Sub Label Menu bars



Bầu

Bầu
Nguyễn Ngọc Duy Hân

Tiếng Việt mình rất ngộ, hay có những chữ kép, thường thì chữ phía sau làm cho nghĩa của từ được rõ ràng hơn. Thí dụ chữ "họp" thì đi liền với chữ "hành" thành chữ họp hành, nghĩa đúng là họp lại bàn tính xong thì phải hành động, không chỉ nói khơi khơi - giống như chữ học hành. Bạn tôi suốt ngày đi họp lo việc cộng đồng, méo mó giải thích chữ họp hành nghĩa là họp lại để hành hạ nhau, trách cứ nhau, hành nhau làm việc! Nhưng cũng có những chữ kép rất khó hiểu, chẳng hạn chuyện các bà mang thai thì được gọi là vấn đề bầu bì, bì ở đây nghĩa gì thì dốt như tôi đành chịu thua. Ai có khuôn trăng tròn trịa như Thúy Vân thì gọi là mặt bầu bĩnh, tại sao lại bĩnh?!! Nếu nói tới chuyện bầu cử, thì lại có chữ bầu bán, người bạn tôi lại vui vẻ giải thích là vì chuyện bầu cử luôn có liên hệ tới việc mua danh bán tước, nên có bầu thì phải có... bán!
Bên Mỹ - xứ Cờ Hoa - đang rộn ràng việc vận động bầu lại tổng thống, bên Canada, xứ Cờ Lá (lá Phong) cũng đang là mùa bầu cử Liên Bang, tôi hơi “quởn" nên sưu tầm được vài câu chuyện hay hay liên hệ tới việc đi bầu, xin kể ra đây để các bạn cùng đọc cho vui, hy vọng sẽ giúp được ai đó hăng hái hơn xách thẻ đi bầu thực hiện quyền công dân của mình.


Đầu tiên là chuyện bầu cử rất quan trọng, không những ta phải chọn mặt gửi vàng để các đại diện chính phủ đứng ra lo cho dân cho nước, mà nó cũng làm ảnh hưởng tới giá vàng, giá stock của thị trường chứng khoán. Mới đầu năm 2015, ngay sau khi tin lãnh đạo đảng cánh tả Syriza tại Hy Lạp - Alexis Tsipras - chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, đồng Euro xuống giá thấp nhất trong 11 năm. Kết quả cuộc bầu quốc hội Ukraine cũng tác động làm hạ giá vàng thấy rõ. Nói chung thì sau bất cứ cuộc bầu cử nào, kinh tế cũng giao động thay đổi lớn. Tôi có chút xíu tiền trong stock, nhưng cũng lo lo khi mùa tranh cử tới, mong cho nước mạnh dân giàu, thì tiền đầu tư của tôi cũng được ké!
Nói tới tiền thì rất tệ (tiền tệ mà) nên tôi xin nói qua các chuyện vui hơn.

Người dân ở Albion, tiểu bang Idaho nước Mỹ tháng 11, 2013 đã trải qua cuộc bầu cử thị trưởng bằng cách tung đồng xu xấp ngửa. Đây là cuộc đua giữa Don Bowden, thị trưởng sắp mãn nhiệm và John Davis, ứng cử viên mới. Thị trấn Albion rất nhỏ nên tổng số cử tri ở đây chỉ là 120 người. Tuy nhiên, tình thế trở nên gay cấn khi kết quả kiểm phiếu cho thấy đúng 60 cử tri ủng hộ Bowden, còn 60 người kia bầu cho Davis. Luật pháp tiểu bang Idaho quy định rằng khi số phiếu bằng nhau, cử tri sẽ quyết định người thắng cử bằng cách tung đồng xu. Kết quả ông Bowden được tiếp tục phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa, John Davis có tức ấm ách cũng phải chịu.

