Sub Label Menu bars



Cô gái áo xanh


Cô gái áo xanh
Nguyễn Ngọc Duy Hân
(Viết theo ý chuyện kể của H.)

Trước mặt tôi là một vùng núi đồi lô nhô. Càng đến gần, cảnh trí càng tiêu điều xơ xác với những cành thông gãy vụn nằm chồng chất, những ngọn cỏ bông lau cao ngập đầu, héo hắt trong gió chớm đông. Những hạt sỏi méo mó vàng vọt lăn long lóc theo triền đồi khi có gió thổi qua. Có lẽ, đây là ngọn đồi thấp và buồn nhất của vùng Kansas nước Mỹ. Tôi và Mộ Chi gọi nó là đồi Quạnh Hiu và nghĩ rằng chúng tôi độc quyền chiếm hữu nó. Quả thật, ngoài chúng tôi ra có lẽ không ai có thì giờ, thích thú gì để ghé mắt đến ngọn đồi bé nhỏ, hiu quạnh xấu xí này. Mộ Chi thích cỏ bông lau. Nàng bảo cỏ này ở Nha Trang, khu nhà nàng ngày xưa có nhiều lắm, mỗi khi nhìn những ngọn lau phất phới nàng thấy lòng êm ái, trải rộng dường bao.



Thật ra, đồi Quạnh Hiu trước đây thuộc quyền sở hữu của một mình Mộ Chi thôi. Nàng từ trại Tị Nạn đến Kansas sau tôi, nhưng khám phá và yêu mến đồi Quạnh Hiu trước tôi rất lâu.

Tôi nhớ một buổi sáng của mùa Thu trước, trời trở lạnh và lá rụng thật nhiều, tôi ôm giá vẽ đi lang thang hết đồi này tới đồi kia mà chẳng biết phải vẽ gì, phải làm gì để nộp bài cho trường. Mặc dù là một họa sĩ có tay nghề ở quê nhà, tôi vẫn thấy học Mỹ Thuật ở xứ Mỹ này rắc rối quá, muốn có bằng ra trường không phải dễ. Buổi sáng hôm đó thật lạnh và buồn, vài con chim cất tiếng kêu nặng nề, chắc nịch như tiếng chim vịt của đồng quê Việt Nam. Tôi ngạc nhiên tìm xem đó là loại chim gì thì bắt gặp Mộ Chi ngồi một mình dưới gốc thông lớn nhất, thản nhiên đưa mắt nhìn tôi, một tí xíu nữa là tôi dẫm chân lên nàng rồi. Tôi ấp úng:

- Xin lỗi cô, tôi không nghĩ có ai ngoài tôi ra lại có mặt ở đây....

Mộ Chi vẫn chăm chú nhìn tôi không nói gì. Đôi mắt một mí thật dài, thật nâu như phảng phất màu khói nằm hơi xếch trên khuôn mặt bầu bĩnh. Tôi càng thêm ngượng ngập vì nghĩ có thể đây là một cô gái Đại Hàn hay Á Châu nào khác. Nhưng Mộ Chi nhẹ nhàng trả lời:

- Em cũng không nghĩ là có người nào khác ngoài em ra lại đến đây.


 

 Và chúng tôi quen nhau, lấy ngọn đồi này làm nơi hẹn hò trò chuyện. Mộ Chi rất yêu mến màu xanh. Chưa bao giờ tôi thấy nàng mặc quần áo màu gì ngoại trừ màu xanh. Cũng như tôi chưa từng thấy màu gì hợp với nàng cho bằng màu xanh lá cây này. Nàng ăn mặc rất ngộ nghĩnh. Thường là một chiếc quần màu xanh lá sậm bó sát thân hình mảnh mai. Ngược lại cái áo lại rộng và dài quá khổ, màu xanh non hơn và trang trí bằng đủ các loại nơ ren, nút áo nhiều màu sặc sỡ. Đôi khi tôi tự hỏi: Một cô gái duyên dáng sống động như vậy, với lối ăn mặc như vậy, sao lại có thể ngồi tư lự một mình hết giờ này đến giờ khác một cách u sầu, co rút trên ngọn đồi vắng này. Dù không trả lời được câu hỏi đó, tôi vẫn ngập tràn tình yêu và đang xây mộng uyên ương với nàng.

