Sub Label Menu bars



Tức nước vỡ bờ

 Tức nước vỡ bờ

"Tức nước vỡ bờ" hay "Tắt Đèn" là tên của một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Ngô Tất Tố. Câu chuyện kể về gia đình của một nông dân, chị Dậu và chồng con rất nghèo nhưng sống hạnh phúc yêu thương nhau. Do không có tiền đóng thuế Thân rất nặng, nên lính thời đó đã tới bắt chồng chị định bỏ tù - dù anh đang bị đau nặng. Do bị hà hiếp quá đáng, chị Dậu phản ứng mạnh mẽ chống lại những người lính thu thuế. Chị đã hét lên: "Mày trói chồng bà, bà cho mày xem" rồi chị xông lên đánh gục mấy tên cai lệ, làm chúng ngã lăn ra. Qua thái độ và cảm xúc của chị Dậu ngày càng mãnh liệt khi bị đàn áp, mình hiểu được thế nào là "Tức nước vỡ bờ". Sau đó chị phải lên tỉnh làm "vú sữa" cho lão nhà giàu để kiếm tiền và bị lão này giở trò đồi bại. Cuộc sống tối đen của những người dân nghèo thật là buồn thảm.

Đó là chuyện xảy ra vào thời cũ, thời nay nhiều chuyện cũng rất là đáng buồn đã xảy ra khi người ta bị đẩy vào bước đường cùng.


Chuyện có thật ở Việt Nam kể về bà Võ Thị Ánh Nga, sinh năm 1940 bị xử án hai năm tù treo vì đốt nhà con gái. Có lẽ không ai nghĩ lại có một người mẹ nào lại ác như thế, nhưng thật ra bà Nga đã bị chính con gái lừa gạt cướp mất nhà, rồi đuổi mẹ ra ngoài đường sống lang thang, phải tự bán vé số nuôi thân. Trong một lúc "tức nước vỡ bờ" bà đã nổi điên lên và đốt nhà. Khi hiểu chuyện, bản án của bà Nga được giảm nhẹ đi.

Tiếp theo là chuyện những người dân đen bị công an đàn áp cướp đất, với mỹ từ "thu mua", bọn cầm quyền Cộng Sản đã trở nên cướp ngày, dùng vũ lực lấy đi căn nhà, tài sản của người dân một cách trắng trợn. Để bảo vệ mảnh đất của mình, người dân đã phải chống cự bằng đủ mọi cách. Có hai mẹ con phải cởi bỏ quần áo ra đứng thách thức bọn công an, thế nhưng chúng vẫn lì lợm chiếm đất theo đúng "quy trình" của nhà nước. Thậm chí khi "tức nước vỡ bờ", người dân đã phải dùng tới súng, dao, hoá chất để bảo vệ chính mình và ngôi nhà thân yêu, có khi gây ra tội giết người. Chẳng hạn như gia đình của anh Đặng Văn Hiến, anh đã bị tù và kết án tử hình trong khi vợ con bơ vơ, không nhà, đứa bé chỉ mới bốn tuổi. Vụ án Đồng Tâm cũng như thế, khi quá sức chịu đựng người ta sẽ phản ứng mạnh liệt. Bao nhiêu mạng người, thời gian phải vào chốn lao tù đã xảy ra qua vụ cướp đất tại Đồng Tâm này, làm thành một vết nhơ muôn đời cho chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Chuyện cũ hơn vào năm 2015 cũng thế, một thiếu niên tên là Nguyễn Mai Trung Tuấn, chỉ mới 15 tuổi đã bị đưa ra tòa xét xử về tội danh "cố ý gây thương tích" theo Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Tuấn bị xử 4 năm 6 tháng tù giam. Ngoài ra còn bị bồi thường một số tiền rất lớn. Em gái của Tuấn đã lên tiếng về bản án:

“ Cháu thấy bản án bất công đối với anh cháu, tại vì hành vi của anh cháu là hành vi bảo vệ gia đình, tự vệ. Khi cưỡng chế có hai chiếc xe tải chở từ 100 đến 200 cảnh sát cơ động đến ập vào nhà. Họ uy hiếp, đánh đập gia đình rất dã man. Anh Hai thấy họ bắt mẹ và đập đầu xuống đường nên anh Hai, với tư cách người con phải cứu mẹ. Hành động mà anh Hai tạt acid ông công an là để cứu mẹ thôi.”

Cả cha mẹ của Tuấn cũng đã phải thụ án tù với tội "chống người thi hành công vụ" khi dám cản lại nhóm cưỡng chế tấn công vào nhà của hai ông bà, khi tức nước vỡ bờ.

