Cá
Bài viết tản mạn về Cá
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Hôm rồi lướt trên mạng internet, tôi thấy đoạn phim ngắn chiếu con cá có mặt người, nhìn khá giống và dĩ nhiên khá ghê rợn. Tối hôm đó tôi lại được mời ăn cá nướng cuốn bánh tráng với rau dấp cá, thế nên tôi ngẫu hứng muốn tản mạn đôi chút về cá. Mời bạn cùng tôi “bơi” một chút với loài thủy sản này nhé.
Cá là động vật sống dưới nước, các nhà sinh vật học xếp vào loại có xương sống. Nước ngọt thì có cá sông cá hồ, bé tí ti thì có cá lòng tong, cá cơm… Nước mặn thì có các loại cá biển, to lớn thì có cá voi, cá heo, cá nhà táng… Cá lên bờ không bơi dưới nước nữa thì cá sẽ chết - trừ cá sấu và vài loại sống trong bùn đất. Cá là thức ăn bổ dưỡng cho con người và một số thú vật khác, nhưng người cũng có khi là thức ăn ngon cho loài cá sấu, cá mập! Được biết cá sấu cũng thích giỡn với mồi trước khi “thịt”. Người ta thâu được phim cá sấu bắt được con mèo rừng, tha ra giữa sông hất tung mèo lên vài lần chơi cho dzui rồi mới há họng đớp vào bụng, chấm dứt buổi cơm tối thú vị.
Trong văn hóa phương Tây, cá với hình tượng Song Ngư là hình ảnh quen thuộc của chiêm tinh học. Tại phương Đông, hình ảnh cá chép vượt Vũ Môn hóa rồng là một điển tích nói lên sự nỗ lực để đi tới thành công. Cá chép còn trở thành “ngựa” để Táo Quân cỡi lên chầu Trời đọc sớ dịp gần Tết. Cá cũng là vật phóng sinh theo nghi thức của Phật giáo.
Kinh Thánh cũng nhắc đến con cá qua câu chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa 5 cái bánh và 2 con cá ra thật nhiều, làm những người hôm ấy đi theo Chúa nghe giảng được ăn no nê, số còn dư thu lại được 12 giỏ đầy. Chuyện khác kể lại sau một buổi rao giảng, Chúa bảo các học trò thả lưới đánh cá, các môn đệ lắc đầu cho biết đã thử nhiều lần nhưng hôm đó biển động không kết quả. Dù vậy các ông vẫn miễn cưỡng nghe lời thầy và rồi kéo được cả hai chiếc thuyền đầy cá. Sách Cựu Ước thì kể chuyện ông tiên tri Giô-na đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm.
Nàng tiên cá - Mỹ nhân ngư hay con cá Nemo trong phim hoạt họa đã làm biết bao trẻ em, kể cả người lớn say mê. Các loài cá còn được nhắc đến trong văn học như cuốn tiểu thuyết Như Ông và Biển Cả của Hemingway. Các loài cá lớn hung dữ như cá mập, cá răng hình lưỡi đao thường là nhân vật chính cho nhiều bộ phim rùng rợn, hồi hộp rất ăn khách.
Hình ảnh của cá đã được khắc trên đồ gốm, trống đồng từ thuở xa xưa, nói lên nét văn hóa của Việt Nam ta.
Trong ca dao tục ngữ thì có rất nhiều câu về cá, chẳng hạn:
Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư
hay các câu:
Mèo mù vớ phải cá rán.
Cá lớn nuốt cá bé.
Cá nằm trên thớt.
Cá mè một lứa.
Con cá trong lờ đỏ hoe con mắt, con cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô,
hoặc câu “Bắt cá hai tay”, nói về trò chơi tình ái không chung thủy.
Người ta cũng ví von đẹp đến nỗi “chim sa cá lặn”, thí dụ người đẹp Tây Thi mà xuất hiện thì cá cũng xấu hổ lặn mất trước cái đẹp của kiều nữ.
Đàn cá bống trong chuyện cổ tích Tấm Cám chắc ai cũng còn nhớ.
