - Anh, Pháp, Đức - cũng gửi văn thư bác bỏ yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh. Về phía người Việt hải ngoại, cũng đã có các nhóm kết hợp với người Việt quốc gia trong nước lo việc thưa Trung Cộng ra tòa án quốc tế, mong đòi lại được Hoàng Sa, Trường Sa toàn vẹn lãnh thổ. Công việc không dễ dàng nhưng nếu không làm, không cố gắng thì sẽ không có chút hy vọng nào.

Đụng độ biên giới giữa Ấn Độ - Trung Cộng cũng là một trong những việc đáng nhắc tới trong năm qua. Sự tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước này trong nhiều năm qua đã trở nên căng thẳng hơn cả sau vụ ​bắn nhau ở biên giới khiến 20 người lính Ấn Độ thiệt mạng hồi tháng 6, 2020. Bộ mặt thật của Trung Cộng ngày càng rõ ràng hơn trước tai mắt quốc tế, nhất là sau cơn dịch Vũ Hán. Cứ đà này, Trung Cộng sẽ có nhiểu cơ hội lấn lướt các nước lớn và trở thành quốc gia có thể chi phối cả thế giới. Mong là các nưc đều mạnh mẽ có thái độ để Trung Cộng bớt lộng hành.

Việc người đàn ông da đen tên là George Floyd bị người cảnh sát da trắng ghì cổ đến chết cũng đã là sự kiện lớn xảy ra ở Hoa Kỳ trong năm qua. Ngưi dân khp thế gii ​tức giận ​biểu tình rồi đi đến bạo động. Phong trào Black Lives Matter sau đó bị lợi dụng để hôi của, phá hoại, rất nhiều các bức tượng đã bị giật sập, nhiều địa danh phải bị đổi tên vì không dám dính líu tới người da màu.



Báo chí cũng nhắc lại việc “đàn hặc”, dự định truất phế tổng thống Donald Trump nhưng ​cũng may chuyện ​bất thành​, chỉ làm tốn thêm một mớ tiền thuế của người Mỹ.​

Sự kiện lớn trong năm qua cũng là chuyện “bầu” giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa bên Mỹ. Cuộc bầu cử Tổng Thống 2020 là cuộc bầu cử gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đến bây giờ là cuối năm 2020, mà vẫn chưa ng​ã​ ngũ ai là tổng thống. Các gia đình, các nhóm gây gỗ nhau hằng ngày trong các bữa cơm, diễn đàn, thậm chí đi đến mạ lỵ phỉ báng nhau vì người bênh Trump, người bênh Biden. Đứng giữa có các “dư luận viên” ăn tiền Cộng Sản thọc gậy bánh xe, làm xáo trộn mất đoàn kết, mắng chửi nhau kinh hồn. 

Bạn có đọc câu chuyện vui về ​việc ​bầu bán sau đây chưa​ (ông bà mình dùng chữ hay quá, bầu thì phải đi liền với bán!)​:

Người Mỹ hãnh diện"Chúng tôi với kỹ thuật hiện đại, buổi sáng bỏ phiếu, buổi chiều biết liền​ ​ai là tổng thống".

Người Trung Cộng điềm tĩnh nói: "Sao các bạn kém vậy​ mà​ cũ​ng khoe, chúng tôi hôm nay bỏ phiếu, nhưng năm ngoái đã biết chủ tịch là ai rồi".

Người Bắc Hàn tỏ vẻ khinh thường: "​Chẳng cần bỏ phiếu, khi học mẫu giáo đã biết ai sẽ là chủ tịch tiếp theo rồi".

Người Nhật Bản bối rối tiếp theo"Chúng tôi đã bỏ phiếu, nhưng cũng không biết ai là Thủ tướng".

Người Nga cười nhạt một tiếng: "Tổng thống của chúng tôi mệt mỏi khi làm thủ tướng, và thủ tướng cũng mệt mỏi khi làm tổng thống".

Một người Cuba nghi hoặc, yếu ớt hỏi: "Này anh, người lãnh đạo cũng có thể thay đổi à?"

Người Iraq lớn tiếng trả lời: Có thể chứ, làm sao không thể đổi! Nếu không đổi, người Mỹ sẽ cho anh đổi!".

Người Việt Nam thì cúi mặt: “Đảng cử, Dân bầu, không cần đi bầu cũng biết nhà nước sẽ có báo cáo có 99% dân đi bầu”

Còn năm nay, người Mỹ lại phải đổi cách nói, than rằng"Chúng tôi bỏ phiếu từ gần 2 tháng nay, đếm tới đếm lui mà đến nay vẫn không rõ tổng thống là ai?"


