Sub Label Menu bars



Khác Biệt

Khác Biệt 

Người ta yêu nhau, hợp với nhau thường là vì họ có nhiều cái giống nhau, sở thích tương đồng, cùng nhìn về một hướng. Nếu quan niệm sống, hoàn cảnh sinh hoạt giống nhau thì dễ đồng cảm, dễ chia sẻ với nhau hơn. Thế nhưng trong thực tế dù yêu nhau và đã thành vợ chồng, dù cùng trong một gia đình, một quốc gia, sự khác biệt vẫn luôn luôn có và nhiều khi nặng tới mức độ như nước với lửa. Làm sao để dung hòa rồi chấp nhận? Làm sao để có nhiều bạn tâm giao? Không dễ đâu phải không bạn nhỉ?

Đầu tiên đấng Tạo Hóa đã tạo ra hai giống nam và nữ, đực và cái khác hẳn nhau. Nói về đàn ông và đàn bà thì nhiều giấy mực đã phân tích. Nói chung bên nam có cái nhìn tổng thể, lý luận theo nguyên tắc, phán đoán khách quan hơn. Bên nữ lại quan tâm hơn đến các chi tiết, suy nghĩ bằng trực giác dựa trên tình cảm, coi lời nói là quan trọng. Vì thế quý ông nên hiểu các bà sống bằng tình cảm nhiều hơn lý luận, cần sự quan tâm, bảo vệ của quý ông. Các bà thì cần nhớ các ông không làm nhiều việc một lúc được, dù không tỏ ra bên ngoài nhưng trong lòng vẫn rất quan tâm. Nhớ ngày đó lúc đi xem nhà để mua, chúng tôi chia ra ông xã thì lo việc xem địa điểm, cách cấu trúc bên ngoài của căn nhà, nếu lái xe hoặc đi xe công cộng có tiện không. Còn anh dành cho tôi quyền chọn cái nhà bếp, các phòng tắm mà tôi thích. Kết quả chúng tôi có căn nhà như ý. 


