Sub Label Menu bars



Chân Trời Tím Xưa và Nay


Chân Trời Tím Xưa và Nay

Không cần nhắm mắt mới thấy được một chân trời tím ngắt, ngày Chúa Nhật 11 tháng 6, 2017 vừa qua chúng tôi mở mắt rất to mà vẫn thấy "tím cả chiều hoang" trong dịp người bạn trẻ Tôn Thất Hùng tổ chức buổi chiếu phim Chân Trời Tím. 
Thật vậy, từ lúc chiếu phim buổi trưa tới phần Tiếp tân - Họp báo buổi chiều, "theme" của chương trình là một màu tím Huế ngọt ngào. Tím từ những posters hình ảnh, bông hoa trang trí, đến màu cà-vạt áo sơ-mi, đến các tà áo dài, khăn trải bàn, khăn giấy lau miệng, thậm chí cả món cơm chiên cũng là cơm lá cẩm sắc tím thơm ngon.... Tất cả đã tạo một ấn tượng sâu đậm trong lòng người dự, trong đó có chúng tôi.



Cuốn phim "Chân Trời Tím" đã bị mất dấu gần 50 năm nay. Những vị được xem phim này ngày xưa chắc nay cũng khá lớn tuổi rồi. Nhờ cháu đời thứ ba của ông bà chủ hãng phim Mỹ Vân là anh Hà Phi, cuốn phim bị hư đã được tu sửa, tái tạo rất công phu và tốn kém, đem lại chân trời tím, đem lại những kỷ niệm xa xưa, những hình ảnh oai hùng của người Lính Việt Nam Cộng Hòa trở về trong tâm khảm mọi người.

Có lẽ nhiều người đã xem và biết về cuốn phim tốn kém nhất thời đó, cũng như đọc cuốn tiểu thuyết của tác giả Văn Quang, nên tôi sẽ không nói về cốt chuyện. Tôi chỉ muốn chia sẻ một chút tâm tình khi xem phim cũng như vài chuyện "râu rìa" liên hệ tới "Chân Trời Tím" này.

Nhân vật chính trong phim là Phi và Liên do Hùng Cường và Kim Vui thủ vai. Hồi bé tôi rất thích Hùng Cường khi đóng cải lương với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu...Tôi đã từng len lén lau nước mắt và xây mộng lớn lên mình sẽ mở gánh hát, đóng vai đào thương! Cặp danh ca kích động nhạc Hùng Cường & Mai Lệ Huyền cũng vang dậy tên tuổi một thời. Nhưng cuộc đời người nghệ sĩ dù nổi tiếng tài ba đến đâu cũng không chỉ là vinh hoa, tiếng vỗ tay dưới ánh đèn màu. Khi đóng cuốn Chân Trời Tím, Hùng Cường đã bị người phá, cho côn đồ vào phim trường lớn tiếng chê để áp đảo tinh thần anh: "Hôi mùi cải lương quá!" Chắc chắn các nghệ nhân này cũng từng trải qua những giây phút "khóc lẻ loi một mình". 
Nữ nghệ sĩ Kim Vui được cho là nữ thần sắc đẹp thời ấy, lại hát hay diễn xuất giỏi nhưng đứa con đầu mắc bệnh phải nằm nhà thương lâu dài tốn kém. Có ngày cô đã phải chạy show đi hát 11 chỗ khác nhau để kiếm tiền thuốc thang cho con.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa và những nhân vật phụ trong phim có người đã qua đời, có người đang bị bệnh nặng liệt lào, cô đơn rất thương tâm. Có lẽ đã làm người thì phải khổ, dù có nhiều tài năng nổi tiếng hoặc giàu nghèo ra sao. 

Khi chuẩn bị đi xem phim này, tôi nhủ lòng phải bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật, chấp nhận lối đối thoại diễn xuất chậm vì 50 năm về trước phim ảnh ít "action" hơn, không công phu tốn kém như các phim Âu Mỹ thời nay. Ngạc nhiên thay, tôi đã thích thú theo dõi, nhất là cảnh chiến trường Việt Nam rất sống động, oai hùng. Những chiến sĩ ngày ấy đã chiến đấu thật dũng cảm, kiên cường.

Tôi vốn có tâm hồn ăn uống, nên để ý tới 2 chi tiết này trong phim. Nhìn cô gái trong phim ăn trái mận thật dòn thật ngon, tôi nhớ cây mận ngày xưa ở nhà mình quá sức. Khi ăn các món bên đây, chúng tôi thường so sánh cho rằng thức ăn thịt cá bên Việt Nam ngon hơn, vì vừa tươi không bị đông lạnh, vừa nuôi trồng tự nhiên không bị công nghiệp hóa, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là khi ăn có ba má, có gia đình đầm ấm, có cả một không khí của thời vàng son sum vầy, nên chúng tôi luôn thèm và tiếc nuối.... Một chi tiết khá mắc cười là vũ trường ngày xưa rót whisky phục vụ khách trong ly cao, có chân như ly sâm-banh. Theo đúng sách vở của người pha rượu bartender, dù uống nóng hay lạnh "on the rock", whisky luôn được rót vào ly thấp, không có chân!

Cá tính của cô ca sĩ Liên trong phim cũng không được sắp xếp cho cô thành người dễ thương hơn, làm người yêu của lính mà lính trễ hẹn cô cũng không thông cảm được! Việc cô đi ở với người thương gia luôn say sưa ghen tuông sau này, để rồi bị ông đâm chết cũng không rõ nguyên nhân (hay là khi xem phim tôi đang mơ màng nên không hiểu rõ?). Tôi thắc mắc quá về nhà vào các trang mạng tìm đọc ngay cuốn tiểu thuyết nguyên bản của nhà văn Văn Quang, rồi mới hết ấm ức. Cuối phim nếu chiếc bóng đi về chân trời tím trong tiếng nhạc buồn ray rứt có bước chân chậm hơn một chút chắc tôi sẽ thích hơn...