Trẻ em cũng hay hát bài vè:
Nghe vẻ nghe ve,
nghe vè loài cá
No lòng phỉ dạ là con cá cơm
Không ướp mà thơm
là con cá ngát
Liệng bay thoăn thoắt
là con cá chim
Hụt cẳng chết chìm
là con cá đuối
Lớn năm, nhiều tuổi
là cá bạc đầu...
Trong chuyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du cũng đã nhiều lần nhắc tới cá:
Một đời được mấy anh hùng,
Bõ chi cá chậu,
chim lồng mà chơi! ....
Cười rằng: Cá nước duyên ưa,
Nhớ lời nói những
bao giờ hay không? ......
Giữa dòng nước dẫy sóng dồi,
Trước hàm rồng
cá gieo mồi thuỷ tinh.....
Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
Bóng chim tăm cá
biết đâu mà nhìn! .....
Chàng rằng: Gắn bó một lời,
Bỗng không cá nước
chim trời lỡ nhau....
Trong thực vật có cây mang tên là Trứng Cá, trái tròn và nhỏ, khi chín màu vàng hoặc đỏ, có hột nhỏ li ti như trứng cá. Tuổi dậy thì hay bị mọc mụn lấm tấm gọi là mụn trứng cá. Nói tới trứng cá thì phải nói tới các loại trứng cá caviar rất mắc tiền, mỗi muỗng càfe cả $100 đô. Tôi chưa được thử loại trứng cá mắc tiền này, nhưng hồi bé tôi được má cưng, mỗi khi kho cá trê mà có trứng thì tôi được bộ trứng ấy ngay. Hồi ấy ngu ngơ quá, không biết “share” với má và các chị, sung sướng “lủm” cả! Sang Canada lâu lâu gia đình tôi cũng đi câu cá, có khi đem về những con cá rất to, trong bụng đầy trứng nhưng trứng này cứng ngắc ăn chẳng ngon lành gì cả.
Trong thân thể con người cũng có cá đấy, bạn không tin thì xem lại có đúng là mình có mắc cá chân không! Ông nào thích làm nổi có thể gọt tỉa hàm râu cá chốt của mình nhìn cho oai phong.
Bài hát thiếu nhi “Chiều nay em đi câu cá và đem giỏ theo bắt cua” chắc bạn đã từng hát khi còn bé. Nhạc “trữ tình” có lẽ không muốn nhắc tới cá vì mất thi vị đi chăng? Tôi chỉ biết bài hát “Mẹ Trùng Dương” có nhắc tới cá tôm:
“Mẹ Việt Nam cho quê hương muối trắng thêm thơm mâm cơm mặn nồng. Me còn cho con luôn luôn tôm to cá lớn tươi ngon đầy thuyền”…
Không thuộc dòng dõi cá nhưng tên vẫn mang chữ này là con Rái Cá. Thế con cá mực có thuộc dòng họ cá không? Thưa rằng mực, bạch tuột khổng lồ thuộc loài “nhuyễn thể” với tên khoa học là “Cephalopoda” nghĩa là chân lộn lên đầu, không phải cá. Cá Sủ vàng có tên khoa học là Otolithoides Biauritus, sống ở vùng biển Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Sri Lanka và Trung Hoa chữa được nhiều loại bệnh nan y mà khoa học đã bó tay. Cá mập Rhincodon Typus là loài cá lớn nhất đại dương, còn cá voi xanh được xếp vào lớp thú chứ không phải lớp cá. Loài cá chép có tên khoa học là Paedocypris Progenetica vừa được phát hiện ở Sumatra (Indonesia) đã được cho là loài động vật có xương sống nhỏ nhất thế giới.
Cá được chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng như chiên, hấp, nấu canh chua cá bông lau, cá kho tộ, làm chả cá Lã Vọng, súp vi cá, cá nướng, cá nấu ngót…. nếu lười thì khỏi nấu, ăn sống luôn như các món sushi. Nói vậy chứ kỹ thuật làm cá sushi rất cao, không dễ mà ăn được, phải để ngăn đông lạnh trong các điều kiện và thời gian được nghiên cứu cẩn thận, xong cuộn với các gia vị trình bày đẹp mắt. Nhiều nhà hàng Sushi đã làm giàu với món cá sống này. Nghe nói có những buổi tiệc đặc biệt cá sushi được đặt trên thân người trần trụi của các cô gái trẻ đẹp, thay vì để trên dĩa! Món vi cá của người Tàu gần đây đã bị cấm ở một số nơi vì ăn như vậy ác quá. Có vài loại cá ăn vào sẽ bị nổi phong, dị ứng ngứa ngáy khó chịu. Mẹ chồng tôi khi còn sống rất thích cá, nhưng bà bảo đừng bao giờ mua cá ngừ, ăn vào sẽ bị phong. Sau này bà bị lú lẫn nặng, nhưng nếu chúng tôi nấu cá markerel nhìn khá giống cá ngừ, bà vẫn nhớ và nói ngay: “Cá này ăn vào ngứa, không ăn đâu!”.
