Sub Label Menu bars



Ngày Quốc tế chống nạn Bạo hành Phụ nữ


Để tưởng nhớ vụ ám sát xảy ra năm 1960 tại Cộng hòa Dominican dưới thời cai trị độc tài của tướng Rafael Trujillo, thế giới đã chọn 25 tháng 11 hằng năm là ngày Quốc tế chống nạn Bạo hành Phụ nữ, kêu gọi khắp nơi ngưng tệ nạn này. 


Thời đó bốn chị em trong gia đình Mirabal là Patria Mercedes, Maria Minerva, Antonia Teresa và Belgica Adele đã can đảm đứng lên chống lại chính sách cai trị độc tài của quân phiệt. Gia đình Mirabal vì thế đã mất tất cả: Tài sản bị tịch thu, các đàn ông trong gia đình bị bắt giam. Ngày 25 tháng 11 năm 1960 khi ba chị em (trừ cô em út) đi thăm chồng bị giam tù tại Puerto Plata, xe của họ bị công an chặn lại. Ba chị em bị bắt vào đồn điền trồng mía và đánh chết bằng gậy. Sau đó xác chết được thảy xuống vực sâu, dàn dựng như là nạn nhân của một tai nạn lưu thông.
Tổng thống Ý Sergio Matarella nói: “Đàn áp, bạo hành với phụ nữ là điều không thể chấp nhận được. Nó là một vết thương trong xã hội. Loại bỏ nó là mục tiêu mà mỗi quốc gia văn minh phải quyết tâm theo đuổi. Bạo lực với phái nữ, phụ nữ bị lợi dụng, bị sử dụng như dụng cụ, bị đàn áp … cần phải được phản kháng”.


Có người nói “Không bao giờ được đánh một người phụ nữ - dù chỉ bằng một cành hoa”. Thực tế thì phụ nữ trên khắp thế giới vẫn còn là nạn nhân của các vụ bạo hành, nô lệ tình dục, bị lợi dụng, coi thường, chưa kể đến các vụ tảo hôn khi họ còn là các bé gái. 
Trước đây các nạn nhân thường cam chịu, không dám phản kháng. Nhưng cái mà người phụ nữ nạn nhân cần có là một thái độ dứt khoát đối với kẻ bạo hành mình, bất cứ kẻ đó là ai - chồng, cha mẹ chồng, ông chủ, các tư tưởng quan niệm lạc hậu trong xã hội...
Phụ nữ, nhất là đàn bà Á Đông đã chịu nhiều đau khổ, không được coi trọng. Chúng ta biết ơn các vị anh thư đã dám đấu tranh và tận hiến cuộc đời để góp phần cho việc không bị chế ngự, áp bức vô lý nữa. 

Riêng tại Việt Nam ngày nay thì xã hội còn tệ hơn nhiều, thế nhưng cũng có nhiều nữ anh hùng đã dám lên tiếng chống đối bọn tà quyền, công an như Mẹ Nấm, Trần thị Nga, Huỳnh Thục Vy, Võ Hồng Ly, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân, Đỗ thị Minh Hạnh, Trịnh Kim Tiến …
Gần đây nhất là cái chết của nhà báo Đặng Thị Tuyền với bút danh Hải Đường. Cô là người viết cho tờ “Đời Sống và Pháp Luật” và “Luật Pháp Thành Phố Hồ Chí Minh” ở Hà Nội. Xác cô được tìm thấy trên sông Hồng, huyện Thanh Trì vào tháng 6, 2018 vừa qua. 
Gia đình rất hoang mang về cái chết của Hải Đường. Cô bơi giỏi nên không thể chết đuối, còn tự tử như giải thích của công an thì càng không có căn cứ. Hải Đường là mẹ đơn thân sau khi li dị chồng, có một con trai 6 tuổi. Khoảng năm 2013, Hải Đường bắt đầu viết báo. Để có đủ tiền sinh sống nuôi con nhỏ, cô vừa viết bài, vừa mở thêm quán bún đậu và khiêm luôn cô giáo dạy tiếng Pháp, làm tư vấn truyền thông cho các doanh nghiệp nhỏ.

Hải Đường từng tâm sự: “Em muốn kiếm tiền sạch. Muốn dấn thân vào nhiều chỗ để có trải nghiệm.”
Các bạn bè đồng nghiệp viết báo cho hay khi làm việc, rất nhiều lần nhà báo nữ này đã phải đối đầu với sự dọa nạt, có lúc bị uy hiếp đến tính mạng vì dám viết bênh vực cho dân oan bị cướp đất, nói lên cái vô lý của pháp luật, sai trái của công an. Dù vậy Hải Đường luôn tỏ ra có bản lĩnh và sẵn sàng đương đầu.

Trước khi bị sát hại, theo nhà báo Cẩm Tú, Hải Đường đã nắm tư liệu và thực hiện loạt bài viết về việc thu hồi đất trái quy định của chính quyền Hà Nội.
Hải Đường tâm sự: “Bài mà không được đăng chắc em buồn bỏ nghề luôn quá”. Có người khuyên Hải Đường không nên lao đầu vào mấy đề tài “nhạy cảm” này chi cho phiền toái, nhưng cô bảo: “Em không thể cam tâm trước những nỗi oan trái của người dân mình. Em đang viết về một đề tài nữa để bênh vực dân nghèo, hy vọng sẽ sớm hoàn thành.”


Cá nhân tôi hết sức ngưỡng mộ nhà báo trẻ Hải Đường này. Hồi bé tôi có xem tuồng cải lương “Tướng Cướp Bạch Hải Đường”, nói về nhân vật thần sầu đi cướp của người giàu đem cho người nghèo, mỗi khi cướp xong đều “ký tên”, để lại một bông hải đường màu trắng. Từ đó tôi thích hoa Hải Đường. Nhà báo nữ Hải Đường đã không còn nữa, các bài báo xây dựng xã hội, chống chế độ áp bức chắc sẽ không bao giờ được đăng. Đóa Hải Đường cao quý đã phải trôi trên dòng sông Hồng nhuộm máu đỏ. Chuyện sẽ đi vào quên lãng nhưng với tôi, đây là một bông hoa tươi đẹp và đáng được trân trọng, ghi nhớ. Mong hương thơm của Hải Đường sẽ mãi tỏa lan, làm chứng cho Công Lý và Sự Thật, làm gương cho những người cầm bút dám sống với lương tâm và lý tưởng.

Kỷ niệm ngày Quốc tế chống nạn Bạo hành Phụ nữ, mong mỗi người đều ý thức hơn để góp phần chống bạo hành, chống coi thường phụ nữ từ trong tư tưởng, gia đình cho tới cuộc sống ngoài xã hội.


No comments:

Post a Comment