Sub Label Menu bars



Bố chồng tôi

Bố chồng tôi

Bố chồng tôi qua đời đã lâu, tháng ngày trôi qua với biết bao công việc dồn dập nhưng tôi vẫn thương mến, vẫn có cảm giác ông còn hiện diện đâu đây.


Ông bà đến Canada ở với chúng tôi hơn 10 năm. Thật lòng mà nói, tôi không thích sống chung với cha mẹ chồng. Tôi lo sợ vì nghĩ tới cảnh mẹ chồng nàng dâu. Đọc các chuyện cười về “in laws” tôi rất thấm thía. Tôi biết mình không khéo léo, ăn nói vụng về, quen sống tự do phóng khoáng, chắc chắn sẽ có khó khăn.
Lần đầu tiên gặp ông bà ở phi trường, tôi thấy thật xa lạ. Về ở chung, điều rất mừng là tôi không hề có trở ngại với mẹ chồng, bà rất hiền và ít nói, nhưng tôi lại khổ sở với ông cụ. Ông hay thắc mắc, suy nghĩ theo lối cổ xưa và nói ... hơi nhiều. Thỉnh thoảng tôi có ‘méc’ với ông xã về các chuyện xảy ra trong ngày với ông cụ, nhưng anh bênh cha làm tôi quê không muốn nói nữa. Sau vài chuyện hiểu lầm không vui, tôi rút ra được kinh nghiệm cho chính mình. Tôi sẽ không để ý, không bực mình nữa, tôi phải cố gắng để bản thân được bình an. Tôi tập mỗi ngày để mình ‘đằm’ tính lại, vui vẻ với cha mẹ chồng, chu toàn bổn phận. Rất may mắn, ông cụ càng ở lâu càng hiểu được đời sống bên đây, càng thông cảm được với chúng tôi (Tôi có cô em bạn dâu, 2 đứa rất ý hợp tâm đầu về chuyện “bố chồng” này). 
Những năm đầu tiên, hầu hết các ngày nghỉ vacation trong hãng là ngày tôi ở trong bệnh viện với ông bà cụ. Ông yếu, hay bị các cơn suyễn, cơn sưng phổi hành hạ. Bà tương đối khỏe hơn, nhưng hết mổ chân trái tới chân phải, mắt trái tới mắt phải, rồi mổ tim.... Được tiếng là nuôi người bệnh nhưng thật sự không phải chăm sóc gì, chỉ cần ở bệnh viện làm thông dịch khi cần thiết và giúp ông bà bớt sợ không phải ở một mình. Tối tới tôi ghép 2 cái ghế lại làm giường ngủ bên cạnh, có khi cô y tá dễ thương cho tôi nằm ở giường kế bên nếu có giường trống. Nhớ lại những ngày này tôi phải mỉm cười. Vào bệnh viện tôi mập và sung sướng hẳn ra. Số là ông bà không ăn được thức ăn Tây, có bao nhiêu tôi “xực” hết. Cả ngày ngồi chơi xơi nước, ôm theo chồng sách ngồi đọc, quả là những ngày nghỉ hè nhàn hạ nhất.
Ngược lại thì ông bà chăm sóc tôi rất nhiều. Hồi ấy tôi còn gầy gò, ông cụ bảo anh Duy đi phố Tàu mua thuốc Bắc. Ông bà ở nhà sắc thuốc chờ sẵn, mấy chục thang trong mấy chục ngày, ngày nào đi làm về từ đầu ngõ cũng ngửi được mùi thuốc Bắc từ xa. Ông bà sung sướng xem tôi nhăn nhó uống, và hồi hộp ngồi chờ kết quả. Tôi vốn ốm nhưng chừng một năm sau thì lên 20 lbs, ông bà vui vẻ tấm tắc, quả là thuốc Bắc có hậu, từ từ nó mới thấm và “phát” (Phát phì!). Thấy tôi vất vả làm việc ở hãng, làm thêm part-time ở tiệm in, đưa đón con cái, bao thầu hết các việc nhà vì ông xã làm rất nhiều giờ, ông bà xót xa, cố gắng giúp đỡ. Ông bà rửa chén, xếp quần áo cho chúng tôi. Vừa xếp ông vừa thắc mắc quần áo sao nhiều thế này mà chúng vẫn mua thêm, hoặc không hiểu tại sao chị em chúng tôi trắng trẻo như vậy mà lại có nhiều vớ (pantyhose) màu đen, sao không mua màu trắng cho đẹp!
Ông bà thích đi lễ Việt Nam, đọc kinh với nhóm Cầu nguyện ở Mississauga, nên tôi phải làm tài xế cho ông bà dù lái xe không giỏi. Ông rất thuộc đường, có khi còn nhớ lối vào nhà thờ hơn cả tôi. Ông cũng biết sử dụng máy móc trong nhà, biết bật TV, máy hát, video, đốt lò sưởi... để ông bà ở nhà một mình chúng tôi cũng có thể yên tâm.
Ngày ngày ông bà ngồi xem phim bộ, đọc kinh. Tội nghiệp, lúc đầu chúng tôi quên không chỉ ông cụ cách “rewind” máy cassette. Tình cờ thấy ông bà nghe nhiều lần đoạn chuyện cũ, tôi hỏi:
- Cha mẹ thích chuyện “Cô Ba Trà” này lắm sao mà nghe đi nghe lại vậy?
Ông cụ trả lời:
- Đâu có, vì tới giờ phải tắt máy để đọc kinh, khi muốn nghe tiếp thì máy trở lại từ đầu! 
Ông bà đọc kinh dùm phần của chúng tôi luôn, vì biết chúng tôi bận rộn lười biếng, không biết Chúa có chấp nhận chuyện này không! Hai đứa con tôi buồn lắm khi ông bà về Việt Nam thăm nhà, không có ai mở cửa khi chúng bấm chuông mỗi lần tan học về. Chúng rất yêu quý ông bà Nội, vì chúng biết ông bà rất thương yêu chúng. Ông rất khó ngủ, chúng tôi đi làm, đi họp về khuya chỉ dám len lén mở cửa vào nhà, sợ ông giật mình thức dậy nhưng chưa lần nào ông không biết. Ông luôn nói đôi lời thăm hỏi chúng tôi rồi mới đi ngủ tiếp.
Có lần ông bị bệnh rất nặng tưởng không qua nổi, ông run run nói lời xin lỗi đã có làm những điều để chúng tôi không vui. Tôi rất xúc động và ngưỡng mộ vì tôi biết người đàn ông thuộc thế hệ ông không dễ gì mà nói được lời xin lỗi.
Ngày tháng thấm thoát trôi qua, ông bà về Việt Nam thăm nhà lần nữa và bệnh nặng rồi qua đời. Ông cụ ra đi đúng vào ngày ba ruột tôi mất cách nhau 20 năm, từ nay tôi có thể làm giỗ, xin lễ cho hai người cha cùng ngày. Một anh bạn đã đến chia buồn vì nghĩ là cha ruột tôi mất. Khi biết ông cụ là bố chồng, anh rất ngạc nhiên, anh bảo tôi nhìn rất giống ông cụ, còn anh Duy thì không! Có lẽ trước nay tôi đối xử với ông cụ chỉ bình thường, theo bổn phận nhiều hơn, nếu có thương thì chỉ thương vì ông bà sức yếu, tuổi già nên đây là những dấu hiệu cho tôi biết tôi nên coi ông như cha ruột của mình. Được biết bao người lo lắng, cầu nguyện, yêu thương, xin lễ, chia sẻ... chúng tôi hết sức cảm động và không ngờ ông bà cụ và chính chúng tôi được quan tâm như thế. Ông cụ được qua đời và chôn cất ở quê hương cũng là tâm nguyện của ông. Tôi hiểu nhiều hơn về sự mất mát, tử biệt sinh ly, thấm thía mình phải làm nhiều hơn những điều tốt đẹp để không hối tiếc khi không còn cơ hội. Tôi thấm thía một đời người tuy dài nhưng cũng thật là ngắn ngủi, phải đấu tranh, phải hy sinh, phải chiến đấu tới cùng. 
Tạ ơn Chúa đã cho tôi có được hai người cha để nhớ thương, kính mến. 
Nguyễn Ngọc Duy Hân 

