Sub Label Menu bars



Thư gởi Mẹ Việt Nam

Mẹ Việt Nam của con,
Đêm nay sóng vỗ rì rào, từng ngọn gió biển se sắt thổi về làm tung bay tóc rối, lòng con bỗng nhiên chùng xuống, nghĩ về mẹ thật nhiều.
Mẹ ơi,
Con là con của mẹ. Theo kiểu Việt Nam mình, thương thì để trong lòng, trong gia đình với nhau cần gì nói tiếng cám ơn, nhưng tối nay, con thấy mình thiếu sót thật nhiều vì chưa bao giờ lên tiếng tỏ lòng yêu thương mẹ. Hy vọng tối nay con sẽ chia sẻ với mẹ những suy tư mà con đã ấp ủ, để mẹ biết con cần và thương mẹ thật nhiều…

Trước hết, con cám ơn mẹ - Mẹ trùng dương đã cho chúng con muối trắng mặn mòi, từng đàn tôm cá bơi lượn giữa san hô sắc màu tươi thắm. Con cám ơn mẹ của núi đồi với những cây to, với hoa bướm tô điểm cuộc đời. Cám ơn mẹ của rừng già với muôn thú oai hùng, các loài chim xinh đẹp lạ lùng. Mẹ vỗ về núi cao, thổi về đồng bằng những ngọn gió cho lúa rập rờn trĩu hạt, cho trái cây chín tới thơm hương ngào ngạt … Mẹ còn dạy chúng con biết yêu thương nhau, biết thế nào là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, thế nào là Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Chúng con hiểu gia đình là quan trọng, biết đặt quyền lợi chung lên trên, thay vì chỉ nghĩ tới lợi ích cá nhân. Mẹ dạy con trai phải sống hào hùng độ lượng, làm trụ cột cho gia đình. Mẹ dạy con gái nết na thủy chung, biết khéo léo sáng tạo, từ những vật liệu đơn giản có thể làm thành các loại thức ăn, bánh mứt ngon đẹp. Con biết nấu canh mồng tơi với cua đồng, cá bống kho tiêu - ăn vào ấm bụng mà lại rẻ tiền. Mẹ dạy chúng con nhớ ơn ông bà tổ tiên, khi có giỗ chạp, biết làm các món đặc biệt hơn như chả giò, phở, bún, bánh xèo…, chứng tỏ nét văn hóa đặc thù của Việt Nam, ai cũng thích.
Biển đêm nay thật hùng vĩ tuyệt vời, vài con ốc nhỏ khiêm nhu phơi mình nơi bãi cát. Nhưng mẹ ơi, dù sóng nước xanh thẳm bề ngoài rất đẹp, nhưng con biết trong đó đã có pha rất nhiều nước mắt của mẹ, nên chẳng trách chi nước biển mặn đắng, từng đêm dài biển than thở nỉ non.
Nhớ ngày xưa ấy lúc vừa lập quốc, mẹ đã phải lần đầu chịu cảnh chia ly. 100 trứng nở ra trăm con, nhưng vì thuộc dòng giống Tiên Rồng, mẹ phải đem 50 con lên núi, còn Lạc Long Quân đem 50 con xuống biển. Từ đó như mắc phải lời nguyền, anh em chúng con luôn phân tán, tư tưởng bất đồng. Là một người mẹ hiền, chắc mẹ đau lòng biết bao. Trong Lịch Sử nước mình, mẹ cũng đã đau khổ thật nhiều vì dân tộc đã phải chịu hơn một ngàn năm làm nô lệ cho giặc Tàu. Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hưng Đạo Vương, Ngô Quyền… là tiêu biểu cho những đứa con oai hùng của mẹ, dám đứng lên tranh đấu, nhưng tiếc thay vì thân phận nhược tiểu, bao anh hùng cuối cùng rồi cũng phải khuất phục số mệnh.
