Cơn
giông cuối Thu
Hôm
nay cả nhà tôi rộn rã sửa soạn đi dự lễ đám cưới. Thôi thì các nàng lăng xăng
xúng xính trong những chiếc áo đầm rực rỡ - nhưng không đắt tiền - vì theo tình
báo, mẹ và chị Tâm, em An đã mua đại hạ giá tại một cửa hàng ế ẩm sắp đóng cửa.
An băn khoăn không hiểu cái vòng đeo cổ có thích hợp với cái áo hay không. Nó
thay hết cái này lại đổi sang cái khác. Hợp với cái áo thì lại không có đôi bông
tai cùng bộ, cuộc đời có gì toàn thiện đâu! Tôi muốn chọc quê em nhưng thấy
cũng tội nghiệp, những ngày tháng thanh xuân xuê xoang áo quần có dài là bao!
Thôi thì để em tha hồ chọn lựa, chiêm ngắm chính mình.
Đến
mẹ mà cũng rộn ràng kẻ mắt, thoa môi kỹ lưỡng. Công nhận hôm nay trông mẹ trẻ
và đẹp hơn nhiều. Mẹ lẩm bẩm:
-
Cái nây bụng to quá, đẻ một đàn con 4 đứa chứ có phải chơi đâu.
Mỗi
lần nói câu này mẹ đều hướng về bố, chờ đợi bố nói câu an ủi đại khái:
-
Không sao đâu, bụng em như vậy là OK lắm rồi. Cứ so với bụng mấy bà tay bà đầm
mà coi.
Hoặc:
-Mẹ
nó cứ tự ti mãi, anh thấy em đẹp là được rồi.
Tôi
thích nhìn mẹ sung sướng tủm tỉm cười khi được bố khen, mặc dù công bình mà nói,
tôi thấy có khi bố khen có phần hơi quá đáng. Mẹ đã xong phần của mình nên đi lại
giúp em An trang điểm. Mẹ nói:
-Hôm
nay sì-pé-sồ (mẹ phát âm chữ special hơi không chính xác lắm) mẹ bôi cho con tí
son phấn nhé. Nhưng nhớ đấy, 16 tuổi trở lên mới được xài mấy đồ này. Mà cũng in ít
thôi kẻo hư ra mặt và nhìn già lắm!
An kỳ kèo:
-Bạn con đi học ai cũng “wear make-up” hết trơn, có mỗi con là nhà quê
thôi.
Mẹ trề môi:
-Ối giào! Mới 13 tuổi mà đã lôi thôi. Mẹ thấy mấy đứa bạn con bôi son tím
bầm, mặc quần xệ lút nhìn xấu gấp mấy lần không trang điểm.
Bố leng keng xâu chìa khóa trong tay, gọi mọi người ra xe. Người ta gọi
cái xe van to và cũ của bố là xe tăng.
-Thôi đi ngay kẻo trễ lễ.
Bây giờ thì cu Ti mới chịu tắt game để sửa soạn rời nhà. Cu cậu trông
đẹp giai gớm với bộ đồ vét lịch sự. Bộ đồ này ông bà ở Việt Nam đã may gửi qua
cho Ti từ năm ngoái. Hôm rồi mẹ phải lấy ra sửa lại vì Ti cao vượt lên và thay
đổi khá nhiều dù chỉ mới một năm. Nó đã sắp chín tuổi rồi còn gì.
Mẹ nói với theo:
-Con trai mẹ nhớ đi đôi giày đen hôm trước mua ở Buffalo nhé. Tí vừa dạ
xong thì hét lên hãi hùng:
- Sao đôi giày của con bây giờ rút lại nhỏ xíu vậy.
Cả nhà xúm lại nhìn, thật vậy chân Ti phát triển mau quá, mới hôm nào
đôi giày còn rộng bây giờ chật cứng.
Mẹ chắt lưỡi:
-Lỗi tại mẹ rồi, hổm rày mẹ gọi em thử quần áo mà quên đi mất không thử
giày.
Tôi lục đôi giày cũ của mình đưa cho Ti mang thử. Ti nhìn đôi giày ngại
ngần. Đôi giày này quả là cũ và kiểu nhìn quê quá. Mẹ thúc:
-Thử đại đi con trễ giờ rồi.
Ti xỏ thử, nó lại rộng quá. Ti đề nghị:
-Thôi con đi đôi giày bata của con nha.