Chuyện vui khác là chuyện bỏ phiếu từ vũ trụ. Vì phải làm việc trên ... trời, tại trạm vũ trụ quốc tế ISS, cơ quan NASA đã cho phép các phi hành gia Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống trong khi vẫn đang ở trên quỹ đạo cách trái đất hơn 400 km. Các lá phiếu đã được chuyển an toàn tới cơ quan bầu cử Mỹ. Mặc dù số phiếu của các vị này không nhiều, nhưng có giá trị gây tiếng vang cho tinh thần Dân Chủ và cho thấy quyền công dân được thi hành triệt để như thế nào.
Bạn có đọc chuyện tranh cử với xác chết chưa? Số là năm 1872, tổng thống đương nhiệm Ulysses Grant của Mỹ đã thắng được nhiệm kỳ thứ hai quá dễ dàng, bởi đối thủ chính của ông đã chết. Thực ra Grant đã thắng cuộc trước khi đối thủ Horace Greeley qua đời. Grant có 286 phiếu đại cử tri trong khi Greeley chỉ có 66. Tuy nhiên, ngày 29 tháng 11,1872, trước khi cử tri đoàn bỏ phiếu, ông Greeley đã qua đời. Các cử tri từng ủng hộ ông phải phân tán bỏ phiếu cho các ứng viên khác. Cho đến nay, Greeley là ứng viên tổng thống duy nhất của Mỹ chết trước khi cuộc bầu cử hoàn tất.
Kế tới là chuyện bị đột quỵ khi bỏ phiếu. Tại Detroit, Michigan, một cặp vợ chồng già khi đang điền vào lá phiếu thì người chồng bất ngờ té xỉu. May mắn người đứng cạnh đã biết làm hô hấp nhân tạo cho ông già tỉnh lại. Câu đầu tiên cụ ông hỏi sau khi tỉnh dậy là: “Tôi đã bỏ phiếu chưa?” Cụ ông sau đó đã cố gắng hoàn thành việc bầu bán rồi mới nắm tay cụ bà ra về.
Mặc dù biết mình đang đau bụng đẻ, cô Galicia Malone ở Illinois vẫn quyết tâm hoàn thành việc bỏ phiếu trước khi đến bệnh viện. Bà mẹ 21 tuổi này đã cố gắng ghi tên người mình tin tưởng vào phiếu bầu Tổng thống. Khi được đài phát thanh WBBM phỏng vấn, Galicia chia sẻ: “Lúc đó tôi chỉ cố đọc và thở, đọc và thở". Malone đã ráng bầu trước khi bể bầu, kể cũng là công dân đáng được gắn huy chương tưởng thưởng.
Sau khi cơn bão Sandy quét qua bờ Đông nước Mỹ, khoảng một triệu ngôi nhà tại New York và New Jersey bị mất điện, ảnh hưởng tới nhiều địa điểm bầu cử. Hàng ngàn người gặp khó khăn trong việc đi lại và phải bỏ phiếu trong ánh đèn pin. Chính quyền hai tiểu bang này phải đưa ra nhiều cách giúp người dân hoàn thành nghĩa vụ công dân như được phép bỏ phiếu qua fax hay email, hoặc có thể bỏ phiếu tại bất kỳ chỗ nào, thay vì ở những điểm đúng theo quy định.

Cũng vì cơn bão này, ca sĩ nhạc rap tên là The Game đã tặng $10 000 đô la cho khoảng 500 cử tri bị ảnh hưởng thiên tai có thể tới địa điểm bỏ phiếu. Thậm chí, The Game còn dùng chính xe của anh để đưa đón cử tri đi bầu. Anh rapper này chắc là yêu nước và tin vào tầm quan trọng của việc bầu cử nhiều lắm.

Còn bà Dorothy Ann Van ở Long Beach Island, New York, đang trong tình trạng vô gia cư, dù bão Sandy tàn phá, bà vẫn cố gắng đi bỏ phiếu dù chỉ mặc một chiếc áo choàng tắm ra đường. Đọc chuyện này xong tôi cũng hơi nhột vì dù thời tiết rất tốt, quần áo đầy đủ mà có khi chỉ vì làm biếng, tôi chẳng muốn thực thi quyền công dân, bị ông xã réo mãi tôi mới miễn cưỡng chịu ... bầu!

Chuyện vui vui khác là tổng thống Chechnya Kadyrov đã tới phòng phiếu nhưng lại quên mang theo giấy tờ chứng minh. "Ai chẳng biết tôi là ai", ông tuyên bố đầy tự tin, hơn nữa chung quanh ông có cả một đội "body guard" bảo vệ, nhưng luật là luật, cuối cùng ông vẫn phải cử người về lấy giấy tờ cá nhân mới được quyền bầu. Chuyện này mà xảy ra ở Việt Nam chắc là các nhân viên phòng phiếu sẽ bị phạt nặng vì không biết nể mặt cấp trên.

Chuyện ông tỷ phú Roman Aramovich, sở hữu câu lạc bộ Football Chelsea nước Anh, đã đáp chuyến bay dài 9 tiếng từ Moscow tới Chukotka chỉ để bỏ phiếu rồi đi cũng là chuyện được nhắc tới về bầu cử.
Công dân tốt đi bầu đã đành, tất cả 722 tù nhân tại trại tù Vladivostok đều được đi bỏ phiếu. Công nhận các nước Tây phương tinh thần dân chủ rất cao, và người tù đã được đối xử rất tốt (nghĩ lại càng thương cho người tù "Cải Tạo" của dân Việt, có tội gì đâu mà phải đau khổ, học tập mút mùa! Còn người dân thì đâu thực sự có quyền bầu bán gì khi "Đảng Cử, Dân Bầu", hô hào thành tích cho có lệ mà thôi!