Rồi tới một trăm năm bị giặc Tây đô hộ. Người Pháp áp dụng chính sách “Chia để Trị” nhằm gây chia rẽ, cắt đất nước ra làm ba miền, mà ảnh hưởng còn tới bây giờ, cộng với chính sách “Ngu Dân”, hạn chế giáo dục để loại bớt những người trí thức biết chống đối. Rồi họ bắt dân làm phu, hãm hiếp phụ nữ. Những đứa con lai bất đắc dĩ đã chào đời, mở to đôi mắt xanh biếc mà nhìn đời mình đen tối. Người Nhật sau đó cũng tàn ác không kém, họ bắt phá ruộng trồng đay tạo nên nạn đói năm Ất Dậu, khiến hai triệu người chết thảm. Mẹ kiệt sức không còn giọt sữa, đã hy sinh chính những giọt máu của mẹ cho con bú để sống sót.
Lịch sử tiếp nối, anh em chúng con luôn sống trong căng thẳng, để rồi tới năm 1954 phải ký hiệp định chia đôi đất nước. Chứng kiến cảnh đàn con bỏ quê lũ lượt vào Nam trốn Cộng Sản, gia đình chia lìa, mẹ xót xa lắm phải không mẹ? Thế nhưng tính ra những đứa con này lại may mắn, vì những người còn ở lại ngoài Bắc đã phải chịu đấu tố, sống trong đói khổ, sự thật bị bưng bít.
Cuộc đời lại tiếp tục xoay vần với hơn hai mươi năm nội chiến. Từng đêm nghe đại bác vọng về, con thì đứa còn đứa mất, sinh Bắc tử Nam. Hình ảnh những bé thơ đẫm máu khi bị pháo kích tại Cai Lậy như vẫn còn đâu đây. Súng đạn nào biết đâu là trường học, đâu là nhà thờ, chùa chiền mà tránh? Từng đêm dài mẹ âu lo, chắp tay cầu nguyện nhưng chồng vẫn mãi biệt tăm, con trai vẫn phải gian khổ nơi sa trường. Mắt mẹ đã mờ vì ánh hỏa châu đêm đêm dọi về, lung linh hình ảnh thần chết và nước mắt. Ban ngày mẹ xiêu vẹo gánh từng gánh hàng rong đi bán, ban đêm vai mẹ oằn nặng những mất mát, âu lo. Mẹ đã quen với khắc khoải đợi chờ, nhưng sao đêm nào cũng quá dài khó thể chợp mắt, ngày thì lại quá ngắn làm không hết việc, chưa hề có một nụ cười vui.
Biến cố Tết Mậu Thân 1968 với những mồ chôn tập thể thật khủng khiếp, không ai tin được mẹ có những đứa con ác độc như thế. Con hiểu mẹ rất đau lòng vì những đứa con ngỗ nghịch, nhưng lòng mẹ luôn bao la, con cái càng sai lỗi mẹ lại càng phải quan tâm, thương xót hơn phải không mẹ? Mẹ lại phải lê bước trên Đại Lộ Kinh Hoàng năm 1972, đâu đâu cũng là xác người, để lại trong tim mẹ những vết thương oan nghiệt vẫn hoài rỉ máu. Rồi tới năm 1975, đàn con mẹ lại một lần nữa phải ly tán, trốn ra nước ngoài vì hai chữ Tự Do. Những ngày vượt biên, băng rừng ấy quá hãi hùng. Hàng triệu người đã mất mạng. Mẹ lại phải chứng kiến trên biển cả mênh mông, những đứa con gái của mẹ bị hãm hiếp dập vùi. Biển của mẹ Việt Nam thì hiền hòa êm ái, còn biển của những tên cướp Thái Lan sao quá hung tàn. Chúng chém cả những người dám ra sức bảo vệ người thân mình. Nước biển đúng ra phải trong xanh, nhưng biển của những ngày đó đục ngầu màu máu, tiếng oan hồn nức nở như vẫn còn đâu đây. Nhắc lại mà con sợ quá, và hẳn mẹ cũngđang run rẩy trong tiềm thức, từng đêm thảng thốt bật dậy mà tưởng như vẫn còn trong cơn ác mộng.
