Cô Đơn
Chắc bạn đã từng nghe qua và lẩm nhẩm hát theo vài câu trong ca khúc với tựa để “Cô Đơn” của Nguyễn Ánh 9: “Hạnh phúc như đôi chim uyên, tung bay ngập trời nắng ấm. …Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi. Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ, tiếng hát lạc loài...
Một mình đơn côi, cô độc, cô thế, cô quạnh, cô phòng, cô tịch… là những chữ diễn tả tâm trạng mà có lẽ ai ít nhiều cũng đã từng trải nghiệm qua.
Sự cô đơn một mình là một trạng thái phức tạp bao gồm cảm giác lo sợ, buồn phiền trống vắng khi sự thiếu kết nối hay giao tiếp với những cá nhân khác. Cảm giác cô đơn cũng có khi xảy ra ngay cả khi mình đang ở giữa đám đông, nhưng lại thấy người chung quanh chẳng ai hiểu mình, không ai giống mình. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm lý, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Có thống kê ước tính rằng khoảng 60 triệu người ở Hoa Kỳ, tức là 20% tổng dân số Mỹ đang sống trong cô đơn. Trong một nghiên cứu khác của nước Anh, nửa triệu người trên 60 tuổi đã không có tương tác xã hội và gần nửa triệu người lứa tuổi khác không tiếp xúc hay trò chuyện với ai trong 5, 6 ngày. Thủ tướng nước Anh - bà Theresa May chia sẻ rằng có đến 9 triệu người Anh thường xuyên cảm thấy cô đơn. Bà đã phải bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng bộ Cô đơn (Minister of Loneliness) để giúp giải quyết vấn đề này. Nhiều người trầm cảm cô đơn đến phát bệnh tâm thần, thậm chí tự tử. Trong Kinh thánh cũng từng có đoạn nói về Chúa Giêsu bị cô đơn, lo sợ đến đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu.
Trong cuộc sống ngày nay, người phải đối thoại nhiều bằng các phương tiện Internet là người cô đơn, mặt khác, các nghiên cứu lại cho thấy việc sử dụng Internet cũng làm giảm sự cô đơn và trầm cảm đáng kể. Nghịch lý ở chỗ xã hội càng văn minh phát triển, người ta càng dễ cảm thấy cô đơn, máy móc thiếu tình cảm, thiếu tiếp cận.
Sau đây là vài dấu hiệu cơ bản để thấy mình đang trong cảnh cô đơn: Khi bạn nghe đi nghe lại mãi một bản nhạc, khi bạn thường thức khuya hoặc muốn chìm trong bóng tối, sợ đám đông và không thấy thích hợp giữa những cuộc vui. Bạn thích ở một mình nhưng lại sợ hãi nó, bạn đặt niềm tin vào những mối quan hệ “ảo”, ngại phải giao tiếp với mọi người. Bạn lúc nào cũng bật TV, máy hát dù không thật sự xem hay lắng nghe… Nếu thế thì bạn đang rất cô đơn và cần có những phương cách lành mạnh để khắc phục.
Bạn có thể nghĩ đây là chuyện vô lý, nhưng thực tế đã có nhiều người cô đơn đến nỗi để cảm thấy mình được quan tâm, được yêu thương, họ tự tạo ra hai trang Facebook khác nhau. Một trang vào 12 giờ đêm tự đăng nhập vào tài khoản Facebook kia gửi tin nhắn đại khái: Khuya rồi sao còn chưa ngủ? Rồi người đó lại tự trả lời, than thân trách phận, đối thoại với chính mình. Thế nên nhiều người phải tìm niềm an ủi trong việc kết bạn “ảo”, miễn có ai đó trò chuyện trao đổi với mình. Có khi dùng quá nhiều thì giờ, sự tin tưởng để chia sẻ rồi dẫn tới bị lừa tình, lừa tiền. Nhiều cặp vợ chồng không hiểu nhau, không đối thoại với nhau, nên tìm quên “kết bạn” với người khác cho đỡ cô đơn rồi gia đình tan nát… Cũng không thiếu người phải tìm quên trong men rượu, hút xách. Con cái không thấy gần gũi, được cha mẹ thông cảm, nên nghe lời bạn xấu…Vì thế sự quan tâm, đối thoại trực tiếp, tạo cơ hội gặp gỡ nhau rất quan trọng và cần thiết.
Chính tôi dù may mắn có gia đình hai bên, nhiều bạn bè, nhưng đôi khi cũng cảm thấy mình rất cô đơn, buồn phiền, khó tìm được người cùng quan niệm sống, cùng suy tư hoài cổ, quan tâm tới những chuyện đẩu đâu giống như mình! Tôi cũng thường bị ngộp thở vì lối sống văn minh hiện đại - mọi cái đều máy móc, thiếu tình cảm, thiếu thì giờ chia sẻ vui buồn với nhau, lúc nào cũng chạy theo công việc, hối hả với thời gian.
Ước gì mọi người đều ý thức hơn để các cụ già neo đơn, các bạn trẻ đang lâm vào suy nghĩ tiêu cực trầm cảm, các cặp vợ chồng sống chung nhà nhưng thật khác biệt tìm được nguyên do và cùng nhau chia sẻ, đối thoại để cuộc sống vui hơn, ý nghĩa hơn, không còn cảm giác bị cô đơn thường xuyên nữa.
Duy Hân
No comments:
Post a Comment