Ăn cá nên cẩn thận, bạn tôi bị hóc xương phải vào bệnh viện, từ đó về sau sợ quá không dám ăn cá nữa. Ở quê nhà nhiều người phải ở “đèo ngang”, tức là “đang nghèo”, đói quá nên phải ăn cá nóc. Nếu không biết cách làm, cá nóc rất độc ăn vào sẽ mất mạng ngay. Hồi ấy bà hàng xóm gần nhà tôi ở Việt Nam đi bán cá ngoài chợ, bị nhuốm mùi tanh vào người. Dù ít tiền bà cũng ráng mua cục xà-bông thơm để tắm rửa cho bay mùi, kẻo ông chồng chê hôi “hôn không thú” dù hai người có hôn thú đàng hoàng!
Cá còn được chế biến ra làm các loại mắm như mắm cá sặc, mắm bồ hóc…, riêng món nước mắm làm từ cá thì không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Mới đây tại Việt Nam cũng có quán kem của chủ nhân người Ý, ông làm kem với mùi vị nước mắm. Nếu có về VN chắc tôi cũng không hứng thú để thử loại kem Đông Tây trộn lẫn này. Người ta còn làm cá khô, có khi ướp nhiều hương vị rất thơm ngon. Nổi tiếng có khô cá sặc, khô cá lóc, khô cá đuối. Nếu ốm và hô thì bị ví như “khô cá Hố”. Ngoài ra người ta cũng đóng hộp nhiều loại cá, như cá mòi sốt cà ăn với bánh mì rất khoái khẩu. Có nhiều loại cá rất quý, mắc ơi là mắc như cá Anh Vũ, cá Sủ vàng, Bluefin Tuna, Puffer… Người Nhật thích ăn cá, món cá sống của họ nổi tiếng trên thế giới, sashimi gỏi cá sống rất được ưa chuộng. Nghe nói ăn nhiều cá sẽ tốt cho sức khỏe, sống lâu như người Nhật. Sống lâu thì tôi cũng không ham lắm, nhưng nếu có đức tính thành thật, có giáo dục, có tinh thần quốc gia, kỹ thuật tân tiến như Nhật thì tôi rất thích. Dầu cá có nhiều sinh tố A dùng làm thuốc giúp cho sức khoẻ con người.
Mỗi khi Tết tới bạn có chơi lắc Bầu Cua Tôm Cá không? Chúng ta cũng có trò chơi đá “Cá Ngựa” rất vui, nhưng khi thua bị “đá” hoài cũng dễ đổ quạu. Trò chơi gồm một bàn cờ, những con cá ngựa và hột xí ngầu. Hột xí ngầu đổ ra số mấy thì cá ngựa đi được bằng ấy bước, nếu quay đúng số sẽ đá được quân cờ của người kia vào chuồng, dành phần thắng. Bạn có từng xem đá cá chưa. Người ta thả hai con cá vào chung bồn, chúng “đá” nhau tàn bạo, rách vây u đầu thương tích rất nặng, con nào thắng thì bên chủ sẽ được tiền.
Anh bạn tôi thích nuôi cá kiểng trong nhà, bồn cá nhà anh rất đẹp, chăm sóc rất mất thì giờ. Cá Rồng và cá Tai tượng, cá Trạng nguyên, cá La hán là các loài cá kiểng đẹp và mắc tiền. Ngoài sân anh bạn tôi cũng đào hồ nuôi cá Koi, đàn cá của anh đẹp và to, tiếc thay một ngày trộm tới bắt sạch làm anh buồn tiếc nhuốm bệnh cả tuần.