Trong phạm vi tình cảm và sinh lý, các bà xúc cảm chậm nhưng kéo dài. Các ông thường xúc cảm nhanh và mạnh nhưng không lâu. Quý ông mau nóng, nhưng cũng mau nguội và không nhớ dai, không chì chiết mãi chuyện cũ. Vì thế nam nữ nên nhận ra và chấp nhận sự khác biệt, từ đó bổ sung cho nhau.
Người miền Bắc, miền Trung và Nam cũng dùng nhiều chữ khác nhau, tính tình, phong tục nói chung khác nhau. Người miền Bắc thấy chuyện thương tâm thường chép miệng "Khốn nạn thật!", với người miền Nam thì chữ "khốn nạn" lại là câu chửi rất nặng. Bạn chớ hề dùng chữ này với người Nam bộ nhé!
So sánh rộng hơn, phương Tây - phương Đông cũng rất nhiều cái khác biệt. Nói chung người Âu Mỹ thoải mái hơn trong việc "Tốt khoe, xấu che". Nều cần phơi bày thân thể để vẽ tranh, tạc tượng để mọi người chiêm ngưỡng, thậm chí khi tắm biển, chụp hình thì "no problem". Phương Đông thì lại cho là xúc phạm đến thuần phong mỹ tục, đàn bà lẳng lơ hư hỏng!
Ra đường, người Á Đông thường chỉ cúi đầu chào hỏi hoặc bắt tay chứ không ôm hôn. Cha mẹ ông bà cũng chỉ hôn nhau trong phòng riêng, không tỏ lộ trước mặt con cháu hoặc người khác, bên Âu Tây thì lại rất thoải mái trong cách diễn đạt tình cảm này. Hồi mới qua Canada, mấy anh bạn nghịch ngợm bảo nhau đêm mừng tết Tây cùng ra City Hall, địa điểm mừng lễ để có thể ôm hôn cô nào mình thích mà không sợ bị ... tát tai, vì lúc "giao thừa" này phương Tây có phong tục ôm hôn nhau để mừng năm mới.
Người Âu Mỹ cũng không quan trọng ngày giỗ của ông bà cha mẹ, vì khi còn sống họ đã nhớ tới ngày sinh nhật và tặng quà, làm tiệc mừng rồi. Người Á Đông lại rất quan trọng chuyện cúng giỗ kỷ niệm ngày qua đời, nhớ ngày giỗ chứ không nhớ ngày sinh nhật.
Một vài khác biệt nho nhỏ khác là khi người phương Tây được tặng quà, họ vui vẻ mở ra ngay trước mặt cho mọi người biết. Bên ta thì khi nào khách về mới từ từ mở quà. Khi thăm viếng bạn bè hay con cái, người bên Tây phải phôn báo trước, ông bà ta lại quan niệm khách tới chơi là quý, không câu nệ chi cả. Ông bà ta còn lo cho con cháu tới độ mở thư riêng của chúng ra kiểm soát, coi có gì sai trái để giúp đỡ góp ý. Bên Tây thì không chấp nhận chuyện này vì đây là chuyện riêng tư của chúng nó. Khi con cái tới tuổi trưởng thành, cha mẹ Tây Phương hết trách nhiệm, bắt chúng tự lập. Người Việt mình suốt đời lo cho con, rồi tới cháu nội cháu ngoại. Con dọn ra riêng thì buồn, con không cho trông cháu đem gởi nhà trẻ thì giận và tiếc tiền dùm, người già không muốn bị cho vào viện Dưỡng Lão.
Ngoài ra, về tính tình và cách cư xử thì một số người Việt mình cho là không nên nhận lỗi, nhất là xin lỗi trước công chúng, không "bắt cầu cho nó leo"! Phương Tây lại cho việc xin lỗi là hành vi can đảm, cần làm một cách thẳng thắn. "Phe ta" cũng hay tiết kiệm lời cám ơn, khen ngợi. Tiếp theo, có lẽ do ảnh hưởng của việc cần “Từ bi, Hỷ xả” nên người Việt ta thường nhẫn nhục chịu đựng, chín bỏ làm mười. Ngược lại Tây Phương thích thảo luận thẳng thắn, sai thì nói sai không vì nể tuổi tác, chức vụ. Người già cũng không cậy mình có nhiều kinh nghiệm mà "cả vú lấp miệng em", coi thường sáng kiến của giới trẻ. Người Tây thấy già trẻ, lớn bé đều ngang nhau, trong khi giáo dục Á Châu dạy phải biết kính trên, nhường dưới.
Giờ giấc họp hành sinh hoạt cũng phải đúng nghị trình, trong khi "phe ta" thường kéo dài và hay đi trễ. Ông bà ta dặn "Đói cho sạch, rách cho thơm", không mặc đồ rách ra đường sợ bị khinh. Bên ngoại quốc lại phải tốn thêm tiền để làm giả quần áo rách, mặc cho "cool".  Khi đi chơi xa, người Tây thích ăn mặc giản dị, thoải mái, phe ta hay "lên đồ" sợ người khác nghĩ mình không "sang chảnh".
Sự khác biệt còn do ở thói quen, có người thích tắm vào buổi sáng để tinh thần cả ngày thoải mái, ngược lại cũng không ít người tắm vào buổi tối vì cho là như thế mới tiêu tan mệt mỏi, bụi bặm trong cả ngày vất vả.
Người phương Tây thường nói thẳng suy nghĩ mình, ngược lại mình hay có tâm lý “sự thật mất lòng”, không dám nói rõ cảm xúc thật vì sợ người khác giận, khó chịu.