Mải mê nghĩ ngợi, tôi không biết Mộ Chi đã đến và đứng trước mặt tôi từ lúc nào. Tôi dụi mắt. Chi của tôi đó. Khuôn mặt bầu bĩnh khá tương phản với màu da trắng xanh, đôi mắt xếch đặc biệt và đôi môi hồng ngây thơ với chiếc răng khểnh xinh xắn làm sao. Tôi buông giá vẽ, định hỏi nàng sao hôm nay đến sớm thế, thì Mộ Chi lại quay lưng đi xuống đồi. Lạ thay, hôm nay nàng mặc áo màu đen. Tôi đã dặn kỹ là nàng phải mặc cái áo xanh lá thường khi để tôi vẽ mà! Mộ Chi chạy thật nhanh xuống đồi rồi biến mất, nàng lại dở trò chơi cút bắt rồi. Thỉnh thoảng Chi nói chuyện, hành động hơi là lạ, nhưng tôi lại thích cái ngộ nghĩnh của nàng.

Đuổi theo không được, tôi trở lại gốc thông bày giá vẽ, cọ màu ra sẵn. Mộ Chi đang làm người mẫu cho tôi vẽ một bức chân dung miêu tả sự cô đơn, tịch vắng để triển lãm vào mùa Xuân tới trong trường. Nét buồn trên khuôn mặt tròn trịa trẻ trung rất tương phản là một thách đố cho khả năng hội họa của tôi. Vẽ Mộ Chi, tôi nghĩ tới cái khổ của người phụ nữ Việt, dù với bao gánh nặng trên vai vẫn chịu thương chịu khó hy sinh, vui với bổn phận. Ở nàng có một tổng hợp đặc biệt, vừa ngây thơ vừa đau khổ, vừa ưu tư chịu đựng vừa kiên cường, dù bị nhiều thử thách vẫn vươn lên ngạo nghễ. Bức tranh đã gần xong, khuôn mặt khả ái của Mộ Chi ngơ ngác giữa nền cỏ úa. Chiếc cổ thuôn gầy nổi bật giữa mái tóc nhung dài và chiếc áo hình cánh bướm thật rộng. Tôi lúi húi mãi mà không sao pha được màu xanh cho chiếc áo nàng. Màu xanh lá thật êm, thật đậm thôi mà. Lần nào hầu như tôi cũng pha ra một màu đen bóng nhẫy hắc ám. Đến lần thứ mười mấy, tôi bực mình ném những ống màu xuống đất dẫm đi dẫm lại, làm phụt ra những vòi màu nhão nhoét, mầu sắc đen đúa tối tăm.

Mộ Chi đã trở lại, cô sợ sệt nhìn tôi đang đạp phá:

- Anh Định, sao vậy anh?

Tôi cười trấn an nàng:

- Hôm nay anh không được linh động, anh pha màu áo của Chi không được. Để một chút nữa xem sao.

Mộ Chi khép nép ngồi xuống gốc thông, hai chân co lại đúng tư thế của bức hình mẫu, dáng tư lự cố hữu.

Tôi nhắc:

- Anh hôm nay sao ấy, không vẽ được đâu, Chi nghỉ đi!

Nàng đang mặc chiếc áo cánh bướm màu xanh làm kiểu mẫu. Tôi buột miệng:

- Em mới về nhà thay áo hả, hồi nãy anh thấy em mặc áo đen.

Mộ Chi giật thót người, nàng lắp bắp:

- Em mặc áo màu đen?

Tôi cười, tôi biết cô nàng rất yếu ớt với tâm lý bất an, dễ giật mình về những chuyện không đâu nên vui vẻ đáp:

- Ừ, thì áo màu đen, có gì mà cô ngạc nhiên dữ vậy. Anh chắc không màu nào hợp với Chi bằng màu xanh, nhưng màu đen cũng sang, cũng đẹp lắm.

Mộ Chi gục đầu vào hai bàn tay, run rẩy:

- Trời ơi, áo đen...