Mẹ lắc đầu:
-Không được đâu, ai mặc đồ vest mà lại đi giày thể dục.
Bố đã ra xe bóp còi tít tít, không biết trong nhà đang có vấn nạn. Cứ
tưởng các bà mới có trở ngại với áo quần giày dép, giờ chót kẻ bị rắc rối lại
chính là cu Ti. Khổ nổi, Ti hôm nay lại là nhân vật chính đi cầm nhẫn cho cô
dâu chú rể mới chết chứ.
Bố
từ ngoài cửa nói vọng vào:
-Này,
mẹ con làm gì mà chưa chịu đi.
Giọng
Ti chảy ra nhão nhẹt:
-Thưa
bố, có cái problem.
-Cái
gì vậy con?
-Đôi
giày của con bây giờ thun lại nhỏ xíu à!
Bố
phải vào nhà coi thử, đành giải quyết bằng cách nong rộng ra rồi bảo Ti đi thay
đôi vớ mỏng hơn. Tội nghiệp chàng “Ring Boy” đi đôi giày chật bước chân lúng
túng giống con chim xí nga ở Nam Cực hết sức.
Cuối
cùng cả nhà cũng đến nhà thờ đúng giờ, hú vía! Cô dâu chú rể trông thật đẹp
đôi. Chú rể là bạn với bố, gọi là bạn chứ tôi nghĩ chú Thái nhỏ tuổi hơn bố tôi
nhiều lắm. Chú Thái quý bố và gia đình tôi lắm. Cô dâu thật hiền và là người theo
đạo Ông Bà mới được rửa tội. Tôi nhớ hôm đi tập chuẩn bị lễ cưới ở nhà thờ về Ti
có hỏi tôi:
-Anh
Bi, bên nhà vợ chú Thái là người không theo đạo Chúa phải không?
Tôi
ngạc nhiên, sao Ti lại biết nhỉ. Thế giới của nó chỉ là những máy game thôi mà.
Nó tâm sự:
-Em
thấy bạn đi cầm nhẫn làm ring boy chung với em là người chưa bao giờ đi nhà thờ
nên em biết. Bạn chỉ tượng Chúa hỏi em ông đó là ai, sao bị treo trên đó.
Tôi
tò mò hỏi:
-Rồi
Ti trả lời sao?
Ti
đáp:
-Thì
em nói đó là Chúa. Rồi em nói ai tin Chúa sẽ được lên thiên đàng. Xong bạn nói
bạn cũng muốn được lên thiên đàng.
Tôi
thấy tuổi thơ đơn sơ dễ thương quá, đúng như lời bố nói “nhân chi sơ tính bổn
thiện” mà.
Thật
ngạc nhiên trong lễ cưới hôm nay, chúng tôi gặp lại cô Hằng. Cô là cô giáo dạy
học và là người hàng xóm với gia đình chúng tôi lúc còn ở Việt Nam. Hồi còn bé
tôi hay sang nhà cô chơi với mấy đứa cháu của cô. Tôi nhận ra cô ngay dù cô gầy
đi nhiều:
-Cô
Hằng, cô có nhớ em không, em là Bi học trò ở kế bên nhà cô nè.
Cô
cười dịu dàng:
-Ồ,
chị em Bi và Tâm, hèn chi mà cô thấy quen quen. Em mau lớn quá, bố mẹ em đâu.
Tôi
hớn hở chạy lại gọi bố. Bố khựng người lại nhìn cô Hằng và hai người tay bắt mặt
mừng cảm động. Bố mời cô sau lễ đến nhà chơi, tôi cũng thấy vui vì có dịp cho
tôi hỏi thăm cô và những người bạn cũ, nhưng vì cô bận nên chúng tôi ra về hẹn
dịp khác.
Kỷ
niệm cũ hiện về, tôi nhớ những trò chơi bắn bi, đánh đáo, tạt hình của mình quá.
Ở Canada chúng tôi có computer games hay thật, nhưng không vui như hồi ở nhà.
Bên đây nhà nào nhà nấy cách biệt nhau, hầu như không ai chơi với nhau. Chứ bên
Việt Nam tình hàng xóm láng giềng sâu đậm lắm. Tôi nhớ những đứa cháu của cô
quá, chúng còn ở quê Việt Nam chắc thiếu thốn đâu được may mắn như chúng tôi.
Tôi nhớ những cây điều trồng trước nhà cô, trái vàng ươm thơm phức. Nhưng phải
chờ điều thật chín mới ăn được đấy. Nếu tham ăn hái lúc trái chưa mềm thì lưỡi
sẽ bị chát lè. Bọn chúng tôi thường hay nướng hột điều ăn. Hôm mới qua Canada,
thấy chợ có bán hột điều, tôi đòi mẹ mua về một hộp, nhưng ăn thấy thua xa. Chỉ
những đồ ăn ở quê tôi mới thật là đặc biệt thôi.
Mãi
suy nghĩ vẩn vơ, tôi không nhận ra chị Tâm đã đứng trước mặt mình từ lúc nào.
-Bi
nghĩ gì mà thẫn thờ vậy, chuyện bố mẹ cãi nhau phải không?
Tôi
lắc đầu:
-Ủa
bố mẹ gây nhau hồi nào em đâu có biết.
Chị
Tâm làm ra vẻ quan trọng:
-Hồi
nãy chị thấy bố mẹ vào phòng đóng cửa nói qua nói lại, chị không nghe rõ nhưng
biết là có chuyện.
Tôi
thắc mắc:
-Chị
có tưởng tượng không? Nếu có thì là lý do gì?
Chị
Tâm thì thào:
-Chị
nghĩ là tại cô Hằng đó, chị nghe hồi xưa cô Hằng là “girlfriend” của bố.
Tôi
phì cười trả lời:
-
Chị Tâm chắc bị ảnh hưởng phim bộ. Mà nếu có thì bây giờ gặp lại nhau đã sao, bố
mình già rồi.
Chị
Tâm gục gặc:
-Cũng
mong là vậy thôi. Mà ai nói bố mình già. Bố mình còn đẹp trai lắm chứ. Chị nghe
nhiều chuyện tình cũ ghen tương ghê lắm!
Nhưng
chị Tâm không tưởng tượng. Cơn giông bão nhà tôi bắt đầu vào một buổi chiều mưa
gió sấm sét. Hôm ấy bố đi làm về trễ ơi là trễ. Cả nhà nhất là mẹ đi tới đi lui
trông đợi. Cuối cùng bố cũng về tới nhà, tóc tai ướt nhem. Mẹ vội vã chạy ra hỏi:
-Trời
ơi, mưa gió mà anh đi đâu bây giờ mới về. Em kêu thằng Bi gọi phone vào sở thì
máy cứ nói không ai trả lời.
Bố
vuốt mái tóc thấm ướt nước mưa:
-
Anh đi thăm cô Hằng, cô ấy bị bệnh nặng lắm.
Mẹ
biến sắc lắp bắp:
-Sao
anh biết người ta bệnh, sao anh lại một mình đi thăm cô ấy, coi sao được!
Bố
nheo mắt cười trấn an mẹ:
-Anh
đâu có đi một mình. Hồi nãy trên đường về mưa lớn quá tình cờ thấy anh Thụ đứng
chờ xe bus, anh mới cho anh ấy quá giang. Thì ra anh Thụ đang trên đường đến
nhà thương thăm cô Hằng. Tiện thể anh mới ghé vào thăm luôn.
Mẹ
vẫn còn tức tối:
-Nhưng
sao anh không phone về. Cả nhà lo cho anh như thế nào anh có biết không.
Bố
xuống giọng:
-Anh
biết, anh gọi về hai lần mà đường dây cứ bận hoài.
Mẹ
quay sang chúng tôi kiểm chứng liền, quả thật bố có phone.
Chúng tôi hú hồn, coi như tạm yên. Mẹ có vẻ còn ấm ức lắm, nhưng bố tình
ngay lý ngay mẹ không làm được gì. Chỉ thấy mẹ trả đũa bằng nét mặt chù ụ rồi
không chịu nấu những món bố thích. Có hôm bố đề nghị:
- Mai mẹ nó nấu cháo lòng dồi đi, lâu rồi không ăn thèm quá. Mẹ trả lời
ngay:
-Đang có nhiều hàng may lắm, không kịp giao thì chết, không có giờ nấu
nướng lách cách đâu.