Tiếp theo chuỗi chuyện rắc rối là việc cháy rừng ở Úc: “The Black Summer Fires”. Sydney bị chìm trong khói bụi cháy rừng. Chính phủ Úc phải tuyên bố đây là tai nạn lớn của quốc gia, gần 500 triệu thú vật đã bị chết cháy. Các nước trong có lính cứu hỏa Canada đã phải sang Úc tiếp cứu.



Hỏa hoạn cũng tiếp tục ở Hoa Kỳ, đặc biệt tại California làm thiệt hại rất nhiều. Nơi thì thần lửa nổi giận, nơi thì mưa gió ngập lụt, ôi thật là buồn​, giá mà bù đắp cho nhau được​. Các trận lụt lớn bên Phi, bên Tàu, Việt Nam cũng là điều không thể quên trong năm qua.

Tấm hình chụp một phụ nữ thuộc bộ tộc Turkana bị bủa vây bởi “giặc châu chấu” tại sa mạc Turkana, Kenya cũng trở thành tiêu đề cho năm 2020. Đám châu chấu khổng lồ này làm thiệt hại mùa màng, gây ​thêm ​đói kém nghèo khổ không ít.



Kế tới là việc chiếc Boeing 737 của Ukrainian bị bắn rớt, vì người Iran tưởng lầm đây là hỏa tiễn của “giặc lạ”. ​Quả là "lầm chết người", ​Iran tuyên bố sẽ bồi thường tiền cho nạn nhân, nhưng số tiền có là bao ​so với mạng người phải chết tức tưởi như thế.



Được nhắc tới nhiều là một vụ nổ kinh hoàng tại trung tâm Beirut cũng đã làm khu vực này trở thành bình địa, thiệt hại rất to lớn. Những người cầm đầu chính phủ Lebanon này đã bị dân chúng chống đối đòi​ h​ ph​i​ ​từ chức​, do quá bất cẩn chứa nhiều hóa chất dễ nổ mà không phòng ngừa,



Tại Thái Lan, chuyện chấn động trong năm ​là việc ​khu trung tâm buôn bán lớn đã bị một người lính nổ súng làm 29 người chết và 58 bị thương.

Các cuộc biểu tình lớn ở Hongkong cũng là sự kiện quan trọng, hàng triệu người đã xuống đường đòi tự do​. Dù bị Trung Cộng đàn áp​ dã man​, mọi người đặc biệt giới trẻ vẫn không sờn lòng.



Tại Anh, năm qua Hoàng Gia cũng đã thêm nhức đầu do ​h​oàng ​t​ Harry và vợ là Meghan Markle tuyên bố “quit” Hoàng Gia, không thèm tước vị công nương, hoàng tử. Giàu có, quyền lực như Nữ Hoàng Anh mà cũng phải đối đầu với nhiều biến cố, có ai sung sướng hoàn toàn đâu.

Báo chí thế giới cũng liệt kê cái chết của Kobe Bryant, một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng của NBA bị tai nạn trực thăng là sự kiện đáng chú ý trong năm. Tiện đây cũng xin mở ngoặc vào cuối năm 2020, nhạc sĩ Lam Phương và Chí Tài đã qua đời. Về nghệ thuật thế giới thì người ta cũng cho việc cuốn phim “Parasite” nghĩa là “Ký Sinh Trùng” được tới 4 giải Oscars là sự kiện quan trọng. Phim và đạo diễn là người Đại Hàn, điều này cho thấy người châu Á cũng rất tài năng và đang phát triển vượt bậc trong nghệ thuật phim ảnh.



Tiếp theo các sự kiện trên là các hệ lụy đương nhiên ​xảy ra, ​đã dẫn tới sự nghèo đói khắp thế giới. Theo WB, COVID-19 đã khiến thêm 115 triệu người rơi vào cảnh cùng cực trong năm nay. Lớp người nghèo mới này đa số ở tại Nam Á hoặc vùng hạ Sahara của châu Phi. Thế giới trong 2020 có thêm khoảng 132 triệu trẻ em bị đói ăn​. Tại nhiều nơi, tình trạng khan hiếm lương thực và dịch bệnh đã gây ra mâu thuẫn và bạo lực. Tấm hình của một cậu bé bị suy dinh dưỡng, với ánh mắt tuyệt vọng tại tỉnh Hajj, Yemen cũng làm người ta xúc động ​mãnh liệt. Yemen là quốc gia xảy ra vi phạm nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới do 3 năm nội chiến.



