Mừng
Ngày Ông Bà
Việc kính trọng, nhớ ơn ông bà tổ tiên đã có trong phong tục tập quán của người Việt Nam từ
bao đời nay. Hình ảnh ông bà trong tâm trí tôi ngày xưa là ông cụ râu tóc bạc phơ, còn
cụ bà thì da mồi nhăn nheo, miệng móm mém nhai trầu. Ông bà ngày nay thì khác rồi,
nhất là ở hải ngoại - có lẽ vì cuộc sống văn minh hơn, ông bà nhìn trẻ trung
hơn. Chúng tôi đang bước vào tuổi 60, đã được hân hạnh lên chức ông bà Nội từ
năm ngoái. Thời gian trôi đi thật mau, mới ngày nào tôi còn ngây thơ khờ khạo, nhiều
mộng ước, nay đã trở thành bậc “bô lão” - dù vẫn còn khờ khạo, mau nước mắt! Trách nhiệm
làm cha mẹ, ông bà không phải dễ, nhất là việc giữ gìn nguồn cội, đạo đức, văn hóa Việt
Nam.
Nhớ
ngày hai con trai còn bé, chúng tôi đã phải vất vả đưa các con đi học trường Việt
Ngữ, học đàn, học võ, đi nhà thờ hằng tuần… Một trong những bài tập piano năm đầu
của các cháu là đánh cho được bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa.
Chớp
mắt thế mà đã mấy mươi năm, tre già măng mọc, cháu lớn nay đã có con, chúng tôi
đã đến lúc nghĩ đến chuyện về hưu, lo chuyện tuổi già.
Riêng
ở xứ Mỹ và Canada thì ngày dành riêng cho ông bà chỉ mới chính thức được công
nhận gần đây. Sau nhiều thời gian, nhiều công sức vận động, Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter ngày 6 tháng 9,
1979 đã chấp thuận ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 9 - sau Lễ Lao động là Ngày của
Ông Bà. Mục đích chính của ngày này là để nhớ ơn, tôn vinh ông bà; công nhận
tầm quan trọng của những người lớn tuổi đối với đời sống của những người trẻ;
và thêm cơ hội cho bậc cha ông chứng tỏ tình thương và sự hỗ trợ dành cho
con cháu.
Hoa
biểu tượng cho ngày này là hoa “Forget-me-not” (tức hoa Lưu Ly - Đừng Quên Tôi),
được chấp thuận vào ngày 20/4/1999.
Bài
hát chính thức trong ngày Ông Bà là ca khúc “A Song For Grandma and Grandpa” của
Johnny Prill được Hội đồng chấp nhận vào năm 2004.
Mừng
ngày của Ông Bà, con cháu thường gởi thiệp chúc mừng, tặng quà, mời ông bà đến
trường xem các cháu đàn, hát, vẽ hay tham dự một chương trình đặc biệt nào đó. Con cháu cũng điện thoại chúc mừng, mời ông bà đi ăn tối, gia đình xum họp. Các cháu có thể tự
làm các món ăn đãi ông bà, quan trọng không phải là chất lượng món ăn mà là do
chính tay các cháu nấu nướng thực hiện, qua đó tỏ lộ lòng yêu thương, quan tâm. Đặc biệt
những ông bà phải sống trong các nhà dưỡng lão cũng thường được con cháu đến
thăm viếng trong ngày này.
Tôi
không được may mắn biết mặt ông bà nội ngoại. Ông bà qua đời ở miền Bắc khi tôi được
sanh ra trong Nam, nhưng tôi luôn nhớ những việc lành phước đức ông bà đã làm
do ba má tôi kể lại. Hai con tôi may mắn được sống chung với ông bà Nội một thời gian, khi chúng tôi bảo
lãnh ông bà sang Canada. Mới đầu hai cháu cũng lạ khi lần đầu gặp ông bà, thấy da bà nhăn nheo các cháu dịch ra tiếng Việt: Bà nhìn "cũ" (old) quá! Nhưng sau đó các cháu rất yêu thương ông bà Nội, vì ông bà rất yêu thương chiều chuộng chúng. Khi ông bà về lại Việt Nam thăm nhà, chúng buồn và than
“Ông bà Nội đi rồi, con đi học về không có ai mở cửa”. Số là khi ở Canada, mỗi
ngày khoảng chiều về là ông bà ngồi phía trước nhà đợi, chúng đi học về thì mở cửa
đón vào và cho ăn ngay (Chúng tôi phải đi làm trễ lắm mới về). Ông bà hay dắt các cháu ra công viên gần nhà chơi, mua kem cho ăn. Được khoảng 10 năm thì ông bà Nội các
cháu mất, chúng tôi luôn tổ chức ngày giỗ, đọc kinh cầu nguyện để đại gia đình
tưởng nhớ, biết ơn.
Đọc
các tin tức ngày nay thấy do hoàn cảnh, nhiều cụ già neo đơn ở một mình, hoặc
phải ở viện dưỡng lão hằng ngày trông ngóng con cháu vào thăm thấy thật thương.
Điều mà người lớn tuổi cần không phải chỉ có cuộc sống vật chất ổn định, được chăm sóc sức
khoẻ, họ còn cần hơn cả những cử chỉ yêu thương, lời an ủi, sự lắng nghe chia sẻ.
Tôi rất phục một số anh chị hay vào bệnh viện, nhà già để thăm viếng, trò chuyện
an ủi các cụ già, mang niềm vui đến cho họ.
Tôi
sợ khi mình già hơn cũng sẽ hay quên, run rẩy làm đổ tháo, hay hờn giận, chấp nhất, làm gánh nặng
cho con cháu. Nhưng khi trí nhớ giảm sút, sức khỏe không còn thì cũng đành chấp
nhận, biết bao chuyện ngoài ý muốn vẫn xảy ra. Các cháu ở hải ngoại hình như lợt
lạt tình gia đình hơn, thực tế hơn không tình cảm nhiều như thời chúng ta. Có ông bà đã rất buồn vì con dâu chê không cho giữ cháu, ngược lại cũng có người lại khổ vì con cái ép bắt giữ cháu, không những để đi làm mà còn để chúng đi chơi
cuối tuần, làm ông bà không thể đi ra ngoài, suốt tuần bận rộn lo cho các cháu. Mà
thôi, không biết sao là hoàn hảo, mỗi người mỗi hoàn cảnh, quan niệm sống khác nhau. Tôi nhủ lòng phải chấp nhận nếu không thể làm
gì khác hơn.
Ngày Ông Bà năm nay sắp đến, xin kính chúc các bậc cha ông một ngày
thật hạnh phúc, ý nghĩa bên con cháu. Mong mọi người luôn quan tâm thương yêu
nhau, bỏ qua các việc nhỏ để sống vui sống tốt, khi nghĩ đến ông bà tổ tiên xin
nghĩ đến bông hoa và câu chuyện “Đừng Quên Tôi / Forget-Me-Not”.
Con người có Cố có Ông
Như cây có cội như sông có nguồn.
Con người có Cố có Ông
Như cây có cội như sông có nguồn.
Happy
Grandparents’ Day
Nguyễn
Ngọc Duy Hân
No comments:
Post a Comment