Không hiểu sao Mộ Chi cứ bị mặc cảm nào đó dày vò. Tôi đoán nàng sanh trưởng trong một gia đình khó khăn, gò bó nên đâm ra nhút nhát hay sợ hãi. Cũng có thể khi vượt biên sang Mỹ, nàng đi trên chuyến ghe có nhiều biến cố nên còn bị ám ảnh. Rất nhiều thiếu nữ Việt Nam kém may mắn cũng bị rơi vào tình trạng này. Nhiều lần tôi đã hỏi về gia đình, thân thế nàng, nhưng Mộ Chi trả lời rất mơ hồ. Khi mời nàng làm người mẫu, tôi đã đề nghị đưa nàng đến nhà để xin phép gia đình, nhưng Mộ Chi quyết liệt từ chối. Chi cho biết nàng chỉ ở một mình với bà già bảo trợ người Mỹ, vì thế nàng có thể đi đâu, làm bất cứ việc gì không cần phép tắc. Ý nghĩ đến thăm nhà Mộ Chi để tìm hiểu đời sống, sinh hoạt nàng một lần nữa lại đến. Tôi dứt khoát:

- Mộ Chi, để anh đưa em về nhà. Anh sẽ nói chuyện với bà Kathy và viết thư cho gia đình em ở Việt Nam. Anh xin được cưới em...

Mộ Chi rũ xuống như cành hoa héo úa, nàng lắc đầu nói như mếu:

- Thôi mà anh Định, khoan mà anh Định...

Tôi lắc vai nàng:

- Mộ Chi, em phải nói cho anh biết cái gì làm cho em lo lắng sợ hãi vô lý như vậy. Tại sao anh không được biết về gia đình em? Mộ Chi, em yêu anh và bằng lòng làm vợ anh mà phải không?

Mộ Chi gục đầu vào lòng tôi khóc thút thít, những ngón tay bấu vào vai tôi trắng bệch, có lẽ nàng còn có thêm bệnh yếu tim nữa.

- Anh Định, anh có còn thương em khi nghe em kể không?

Tôi gật đầu lia lịa.

Nàng mơ màng:

- Bố mẹ mất sớm trong một tai nạn xe cộ, thế nên hai chị em của em khổ lắm. Nhưng chúng em yêu thương nhau rất nhiều, tuy hai mà một. Chị làm gì, em làm theo, em thích gì, chị thích đó, chỉ khác là em thích màu xanh, còn Mộ Hòa lại thích màu đen. Chúng em luôn bảo bọc, tâm sự và vì nhau. Ba má em hồi còn sống luôn dặn dò nhà chỉ có hai chị em, quyền huynh thế phụ, nên em bỏ học đi làm sớm nuôi nó, tự hứa sẽ lo cho nó hết lòng thay cho mẹ em. Thế nhưng hôm vượt biên, khi Mộ Hòa bị hải tặc bắt đi, em đã sợ hãi trốn trong khoang, không dám ra thế chỗ cho nó. Em đành lòng nhìn nó bị cướp biển lôi đi... Em vẫn nhớ rõ tiếng Hòa hét lên gọi tên em, lúc đó có một ông trong tàu nhào ra kéo Hòa lại, nhưng ông ta bị tên Thái Lan dùng búa đánh bể đầu. Em sợ quá nằm im trốn kỹ hơn.... Chắc Hòa chết rồi anh ạ, vì nó rất bướng bỉnh, có lần nó đã nói với em chẳng thà chết chứ không chịu nhục. Nó chết oan ức đau đớn nên không đầu thai được, đến giờ vẫn vất vưởng theo sát em...