Bố có vẻ buồn, lũ con chúng tôi cũng thấy ngại quá. Từ hôm gặp lại cô Hằng
đến nay, không khí trong nhà có vẻ là lạ. Tuy nhiên chúng tôi đang mùa thi cử nên
không có giờ để bàn ra tán vào gì. “Tưởng rằng đã quên, cuộc tình sẽ yên”,
chuyện sẽ đi vào quên lãng nhưng không ngờ đến một buổi chiều cuối tuần, bất
ngờ tôi nghe mẹ khóc lóc kể lể ỷ ôi:
-Ối tụi con ơi! Lại đây mà coi nè, trời ơi là trời, chồng ơi là chồng!
Tôi hoảng quá chạy lại ôm mẹ:
-Chuyện gì từ từ nói mẹ.
Mẹ run run đưa cho tôi coi tấm biên lai gửi tiền và rên xiết:
-Bằng chứng rõ ràng đây rồi. Hồi nào mà bố của tụi con gửi tiền cho cô Hằng
đây. Giời ơi là giời, có bao giờ ông ấy giấu mẹ chuyện gì đâu mà bây giờ lại
lòi ra rồi. Vậy mà ông ấy chứ chối quanh.
Tôi ú ớ chưa biết nói sao. Mẹ lại ca kệ tiếp:
-Mẹ biết ông ấy lúc nào cũng chê mẹ già, mập bụng ục ịch mà mẹ nhịn ăn đai-ét
thì bố lại không cho. Mẹ may quần áo kiếm tiền gởi về cho bên nhà của bố chứ bên
nhà mẹ đâu cần nhiều, mẹ cực khổ, nấu ăn riết tay chân xù xì chai đá, đâu có
đẹp đẽ thanh cảnh như “người ta”.
Nói đến chuyện mập là nói đến nỗi đau của mẹ. Mà tôi cũng chưa bao giờ
để ý coi bàn tay của “người ta” có đẹp đẽ thanh tao như mẹ đã để ý không. Nói đến
chuyện ghen tương thì tôi chịu thua, biết là rất khó khuyên can. Bây giờ thì
chị Tâm đã gọi được bố từ trên lầu xuống. Bố vừa lau mắt kiếng vừa hỏi:
-Cái gì mà mẹ con nó làm ầm lên vậy?
Mẹ tuôn hết uất ức ra:
-Ông xuống mà coi, ông gửi tiền cho người ta bây giờ bại lộ ra rồi nè.
Giời ơi không có tình ý gì lại đi gửi tiền cho người ta.
Bố hoảng hốt:
-Mẹ nó nói gì vậy.
Mẹ liệng tấm biên lai Money Order cho bố:
-Đừng có giả đò, người gởi Nguyễn Linh, người nhận Võ Minh Hằng. Trời ơi
100 đô Mỹ chứ ít sao. Ông dấu tôi gửi tiền cho người ta làm gì. Trời xui đất
khiến hôm nay tôi lại lục được trong đống giấy tờ của ông.
Bố thở ra:
-Tưởng chuyện gì, số tiền này gởi cách đây cả chục năm rồi mà. Hồi ấy
nghe anh Thụ nói cô Hằng có chương trình làm việc thiện nguyện giúp người già
neo đơn bên Việt Nam, nên anh Thụ nhờ gửi tiền dùm, chính anh cũng muốn gởi nhưng
lúc đó mới qua còn kẹt tiền nên chưa dám.
Bổ xuống nước:
-Không có gì đâu em đừng làm vậy con nó cười. Anh mà có tình ý riêng tư
gì thì anh có tội với Chúa đấy.
Mẹ rên rỉ:
-Làm sao mà tôi dám tin đàn ông các anh, bằng chứng đây mà cái gì ông cũng
nói hay!
Thôi chết chắc, lần này thì bố tình ngay lý gian rồi. Bọn tôi xúm vào
can mẹ:
-Cô Hằng với bố chắc không có gì đâu mẹ, mẹ từ từ nói chuyện xem sao đã
nhé.
Mẹ hầm hầm bỏ vào phòng đóng cửa. Bố con tôi thở ra, coi như bữa nay
nhịn đói rồi.
Bố chỉ huy chúng tôi nấu cơm, chiên trứng, luộc rau. Thấy mẹ nấu cơm mỗi
ngày gọn hơ dễ ợt, nhưng đến lúc bố con tôi vào bếp mới thấy rắc rối. Chị Tâm
hỏi tôi:
-Bi, Bi có chắc cái hũ này là đường không?
Tôi cầu nhầu:
-Chị con gái mà còn không biết, thôi chị nếm thử đi.