Khi tới được bến bờ tự do, niềm vui cũng không trọn vẹn. Vì gia đình chia lìa, những đứa con của mẹ đã phải vá víu tạm bợ với người khác, mong quên đi nỗi buồn nơi đất khách quê người, rồi sinh ra cảnh ngang trái trong gia đình. Mẹ hiểu chúng con, nhưng mẹ cũng không biết làm sao để giải quyết thực tế đau lòng này phải không mẹ. Rồi còn biết bao chiến sĩ, nhân tài bị vùi dập trong các trại tù cải tạo, không còn quyền sống. Những đứa con gái, con dâu của mẹ phải bán đi tất cả những gì còn sót lại để thăm nuôi, đút lót cho cán bộ hầu mong chồng mình được thả về - mà khi được về thì gần như thân tàn ma dại. Anh hùng gặp lúc gian nan, đành ôm hận nước nhà mà cõi lòng tan nát. Những ngày cháy nắng trên vùng kinh tế mới, bị ép buộc đi đào kinh thủy lợi, bị nhồi nhét chính trị, bán chính máu mình để đổi gạo nuôi con vẫn còn hằn vết trong trí nhớ con. Cuộc sống vật chất quá khó khăn làm chúng con trở nên nhỏ nhen thấp hèn, tranh giành từng lon gạo, từng hạt muối để sống còn. Niềm tin và lòng tự trọng từ từ biến mất, nhường chỗ cho đố kỵ, tính toán.
Mẹ lại phải đau lòng nhìn hơn 80 triệu dân ở tại Việt Nam chịu những đau đớn nhục nhã hơn bao giờ. Biết bao con gái của mẹ phải bán thân làm cô dâu Đài Loan, Đại Hàn, cởi quần áo cho người ngoại quốc lựa chọn như những con vật, bị quảng cáo trên các trang internet như một món hàng. Có bài thơ tình nào đủ hay để diễn tả được những mối tình tươi đẹp đã chết tức tưởi vì vấn nạn này? Nghĩ tới những cô gái một thân một mình nơi xứ lạ, ngôn ngữ bất đồng, làm việc cực khổ, có khi phải làm công cụ mua vui cho bọn đàn ông, ngày ngày hướng về đất mẹ mà lòng quặn thắt. Làm sao mơ được ngày về, bao giờ có một ngày thanh bình trên quê hương như những ngày xưa ấy? Con gái thì vậy, còn con trai thì cũng không khá gì hơn. Họ đã từng phải đi thanh niên xung phong, bỏ mình trên chiến trường Cam-Bốt, rồi phải bán sức lao động, chịu “xuất khẩu” ra nước ngoài với bao cực nhục vất vả. Những cha mẹ già thân gầy như hạc mà vẫn phải lội bùn mò cua bắt ốc dưới trời gió lạnh. Đàn trẻ thơ không được tới trường, phải đi lượm rác, bán vé số, đánh giày nuôi thân, chúng đói khát tội nghiệp biết bao. Vì không được giáo dục, chúng ăn nói thô tục, thái độ khiếm nhã. Nhìn đàn cháu chắt như thế, làm sao mẹ chịu được? Tệ hơn nữa là rất nhiều cô gái - và cả các em bé ngây thơ nữa - đã bị lừa gạt để bán vào các động mãi dâm tại Campuchea, Thái Lan, Mã Lai… Ôi những thiên thần phải sống nơi địa ngục, thế giới đang đi về đâu, người dân Việt sao phải chịu quá nhiều đắng cay nghiệt ngã?