Mộ Chi khổ sở kể tiếp, những chi tiết lộn xộn nhưng thành thật một cách khó hiểu:

- Dường như Hòa không muốn em thương mến ai ngoài nó, nó ganh tị với bất cứ cái gì thân thiết với em. Hôm mới tới đây, thấy em thui thủi một mình tội nghiệp, bà Kathy đem về cho em một con mèo đen tuyền bé xíu thật xinh. Em thương chú mèo con lắm, chăm sóc trò chuyện với nó cả ngày. Đến một buổi kia, em nằm đọc sách, con Mimi nhảy phóc lên nằm trên ngực em, nó đưa chân vả yêu vào mặt em như thường lệ, nhưng rồi bất ngờ lại cào mặt em. Định, anh biết em phản ứng ra sao không? Em ngồi bật dậy, chụp lấy Mimi và đánh thật mạnh vào đầu nó. Nghe nó kêu thảm thiết em càng nổi nóng, em nắm được hai chân nó, xé toạc ra làm đôi, máu thấm ướt quần áo em, màu đỏ ngập chìm trong lớp vải màu đen trơn bóng. Anh biết, đâu có bao giờ em mặc quần áo màu đen... Từ đó em để ý, hễ cái gì em thích, em yêu đều có thể đổ vỡ, bị giết chết mau chóng. Em sợ hãi vô cùng nên không dám tiếp xúc với ai, không đụng chạm tới vật gì nữa. Ngày ngày, em lên đồi Quạnh Hiu để lánh xa mọi người, để dành giờ trò chuyện với Mộ Hòa em gái của em. Không ngờ, em lại gặp anh...

Nàng xòe hai bàn tay nhỏ nhắn xanh xao ra nhìn và ôm mặt khóc nức nở.

Tội nghiệp Mộ Chi, nàng yếu đuối và bị những ám ảnh bất thường làm sao. Dần dần tôi phải giúp nàng sống thoải mái, yêu đời trở lại mới được. Nếu cần, tôi sẽ mang Chi tới gặp bác sĩ tâm lý, tôi tin sẽ trị được bệnh tâm thần vớ vẩn của nàng. Dù quá khứ vượt biên hãi hùng thế nào, thời gian sẽ là liều thuốc bổ chữa lành vết thương tinh thần đó. Tôi ôm Mộ Chi vào lòng, thấy thương yêu nàng hơn bao giờ, thấy xót xa cho thân phận người con gái Việt Nam, thấm thía nỗi buồn tị nạn lưu vong. Núi đồi xào xạc trong gió, như muốn thầm nói với nhau: Xem họ yêu thương, hiểu nhau như thế nào.

Mộ Chi bỗng lắc mạnh vai tôi:

- Anh Định, anh đừng đến đồi Quạnh Hiu này nữa, Mộ Hòa đã biết, thế nào nó cũng sẽ tìm anh và hại anh...

Mộ Chi lại lên cơn nói lung tung nữa rồi. Tôi đưa nàng xuống đồi để ra về, vừa đi vừa an ủi, trấn an:

-Lúc trên tàu em trốn là phải, em mà ló ra thì hải tặc sẽ bắt cả hai... Em đừng ân hận dày vò mình như thế nữa nhé...

Cả tuần sau, ngày nào tôi cũng trở lên đồi nhưng không gặp Mộ Chi ở đó. Bức vẽ vẫn dở dang, dù chỉ cần tô màu cho chiếc áo nữa là hoàn tất. May thay, lần này pha đến lượt thứ ba thì tôi reo lên mừng rỡ. Màu xanh tôi muốn đây rồi - Màu xanh thật mát, thật êm, thật đặc biệt, chẳng bù với những lần trước, trộn mãi mà cứ ra một màu đen hắc ám kỳ cục. Tôi vừa huýt sáo vừa tô vẽ, đến trưa thì bức chân dung hoàn tất, tôi hài lòng ngắm nghía và chợt có ý định tặng riêng cho Mộ Chi, không đem đi triển lãm nữa.

Tôi hăng hái dọn dẹp cọ màu lái xe băng băng xuống phố ra về. Đến nhà tôi khoe ngay với người bạn chung phòng:

- Ê Bằng, đẹp không?

Bằng ậm ừ:

- Mộ Chi, Mộ Chiếc gì của cậu đó hả, nhìn cũng ngồ ngộ...

Tôi biết Bằng đang buồn vì bị bồ đá. Khuôn mặt đẹp trai với mái tóc dài ủ rũ không chải sấy trông tức cười làm sao. Được cái bị nàng nào bỏ xong Bằng cũng rầu rĩ một thời gian ngắn rồi lại có cô khác ngay. Tôi hỏi Bằng:

- Cậu có giấy hoa không Bằng, tôi muốn gói bức tranh này để tặng Mộ Chi.

Bằng liệng cho tôi tờ báo:

- Giấy hoa giấy lá gì cho lôi thôi, gói giấy nhật trình cho rồi.

Lừ đừ, Bằng rút thêm cây súng ở túi quần ra bảo tôi:

- Có mượn cái này không thì tôi cho mượn. Mới mua đó, ở xứ Mỹ này phải có súng trong nhà bảo vệ trộm cướp. Nhân tiện ngày mai tôi sẽ mang súng tới gặp Mỹ Phụng để dứt khoát vấn đề, nó không thể bắt cá hai ba tay được!

Khi người ta phải dùng đến vũ khí để dọa nạt, xin xỏ tình yêu, khi ấy người ta thất thế nhất. Hơn nữa Bằng rất mau quên, đắt đào nên tôi không thèm góp ý, loay hoay gói bức hình Mộ Chi lại. Vô tình, một hàng rao vặt trong tờ báo đập vào mắt tôi: Tìm chó bị thất lạc, lông màu đen, giống chihuahua, ai thấy xin liên lạc bà Kathy Clark, số nhà....Đây là tờ báo Anh ngữ địa phương trong vùng. Lời nói hôm nào của Mộ Chi bỗng vang vang trong đầu tôi:

- Anh Định, anh tin không, chính bàn tay em đã giết chết một con mèo, một con chó và một con chim, chỉ vì em yêu thương chúng. Bà Kathy lạc chó khóc quá chừng, ngày nào cũng hồi hộp trông chờ nó trở về hay có ai trả lại, bả đâu biết em em là thủ phạm và đã mang xác chó bỏ vào thùng rác...

Tim tôi hụt đi một nhịp, tôi lớn tiếng gọi Bằng:

- Bằng, cậu làm ơn đi với tôi tới nhà Mộ Chi đi!

Bằng nheo mắt:

- Đi xem ông bà âu yếm nhau à, vả lại cậu bảo nàng dấu không cho biết địa chỉ mà.

- Bây giờ thì biết rồi.

Tôi lôi Bằng ra xe. Bằng ôm bức tranh Mộ Chi cằn nhằn:

- Làm gì mà như cháy nhà vậy, cậu đi mà quên mang theo đại tác phẩm tặng người đẹp nè!

Tôi và Bằng tìm ra nhà Mộ Chi không khó lắm, nhờ địa chỉ mất chó của bà Kathy. Nhà nằm khá xa đồi Quạnh Hiu và rất vắng vẻ. Tôi xót xa khi nghĩ tới đoạn đường dài và dốc hằng ngày Chi phải cuốc bộ lên đồi, trong khi nàng nhất định không chịu để tôi đưa rước.

Ngôi nhà xây theo kiểu cổ, có cả tầng hầm basement. Có lẽ đã lâu ngày không ai sơn phết, tu sửa nên trông nó loang lỗ, lạnh lẽo làm sao. Tôi hấp tấp bấm chuông, tiếng kinh cong nghe rờn rợn. May mắn, người mở cửa là Chi, nàng mặc chiếc áo đầm dài tới gót màu xanh lá mạ có hình con mèo đen trước ngực.

 Tôi vào nhà, giới thiệu Bằng và Mộ Chi rồi quan sát chung quanh. Không khí ẩm thấp tối tăm, lò sưởi tắt ngấm dù trời khá lạnh. Những bức tranh cổ, những hình điêu khắc các loại thú kỳ quái treo đầy vách phòng khách. Bức hình chụp bà Kathy già nua, khó khăn với cái mũi quặp trông như bà phù thủy treo ngay giữa lối ra vào. Hèn gì Mộ Chi chẳng trở nên xanh xao yếu đuối, sợ hãi vu vơ. Tôi cũng có nghiên cứu chút chút về phong thủy, thấy căn nhà này cần phải tu sửa rất nhiều mới khá được. Quả vậy, Mộ Chi ở trong căn nhà thênh thang lạnh lẽo này, cộng với bản tính nhạy cảm, bị mồ côi cả cha lẫn mẹ bất ngờ, rồi trên chuyến hải trình lại mất đứa em trong tay hải tặc, hèn gì Chi chẳng bị ám ảnh. Tôi phải dứt khoát đem nàng ra ở một chỗ khác, rồi giúp nàng cởi bỏ hối hận mặc cảm để sống yêu đời vui vẻ hơn.