Chị Tâm ré lên:
-Nếu nó là bột ngọt thì chị sẽ ói ra đó. Hồi nhỏ chị ăn nhầm bột ngọt đã
ói tại chỗ rồi.
Bố can đảm đứng ra thử, may quá đó là đường. Do đó chúng tôi suy ra cái
lọ nắp xanh sẽ là bột ngọt. Bữa cơm lạt lẽo vừa do những đầu bếp bất đắc dĩ nấu,
vừa do thiếu tiếng cười câu chuyện của mẹ.
Chúng tôi sống trong không khí giận hờn chiến tranh lạnh của mẹ hơn một
tuần lễ, cảm thấy ngột ngạt khó chịu dường bao. Cho đến thứ Ba chị Tâm đi học
về, hớt hơ hớt hải chạy vào hỏi mẹ:
-Mẹ ơi con cho mẹ coi cái này.
Chị đưa ra mấy trang giấy in chữ cho mẹ xem và kể lể:
-Hôm nay vô tình con vào trang Facebook của cô Hằng xem những bài cô
viết cũ từ nhiều năm trước. Cô chia sẻ mình bị ung thư nên không thể lập gia đình
được. Cô cũng có bạn trai nhưng không dám tiến tới hôn nhân vì sợ làm gánh nặng
cho người khác. Cô sống được ngày nào thì muốn chia sẻ, giúp người khác thôi.
Gia đình cô bảo lãnh cô sang đây chơi rồi cô sẽ về lại Việt Nam giúp nhà Dưỡng
Lão. Cô rất muốn đi tu làm ma-sơ nhưng sức khỏe cũng không cho phép.
Tôi và mẹ cùng nhau đọc mấy trang giấy. Cô Hằng viết hay quá, rất thành
thật và cảm động. Mẹ rơm rớm nước mắt, hơn nữa biết cô Hằng sẽ trở về VN nên mối
lo của mẹ tan biến, vì mẹ biết bố sẽ không về VN trừ khi hết Cộng Sản.
-Mẹ đã lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử rồi. Bây giờ phải làm sao đây
tụi con.
Chị Tâm đề nghị:
-Mai cả nhà mình đi thăm cô Hằng đi, nghe nói cô đang trở bệnh nặng.
Tôi chạy vù lên phòng thông tin vui cho bố, cả nhà xúm lại bàn tán. Mẹ
nói:
-Để mẹ mua chục cam và mấy cái chả lụa đi thăm cô.
Chị Tâm cản:
-Ở bệnh viện coi chừng phải ăn kiêng, không ăn được đồ bên ngoài đâu mẹ.
Bố phụ họa:
-Bên này thăm người bệnh, người ta đem hoa chứ không đem đồ ăn như bên
Việt Nam đâu.
Em An nhắc:
-Hôm qua con thấy chợ bán sale những bó bông đẹp lắm mẹ ạ.
Mẹ cố gắng vớt vát:
-Ừ, tặng hoa cũng được, nhưng để mua mẹ mua loại trồng trong chậu đất, vừa
rẻ vừa sống lâu.
Tôi hăng hái:
-Hoa gì cũng được, miễn là ngày mai nhà mình có cháo lòng dồi ăn là được
rồi.
Cơn giông tố tan nhanh hơn chúng tôi tưởng. Trời quang mây tạnh, chim
hót líu lo ngoài sân. Đến cu Ti mà cũng hăng hái tắt máy game, hát um sùm:
-Em có ba, là em có má…
Mẹ vốn luôn cẩn thận nên căn dặn bố cho chắc ăn:
-Lần này thì em nhận mình hiểu lầm, nhưng mấy ông hay lôi thôi lắm, thả
lỏng không được đâu. Mà cũng đừng bày đặt vào “phây búc” kết bạn tâm sự lôi thôi
gì, gia đình của mình là quan trọng hơn cả.
Chị Tâm ủng hộ mẹ:
-Dạ, mẹ để con canh chừng cho, bố mà linh tinh kết bạn facebook, bỏ bê
gia đình thì con sẽ mách mẹ ngay.
Bé An tủm tỉm cười:
-Trong cái xui cũng có cái hên, cả tuần nay mẹ giận ăn không được nên ốm
đi nhiều, cái bụng thon lắm rồi đó mẹ.
Bố liếc mẹ:
-Hay ghen bóng ghen gió thì cái bụng sẽ bị no hơi to ra đấy!
Nguyễn Ngọc Duy Hân
No comments:
Post a Comment