Lời hay ý đẹp về Cha - Happy Fathers' Day
o Trở thành người cha thì dễ, làm bổn phận người cha mới khó
o Cha tôi không dạy tôi cách sống. Ông sống tốt và tôi học từ đó
o Người cha cảm thấy giàu có khi đứa con chạy đến vòng tay mình,    lúc tay ông không có tiền
o Người cha luôn khiến đứa bé cảm thấy mình như người lớn. Rồi khi đứa con lớn lên, người cha chăm sóc và làm chúng cảm thấy mình vẫn bé bỏng như ngày nào
o Đức hạnh và uy tín của người cha là di sản quý giá của người con
o Lời khuyên của Cha: Lòng nhân đức bắt đầu từ gia đình, nhưng không nên chỉ kết thúc ở đó
o Con ạ, im lặng là một đức tính hay, nhưng khi phải lên tiếng mà không dám nói thì lại là hèn nhát
o Con hãy hy vọng vào những điều tốt nhất, nhưng hãy chuẩn bị cho những điều xấu nhất
o Hãy tin tưởng, nhưng đừng trả công hoàn toàn cho ai trước khi họ làm xong việc
o Hãy chiến đấu chống thói lười biếng, vô trật tự. Đừng trì hoãn công việc
Chúc bạn một ngày Fathers’ Day thật đẹp, thật ý nghĩa. Người ta nói: Mùi thơm nhất là mùi bánh mì, Vị ngon nhất là vị của muối. Tình thương lâu bền nhất là tình cha mẹ thương con. Riêng bạn, tình thương và biểu hiện của bạn với cha mẹ và người chung quanh như thế nào? 
Hãy tỏ ra trước khi quá muộn nhé ......

No comments:

Post a Comment