Nhanh
Nhanh hay chậm cái nào tốt, cách nào nên theo? Nếu phải sống và sinh hoạt theo lối nhanh thì sẽ dễ bị căng thẳng, mất cân bằng. Ngược lại nếu sống chậm thì lại không theo kịp thời đại, bị lạc hậu, công việc giải quyết không xong. Câu hỏi nên mau hay chậm rất khó trả lời, vì phải tùy việc tùy lúc, nói theo kiểu ba phải chung chung thì cứ vừa vừa là hay nhất. Nhưng làm sao để vừa vừa? Với mình thì vừa, với người khác lại không vừa thì sao.
Tôi nghĩ mình thuộc loại nhanh, đôi khi thành nhanh nhảu đoảng nên có khi hư bột hư đường. Hồi bé cô giáo hay cho làm toán “chạy”, tức là làm toán thật nhanh, 10 học sinh nộp bài đầu tiên sẽ được thêm điểm “bonus”. Tôi thường được điểm “bonus” nhưng lại quá vội nên có khi cộng trừ sai. Có lần nấu ăn khi nhà có khách, chị bạn đến sớm thấy tôi vừa rửa chén, vừa chiên chả giò, vừa trộn gỏi, chị lắc đầu than chóng mặt vì thấy tôi cứ quay mòng mòng nhanh “thần sầu” - nhận xét của chị!
Một người thân quen khác lại chậm ơi là chậm. Anh nói năng từ tốn, lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, cử động chậm rãi, ăn uống cẩn thận dao nĩa đâu ra đó, hầu như lúc nào cũng là người cuối cùng ăn xong bữa. Khó hình dung ra hình ảnh anh nhanh nhảu chạy vội đi lấy cái gì hay phản ứng mau chóng trả lời việc gì. Chắc chỉ khi cháy nhà hay chạy giặc may ra anh mới mau mắn hơn được. Thú thật tôi hơi sốt ruột, bực mình khi thấy anh hay đi trễ vì quá cẩn thận rà soát mọi thứ trước khi ra khỏi nhà, trong khi anh chê tôi “lanh chanh như hành không muối”, hay quên sót đổ tháo. Sau này tôi ráng dung hòa, có thể anh không quá chậm mà tại tôi quá nhanh. Thế nhưng bây giờ bắt đầu già, tôi bắt đầu thấy mình bị chậm lại. Chậm suy nghĩ, chậm phản ứng, chậm hoạt động, chậm tiêu theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tôi vẫn nghiêng cán cân ủng hộ việc thà nhanh còn hơn là chậm. Trong thông tin thì phải nhanh và chính xác. Khi giao hàng thì giao sớm sẽ được lòng khách hàng. Giải quyết công việc mau lẹ, khôn ngoan thì dễ thành công. Ai cũng biết thời gian trôi đi rất nhanh, nếu chần chừ cờ trong tay không phất thì dễ mất cơ hội. Anh bạn tôi hay kể về thời còn trẻ nhát gái, thương mà không dám nói nên bị thằng khác lớp nhanh như chớp “chớp” lấy thời cơ, chiếm được trái tim người anh thương. Thế nhưng nếu kết hôn nhanh quá mà không có nhiều giờ tìm hiểu nhau thì dễ đưa tới ly dị. Một tin đồn, lời nói xấu ác ý có thể như một bệnh dịch lan tỏa rất nhanh. Ai cũng muốn tìm nghề gì làm để được mau giàu, muốn tập thể dục hoặc uống thuốc gì để mau thon gọn, mau khoẻ. Thì giờ ít nên các thức ăn nhanh loại fast food như hotdog, hamburger, mì ăn liền được rất ưa chuộng trong thế giới hiện tại. Nhạc Việt thường có khuynh hướng chậm buồn, than thở tiếc nuối, nhạc Tây đa số vui, mạnh, nhanh hơn, Tây Ta rất khác nhau.