Nghe nói cá tai tượng đang mạnh khỏe bỗng lăn ra chết là điềm rất gở. Một người thân của tôi là linh mục kể lại ngay sau khi con cá tai tượng trong nhà bị chết, em gái của cha cũng bất ngờ qua đời, lạ không? Có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chứ thời buổi này đâu nên tin vào điềm, vào mộng. Biết bao nhiêu người chết bất đắc kỳ tử có nuôi cá đâu mà vẫn bị thần Chết gọi gấp.
Cá trong tiếng Việt cũng là động từ như trong việc đánh cược, cá độ, cá cược. Bà con ta nhiều người cũng hay “bắt cá” trong các cuộc đua ngựa, đá banh, đánh đô vật … cá xem ai thắng ai thua, nhiều người ghiền cá độ mất rất nhiều tiền.
Đầu tháng Tư hằng năm có ngày Cá Tháng Tư “April Fool”, thiên hạ tha hồ xạo không bị chửi trong ngày này.
Đầu bài tôi có nhắc tới rau dấp cá, loại rau này có mùi đặc biệt như mùi cá, ăn không quen sẽ rất kỵ. Hôm ấy có một vị Giám Mục người Canada tới nhà thờ Việt Nam thăm viếng, ngài thích món ăn Việt Nam lắm và thường được mời ăn bún thịt nướng chả giò, lần nào ngài cũng sung sướng thưởng thức. Lần này bị tổ trác ngài nuốt không trôi, ứa cả nước mắt, thì ra bà bếp quên ngài là “Tây”, nên đã thêm vào tô bún vài lá rau dấp cá cắt nhỏ.
Bạn có hay đi chơi, xem các hồ cá không? Trên thế giới xếp hạng hồ cá lớn nhất là hồ Georgia Aquarium ở Atlanta, có trên 100 ngàn loài thủy sản. Hồ khai trương năm 2005 do ông Bernie Marcus, người đồng sáng lập ra công ty Home Depot hiến tặng 250 triệu để xây cất. Kế tới là Okinawa Churaumi Aquarium ở Ocean Expo Park tại Nhật Bản, mở cửa năm 2002. Monterey Bay Aquarium ở Cali rất rộng, nhưng bị xếp vào loại lớn thứ 6, thứ 7 gì đó thôi. Ngay Toronto dưới chân tháp CN Tower, có hồ cá Ripley's mới xây, nhỏ thôi nhưng kỹ thuật tân tiến nhất thu hút nhiều du khách.
Nói chuyện cá thế giới thì vui, nói chuyện cá Việt Nam thì buồn lắm. Ngày cá chết hằng loạt do công ty Formosa gây ra ô nhiễm là ngày buồn cho miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Sau mấy năm kinh tế khu vực này cũng không hồi phục lại được, người dân phải đi tha phương cầu thực, trẻ em mất học phải làm thuê vác mướn thật tội nghiệp. Người dân phải “vay nóng” trốn đi “lao động nước ngoài” rồi bị chết như vụ 39 thanh thiếu niên trong xe thùng ở Anh. Bao đau khổ, mất mát từ vật chất tới tinh thần cho người dân, thật đau lòng không kể xiết. Giới lãnh đạo Cộng Sản chỉ lo vinh thân phì gia mà không thật sự lo cho dân, cho nước, vấn nạn xảy ra khắp nơi. Do phá rừng, hạ tầng cơ sở thấp kém, mưa lụt, ngập nước hôi thối, môi trường ô nhiễm, có khi y tá bắt được cá ngay trong bệnh viện do bị ngập. Nhiều chuyện bọn chóp bu làm “tưởng không hại” nhưng “hại không tưởng”, người dân bỏ “chạy là đúng” vì “đụng là cháy”, không biết đến bao giờ tình trạng mới khá hơn.
Ước gì ngày thanh bình, thật sự tự do dân chủ không Cộng Sản mau về trên quê hương. Dù đã khá chậm trễ nhưng tôi cá với bạn là sẽ có ngày đó, bạn có muốn “bắt cá” với tôi về ngày này không?
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Cá heo được huấn luyện thành
“Thợ săn biệt kích” dưới biển
No comments:
Post a Comment