Và nhiều lắm, nhiều lắm, chuyện dân đen, người lành bị bọn cầm quyền, đại gia, chủ hãng hà hiếp hằng ngày xảy ra. Phản ứng tự vệ, sự chống trả đúng hay sai tùy theo góc nhìn của mỗi người. Bên công an thì dĩ nhiên thấy đó là tội, sẽ bắt đi người dám chống đối. Bên bà con đồng bào hiểu rõ nội tình, thì biết đâu là lẽ phải, bất mãn uất ức, nhưng cũng đành "bó tay". Làm sao để bênh vực, chống lại những thế lực của bọn cầm quyền, của người súng đạn hoặc có thật nhiều tiền, nhiều quyền lực trong tay.

Những chấn động trong thiên nhiên cũng thế, nếu không có những phản ứng nhỏ, những điều trái với quy luật Trời Đất ngay từ đầu, thì đã không có những trận bão lớn, những cơn cháy rừng, động đất khủng khiếp xảy ra. Cuộc sống cứ thế trôi đi, trong một số gia đình, nhiều chuyện nhỏ hơn khi "tức nước vỡ bờ" cũng hay xảy ra. Chẳng hạn khi người vợ đã phải nhẫn nhịn chịu đựng sự hà khắc của gia đình chồng, chấp nhận ông chồng lười biếng say sưa lại hay đánh đập vợ. Cúi mặt chịu đựng đến lúc không thể nén lòng được nữa, thì phản ứng mạnh mẽ phải la hét, chống đối. Nhìn biểu hiện lúc đó người phụ nữ có thể bị lên án là người hung dữ, điên cuồng, nhưng có ai hiểu được nội tình của người trong cuộc? Cũng có những bà vợ tính hay ghen, lại phải đối diện lâu ngày với tính trăng hoa của chồng, đến khi không dồn nén được nữa thì ra tay "Bobbitt", cắt đi phấn ấy của chồng, giống như câu chuyện của hai vợ chồng tên là Bobbitt đã trở thành tiêu đề cho nhiều trang báo lớn trên thế giới vào năm 1993.

Các nhà tâm lý học khuyên rằng vợ chồng, con cái, người thân khi có chuyện chi không vừa lòng thì cần phải nói, phải giải thích ngay từ đầu để giải quyết, không bị dồn nén để tránh đi hiện tượng "tức nước vỡ bờ". Thế nhưng thực sự với văn hóa, hoàn cảnh của người Việt Nam, có thể thực hiện được như vậy hay không? Người đàn bà khi đó thường bị chê là nói nhiều, hay than phiền, nếu cứ giải bày thì lại bị bảo là phiền phức, kiếm chuyện, to mồm. Còn im lặng chịu đựng đến lúc quá sức không thể giữ được nữa, thì lại phản ứng sai lầm, nóng nảy nhất thời. Làm sao cho toàn vẹn, làm sao để dung hòa, làm sao để cuộc sống tốt đẹp, mọi người thông cảm yêu thương nhau, giữ đúng chừng mực tránh những xung đột lớn. Biết bao tệ nạn trong xã hội, biết bao khó khăn xảy ra, bên nào cũng có lý, bên nào cũng có tình, khi lắng nghe cả hai phía mới thấu hiểu sự phức tạp, cay đắng. Có đặt mình vào trong cuộc mới thông cảm, xót xa. Các biến cố vui buồn xảy ra trong cuộc sống đều có nguyên do sâu xa, nếu chúng ta tìm hiểu, thông cảm tránh được trước, thì có lẽ những chuyện đau lòng phản ứng quá độ đã không xảy ra. Thôi thì đành cầu nguyện, thông cảm và an ủi giúp đỡ lẫn nhau.

Thật đáng ca ngợi cho những bà mẹ Việt Nam luôn âm thầm hy sinh chịu đựng cho cả gia đình, thật đáng khen những người đàn ông luôn ra sức gánh vác làm tròn trách nhiệm làm trụ cột, thật hãnh diện khi có những đứa con biết thông cảm, hiểu biết, chu toàn bổn phận góp phần cho gia đình được vui vẻ yêu thương nhau. Và hơn hết, thật đáng ca tụng với những người dám hy sinh bản thân, gia đình để lên tiếng đòi hỏi công bình, Tự Do Dân Chủ trong xã hội, dù họ đã phải trả giá rất đắt.

No comments:

Post a Comment