Mộ Chi đẩy tôi ra cửa:

- Anh Định, tại sao anh lại đến đây, làm sao anh biết? Em sẽ lên đồi với anh.

Tôi bướng bỉnh kéo ghế ngồi xuống:

- Chi, có bà Kathy ở nhà không, anh cần nói chuyện.

Nàng lắc đầu nguầy nguậy:

- Không, không còn ai cả...

Rồi quay qua Bằng cầu cứu:

- Anh Bằng, anh nói anh Định về đi, rồi Chi sẽ lên đồi ngay.

Tôi cầm tay Mộ Chi:

- Chi, cả tuần nay anh chờ em trên đồi, em ở nhà có buồn không, tại sao không cho anh gặp?

Bằng có vẻ tò mò, thích thú theo dõi câu chuyện giữa tôi và Mộ Chi. Hắn cũng tự động kéo ghế ra ngồi cười tủm tỉm.

Tôi xé tờ báo gói bức tranh, đưa cho Mộ Chi xem:

- Anh tặng cho Chi đó, mới hoàn tất nó hồi sáng này, em xem có ưng ý không?

Nhưng tôi, Mộ Chi và Bằng đều sững sờ nhìn bức vẽ. Nó đã đổi màu, đổi dạng như bị sũng nước. Mộ Chi bé nhỏ xinh xắn của tôi đã biến thành một cô gái nhìn trẻ hơn nhưng dữ tợn với cặp mắt xếch sắc lẽm, đôi môi dầy xám ngoét và khuôn mặt nhăn nhó như bị tan rữa với dòng máu đỏ trên đầu chảy rỉ xuống mặt. Chiếc áo cánh bướm như lay động, màu áo thật đen, thật bóng, thật hắc ám. Mộ Chi rú lên thảng thốt, nàng chạy đâm sầm vào gốc cột bằng gỗ có gắn hình đầu con sư tử đang nhe răng há miệng ở giữa nhà. Bằng và tôi đứng bật dậy, tôi đỡ lấy nàng.

Trong thoáng chốc, Mộ Chi cũng từ từ biến dạng ghê gớm như trong bức tranh. Mắt nàng long lên sòng sọc, môi mím lại thù hận, hai tay ngón nhọn lễu đưa ra chờn vờn. Chiếc răng khểnh duyên dáng gợi cảm giờ như dài hơn, ma quái hơn.

Bằng rút súng ra, hét lớn:

- Định, chạy đi, coi chừng cô ta bóp cổ cậu đó!

Bàn tay Mộ Chi lạnh toát siết chặt cổ tôi, càng lúc càng chặt, càng lạnh. Tôi tối tăm mặt mũi, đá mạnh nàng về phía gốc cột, tôi và nàng ngã sóng xoài, chiếc áo màu đen của nàng bị bật tung vài hạt nút.

- Đoàng, đoàng!!


 

Mấy phát súng nổ xé tai, không gian như chấn động. Tay siết Mộ Chi trên cổ tôi nới dần, nới dần, tôi lảo đảo bò dậy thở hổn hển. Trên gốc cột, vài vết đạn đi xuyên qua làm nó trở nên sần sùi nhám nhúa. Chiếc đầu sư tử bị vạt mất miệng, chỉ còn đôi mắt như càng long lên giận dữ.

Dưới nền thảm xám, cô gái áo xanh nằm sấp mặt, mấy phát đạn chính xác trên lưng đã khiến nàng chết tại chỗ, những vòi máu đỏ tuôn lai láng, phun ướt đẫm trên nền vải màu xanh lá mạ tươi mát...

  

Nguyễn Ngọc Duy Hân

 

No comments:

Post a Comment