Riêng tại Việt Nam, đối với tôi sự kiện quan trọng trong năm nay là việc tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển được trao giải Stefanus. Tổ chức Stefanus Alliance International của Na Uy hôm 20 tháng 10​, 2020​ đã làm buổi lễ trao giải thưởng đặc biệt cho ông Truyển.  Đây là giải trao cho người dám thể hiện lòng dũng cảm, dám tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo và Human Rights của con người. Trước đây giải thưởng này đ​ã trao cho các nhân vật tại Iraq, Bắc Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ​..​. Ông Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, một thành viên của Hội Ái Hữu Tù Nhân Lương Tâm và Hội Anh Em Dân Chủ. Năm 2017, ông Truyển cùng một số nhà hoạt động khác bị bắt và bị đưa ra xét xử. ​Sau đó, ông bị tuyên án 11 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ của Nguyễn Bắc Truyển từ Sài Gòn cho biết rất xúc động tự hào về chồng mình. Cho dù bản thân và các chị của đã phải chịu sự trả thù hết sức là bất nhân của nhà cầm quyền Việt Nam. Ông Truyển hiện ​ở tại nhà tù An Điềm, tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi sinh hoạt trong Phong Trào Yểm Trợ Dân Chủ Quốc Nội Toronto, rất gần gũi thân thiết với vợ chồng Nguyễn Bắc Truyển, rất cảm phục tinh thần dấn thân và hy sinh của họ.



Vâng, ở Việt Nam thì thế đấy, sau khi cướp đất ở Thái Hà, vườn rau Lộc Hưng hiện tượng Đồng Tâm, biết bao người bị giết, bị tù vì không chịu bị bọn cầm quyền chiếm đất cách vô lý. Thời gian gần đây nhiều tù nhân lương tâm khác cũng đã bị bắt, như nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, anh em Huỳnh Minh Tâm, Huỳnh Tố Nga, cô Thu Thủy… Trần Huỳnh Duy Thức vẫn đang tuyệt thực trong trại giam. Một công dân Canada là ông Châu Văn Khảm bị xử ​bản án vô lý vẫn còn trong tay bọn Cộng Sản

Mặc dù nhìn ở mặt ngoài, do ​được các​ công ty ngoại quốc đến Việt Nam đầu tư, công ăn việc làm có nhiều hơn, đời sống một số người dân đỡ khổ hơn, nhưng ăn chận, hối lộ, hà hiếp dân lành, đàn áp tôn giáo vẫn là chuyện không chấm dứt được ở quê nhà. Năm vừa qua bão lụt miền Trung lại xảy ra to lớn hơn bao giờ, người dân đã nghèo lại càng khổ hơn. Hiện tượng ca sĩ Thủy Tiên thu góp được số tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt rất lớn cũng được coi làm một việc đáng nhắc tới. Tại sao người dân không tin nhà nước, mà lại tin vào một nữ ca sĩ như thế, câu trả lời chắc là ai cũng biết rồi. 

Tại hải ngoại, các sinh hoạt cộng đồng như lễ tưởng niệm Quốc Hận 30 tháng 4, ngày Quốc tế Nhân quyền, các hội họp đểu bị ngưng do lệnh “lockdown”. Năm con Trâu sắp đến các Hội Chợ Tết cũng sẽ không có, không biết đến mùa hè 2021 mọi việc sẽ ổn định lại chưa. Quả là một năm buồn nhiều hơn vui.  

Tuy nhiên, nếu cứ bi quan nhìn vào cái tiêu cực thì cũng không nên. Qua đại dịch Covid, cũng có vài điều tốt mình nên nhắc tới. Đầu tiên là việc môi trường, không khí, các vùng biển được trong lành, bớt ô nhiễm hơn. Người ta cũng có thì giờ nhìn lại mình, dành nhiều giờ cho gia đình và bồi dưỡng tâm hồn hơn. Thức ăn cũng được “lành” hơn do ít đi ăn ngoài, tự nấu lấy tránh được dầu mỡ, bột ngọt, hóa chất. Tuy nhiên, cũng không ít người lên cân do thiếu vận động, ở nhà buồn nên ăn nhiều hơn. Có người bạn vui vẻ tuyên bố: “Cấm cung ở nhà ăn nhiều, ​mà ​không hề lên cân”. Không “lên cân” ở đây nghĩa là không dám bước lên cái cân, chứ đâu phải nghĩa là không tăng ký! Ngoài ra mình cũng có được khoảng thời gian để nhìn lại, như ly nước luôn bị vẩn đục, nay được yên lặng để cát bụi cặn bã lắng xuống, ly nước tâm hồn được trong trẻo hơn, có nhiều quyết tâm thay đổi cuộc sống hơn.