Có người ví cuộc sống cũng như chạy xe trên một đoạn đường, mỗi người tự quyết định vận tốc nhanh chậm của đời mình, tùy theo đoạn đường, tùy theo sức khỏe, điều kiện. Không có quy luật cố định khi nào nhanh khi nào chậm, mà phải vừa tầm kiểm soát của mình, cần luôn rèn luyện, trau dồi để biết khi nào nên tiến, khi nào nên thối lui. Vội vã vượt đèn đỏ bị chận lại cho giấy phạt thì vừa trễ hơn vừa bị mất tiền phạt. Thế nhưng nếu hành xử chậm chạp, ngưng lại lâu quá không sinh hoạt đúng mức thì sẽ bị thụt lùi, bị cuộc đời đào thải. Nhiều khi tôi buột miệng nói nhanh quá chưa kịp “đánh lưỡi bảy lần” nên làm buồn lòng người nghe.
Có người khuyên: “Hãy tập ăn chậm để thấy vị ngọt của hạt gạo, tập đi chậm để thấy hai hàng cây bên đường đang thay lá, tập sống chậm lại để cảm nhận tình người…”. Cũng có lời khuyên cần sống chậm lại để tỏ lòng biết ơn: “Sống chậm là đặc biệt lưu tâm đến việc mình đang làm với lòng biết ơn sâu sắc. Yêu thương sẽ nhiều hơn khi sống chậm lại một chút, để giờ để tâm nhìn ngắm đường phố xung quanh và những gương mặt thân quen. Yêu thương thiên nhiên, môi trường để không làm hại môi trường. Học thiền, tập yoga, tĩnh tâm bằng hơi thở… là những giải pháp sống chậm để hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng từng giây phút hạnh phúc trong hiện tại”…. Nghe có lý quá phải không?
Chậm cũng có nghĩa là kiên nhẫn, kiên trì không bỏ cuộc. Không quá nóng lòng đòi kết quả ngay. Ông xã tôi thích đi câu cá, khi có giờ anh lái xe thật xa, ngồi trầm tư hút thuốc, suy nghĩ, cá không cắn câu cũng không sốt ruột. Tôi thì ngược lại, mua đủ loại chè bánh đem ra bãi câu ăn hết là đòi về! Chậm còn có nghĩa nhẫn nhục chịu đựng được khó khăn. “Một điều nhịn, chín điều lành”, tranh cãi to tiếng dễ làm trở ngại công việc, vì thế cần biết cách kiềm chế cảm xúc của mình. Khi cơn thịnh nộ qua đi, còn lại là sự hối hận, ăn năn vì đã quyết định sai lầm, thiển cận. Hãy tập bình tĩnh, nhẫn nại để thấy mọi việc có thể dễ dàng giải quyết hơn nhiều. Chắc chắn ai cũng thích loại người biết kiềm chế bản thân, vui vẻ hòa đồng với người khác.
Sau hơn 10 ngàn ngày bị cầm tù, dù tuổi đã 71, Nelson Mandela cuối cùng cũng được trả tự do để ông tiếp tục dẫn dắt cuộc cách mạng Nam Phi thành công, giành lại một nền dân chủ thực sự. ÔngWalt Disney đã bị từ chối 302 lần trước khi tìm được nhà tài trợ cho dự án xây dựng công viên Disneyland nổi tiếng thế giới ngày nay. Nếu họ chán nản, bỏ cuộc nhanh thì làm sao có được kết quả mong muốn.
Vậy hãy chọn cho mình cách sống nào mà bạn cảm thấy bạn thoải mái nhất nhé. Nhanh hay chậm tùy sở thích, cá tánh, ráng chú tâm nhanh hơn mình ngày hôm qua, sống tốt hơn so với ngày trước là thành công lắm rồi. Điều quan trọng là biết trân quý những giây phút bên nhau và đừng rùi rắng việc hôm nay không làm mà để tới ngày mai. Chuyện ngụ ngôn con Rùa và con Thỏ chắc bạn vẫn nhớ, cũng đừng quá ỷ y, tự cao tự đại. Mỗi người cần khéo léo rèn luyện để vượt lên trên tất cả, làm cuộc sống luôn được tiến bộ. Ngày nay mình phải hơn chính mình của ngày hôm qua.
Chúc bạn luôn điều chỉnh được tốc độ nhanh hay chậm để có được một cuộc sống ý nghĩa trọn vẹn, luôn từng bước hoàn thiện chính mình.
Nguyễn Ngọc Duy Hân
No comments:
Post a Comment