Năm 1788, George Washington lên ngôi tổng thống rất dễ dàng. Khi ấy các đảng phái chính trị chưa được thành lập và Washington là người đầu tiên trong lịch sử Mỹ được bầu làm tổng thống với 100% phiếu của cử tri đoàn. Sau đó hệ thống bầu cử Mỹ trở nên nghiêm túc hơn, vai trò độc tôn của George Washington không còn nữa, các đảng phái chính trị đã nở rộ như hoa mùa xuân, phải tranh cãi kịch liệt về nhiều vấn đề quan trọng như thuế, quyền của chính phủ và chính sách đối ngoại mới có hy vọng được thắng cử.
Tôi cũng nhiều khi cho rằng một lá phiếu của mình có là bao, không đi bầu cũng chẳng chết thằng Tây nào, nhưng khi xem tài liệu thấy nhiều cuộc bầu cử mà kết quả rất khít khao, tôi nhủ lòng phải ráng mà dùng lá phiếu dành phần thắng cho người mình tin tưởng. Chắc là chúng ta ai cũng còn nhớ việc đếm phiếu lại khi ứng cử viên của đảng Dân chủ Al Gore tranh cử với đảng Cộng hòa George Bush vào đầu tháng 11 năm 2000. Qua đến tháng 12 mà vẫn chưa biết rõ ai thắng ai thua vì xảy ra việc kiện tụng, thủ tục đếm phiếu lại. Hình ảnh "để đời" lúc ấy là tấm ảnh nhân viên phải dùng đến kính lúp để soi cho rõ xem thật sự người cử tri đã chọn Bush hay Gore.

Cuộc bầu cử chức giám sát viên địa hạt 1 của Orange County, Cali cuối tháng 1, 2015 cũng đã rất ngang ngửa đối với hai ứng cử viên Andrew Ðỗ và Lou Correa. Có lúc Andrew được 16,202 phiếu, Lou được 16,200 phiếu - hơn nhau đúng 2 phiếu. Cuối cùng Andrew Đỗ đã thắng cử chỉ nhờ hơn 43 phiếu.
Riêng ở San Jose, Scott Hưng Phạm đã trở thành ủy viên gốc Việt đầu tiên trong Hội đồng Giáo dục Alum Rock, thắng cử với con số sai biệt chỉ là 2 lá phiếu, trong số 32 ngàn phiếu bầu. Điều này một lần nữa cho thấy mỗi lá phiếu của cử tri rất quan trọng, nên ta phải rủ nhau “Đi đông, bầu đúng” để mỗi lá phiếu là một tiếng nói quan trọng trong việc chọn người đại diện cho nguyện vọng và quyền lợi của mình.
Bốn năm một lần, nước Mỹ tốn một khoản tiền không nhỏ cho chiến dịch bầu cử tổng thống. Riêng cuộc chạy đua giữa tổng thống Obama và đối thủ Đảng Cộng hòa Romney đã tốn 2,6 tỷ Mỹ kim, ít hơn tí ti so với năm 2008 (2,8 tỷ), khi ông Obama đối đầu với bà Hillary Clinton để giành được chức vụ đại diện đảng Dân chủ. Tuy nhiên, hao tốn nhất đã được ghi lại là ở cuộc tranh cử tổng thống năm 1896, tốn kém gấp 4 lần so với các cuộc bầu cử khác.
Tháng Năm 2014, cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ được coi là cuộc bầu cử lớn nhất trên thế giới kéo dài hơn 5 tuần. Với số dân hơn 1,2 tỷ người, nước Ấn lần này có 815 triệu cử tri. Họ phải bầu ra nghị viện Lok Sabha (Viện Nhân dân) gồm 543 ghế.

Vì không bắt buộc nên tỉ lệ cử tri đi bầu ở mỗi quốc gia rất khác nhau, thường thì chỉ 60% tới 70%. Chỉ có Việt Nam "Xã Hội Chủ Nghĩa" là số một - dù chỉ là dàn cảnh - các cuộc Bầu cử Quốc hội tỉ lệ cử tri đi bầu luôn được báo cáo là 99.99%. Nghe qua thật thấy ngượng, chỉ có các "đỉnh cao trí tuệ" của loài người là chả bao giờ biết ngượng ngùng gì ráo. Chẳng những vì mặt quá dày, những "đỉnh cao" này dường như còn đồng bệnh câm điếc, nên chẳng bao giờ tỏ ra quan tâm tới những lời chỉ trích của người dân và các tổ chức nước ngoài. Ai tin Cộng Sản được thì cứ tin, riêng người dân thì đã biết rõ bộ mặt thật của bọn chúng tỏng tòng tong, chỉ vì còn bị kẹt dưới gọng kềm sắt máu nên họ đành nhẫn nhịn, chờ đợi lịch sử sang trang. Mong ngày người dân Việt được thực thi quyền Công Dân của mình một cách đúng nghĩa không còn xa.

Một số quốc gia trên thế giới đã ra luật bắt buộc người dân phải đi bầu, chẳng hạn nước Úc. Những công dân Úc không đi bỏ phiếu sẽ phải giải thích lý do chính đáng vắng mặt như đau ốm hoặc đang ở nước ngoài, nếu không họ sẽ bị phạt khoảng 20 đô Úc. Riêng tại Canada, số phần trăm người Canada gốc Việt đi bầu rất thấp, có nơi chỉ năm, ba phần trăm. Thượng Nghị Sĩ nước Canada Ngô Thanh Hải đã tâm sự khi xem thống kê này ông đã buồn muốn khóc! Ta không thể ngồi nhà xem TV rồi mong đợi kết quả bỏ phiếu sẽ theo ý mình, rồi than phiền khi đại diện chính phủ không làm đúng việc ích nước lợi dân, không lo cho mình.
Các học sinh tiểu học ở Âu Mỹ, Canada đã được dạy về tinh thần dân chủ, thể thức bầu cử ngay từ nhỏ. Các cháu tôi mới lớp 8, lớp 9 mà đã biết debate, tranh cãi để được bạn học bầu cho mình vào ban đại diện học sinh của trường. Tôi thấy cháu tự vẽ bảng quảng cáo "Hãy bầu cho tôi: Việt Nguyễn" để dán khắp nơi trong trường. Tin rằng thế hệ mai sau sẽ thành công trên con đường chính trị "mainstream" nhiều hơn thế hệ chúng ta.
Gần 40 năm qua, riêng cộng đồng Người Việt tại Toronto và các vùng phụ cận đã hội nhập vào cuộc sống, tham gia vào các sinh hoạt nơi quê hương thứ hai và đã thành công về nhiều mặt như tìm việc làm, ổn định cuộc sống, buôn bán, học hành, lo cho con cái ăn học thành tài, v.v... nhưng nhìn lại vẫn thấy thiếu điều khá quan trọng là đồng bào vẫn chưa tham gia tích cực vào vào việc đi bầu các cấp chính quyền, cộng đồng vẫn chưa có người ra ứng cử các chức vụ trong thành phố (School Trustee, City Councillor) trong tỉnh bang hay cấp liên bang (MPP, MP). Như vậy cộng đồng chúng ta vẫn chưa có được một sức mạnh của lá phiếu đối với chính quyền, và không có người đại diện trong các cấp chính quyền để bênh vực và tranh đấu cho nguyện vọng của bà con trong cộng đồng.
Đây là lúc dù muộn màng nhưng cũng cần phải bắt đầu làm một cuộc vận động để thay đổi tình trạng này. Rất may gần đây một số anh em, giới trẻ có lòng quan tâm tới sinh hoạt cộng đồng đã ngồi lại để thành lập HỘI VẬN ĐỘNG DÂN SỰ - Hỗ Trợ Bầu Cử (Vietnamese Canadian Voting & Advocacy Association - VCVAA) Hy vọng nhóm sẽ có nhiều vận động, hướng dẫn và nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân để cộng đồng Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến hơn về lãnh vực này.

Tôi chỉ là một phó thường dân, trước giờ cũng ơ hờ không quan tâm mấy tới việc bầu cử, nhưng với tiến triển trong cuộc sống, tôi nhủ lòng sẽ cố gắng học hỏi và thực thi quyền công dân - quyền mà biết bao nhiêu người khác tranh đấu mãi mà chưa có - Đừng im tiếng, mà phải lên tiếng. Sắp tới là ngày bầu cử Liên Bang của Canada, bạn bầu cho ai, cho đảng nào là quyền quyết định của bạn, nhưng hãy cố gắng đi bỏ phiếu vào dịp 19 tháng 10 này cho thật đông đủ nhé.

Nguyễn Ngọc Duy Hân


No comments:

Post a Comment