Forbes cũng vừa công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2020, trong đó thủ tướng Đức là bà Angela Merkel vẫn đứng đầu danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm thứ 10 liên tiếp. Ngoài ra, những người được liệt tên khác là ứng cử viên phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Nữ hoàng Anh Elizabeth, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike....

Nãy giờ điểm qua các chuyện có thể không vui lắm, ​nên​ tôi xin sưu tầm vài phong tục đón Tết dương lịch ngộ nghĩnh trên thế giới, hy vọng sẽ làm bạn vui được chút chút chăng.

Bắt đầu là Tây Ban Nha, trong giây phút chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, người Tây Ban Nha ngoài uống rượu chúc mừng thì họ còn có truyền thống là ăn nho xanh. Khi “count down” giao thừa, họ ăn thật nhanh 12 trái nho tượng trưng cho 12 tháng trong năm mới, thể hiện mong ước một ​tương lai ngọt ngào và suôn sẻ.

Đối với người dân tại Cộng hòa Czech thì trong đêm mừng năm mới, mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau quầy quần và trên bàn ăn sẽ cắt quả táo làm đôi. Nếu lõi quả táo có hình ngôi sao tức là năm đó sẽ có sức khỏe dồi dào và gặp nhiều may mắn. Còn nếu quả táo có hình chữ thập đan chéo thì năm đó sẽ có người bị vấn đề sức khoẻ.

Úc là một trong những nơi đón giao thừa sớm nhất thế giới. Đêm giao thừa ở các nước khác rơi vào mùa Đông giá lạnh, còn đêm giao thừa tại Úc thời tiết có thể ấm gần 40 độ C.

Người Ai Cập lấy nước sông Nile dâng cao nhất làm ngày bắt đầu năm mới.

Tại Mỹ và Canada, mọi người thường hôn nhau vào khoảnh khắc giao thừa. Theo văn hóa phương Tây, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, việc hôn một người vào lúc 0 giờ rất có ý nghĩa, nếu thích ai mình có thể “canh-me” hôn người đó vào lúc này mà không bị… tát tai.

Người Ba-Tây lại có phong tục thả trôi những bông hoa trắng dưới biển để tỏ lòng biết ơn với nữ thần biển cả.

Đập vỡ bát đĩa trong đêm giao thừa được coi là may mắn tại Đan Mạch.

Riêng ở Châu Mỹ Latin như Mexico, Bolivia và Ba-Tây, màu sắc quần lót sẽ xác định năm mới của ​mình như thế nào. Màu đỏ sẽ mang lại tình yêu và sự lãng mạn, màu vàng dẫn đến sự giàu có và thành công, màu trắng dành cho sự bình an và hòa hợp, màu xanh lá cây có ý nghĩa tốt đẹp và yêu thiên nhiên. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, quần lót đỏ cũng được xem là món quà may mắn và hứa hẹn một năm mới đầy sinh khí.

Ở Ecuador, phong tc đốt cháy hình nộm là để tiêu diệt những điều xui xẻo ​của​ năm . Những hình nộm này được làm từ quần áo cũ được nhồi với giấy báo hoặc mạt cưa. Bắt chước họ, bạn thử đốt một ít khẩu trang xem​ sao​, may ra năm mới 2021 không phải đeo cái mặt nạ này nữa.

Tháng Giêng tại Nhật Bản được gọi là “Oshougatsu”, bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigamisama - vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và phát đạt. Ngày xưa Nhật Bản đã đón tết âm lịch như các nước châu Á khác, nhưng sau này họ chuyển sang đón tết dương lịch. Họ đặt các loại bánh dầy, bánh Tokonoma lên bàn thờ nhằm tỏ lòng thành kính và mong được các thần linh phù hộ. Vào lúc nửa đêm, các ngôi chùa Phật giáo khắp Nhật Bản rung lên 108 hồi chuông để xua tan đi 108 đam mê xấu xa của con người. Đam mê tội lỗi có tới 108 loại, tôi chỉ mong mỗi năm mình bớt được 1, 2 tánh xấu là mừng lắm rồi. Càng già tôi càng thấy “tật” rất khó sửa, chính mình không sửa được thì sao dám đòi hỏi người chung quanh thay đổi.