Người ngoại quốc không cần người khác biết mình có tiền, người Việt một số thích  tìm cách khoe của. Ở Mỹ vào các ngày lễ cấp trên, sếp tặng quà và "bonus" cho nhân viên. Ở Việt Nam nhân viên phải tặng quà, phong bì cho sếp. Người Tây đến nhà hàng gọi thức ăn vừa đủ. Người Việt hay gọi nhiều, cái bụng nhỏ hơn con mắt, đôi khi cố ý bỏ lại chút đồ dư để chứng tỏ mình không nghèo không đói, ngại không muốn nói nhà hàng gói thức ăn dư lại để đem về. Mà khi nhà hàng bỏ hộp cho đem về cũng nhường nhau không chịu lấy!
Người ở ngoại quốc cũng không hỏi tuổi, hỏi lương nhau, một số người Việt chất vấn thoải mái, thậm chí còn tự khoe lương cao của mình. Người ngoại quốc cảm ơn khi bị chỉ trích, nếu cần thì tranh luận biện minh. An Nam ta nếu bị phê bình thì rất giận, cãi cho bằng được, có khi đem lòng oán hận người dám lên tiếng.
Về cái đẹp, người Âu Mỹ thích làn da bánh mật, phải đi phơi nắng, nhuộm da, người châu Á lại cho là người phụ nữ chỉ đẹp khi có làn da “trắng như trứng gà bóc”. Âu Mỹ lại thích phụ nữ thân hình rắn chắc nở nang, thơ văn ta lại hay ca tụng người "mình hạc xương mai". Tây thì phải đi nha sĩ xiềng răng để hàm răng đều thẳng, văn chương ca nhạc ta lại không thiếu những bài nói lên cái duyên dáng của chiếc răng khểnh! "Đàn bà miệng rộng tang hoang cửa nhà", miệng rộng ở đây  ý nói đàn bà nhiều chuyện, nhưng quả thật người Tây Phương thích phụ nữ có miệng rộng, trong khi phe ta chỉ thích làn môi chúm chím!
Chuyện nhai kẹo cao su chewing gum cũng khác nhau nhiều. Tại Luxembourg, Thụy Sĩ hay Pháp, nhai kẹo cao su ở chốn công cộng bị coi là thô lỗ. Singapore còn cấm hẳn món này, thậm chí phạt rất nặng, trong khi ở nước ta chewing gum được bán rất nhiều, miệng nhai nhóp nhép nhìn rất "điệu nghệ". 
Khi mời nhau đi ăn, phe ta thường giành nhau trả tiền, Tây thì tỉnh bơ móc túi lấy máy tính ra chia đều, không ai nợ ai, thoải mái để vui vẻ về lâu về dài!
Còn rất nhiều chi tiết, khác biệt xảy ra hằng ngày ở khắp nơi. Khác biệt không xấu, người ngoại quốc khuyến khích con cái biết suy nghĩ khác lạ, làm điều khác thường để thành công không theo công thức nào. Nhưng cái gì cũng có giới hạn, ráng làm ra mình lập dị khác người đến nỗi trở nên ngược đời thì thật là không nên. Cuộc sống đòi hỏi sự tỉnh táo, khôn ngoan, "ăn theo thuở ở theo thì", không có gì tuyệt đối cả. Thiên đường Địa ngục, Thiện Ác đôi khi chỉ khác nhau trong một sợi tóc.
Tôn trọng sự khác biệt của người khác là chuyện rất cần thiết; Hãy suy nghĩ tích cực về điều này để trưởng thành nhưng nhớ rằng không có gì là vĩnh cửu. Có câu nói hay: "Có thể bạn sẽ không chiến thắng mọi thử thách trong cuộc sống, nhưng bạn có thể sống thêm một ngày để chiến đấu với nó". Không cầu toàn, chấp nhận khác biệt và học hỏi mãi, đó là lời khuyên mà tôi đang cố gắng thực hành hiện nay. Khó lắm. Tôi và ông xã, con cái cũng rất nhiều khác biệt, càng già càng thấy rõ! Tôi hay trách ông xã quá cẩn thận, chậm trễ, anh chê tôi nhanh nhẩu đoàng, cẩu thả chẳng thà "chậm mà chắc". Cuộc sống, quan niệm sống sẽ thay đổi hằng ngày, có ai ngờ mới đầu tháng Ba 2020 đi du lịch là sang, là sướng, nhưng giữa tháng Ba nếu đi du lịch thì hoảng sợ phải hủy bỏ, bị cả làng "cách ly", tránh gặp mặt. Tôi bắt đầu bò lên con số 60 của tuổi đời, thích triết lý suy tư lẩm cẩm, mong bạn thông cảm và nếu cùng đồng cảm thì chúng tôi rất trân trọng, biết ơn. 


Vâng, nói thì dễ, vấn đề là thực hành ra sao. Cái khó là làm thế nào du nhập cái mới, cái khác để bản thân và đất nước được phát triển mà vẫn không bị mất bản sắc. Xã hội nào cũng phải tiến lên, suy nghĩ nào cũng cần vượt qua, "think outside of the box" nhưng cái nào tốt, cái nào hại? Nên bắt chước và chấp nhận sự khác biệt ra sao, tới giới hạn nào? Những câu hỏi này cần ứng xử mỗi ngày mỗi lúc sao cho xứng hợp. Thành công hay không là do sự cẩn trọng, quan tâm của từng người.
Chúc bạn ngày một thăng hoa, khôn ngoan kinh nghiệm hơn trong suy tư, hành xử.

Nguyễn Ngọc Duy Hân

No comments:

Post a Comment