Cuộc sống nhiễu nhương, người ta đã quên đi căn bản đạo đức. Họ sẵn sàng trộn các hóa chất độc hại vào thức ăn, bỏ tiền ra mua bằng cấp, bán tình dục, dùng tiền khuynh đảo, hưởng thụ, tạo nên một xã hội hỗn loạn. Nạn tham nhũng, lọc lừa đã nâng lên tới hàng quốc gia. Từ trên xuống dưới, ỷ có chút quyền hành là bóc lột hà hiếp người khác, không ai dám tin ai. Giới trẻ học đòi vọng ngoại, vong bản. Đàn con mẹ vẫn ngày ngày sống đói khổ, áp bức bất công, tôn giáo vẫn bị đàn áp, dân oan khắp nơi. Trường Sa, Hoàng Sa, Thái Hà, Cồn Dầu, Vinh … những địa danh với những nỗi đau làm tan nát trái tim mẹ. Ngày nay một số người không còn đường sống đã phải trốn sang Thái Lan tị nạn, chịu đựng bắt bớ khó khăn, cô thân cô thế, tương lai họ sẽ về đâu?
Con biết mẹ buồn lắm với những đứa con hư bán nước cầu vinh, đang tâm làm tay sai cho Nga, cho Tàu, hoặc những đứa ù lì ích kỷ, không biết suy nghĩ. Thay vì góp phần xây dựng gia đình, cộng đồng, nâng cao đời sống lại chửi bới lẫn nhau, thiếu tinh thần đoàn kết, không kể tới mẹ già đang đưa cánh tay gầy ra ngăn cản, khản giọng kêu gọi yêu thương.
Mẹ ơi! Nghe mẹ thở dài con đau lòng lắm, nhưng hãy ráng vui và an tâm mẹ nhé. Không phải tất cả chúng con đều vô tâm tàn nhẫn với mẹ. Vẫn còn biết bao anh chị em đang vươn lên để mong phần nào xoa dịu vết thương của mẹ. Chúng con sẽ cố gắng để có một ngày mới trên quê hương, để thấy được nụ cười trên môi mẹ. Xin mẹ hãy làm nên những cơn sóng cuốn trôi đi những tị hiềm, cho chúng con biết thể hiện tình bầu bí anh em một nhà. Xin mẹ thổi những cơn gió mới, để chúng con không phân biệt già trẻ tôn giáo, cùng nắm tay bảo vệ mảnh đất quê hương - Mảnh đất chữ S mà biết bao anh linh đã bỏ mình để bảo vệ, cho con cháu tránh được kiếp nô lệ mới cho ngoại bang sau này, cho chúng con được ôm mẹ và hãnh diện vì mình là người Việt Nam.
Mẹ yêu thương!
Ngòi bút và ý con đã cạn, nhưng tình thương vẫn luôn mãi đầy tràn. Con xin tạ tội vì những buồn phiền con đã đem tới cho mẹ. Thật lòng con thương mẹ, nhưng con luôn yếu đuối, biếng lười, chính con đã làm mẹ thất vọng biết bao nhiêu. Ngày ngày con lo đi làm để trả nợ áo cơm, con đã quên những món nợ tinh thần mà con phải trả cho đất nước, cho cha mẹ, cho những người chung quanh. Tinh thần Quốc Gia và lòng yêu nước của con như thế nào? Các chiến sĩ đã bỏ mình, bỏ một phần thân thể để bảo vệ Tự Do Dân Chủ, con đã làm gì để tri ân họ? Khi có người dám đứng lên tranh đấu cho Công Lý, nói những điều cần phải nói, con có dám ủng hộ họ không, hay chỉ cúi đầu im lặng để được yên thân? Biết bao nhiêu người ra sức làm việc thiện, đấu tranh vì chính nghĩa, con có góp một bàn tay, hay chỉ than rằng “Tôi bận quá” rồi ngồi yên, chờ người khác làm xong thì phê phán. Trách nhiệm dạy dỗ cho con cháu biết mẹ Việt Nam là ai, văn hóa như thế nào, con làm được bao nhiêu? Ngay trong nhà, con có đủ hy sinh, khôn ngoan để xây dựng gia đình chính mình không? Con xin lỗi mẹ, con còn quá nhiều thiếu sót. Con sẽ phải sửa đổi, cố gắng nhiều hơn nữa, tất cả chúng con phải cùng hợp sức hợp lòng. Mẹ hãy mở lượng khoan dung và vững lòng chờ chúng con mẹ nhé…
Trịnh Tây Ninh
duyhan@rogers.com
 

No comments:

Post a Comment