Sub Label Menu bars



Mừng Ngày Hiền Phụ


Mừng Ngày Hiền Phụ 
(Fathers' Day)

Ngày đặc biệt dành cho các người cha được tổ chức hàng năm trên thế giới rơi vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu.
Có nhiều câu chuyện giải thích về nguồn gốc của ngày này.  
Tại Ý, Ngày của cha "Festa del Papa" tổ chức vào ngày lễ Thánh Giuse (19 tháng 3) theo truyền thống đạo Công Giáo, hôm đó các gia đình cùng quay quần cầu nguyện, ăn uống, nghỉ ngơi, chia sẻ niềm vui xum họp cả nhà. 


Nhiều người khác cho rằng Ngày của Cha (Fathers' Day) được khởi xướng bởi một phụ nữ tên là Grace Clayton ở Fairmount, tiểu bang West Virginia (Hoa Kỳ). Sau một tai nạn hầm mỏ làm 362 người đàn ông tại Fairmount bất ngờ cùng qua đời, làm hơn 1000 trẻ em bị mồ côi cha, bà Grace - một trong những trẻ bị mất cha - đã đứng ra tổ chức lễ tôn vinh những người cha vào năm 1908.

Một số người khác thì cho rằng Ngày Hiền Phụ khởi nguồn từ việc con gái của cựu chiến binh Sonora Dodd ở tiểu bang Arkansas đã kêu gọi chọn một ngày để tôn vinh những người cha giống như Ngày Mothers' Day của Mẹ, nếu không thì thấy thiếu sót bất công với vai trò quan trọng của người cha trong gia đình.

Đến năm 1966, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã ấn định ngày Chúa nhật thứ ba trong tháng Sáu là Ngày Fathers' Day. Sáu năm sau, tổng thống Mỹ Richard Nixon đã ký và công bố Ngày của Cha chính thức là ngày lễ của quốc gia Hoa Kỳ. Sau đó ngày của Cha được lan truyền khắp thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Ngày của Cha là dịp để mỗi người về với gia đình và trân trọng nói lời cảm ơn người cha đã sinh ra và nuôi dưỡng mình. Các món quà tặng cha trong ngày này nói lên tấm lòng của con cái đối với bậc sinh thành. Biểu lộ tình cảm bằng hành động trong ngày đặc biệt này vừa là nét đẹp trong cách xử thế, vừa để gắn kết thêm tình cảm người thân trong gia đình với nhau, giúp gia đình thêm yêu thương và hiểu nhau hơn. Công cha như núi Thái Sơn, tình yêu thương bậc sinh thành dưỡng dục rất đáng được đề cao, bổn phận làm con phải luôn ghi nhớ. 
Ngược lại trong vai trò "hiền phụ",  người cha phải luôn cố gắng làm gương tốt, dạy dỗ con cái sao cho nên người tốt trong gia đình và xã hội, cáng đáng biết lo liệu để gồng gánh cả đại gia đình. 


Fukuzawa Yukichi, một thầy giáo, văn sĩ, người thành lập đại học Keio ở Nhật đã có những lời dạy rất ý nghĩa dành cho con cái của mình:

Trái tim con người - cũng như khuôn mặt - mỗi người mỗi khác nhau. Có người mặt tròn, có người mặt dài. Trái  tim cũng vậy, không có trái tim người nào giống người nào cả. Có người tính tình nóng nảy, có người kiên nhẫn hơn. Có người trầm tính ít nói, cũng có người ồn ào. Vì vậy, các con không nên nhìn bên ngoài hành vi của người khác rồi vì không thích mà trở nên tức giận. Hãy cố gắng kiềm chế. Quan trọng là sống chan hòa thông cảm với nhau.
Người không nhìn thấy được, không nghe được, ta gọi là người khuyết tật. Các con may mắn sinh ra không bị khuyết tật. Nhưng khuyết tật không chỉ ở mắt, tai, còn có người bị khuyết tật tâm hồn. 
Nghe giảng đạo lý mà không hiểu thì không bằng người điếc, nhìn sách mà không đọc thì khác gì người mù. Những khuyết tật về thể lý không gì đáng xấu hổ, chính khuyết tật trong tâm hồn mới thật sự đáng xấu hổ.
Hằng ngày chúng ta ăn ba bữa cơm, tối đi ngủ, sáng thức dậy. Ngày nào cũng như ngày nấy. Vốn dĩ việc ăn uống, ngủ nghê thì cầm thú con gì cũng có thể làm được. Đã sinh ra làm người, lẽ nào chúng ta chỉ trải qua ngày tháng như những con vật mà được sao? Vậy thì đáng tiếc biết bao. 
Một khi đã sinh ra làm người trong thế giới này, các con phải làm những thứ mà chim chóc, muông thú không làm được. Phải thể hiện sự khác biệt đối với động vật. Sự khác biệt đó là thấm nhuần đạo lý, không lạc lối trước những ham muốn trước mắt, viết chữ, đọc sách, hiểu biết thế giới rộng lớn, biết phân biệt sự khác nhau giữa thế giới xưa và nay, giữa chính và tà.

  

No comments:

Post a Comment