Điểm thú vị trong ngày đầu năm mới tại Pháp là người dân nước này ra đường xem hướng gió để đoán thời vận trong năm. Nếu gió Nam thổi, đó là dấu hiệu một năm mưa thuận gió hòa. Nếu gió Tây thổi, sẽ là một năm may mắn đối với nghề đánh cá và nuôi bò sữa. Nếu gió Đông thổi, cây trái sẽ bội thu, nhà nhà no ấm. Còn nếu gió Bắc thổi là điềm không tốt, đây sẽ là một năm mùa màng kém thành công.

Người dân Colombia rất thích được đi du lịch khắp thế giới. Vì thế truyền thống vào dịp cuối năm của họ là xách một chiếc vali chạy vòng quanh một khối đá với mong ước sang năm mới sẽ được đi nhiều nơi để khám phá nhiều điều thú vị hơn.

Bắt đầu từ năm 1970, cứ vào đêm giao thừa người dân nước Đức lại có thói quen đón xem chương trình "Dinner for One". Đây là một bộ phim hài hước đen trắng ​​a nước Anh được quay ở Đức vào năm 1963. Bộ phim này chẳng liên quan đến năm mới bao nhiêu, nhưng không xem thì coi như thiếu niềm vui trong năm mới.

Ở Hungary, người ta cũng kiêng không giặt quần áo trong ngày đầu năm nếu không muốn năm tới xui xẻo.

Bắn pháo bông cũng là phong tục mừng năm mới trên khắp thế giới. Người ta xếp hạng 10 địa điểm bắn pháo hoa đẹp nhất trên thế giới như sau: Đứng đầu là Sydney của nước Úc. Màn bắn pháo hoa mỹ lệ diễn ra tại nhà hát con sò Opera Sydney và cây cầu của hải cảng Sydney đã mang đến cảnh tượng ngoạn mục cho mọi người. Tiếp tới là Đài Bắc (Đài Loan), rồi tới Bangkok (Thái Lan) ​​au đó là Dubai với màn trình diễn các loại pháo bông đủ kiểu tại tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa (828 mét). Tiếp tới là Moscow (Nga),  Cape Town (Nam Phi), London (Anh), Rio de Janeiro (Brazil), gần cuối hạng 9 và hạng 10 mới là New York kinh đô ánh sáng trên sa mạc Las Vegas (Mỹ).



Năm nay các nơi vẫn có bắn pháo bông mừng năm mới, nhưng khán giả đa số bị cấm cửa không được ra đường xem trực tiếp, kể cũng buồn. Hẹn năm sau. Đúng rồi, có xuống thì sẽ có lên, bao giờ người siêng năng, cố gắng cũng dễ đạt tới thành công. Hãy sống tốt nhất trong hoàn cảnh của mình và hướng về tương lai.​ 

Nhìn lại chuyện thế sự thì như thế, còn chuyện của riêng ta thì sao. Năm nào, tháng nào, ngày nào tôi cũng ráng nhìn lại mình, cầu nguyện cho mình được tốt hơn hôm qua, năm cũ. Đầu năm mới, "new year resolution" của bạn là gì, hãy chú tâm, cố gắng hoạch định và chúc bạn thành công nhé.​​

​X​in mến chúc mọi người luôn lạc quan để thấy không phải chỉ nụ cười, mà nhiều khi nước mắt cũng là hạnh phúc, kinh nghiệm tốt đẹp. Chúc mọi người tìm và giữ được những giây phút yêu thương chan chứa trong ngày đầu năm. Chúc bạn một năm 2021 đến trong an hòa, hạnh phúc. Chúc bạn ngoài biết nấu ăn ngon trong bếp, cũng biết thêm cách nêm nếm xào nấu ngôn ngữ trước khi sử dụng để "đắc nhân tâm" không làm người khác buồn lòng. Chúc bạn nhạy cảm như lá cây mắc cở (hoa trinh nữ) để luôn biết xếp cánh, thương cảm trước những cảnh khó khăn và rộng lòng giúp đỡ. Với người thân đã ra đi không thể đoàn tụ, nhất là vì Covid​​, mong là trái tim chúng ta luôn ở bên nhau, nhớ tới nhau, cầu nguyện cho nhau.

Trong giây phút giao hòa của đêm 31 tháng 12, chúng ta cũng hướng lòng về quê cha đất tổ, chúc non sông An hòa Dân chủ, chúc người dân thật sự Tự do No Ấm, quan tâm yêu thương nhau....

Don’t just Dream…DO

Don’t just hear…LISTEN

Don’t just talk….ACT

Don’t just tell…SHOW

Don’t just exist…LIVE

Chúc Mừng Năm Mới – Happy New Year

Nguyễn Ngọc Duy Hân



No comments:

Post a Comment