Nhưng thôi, hãy bỏ qua vài chi tiết nhỏ không hay lắm, mà nhìn vào toàn bộ cuốn phim với những khó khăn phải vượt qua để thực hiện được như thế. Hãy "nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa" để hương vị tháng ngày hoa mộng và bi tráng thời Cộng Hòa hiện về, để thấy "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo", để nhớ về "người đi qua đời tôi", để thấy lòng "nhớ thương chất ngất một chân trời tím ngắt" đầy lãng mạn và yêu thương .... Gần cuối phim hình ảnh lá cờ Vàng ba sọc đỏ dù một góc bị rách nhưng vẫn vươn cao trong gió làm chúng tôi thật xúc động. 

Cuốn phim làm tôi hiểu thêm được suy tư, đời sống của bậc cha anh mình ngày xưa ra sao. Hạ sĩ Phi trong phim đã nói một câu làm tôi suy nghĩ thấm thía vì thấy nó càng đúng hơn trong sinh hoạt hiện tại: "Chúng ta chiến đấu chống Cộng sản, đánh quân thù chứ không đánh nhau". Vâng, ngày nay nhiều khi vô tình chúng ta làm nhụt chí nhau, gây khó khăn trong cuộc đấu tranh chung góp phần xây dựng lại quê hương Tự Do và Dân Chủ, trong các sinh hoạt cộng đồng. Tôi nhủ lòng mình phải cẩn thận hơn, không đánh được giặc thì cũng ít nhất không làm hại đồng đội.

Buổi chiều sau khi xem phim xong, chúng tôi cũng có duyên may dự buổi Tiếp tân-Họp báo và nghe nhạc thính phòng trong khung cảnh ấm cúng và tràn đầy nghệ thuật. Các bài hát đã dùng trong phim với tiếng hát Thái Thanh như "Chân Trời Tím", "Người đi qua đời tôi" và "Nửa hồn thương đau" đã được trình diễn lại. Các nhạc phẩm trữ tình khác mang sắc tím hoặc nói về đời Lính do các ca sĩ địa phương biểu diễn với tiếng nhạc réo rắt đã làm không gian như ngưng đọng. Giáo sư Đỗ Khánh Hoan trong phần diễn giải cũng xác định cuốn phim là một phần của lịch sử hào hùng ngày ấy. Phần câu hỏi của người dự và trả lời của Hà Phi, ca sĩ Thái Hà & Tôn Thất Hùng cũng giải đáp được nhiều thắc mắc, quan tâm về cuốn phim. Nghệ sĩ Kim Vui, bà chủ hãng phim Mỹ Vân cũng gởi lời thăm mọi người qua phần video phỏng vấn. 

Được biết Tôn Thất Hùng đã tốn hơn 4 tháng trời để chuẩn bị cho chương trình giới thiệu bộ phim Chân Trời Tím tới đồng bào Ontario. Hùng vừa phải đối đầu với thời gian, tài chánh, làm việc với nhân viên bộ Phim Ảnh Canada, vừa phải khéo léo để tổ chức rất tỉ mỉ, thành công từng chi tiết, lại lo dịch ra phụ đề tiếng Anh cho giới trẻ hiểu được. Hùng luôn hãnh diện nhận mình là "Con Cháu của Việt Nam Cộng Hòa", người bạn trẻ này rất hay, rất yêu văn hóa nghệ thuật và là gạch nối giữa thế hệ cha ông. Ngoài nghệ sĩ Kim Vui, Hùng đã có liên hệ mật thiết với tài tử Kiều Chinh, cặp danh ca Bạch Yến và nhạc sĩ Trần Quang Hải .... Nếu không có đam mê nghệ thuật, sự hiểu biết về văn hóa thì Hùng không thể nào thực hiện được nhiều sinh hoạt đặc biệt như thế. Xin chân thành cảm ơn bạn trẻ Tôn Thất Hùng và các nhà bảo trợ, thân hữu đã giúp cho chương trình đầy ý nghĩa và thành công.

Nếu bạn chưa xem phim này có thể mua DVD để ủng hộ hãng phim Mỹ Vân. Được biết Hà Phi đang và sẽ tiếp tục tái thực hiện hàng chục bộ phim cũ thuở ấy, kể cả cuốn chưa bao giờ được trình chiếu vì biến cố 1975 ập tới. "Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?", linh hồn người xưa chắc cũng rất vui khi những thước phim này được trình chiếu lại.

Ngày nay dưới chế độ Cộng Sản văn hóa ngày càng xuống cấp, nhiều người sống vô cảm, nét đẹp và cái thanh lịch ngày xưa bị phai mờ. Nếu so sánh các hình ảnh trước 1975 với hình ảnh xã hội ngày nay, chắc chắn ai cũng đã thấy rõ chế độ nào "siêu việt" hơn. Công việc làm đẹp cuộc sống, nâng cao giá trị tinh thần, dạy dỗ con cháu và để lại cho các thế hệ tương lai những bằng chứng, những sinh hoạt nghệ thuật tốt đẹp là điều rất đáng quan tâm và thực hiện bằng mọi cách.
Cảm ơn các bậc đi trước, cảm ơn tất cả mọi người đã cho chúng tôi sống lại "những ngày xưa thân ái"....

Nguyễn Ngọc Duy Hân


1 comment: